Chi tiết tin tức

Đến thăm chùa Cổ Thạch, chốn bồng lai tiên cảnh

12:03:00 - 05/03/2015
(PGNĐ) -  Nằm ở địa phận xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 100km, chùa Cổ Thạch nằm trên vùng núi đá hoang sơ với cảnh quan đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.
 
Chua co thach

 

Mùa Xuân, mùa Giêng là mùa của niềm vui đi hành hương đối với người dân Việt, tìm đến những nơi thanh tịnh yên bình để vãn cảnh chùa chiền, thắp hương cầu an lành cho bản thân gia đình, và cũng để cho tâm hồn được tận hưởng những giây phút thư thái nhẹ nhàng trước khi bước vào năm mới.

Có hàng trăm hàng ngàn ngôi chùa trên mọi miền đất nước ta. Mỗi ngôi chùa mang một nét đẹp, một câu chuyện riêng. Và ở địa phận xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 100km, có một ngôi chùa  không phải nổi tiếng hàng đầu, nhưng ai đã một lần đặt chân đến đều yêu thích. Đó là chùa Cổ Thạch, một ngôi chùa độc đáo nằm trên vùng núi đá hoang sơ với cảnh quan đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.

Chùa Cổ Thạch còn gọi là chùa Hang, bởi tương truyền rằng trước đây, khu vực này có nhiều hang động, nhiều lời đồn thổi về những chuyện bí ẩn xung quanh các hang động nơi đây, nên dân gian gọi là chùa Hang. Chùa nằm trên một ngọn đồi đá núi lởm chởm, cao 64m so với mực nước biển.
Chua co thach
 Một ngọn tháp với kiến trúc đặc sắc và tuyệt đẹp.
Chua co thach
Mái chùa nhấp nhô xen lẫn giữa những tán cây xanh mát..
Ngôi chùa cổ kính kỳ lạ này đã trên 100 năm tuổi và là một quần thể kiến trúc liên hoàn kết hợp với địa thế núi non tự nhiên, tạo nên một cảnh quan hết sức độc đáo. Chùa do Thiền sư Bảo Tạng khởi lập khai sơn vào năm 1835, sau nhiều lần trùng tu kiến tạo đã trở nên bề thế và trang nghiêm hơn, giờ đây trở thành một quần thể kiến trúc phong phú liên hoàn với các điện thờ, gian thờ, am thờ, hang cốc.. xen lẫn với núi đá rừng cây và gắn kết với nhau trong không gian rộng khoảng 4ha.
Chua co thach
Gian chính điện của Cổ Thạch Tự bề thế uy nghiêm. 
Chua co thach
 Lối đi vãn cảnh chùa thường len giữa những khối núi đá tạo không gian mát rượi, cùng với những bức tượng nằm rải rác ở sân chùa.

Có những am điện thờ nằm bên dưới khối đá khổng lồ đến khó tin. Có những khối đá nằm cheo leo tưởng không thể chống đỡ được và sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào, nhưng vẫn uy nghi như vậy không di dời thay đổi qua bao năm tháng.. Có những gian thờ nằm lọt thỏm bên giữa những khối đá to.

Nơi đây còn có rất nhiều hang động kỳ bí, khi xưa còn tương truyền rằng có hang động là nơi sinh sống của thú dữ, của thần linh.. Ngày nay, nhiều hang động đã được khai hoang thành những gian thờ, mỗi hang thờ một vị Phật, hay một vị Bồ Tát, hay một nhà sư đã có công khai khẩn và xây dựng chùa.

Chua co thach
Nhiều bức tượng được khắc, chạm lên núi đá.. 
Chua co thach
 Có những điện thờ nằm nép mình dưới những khối đá đồ sộ..

Nơi đây còn là một điểm đến có ý nghĩa bởi còn lưu giữ nhiều cổ vật có niên đại từ nửa đầu thế kỷ 19, có giá trị lịch sử rất cao..

Đường lên chùa thanh tịnh mơ màng như đi giữa chốn bồng lai. Cỏ cây xanh tốt, hoa nở bốn mùa, nhìn xa xa dưới chân núi là biển cả mênh mông vỗ sóng ngày đêm. Thỉnh thoảng khách vãn chùa sẽ thấy tượng Phật đang nằm thong dong giữa bốn bề mây nước, hoặc một bức tượng uyển chuyển giữa trời xanh.. Trên đỉnh núi Linh Thứu xa xa là nơi mô tả các điển tích, câu chuyện trong Phật giáo..
Chua co thach
Tượng Phật nằm ngoài trời.. 
Chua co thach
 Một điện thờ trong hang đá..

Những ngày đầu năm vãn cảnh chùa, thả hồn mình nơi chốn thanh tịnh bình yên, cũng là lúc tìm lại được sự thư thái trong tâm hồn, sự bằng an trong trí óc, và bắt đầu một năm mới an bình..

 

 
Chua co thach
 Quanh chùa là quang cảnh thiên nhiên rộng lớn, núi đá xen lẫn cây rừng, nhìn xuống là biển cả một màu xanh biếc..
Chua co thach
 Hoa bằng lăng nở tím một góc trời.

 

Mách bạn:
- Để đến chùa Cổ Thạch Tự, bạn đi từ Sài Gòn đến Thành phố Phan Thiết, từ đó tiếp tục đi khoảng 100km đến ngã ba Liên Hương. Ở đây có bảng chỉ đường để rẽ phải vào thị trấn Liên Hương. Từ thị trấn bạn sẽ thấy nhiều bảng chỉ dẫn đến chùa, hoặc hỏi người dân địa phương, hầu như ai cũng biết..

- Chùa nằm trên một quần thể rộng lớn, nên cần ít nhất 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ để tham quan cho hết. Từ chính điện bạn có thể men theo những lối đi để lên tới đỉnh Linh Thứu Sơn, từ đây có thể bao quát toàn cảnh quan xung quanh rất đẹp.

- Gần chùa không có khách sạn cao cấp mà chỉ có nhà nghỉ bình dân cho khách hành hương. Giá cả nghỉ qua đêm cũng rất rẻ..

- Gần bên chùa có bãi đá Cà Dược, là một bãi biển vô số những viên đá màu tuyệt đẹp, đã đến chùa thì bạn cũng nên ghé qua bãi biển này.

- Đi chùa khách hành hương thường ăn chay, nhưng ở Tuy Phong cũng có nhiều món hải sản tuyệt ngon, bạn có thể thưởng thức và nhớ đừng bỏ qua món cá đục nướng, hay con dông nướng muối ớt, là đặc sản chỉ có vùng này mới có.

Bài - ảnh: Huỳnh Thu Dung ( Một thế giới)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin