Chi tiết tin tức

Lên đỉnh núi thiêng đất Phật

20:48:00 - 23/09/2013
(PGNĐ) -  Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ có thể ví như một “Liên Hợp Quốc Phật Tự” vì đây là khu vực tập trung chùa của các nước trên thế giới. 
 
Lên đỉnh núi thiêng đất Phật 1

Chùa Việt trên đất Phật. Ảnh: T.G.

 

Ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự cũng được xây cất ở chốn linh thiêng này. Những ngày lưu lại Phật Quốc Tự khiến tôi như được sống trong khung cảnh thanh bình của một làng quê Việt Nam.

Nhà sư Việt trên đất Ấn

Thầy Nhuận Đạt, người trông coi chùa khi thầy Thích Huyền Diệu (trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự) đi vắng là một người lịch lãm, giản dị. Thầy Nhuận Đạt đang chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Pháp. Thầy Nhuận Đạt kể rằng: Ngày thầy sang đây cũng là một cơ duyên, tình cờ gặp thầy Huyền Diệu và xin thầy ở lại nhà chùa. Được thầy Huyền Diệu cho đi học ở Trung Quốc, khi về trở lại chùa, thầy Nhuận Đạt được giao cho nắm toàn bộ tài chính.

Trong những ngày ở Ấn Độ, đoàn chúng tôi đi thăm các thánh địa liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Đến nơi chiêm bái, bao giờ người ta cũng buộc du khách để giày, dép bên ngoài bậc cửa. Thầy Nhuận Đạt có một cử chỉ mà đến bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng: Thường, thầy là người ở lại sau cùng xếp mấy bộ giày, dép của chúng tôi thành một hàng ngang ngay ngắn với một câu nói thật vui vẻ: “Người Việt Nam ta bao giờ cũng đàng hoàng, chững chạc, chung một hàng ngũ”. Buổi tối thầy lên phòng của đoàn chúng tôi trò chuyện, đọc thơ và hát trong dãy nhà dành cho khách. Ở đây ba người được bố trí một phòng, đặc biệt là không có điều hòa và lắp nóng lạnh ở nhà tắm, mặc dù có điện. Ngoài góc vườn chùa có một chảo nước to đun sôi suốt ngày, ai tắm thì ra xách nước nóng về phòng mình.

Trong phòng các cánh cửa và cửa sổ đều chăng lưới sắt dày chống muỗi. Khi đoàn đi đâu xa vài ngày, tất cả hành lý đều được đưa ra để ngoài cửa phòng, không bao giờ bị mất. Các đoàn khách hành hương về đây ở trong nhà chùa phần đông là các nữ Phật tử. Đến bữa họ tự nguyện xuống nhà bếp nấu các món ăn chay phục vụ chung cho cả nhà chùa.
 
Lên đỉnh núi thiêng đất Phật 2

Tháp Bồ đề Đạo Tràng được tôn thờ tại thánh địa Phật giáo.

Đến nơi Đường Tăng từng chiêm bái

Trong chương trình, có một điểm đến ai cũng háo hức là lên đỉnh núi thiêng Linh Thứu Sơn. Đỉnh núi linh thiêng này đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng bộ kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Một điều làm cho chúng tôi tò mò là nhân vật nhà sư Huyền Trang Đường Tam Tạng trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tây Du Ký” xưa kia cũng đã từng đến chiêm bái Linh Thứu Sơn và mô tả nơi này rất rõ trong ký sự của mình. Chúng tôi thuê xe ô tô cùng thầy Nhuận Đạt đến núi thiêng cách chùa Phật Quốc Tự 80 cây số. Dưới chân dãy Linh Thứu Sơn là một bãi đất rộng để đỗ xe, có hàng quán ăn uống giải khát giống như dưới chân núi Yên Tử lên Thiền Viện Trúc Lâm nước Việt ta.

Có một điều tôi nhận ra rằng ở quanh các di tích liên quan đến cuộc đời Đức Phật, dân rất nghèo. Ở đây có rất nhiều người làm đủ các thứ dịch vụ, cũng có cảnh chèo kéo khách mua quà lưu niệm, có cả người tàn tật lê lết bên đường ăn xin, nhưng cư xử của họ vừa phải, chỉ cần khéo léo chối từ là họ thôi đeo bám một cách vui vẻ.

Ở đây cũng có dịch vụ đổi tiền với những tập tiền mệnh giá nhỏ in hình Thánh Cam Địa (Mahat gandho) nhưng hầu khắp di tích không thấy ai đem tiền rải lung tung trong nơi thờ tự hay trên tượng thờ như ở Việt Nam ta. Thật ngẫu nhiên ở đây tôi bắt gặp một chàng trai Ấn Độ gầy nhỏ đang sử dụng chiếc xe lôi làm phương tiện kiếm sống, trên đó mang dòng “Lạc khoản”: Quà từ thiện từ Việt Nam,  kèm danh tính của một người họ Phạm. Anh bạn trẻ người Ấn biết có đoàn Việt Nam liền chỉ vào cái biển có chữ “Lạc khoản” và nở nụ cười rất thánh thiện. Người Ấn Độ rất hay cười.

Ngày trước thầy trò Huyền Trang phải mất 17 năm (629 – 645) mới từ Tràng An - kinh đô nhà Đường bên Trung Hoa đến Tây Trúc thỉnh kinh, đã lưu lại đỉnh núi thiêng Linh Thứu Sơn này 6 tháng. Con đường dẫn lên núi được xây nhiều bậc đá đi lại, cứ trăm thước lại có nền tháp cũ đánh dấu địa điểm ngày xưa nhà Vua xuống kiệu và tự đi bộ lên núi Linh Thứu Sơn vấn an Đức Phật. Qua khỏi nơi này khoảng 400m có một nền cũ của tháp treo bảng ghi: “Đây là chỗ nhà Vua kêu đoàn tùy tùng rút lui để một mình lên diện kiến Đức Phật”. Thầy Nhuận Đạt bảo đoàn chúng tôi dừng chặng nghỉ chân, ở giữa quãng đường leo núi có một khoảng đất vuông vắn xây bờ tường thấp cho khách ngồi nghỉ giải lao, thầy mua một túm quả nhỏ như những quả táo xanh chia cho mọi người. Vị chát hơi chua tan dần trong miệng xua đi cái oi nóng của thời tiết. Thứ quả này tôi không biết tên nhưng nghe nói được trồng nhiều dọc đường lên đỉnh núi thiêng và dân cư ở đây hái bán cho khách qua đường.
 
Lên đỉnh núi thiêng đất Phật 3

Tác giả những ngày hành hương đất Phật.

Giản đơn cõi Phật

 

Một điều kỳ lạ tôi thấy ở các nơi còn lưu các dấu tích của Đức Phật ít có cảnh thu tiền vé quá cao khi vào thăm viếng, cũng ít có hòm công đức như ở các đền, chùa bên ta. Có những nơi du khách tự nguyện bước vào không có người soát vé. An ninh ở đây dường như là một sự tự giác. Tuyệt đối không có hàng quán bán các loại bia rượu, giải khát có cồn.

Chúng tôi cũng đã dừng chân chiêm bái các động thiền định của những đại đệ tử Đức Phật như: A Nan, Đại Ca Diếp, Xá Lợi Phất … ngày nay vẫn còn lại những cửa động bằng đá mà nhiều Phật tử đến hành hương. Thường, các vòm hang rất thấp bên trong có tượng và bàn thờ Phật, người vào phải cúi khom lưng. Tôi gặp ở đây nhiều hang động rất giống hang Khổ Hạnh Lâm mà Đức Phật từng ngồi tọa thiền khi chưa giác ngộ. Trong các hang này có những ngọn nến lung linh soi lên vách hang ám khói màu đen.

 

Đoàn chúng tôi lên đến đỉnh núi thiêng phải đi dưới những chùm dây chăng cờ phướn đủ các sắc màu, nhiều nhất vẫn là ngũ sắc. Những lá cờ hình chữ nhật trên đó có chép những câu kinh nhà Phật bay phần phật trong gió. Hương thất Đức Phật trên đỉnh Linh Thứu Sơn là một khu đất bằng hình chữ nhật, xung quanh xây dựng lớp gạch đỏ cao khoảng 1m. Ở giữa có một trụ đứng cũng xây bằng gạch để cho các đoàn khách đặt đồ lễ thờ. Hàng gạch xây có trổ cửa khoảng 2m để khách hành hương đi vào trong làm lễ. Nền hương thất cũng lát bằng gạch đất đỏ nung. Trên đỉnh núi thiêng thật lộng gió, nhìn khắp bốn phía không khí an lành. Gần đó có một cửa hang xuyên sâu vào lòng núi. Chúng tôi theo thầy Nhuận Đạt đi vòng quanh hương thất Đức Phật bảy vòng, chắp hai tay cung kính cầu nguyện tâm hồn thật thanh thản. Trên đỉnh núi thiêng, thầy Nhuận Đạt lấy trong ba lô nhỏ của mình cho mỗi người một vòng tràng hạt nhỏ như vòng cườm đeo vào cổ tay thật xinh xắn. Chúng tôi thắp hương trầm khấn nguyện. Ở Ấn Độ có một loại hương trầm đặc biệt. Cây hương xe bằng bột trầm chứ không có lõi tre bên trong. Hương màu đen và hương vàng rất thơm cháy đến tận gốc mà không gãy không tắt, hương trầm thoang thoảng mà ta có cảm giác nếm được vị ngọt nữa. Lên đến đỉnh núi thiêng này tôi có cảm giác tâm trí mình thanh thản lạ lùng, người cứ nhẹ nhõm như trôi bềnh bồng.

Khi xuống đến chân núi, thầy Nhuận Đạt mời mọi người thưởng thức món bánh mì Ấn Độ áp chảo nướng bằng độ nóng của ngọn lửa với một thứ nước súp bột Cà-ri đặc trưng của món ăn Ấn Độ trong một quán hàng bình dân. Thầy gọi hai loại bánh: Bánh mì trắng và bánh mì đen. Bánh mì trắng dẻo hơn, ngon hơn và dĩ nhiên là đắt hơn. Thầy ăn bánh mì đen trước khi chuyển sang mì trắng, thầy bảo: “Đời người trước khổ sau sướng mới hay, ăn cái không ngon trước đến khi ăn cái ngon mới thấy thú vị, ngược lại thì mì đen sẽ thừa ra rất lãng phí”. Ăn xong thầy rủ đoàn nhà văn chúng tôi sang tắm nước nóng ở nhà tắm công cộng gần đó, một cái nhà tắm lộ thiên to, xây nhiều tầng, bậc khác nhau, đổ từ khe núi nước nóng xuống. Thầy Nhuận Đạt giải thích, tầng lớp thượng lưu được tắm ở ngăn ô trên cùng đầu nguồn suối nước nóng, dĩ nhiên là vé vào cửa cũng đắt hơn. Phía dưới cùng là một cái hồ cho dân nghèo tắm tự do không mất tiền. Thì ra xã hội Ấn Độ vẫn đang còn tồn tại các tầng lớp thứ bậc phân chia giàu nghèo khá rõ.

Con người Ấn Độ điềm đạm, lặng lẽ và trong đôi mắt của họ tôi thấy cả sâu thẳm đức tin. Hình như đôi mắt ấy lúc nào cũng nhìn lên, nhìn về đỉnh núi thiêng Linh Thứu Sơn với một sự an nhiên điềm tĩnh. Họ sống bằng nội tâm với cả một bề dày lịch sử mà không cần phải tô điểm, khuếch đại…

 

 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Phú (Gia Đình)

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin