Chi tiết tin tức

Ký Sự Hành Hương Nhật Bản

18:43:00 - 26/04/2016
(PGNĐ) -  Kyoto là một thung lũng nhỏ có 1.500.000 dân, hơn 11 thế kỷ. Nơi đây có 18 công trình di sản văn hóa thế giới. Chùa Vàng Kinkaku-ji và chùa Thanh Thủy là hai di sản văn hóa thế giới.

Nhật Bản là một nước văn minh đứng thứ ba trên thế giới. Nhật Bản còn một tên gọi thân thương là xứ sở hoa Anh Đào. Chúng tôi có duyên đến Nhật Bản hai lần. Lần đầu tiên vào năm 2015 chúng tôi được tháp tùng đi với Sư phụ Nhật Từ trong chuyến hoằng pháp tại Nhật.

Nhân chuyến đi hoằng pháp lần này nên Sư phụ Nhật Từ muốn tạo duyên cho các Phật tử tới tham quan các ngôi già lam cổ xưa cũng như hiện đại cùng các danh lam thắng cảnh của đất nước Nhật Bản nên Sư phụ đã tổ chức hành hương nhằm vào mua hoa anh đào năm nay. Do nhân duyên thù thắng nên chúng tôi lại một lần nữa cùng tháp tùng với Sư phụ. Đoàn chúng tôi tổng cộng có 36 người, trong đó có 27 người ở Việt Nam và 3 người ở Úc, 4 người ở Pháp và 2 người ở Đức.

Đoàn hành hương vỏn vẹn chỉ có 7 ngày, sau đó 7 đệ tử chúng tôi đã ở lại theo tùng pháp với Sư phụ ở các chùa và đạo tràng thêm 1 tuần.

Cách đây 5 năm, chúng tôi đã đăng ký đi hành hương Nhật Bản nhưng do nhân duyên không hội đủ nên chuyến đi hành hương Nhật Bản đã bị hủy bỏ vì năm đó đã xảy ra nạn thiên tai lớn tại Nhật. Do đó, khi nói đến việc đi hành hương nơi đất Phật cũng như các thánh địa Phật giáo đều phải có đủ duyên lành thì mới thành tựu được.

Cũng vậy, chuyến hành hương lần này, đã có 56 người đăng ký nhưng vì lúc này là mùa hoa anh đào tại Nhật Bản và là mùa cao điểm của khách du lịch nên hãng máy bay không thể đáp ứng được số lượng, vì vậy Sư phụ đành phải cắt bỏ 20 người đăng ký sau.

Trưởng đoàn là Sư phụ Thích Nhật Từ và người hướng dẫn viên cho đoàn là anh Nguyễn Quốc Toàn. Sau khi đáp xuống phi trường quốc tế Narita tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đoàn đã khởi hành đến Ibaraki để tham quan tượng Đại Phật Ngưu Cửu Ushiku Daibutsu bằng đá, cao 120m. Chiều cao ở tầng 5 là 80m và lên trên đỉnh là 120m. Sau đó chúng tôi tham quan trung tâm buôn bán Aeon Mall Tsukuba rồi tiếp tục di chuyển đến tham quan khu vườn Kairakuen và đây là điểm cuối của ngày đầu tiên.

Ngày thứ hai chúng tôi rời Ibaraki đi tới Nikko, nơi đây có một đền thần vĩ đại Nikko Toshogu của một đại tướng Nhật Bản được xây dựng hơn 10 thế kỷ. Đây là biệt phủ của ngài đại tướng. Nikko nghĩa là Nhật Quang và Tosho nghĩa là Đông Chiếu. Sau khi dùng trưa xong, đoàn được chở đến tham quan thác nước Kegon, Hồ Trung Thiên Tự Chuzenji.

Ngày thứ ba, đoàn rời Tokyo đi tham quan Tháp Tokyo Sky Tree là tòa tháp truyền hình độc lập cao nhất thế giới, được mở cửa cho khách tham quan từ tháng 5 năm 2012. Nơi đây đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của Tokyo với một tòa tháp ở chính giữa và tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi và giải trí của Tokyo Solamachi bao bọc chung quanh. 
Đoàn tiếp tục đi dọc con đường Nakamise để đến chùa Thiển Thảo Asakusa Kannon. Đây là ngôi chùa cổ nhất Tokyo, trong chánh điện thờ Bồ tát Quan Âm. Chùa được hoàn thành vào năm 645 và là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn ở Tokyo.

Kế đến chúng tôi đi tham quan Hoàng Cung của Nhật Hoàng. Hoàng Cung đã bị phá hủy vào Thế chiến thứ II nhưng công trình đã được dựng lại tráng lệ như ban đầu. Cũng giống như dinh thự dành cho các vị lãnh tụ quốc gia trên khắp thế giới, các tòa nhà của Hoàng Cung và khu vườn bên trong đều không mở cửa tiếp đón du khách. Ở Nhật Bản, Hoàng Cung không mở cửa cho khách tham quan như ở Thái Lan hay các nước khác. Họ chỉ mở cửa vào ngày 23 tháng 12 và ngày 2 tháng 1 hàng năm. Do đó, chúng tôi chỉ tham quan bên ngoài và chụp hình cảnh trí để lưu niệm.

Ở Tokyo có nhiều công viên hoa Anh Đào (Sakura) nổi tiếng như công viên Shinjuku ở vùng Chidorigafuchi, công viên Uneo, v.v… Đoàn được đưa đến công viên đẹp nhất Tokyo để ngắm hoa anh đào. Trong công viên có hơn 1000 cây hoa anh đào nhưng rất tiếc khi chúng tôi tới đây thì chỉ có vài cây anh đào nở, còn một số cây chuẩn bị nở. Tại đây du khách có thể chiêm ngưỡng một rừng hoa đào màu hồng và chụp hình lưu niệm. Sau đó chúng tôi được đưa đến trung tâm điện tử nổi tiếng nhất thế giới Akihabara và Ginza của Nhật Bản.

Ngày thứ tư, chúng tôi từ Kawaguchiko đi tham quan núi Phú Sỹ. Núi Phú Sĩ là ngọn núi lửa cao nhất Nhật Bản 3776m. Người Nhật xem đây là “ngọn núi thiêng” hay còn gọi là “ngọn núi thần” che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành và may mắn. Nơi đây được xem như một biểu tượng thiêng liêng mang linh hồn và văn hóa của dân tộc. Vì thời tiết còn nhiều sương mù và tuyết, do đó đoàn chỉ được đưa tới trạm thứ nhất trong năm trạm của ngọn núi. Tại đây chúng tôi thấy có nhiều tuyết ở chung quanh và như đang trong mùa đông. Tuy nhiên, vì là mùa xuân nên tuyết chỉ còn đọng lại cho nên không có lạnh lắm. Do đó ai cũng có dịp dọc tuyết, nằm trên tuyết hay ôm các cục tuyết trong niềm vui khôn xiết. Đặc biệt quý chị ở Việt Nam chưa bao giờ thấy tuyết nên rất thích và nặn hình tuyết để chụp hình. Sau đó đoàn được đưa đến một làng cổ Nhẫn Giả Bát Hải Thôn Oshinaza. Đây có nhiều ngôi nhà cổ có phong rêu thật đẹp vô cùng cạnh bên có bánh xe quay nước và vài cây đào rũ xuống mái nhà thật thơ mộng. Du khách từng đợt thay phiên vào chụp hình. Chiều xuống chúng tôi di chuyển về Nagoya để tham quan bảo tàng.

Nói đến Nagoya thì người ta phải nói đến hãng xe Toyota lớn nhất tại Nhật Bản. Đây là thành phố của ông tên Toyota, trước kia ông làm thợ đóng máy dệt bằng gỗ. Sau đó ông đi học ở Âu châu về đổi sang sản xuất xe ô tô. Tới năm 1923 thì xe đầu tiên ở Nhật có là xe Toyota. Hiện tại có tới 50 xưởng sản xuất xe Toyota. Xưởng sản xuất thứ 7 được đặt tại Thái Lan. Chữ gốc của Toyota là Toyoda, nhưng người Tây phương đọc thành Toyota nên sau đó lấy tên Toyota luôn.

Tại Nagoya, người Việt ở rất nhiều gồm có nhân viên hợp tác lao động, các em sinh viên cùng với người Việt định cư tại Nhật. Người giàu có chủ xưởng cũng rất nhiều tại Nagoya.

Ngày thứ năm, đoàn di chuyển đến Thành phố Kyoto. Kyoto là cố đô của nước Nhật. Đây có nhiều câu chuyện huyền thoại với nhịp sống chậm rãi, thanh bình và hài hòa. Ước tính hơn một nửa số chùa, miếu, đền đài, dinh thự cổ kính của Nhật Bản đều tập trung ở Kyoto. Nhà thấp, ẩn hiện và đan xen cây trái, đường nhỏ, phố hẹp, nhiều xe đạp, ít xe hơi, con người phóng khoáng và có một đặc điểm là thích đi bộ.

Kinh Đô đầu tiên được đặt ở Nara hơn 1200 năm. Sau đó Kinh Đô được dời sang Kyoto. Kyoto là một thung lũng nhỏ có 1.500.000 dân, hơn 11 thế kỷ. Nơi đây có 18 công trình di sản văn hóa thế giới. Chùa Vàng Kinkaku-ji và chùa Thanh Thủy là hai di sản văn hóa thế giới. Người Nhật nói một ngày đi tham quan một chùa thì 7 năm mới đi hết các ngôi chùa ở Kyoto. Những truyền thống Kimono, Trà đạo và Ghê Sa đều xuất phát từ Kyoto.

Chúng tôi được đi tới tham quan chùa Thanh Thủy Kyomizudera. Chùa Thanh Thủy còn gọi là Âm Vũ Sơn Thanh Thủy Tự. Nơi thờ Bồ Tát Quan Âm.

 

 

Từ năm 1633 tới giờ, cấu trúc vẫn nguyên vẹn. Từ trên xuống có độ cao và truyền thuyết nói rằng ai nhảy xuống sẽ thoát nạn. Người Nhật rất tin và có 243 người nhảy xuống, tỷ lệ có 70% là sống. Có 3 dòng nước truyền ra, một là cầu cho sức khỏe, hai là sống lâu và ba là thành đạt. Quy định ở đây ghi là chỉ uống hai dòng thôi. Quý vị có biết tại sao không? Vì uống ba dòng thì quá tham đấy ạ! Nói chung, đây là niềm tin mà mọi người chúng ta phải tự suy ngẫm tùy theo căn cơ của mỗi người.

Kế đó lại có một cái đền kết duyên và hai tượng đá cách nhau 18m, có bộ giáp sắt và thanh đao bằng sắt. Tóm lại, người Nhật cũng có nhiều truyền thuyết huyền thoại theo văn hóa của họ, Nhưng chúng ta đi hành hương để chiêm bái Phật và tham quan các ngôi chùa là chủ yếu để đạt được niềm an lạc và ngắm được vẻ đẹp hùng vĩ của các ngôi chùa Nhật.

Dọc theo hai con đường đến chùa nhiều gian hàng bán quà lưu niệm, nào là các quạt giấy rất đẹp, nào là các loại bóp vải Nhật truyền thống rất xinh, nào là các loại tách trà, bình trà, nào là các loại bánh kẹo đặc sản, nào là các đôi đũa Nhật in các bông hoa dễ thương, nào là các món ăn rong biển, hoa củ của quê hương xứ sở Nhật Bản đậm đà tinh khiết và ngon, v.v…

Sau đó đoàn được đến tham quan chùa dát vàng Kinkakuji. Tại đây toàn bộ ngôi chùa ngoại trừ tầng trệt đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất, khiến cho ngôi chùa có giá trị vô cùng lớn. Chùa vàng cũng chính là một biểu tượng có giá trị về tinh thần, đã từng là một Shariden (Chùa Xá Lợi) - di tích của Phật giáo. Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của Chùa Vàng chính là một vị thế rất ấn tượng giữa những tàng xanh của cây và ánh sáng tinh khiết phản chiếu của hồ nước tĩnh lặng. Bức tranh được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại giữa chốn thiên đường và trần thế. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước hư thực làm nên một viễn cảnh nổi tiếng nhất của Kyoto được gọi là Kinkakuji.

Chùa Vàng còn gọi là Lộc Uyển tự hay Kim Cát tự được xây dựng vào năm 1937 do một ông tướng mua đất lập ra cao 12.5m, có 3 tầng. Tầng trên có thờ Xá Lợi Phật, tầng giữa thì thờ Phật. Vào trời tối thì nhìn từ ngoài vào thấy tượng Phật ở trong. Trời sáng thì thấy chùa soi xuống nước. Mùa thu đẹp tuyệt vời hơn bao giờ hết vì có nhiều lá đỏ. Nơi đây thuộc vùng Bắc Sơn, mỗi ngày có khoảng 10.000 người vào thăm viếng và mỗi vé là 600 Yên.

Đến năm 1447 loạn ô linh, ngôi chùa bị đốt cháy và xây dựng lại. Một lần nữa vào ngày 2 tháng 7 năm 1950 lúc 2g30 sáng, một thầy trẻ 20 tuổi dự định đốt chùa và tự tử nhưng sự việc không thành và bị bắt rồi bị kết án 5 năm tù và chết. Sau đó mẹ của Thầy cũng bị bắt và bà đã khai ra lý do tại sao vị Thầy con bà dự định đốt chùa. Về sau có một vị Tướng Quân nằm mơ thấy Phật và nai nên từ đó nuôi nai và gọi là Lộc Uyển Tự.

Chiều xuống, đoàn đón tàu Shinkansen về Osaka. Thành phố Osaka nằm về hướng Nam của Nhật Bản và là một trong thành phố nổi tiếng cho du khách dừng chân sau khi đi qua thủ đô Tokyo. Đoàn dừng chân đi mua sắm tại khu Shinsaibashi. Nơi đây có nhiều siêu thị và mặt hàng lưu niệm của Nhật.

Ngày thứ sáu, đoàn di chuyển về Kobe và tham quan Vương Đường Phật Giáo. Đây là một công trình Phật giáo tầm vóc với khuôn viên rộng nhất Nhật Bản hiện nay được khánh thành vào năm 2008. Chùa này theo Tông phái Niệm Phật Tân Tông. Tân Tông phái được thành lập vào năm 1997. Nơi đây là nơi tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới gồm 40 nước quy tụ về hàng năm.

Tại đây đoàn được một vị Thượng Tọa người Nhật Bản hướng dẫn vào tham quan chùa Vô Lượng Thọ, Núi Tam Bảo và Tháp Thánh Đức Thái Tử. Từ ngoài cổng đi vào phải đi qua 256 bậc, ngang qua khu vực có 500 tượng La Hán đẹp tuyệt vời. Khuôn mặt và tư thế của từng vị đều khác nhau và có một đặc điểm khác thật tinh xảo. Ai cũng công nhận rằng nghệ nhân đúc các tượng La Hán này phải là một vị đã bỏ nhiều tâm vào và nhìn thật có hồn không sao diễn tả hết bằng lời.

Sau đó đi qua các khu vườn cây kiểng hai bên sân rồi đến tháp Đại Hồng Chung nặng hơn 1000 tấn mà khoảng 40 người mới có thể dọng được một tiếng chuông ngân nga kỳ diệu. Khi tiếng chuông ngân lên xao xuyến lòng người, có một vài vị đã xúc động rơi nước mắt, trong đó có tôi. Sư phụ Nhật Từ kể cho Thượng Tọa người Nhật nghe thì Ngài giải thích cũng đã có nhiều người tâm sự như vậy và đó là nghĩ về chúng sanh đang bị đau khổ trong luân hồi vô lượng kiếp khi nghe tiếng chuông để tỉnh thức lại.

Trước khi vào các điện Phật, đoàn được nghỉ chân dùng nước và kẹo. Điện bên trái thờ Bồ Tát Quan Âm, điện bên phải thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, chánh điện chính thờ Phật A Đà, Bồ Tát Quan Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí. Trong các điện Phật thì ôi thôi sự nguy nga tráng lệ như chúng tôi được lạc vào cõi Phật, không làm sao diễn tả được niềm hạnh phúc vô biên, sự an lạc thiêng liêng, một không khí trang nghiêm chỉ có ai có mặt tại nơi này mới cảm nhận được những gì tôi đang diễn tả và viết lên trên trang giấy này.

Tôi có diễm phúc nên đến đây là lần thứ hai, tôi không sao diễn tả được sự diễm phúc vô biên, niềm an lạc không tả và sự tri ân vô bờ bến đến Chư Tôn Đức, quý Phật tử và các vị tình nguyện viên ở đây đã hy sinh tận tụy, không quản khó nhọc và cúng dường tịnh tài, công sức xây dựng và bảo trì cũng như hướng dẫn du khách tham quan. Tôi không thể nào quên được những hình ảnh ở đây từ các việc làm nhỏ cho đến sự thiêng liêng và các pho tượng quý báu và đẹp lộng lẫy như in sâu vào trong tâm trí và ký ức của tôi. Tôi chỉ thầm cầu nguyện cho những ai có đến Nhật tham quan thì cũng sẽ có duyên đến ngôi chùa này để nhận chân ra được mọi việc trên thế gian này không phải chỉ có tiền là có tất cả và không chỉ có tiền rồi mình không tu, không phục vụ người khác, đúng như câu Phật đã dạy “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” như các vị Thầy và các vị Cư Sĩ ở đây đang thực hành hạnh Bồ tát.

Sau đó, đoàn được đưa về Osaka để tham quan tòa Lâu đài Osaka. Đây là một trong những thành quách nổi tiếng nhất Nhật Bản hay còn gọi là Lâu đài Hạc Trắng. Lâu đài này với lối kiến trúc cổ kính, độc đáo nằm trong khuôn viên rộng lớn có rất nhiều hàng cây hoa anh đào xung quanh và được xem là nơi chiêm ngưỡng hoa anh đào đẹp nhất ở Osaka vào mùa hoa anh đào.

Sau khi tham quan ở Kobe, hai phần ba đoàn di chuyển ra sân bay để đáp chuyến bay về Việt Nam, còn 8 Thầy trò chúng tôi đi về Kobe để Sư phụ Nhật Từ có buổi giảng pháp cho Phật tử Việt Nam tại chùa Đại Nam do Đại Đức Thích Nhuận Phổ trụ trì ở thành phố Himeji.

Ngày thứ bảy, chúng tôi được quý cô chú gồm có anh Trung, anh Khỏe, Dì Hòa và Dì Nghĩa đưa đi tham quan Nara. Chúng tôi đi tham quan chùa Đông Đại Tự Horyu-ji là ngôi chùa cổ có một tượng Phật đồng đen lớn. Bốn bên có thờ Tứ Thiên Vương, Hư Không Tạng, Như Ý Thiên Vương, Quang Mục Thiên và đền thờ Xuân Nhất. 

 

Tiếp theo đó, chúng tôi đi đảnh lễ chùa Ngũ Bách Gian. Sau đó chúng tôi quay về Chùa Hòa Lạc do Đại Đức Thích Nhuận Phổ trụ trì để chuẩn bị cho buổi thuyết pháp của Sư phụ.

Ngày thứ 8, chúng tôi được anh Trung phát tâm chở đi tham quan Hiroshima, nơi bị quả bom nguyên tử trong thế chiến thứ hai. Từ Kobe chúng tôi phải đi hơn 300km và mất khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Đường xa nên chỉ có một tài xế lái xe, dĩ nhiên là nhiều mệt nhọc nhưng anh Trung lúc nào cũng nở nụ cười và còn kể cho đoàn nghe những câu chuyên vui làm cho mọi người vô cùng hoan hỷ và nhớ mãi không bao giờ quên. Khi đến đây Sư phụ Nhật Từ đã hướng dẫn tụng kinh và tưởng niệm đến những người đã mất. Chúng tôi cảm thấy đau xót cho những người đã mất khi nhìn thấy các hiện vật trong Viện bảo tàng đầy tan thương thảm thiết. Ở ngoài, khi nhìn thấy các biểu tượng như chim bồ câu, bàn tay thân ái nối nhau, chúng tôi nghĩ thế giới hiện nay nếu mọi người biết dừng lại và thương yêu lẫn nhau thì tình thương giữa người với người sẽ được lan tỏa khắp nơi, trái tim thân ái từ bi mở rộng đón chào nhau và ai cũng biết tha thứ bao dung và buông xả thì thế giới này không còn chiến tranh chết chóc, tranh giành quyền lợi và bạo tàng hay bảo thủ cổ hữu.

Sau khi tham quan xong Viện Bảo Tàng tại Hiroshima, chúng tôi đón phà đi qua hòn đảo Migiyami để tham quan đền Itsukushima. Nơi đây có một cổng nổi màu đỏ cam rực rỡ trên biển rất đẹp tại thành phố Hatsukaichi, nhất là lúc mặt trời lặn. Ở đây quả nhiên là cảnh đẹp vô cùng với hai hàng cây đào rũ hai bên đường, ngoài ra có các tháp đá rêu xanh cùng với các trụ cột cây sơn màu đỏ cam thật lộng lẫy như một bức tranh đẹp tuyệt vời. Sau đó chúng tôi tranh thủ đi đảnh lễ chùa Senko-ji. Đây là ngôi chùa cổ được tìm thấy vào năm 806 và tháp chuông được sơn màu đỏ. Quần đảo thật rộng lớn đi một ngày cũng chưa hết, du khách nếu có thời gian ở lại một đêm thì mới có thể tham quan hết các thắng cảnh thiên nhiên tại hòn đảo này.

Ngày thứ chín, chúng tôi rời Kobe để đi về Nagoya để đến chùa Đức Lâm của người Nhật làm lễ Phật đản. Theo truyền thống của người Nhật, lễ Phật đản bắt đầu từ 1 đến ngày 8 tháng 4 dương lịch. Nơi đây cũng là chùa Phước Huệ của người Việt do Ni Sư Như Tâm trụ trì. Sư phụ giảng pháp cho quý Phật tử đồng hương Việt Nam trên 120 người với đề tài “Làm thế nào để vượt qua những khổ đau.

Sau đó đoàn chúng tôi lại quay về lại chùa Nisshin tại Tokyo, nơi đây cũng là chùa tạm của Hội Phật Tử Việt Nam tại Nhật Bản do Sư Cô Tâm Trí trù trì để dự lễ khánh thọ của Hòa thượng Yoshimizu Daichi.

Ngày thứ 10, đoàn đi tham quan Đại Phật nổi tiếng nhất ở Nhật Bản tại chùa Kotoku-in ở Kamacura. Trên đường đi đến Kamakura thì chúng tôi thấy hàng trăm cây anh đào nở rộ trên toàn thành phố, đặc biệt hai bên đường vào chùa Kotoku-in toàn là hoa anh đào rũ xuống rực rỡ tuyệt đẹp. Khi bước vào sân chúng tôi thấy một tượng đại Phật bằng đồng thao ngồi, cao khoảng 13.35m và nặng 121 tấn. Tượng Phật gốc đầu tiên được an trí trong ngôi chùa, nhưng ngôi chùa bị tàn phá vào thế kỷ thứ 14 và 15 bởi cơn bão và từ đó đến nay, tượng Phật được đặt ở ngoài trời mặc dù ngôi chùa đã được xây dựng lại.

Kế đó, chúng tôi đi tham quan chùa Diệu Pháp Hasedera có thờ tượng Quan Âm bằng đồng màu vàng.

 

 Sau cùng chúng tôi đi tham quan Kiến Trường Hưng Quốc Thiên Tự cũng tại Kamacura.

 

Ở thành phố Kamacura có khoảng 100 ngôi chùa, nhưng chúng tôi làm sao đi hết! Chúng tôi chỉ có thể chiêm bái được vài ngôi chùa trong ngày.

Ngày thứ 11, đoàn đi tham quan chùa Tăng Thượng. Đây là ngôi chùa Tịnh Độ lớn nhất tại Tokyo. Chúng tôi tới đây nhằm ngày đại lễ Phật đản ở Nhật Bản, nên chúng tôi dự lễ và chứng kiến khoảng 60 Chư Tăng làm lễ.

 

 

Sau đó chúng tôi được đi đảnh lễ chùa Bổn Môn Honmonji ở Tokyo được xây dựng vào năm 1674.

Sau cùng chúng tôi đi tham quan đền Vua Minh Trị Meji. Ngôi đền quy mô vĩ đại nhiều kiến trúc cổ và hàng cây rêu phong.

Ngày thứ 12, chúng tôi được chị Vinh và em Quân đưa đi đảnh lễ chùa Vạn Đức ở Tateyamashi thuộc tỉnh Chiba cách Tokyo 80km. Trên đường đi tham quan chùa Vạn Đức, chúng tôi đi xuyên qua một con đường hầm đến một hòn đảo nhân tạo ở giữa biển là Utami Hotaru. Umi Hotaru có nghĩa đom đóm biển được sử dụng làm nơi nghỉ chân tại công trình đường ngầm xuyên biển qua vịnh Tokyo nối Kawasaki, Kanagawa với Kisarazu và Chiba. Buổi tối tại Umi Hotaru, du khách được chiêm ngưỡng toàn bộ ánh sáng lấp lánh từ thành phố Tokyo. Nơi đây du khách có thể mua các quà lưu niệm hay các bánh đặc sản của Nhật không có thuế.

Chùa Vạn Đức có một pho tượng Phật nhập niết bàn lớn bằng đồng cao 4m, xây dựng vào năm 1982 với chiều dài 16m nặng 30 tấn. Theo truyền thuyết của người Nhật thì tượng Phật Niết Bàn hướng về Thái Bình Dương để cầu chúc mọi điều tốt lành kiết tường cho mọi người. Ngoài ra, nếu ai đi 3 vòng thì sẽ đạt được sự an lạc.

Sau đó chúng tôi tiếp tục đi lên núi cao có tượng Phật Dược Sư cao 31.05m và cao hơn nữa có hàng trăm tượng La Hán cổ xưa và một tượng Bồ Tát Quan Âm đứng lớn được tạc trong tường. Khung cảnh xung quanh ở đây với núi non hùng vĩ, các bức tường vĩ đại đứng sừng sững và nhiều rêu phong phủ đầy các hàng cây xanh.

Ngày cuối cùng chúng tôi chia tay đoàn để trở về bổn quốc với sự bùi ngùi và nuối tiếc vì còn quá nhiều di tích thắng cảnh để đi chiêm bái mà thời gian thì có hạn. Mặc dù chuyến hành hương chưa được hai tuần, nhưng chúng tôi cảm nhận được nhiều an lạc và cảm xúc khi được đến đảnh lễ các pho tượng Phật trang nghiêm và vĩ đại đồng thời chiêm bái những ngôi chùa có chiều dài lịch sử. Ngoài ra, chúng tôi cũng được hoan hỷ khi họp mặt các anh chị thiện tri thức từ các nước Pháp, Đức và Việt Nam.

Trước khi dứt lời, chúng con cũng thay mặt cho đoàn xin thành kính tri ân Thầy Nhuận Phổ, Sư Cô Tâm Trí và Ni Sư Như Tâm đã tạo duyên cho đoàn chúng con được tháp tùng với Sư Phụ Nhật Từ nghe pháp cũng như đi hành hương tại Nhật Bản.

Em cũng muốn nói lên những lời thành kính tri ân tới chị Nghĩa, chị Hòa, anh Lên, anh Biên, chị Diệu Nghiêm, anh Khỏe, anh Trung, anh Dương, anh Quảng Trí, chị Diệu Huệ, chị Vinh, anh Sơn, em Lan, em Sâm, em Quân, v.v… đã bỏ thời gian ra đưa đoàn đi tham quan các chùa và thắng cảnh. Một lần nữa, em thay mặt cho đoàn xin cảm niệm công đức của quý anh, chị cùng các em và nguyện chư Phật gia hộ cho quý anh, chị và em Quân cùng gia quyến được nhiều an lạc, sở cầu như ý và sở nguyện tùy tâm.

 

Hải Hạnh

Đạo Phật ngày nay

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin