Thăm kinh đô đầu tiên của vương quốc
Nơi đoàn đến thăm trước tiên là một di sản văn hóa thế giới – thành phố Anuradhapura, kinh đô thứ nhất của vương quốc cùng tên trong thời gian từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XI.
Thành phố hiện còn bảo tồn được tám thắng tích Phật giáo, trong đó được sùng kính nhất là cây bồ đề linh thiêng có tuổi thọ hơn 2.200 năm. Đó là một nhánh của cây bồ đề ở Bodh Gaya, nơi thái tử Sidharta ngồi thiền định trong 49 ngày và đắc đạo trở thành Phật Thích Ca.
Nhánh bồ đề này được đưa từ Ấn Độ sang Sri Lanka vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Cây bồ đề linh thiêng nằm cạnh một đền thờ được bao bọc bởi một vùng tường thấp bằng đá.
Trong dãy hành lang quanh đền, rất đông khách hành hương mặc toàn áo trắng chắp tay ngồi cầu nguyện trong tư thế hết sức nghiêm trang. Một cơn gió thoảng qua, vài chiếc lá bồ đề rơi xuống, một số khách hành hương kính cẩn nhặt lên với niềm tin đó là phước lành của Phật ban cho.
Cây bồ đề linh thiêng
Rời ngôi đền với cây bồ đề linh thiêng chúng tôi đến thăm những di tích còn lại của Cung điện Đồng được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm nơi yên nghỉ của các nhà sư. Hiện nay, chỉ còn lại 1.800 cột đá vốn là nền của một kiến trúc chín tầng với 9.000 phòng, mái của cung điện được lợp bằng đồng, do đó có tên là Cung điện Đồng.
Quần tụ chung quanh cây bồ đề linh thiêng còn nhiều kiến trúc cổ kính, tuổi đời lên đến 17, 18 thế kỷ như tòa
bảo tháp Ruwanweliseya cao 100 mét với bức tường bao quanh dày đặc các tượng voi; tòa bảo tháp Thuparama thờ xá lợi Phật với một mẩu xương vai của Đức Phật Thích Ca; ngôi đền đá Isurumuniya nổi tiếng với nhiều tranh vẽ và chạm khắc Phật trên đá; giếng đôi Kuttam Pokuna xây dựng vào thế kỷ thứ VI là hồ tắm của các nhà sư với bờ hồ làm bằng những tảng đá hoa cương chạm trổ hoa văn rất đẹp.
Ngôi đền ở Mihintale
Cách Anuradhapura không xa có khu thánh địa Mihintale, nơi Phật giáo lần đầu tiên được đưa vào Sri Lanka vào năm 247 trước Công nguyên bởi hoàng tử Mahinda con của vua Ashoka của Ấn Độ.
Trên đỉnh ngọn núi đá này có nhiều đền thờ và nhà ở của các vị sư. Du khách phải trèo lên 1.800 bậc thang rộng xây bằng đá hoa cương để lên đỉnh núi, từ đây có thể ngắm nhìn quang cảnh nông thôn tuyệt đẹp chung quanh từ trên cao.
Thăm liên tiếp ba di sản của văn hóa thế giới
Ngày tiếp theo, chúng tôi đi thăm ba di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Đầu tiên là Polonnaruwa, kinh đô thứ hai của Sri Lanka. Nơi đây còn lại phế tích của bức tường thành bao bọc thành phố cổ, cung điện hoàng gia, tượng vua Parakramabahu khắc trên đá, hồ nước Parakrama Samudra, quyển sách bằng đá Potha với chiều dài 8 mét và chiều ngang 4,25 mét.
Đẹp nhất và hoành tráng nhất là Vihara với ba bức tượng Phật tạc trong vách đá trong ba tư thế khác nhau – đứng, ngồi và nằm, riêng bức tượng Đức Phật nằm nghiêng có chiều dài đến 7 mét.
Tượng Phật khắc trong vách đá ở Polonnnaruwa
Từ Polonnaruwa đến di sản Sigiriya, quang cảnh hai bên đường thật thơ mộng giống như đồng quê ở Việt Nam. Những cánh đồng lúa trải dài, đằng xa là những ngọn đồi phủ màu xanh của cây cối.
Tuyệt tác kiến trúc ở đây là ngọn núi Sư Tử cao 200 mét, trên đó từng là một cung điện – pháo đài vĩ đại, nay chỉ còn lại cái nền với một vài mảnh tường. Trong đường hầm lên đỉnh núi, còn những bức bích họa vẽ các cung nữ trong nhiều tư thế khác nhau.
Từ Sigiriya đi về phía nam không xa là di sản thứ ba, đền thờ trong hang động Dambulla. Đền thờ được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và được tu bổ dần qua nhiều thế kỷ. Đây là quần thể gồm năm hang động với hơn 150 tượng Phật, những bức tranh vẽ trên tường và trên trần với tổng diện tích hơn 2.000m2, nổi bật nhất là bức tượng Đức Phật nằm tạc trong vách đá dài 14 mét.
Tượng Phật trong hang đá ở Dambulla
Từ Candy thơ mộng đến Colombo náo nhiệt
Rời Dambulla, đoàn tiếp tục đi về phía Nam để đến Candy, thành phố văn hóa được đánh giá là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới và cũng được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Đây là kinh đô thứ ba của Sri Lanka trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ XVI đến năm 1815, khi thực dân Anh xâm chiếm toàn bộ vương quốc Sri Lanka và đặt thủ đô ở Colombo.
Colombo
Candy nằm trên một cao nguyên với khí hậu mát lạnh quanh năm. Thành phố nằm trong một thung lũng chung quanh có núi bao bọc. Ở trung tâm thành phố là hồ nước xinh xắn, nhà cửa được xây dựng chung quanh hồ và lên cao dần ở các sườn núi chung quanh.
Khách sạn nơi chúng tôi ở nằm trên lưng chừng đồi. Sáng thức dậy, nhìn sương mù giăng giăng, bao quanh các sườn núi làm quang cảnh trở nên rất thơ mộng. Ngôi đền linh thiêng ở Candy có tên là Dalada Maligawa, nơi lưu giữ xá lợi răng Phật được đưa từẤn Độ sang.
Xá lợi răng được cất giữ trong một chiếc mũ bằng vàng nạm ngọc, đặt trong chánh điện ở tầng hai của ngôi đền. Đông đảo các tín đồ mang hoa đến đặt trên bàn thờ trước xá lợi, sau đó quỳ xuống chắp tay niệm Phật rất thành khẩn.
Đền thờ răng Phật ở Kandy
Trên đường về thủ đô Colombo, mọi người ghé thăm trại Voi Mồ Côi, sở dĩ gọi như thế là vì ở đây chỉ nuôi dưỡng những con voi mất mẹ, chứ không bắt giữ voi rừng. Đàn voi ở đây có 60 con được thuần hóa và không thả trở về rừng, chúng được sử dụng nhiều nhất để diễu hành trong những ngày lễ lớn.
Du khách được mời đem bình sữa cho voi con bú, cho chúng ăn lá cây. Thú vị nhất là xem từng đàn voi được các chú nài lùa xuống sông để chúng tắm rửa. Chung quanh trại có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, các bức tượng voi đủ kích cỡ, đặc biệt nhất là những bức tranh vẽ trên giấy được làm từ phân voi.
Điểm cuối của hành trình là thủ đô Colombo, thành phố cảng xinh đẹp bên bờ Ấn Độ Dương với dân số 1,5 triệu người. Thành phố có nhiều tòa kiến trúc xây dựng thời kỳ Anh đô hộ. Các tòa nhà hiện đại chủ yếu là các khách sạn, trụ sở ngân hàng.
Ngoài ra có nhiều đền thờ Ấn giáo, thánh đường Hồi giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa Phật giáo. Phố xá Colombo nhộn nhịp với chợ búa, xe cộ đông đúc khác hẳn không khí yên tĩnh, nghiêm trang của các cố đô.
Hiện nay, đây là thành phố lớn nhất và là thủ đô thương mại của Sri Lanka. Còn thủ đô hành chính là Sri Jayawardenapura Koste, vốn là một khu ngoại ô của Colombo được tách ra.
Thành phố Kandy
Một ấn tượng khác của chúng tôi về đất nước này là người dân Sri Lanka rất hiền hòa và thân thiện, hầu như mọi người dân đều nói được tiếng Anh. Ở những đền chùa mà chúng tôi đến thăm, các nhà sư đều nói tiếng Anh lưu loát.
Từ thành thị đến nông thôn của Sri Lanka đều rất sạch và xanh. Rừng cây bao phủ khắp nơi. Hệ thực vật và động vật được bảo toàn nguyên vẹn. Tất cả những điều đó đã làm nên vẻ đẹp của viên ngọc nằm giữa Ấn Độ Dương.