Chi tiết tin tức "Thiền Đạo": Báu vật châu Á trao tặng thế giới 21:03:00 - 13/06/2018
(PGNĐ) - Sách của Alan Watts hé mở cho bao thế hệ độc giả cánh cửa của chân lý và giác ngộ, nơi cội nguồn phúc lạc và những tiềm năng lớn lao vốn thuộc về con người mà ta chưa chạm đến.
Đối mặt trước cuộc khủng hoảng tinh thần của thế giới hiện đại, Thiền được ứng dụng trong một số lĩnh vực khoa học như y học, tâm lý học… để trị liệu hiệu quả nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến tinh thần. Như vậy, Thiền có đơn thuần chỉ là một phương pháp trị liệu?Cuốn sách "Thiền Đạo" của Tiến sĩ Thần học Alan Watts sẽ giúp bạn tìm câu trả lời thỏa đáng.
Dùng cả cuộc đời mình để đi vào thế giới Đông phương minh triết, Alan Watts thu được thành quả là khoảng 20 cuốn sách có giá trị đã được công bố. Đặc biệt phải kể đến "Thiền Đạo" (1956) - cuốn sách chứa đựng tri thức uyên thâm về Thiền và Đạo.
Với mục đích đưa Thiền và Đạo đến với đông đảo công chúng, Alan Watts cung cấp những tri thức theo từng mức độ chuyên sâu khác nhau. Nhờ đó mà "Thiền Đạo" vừa thích hợp với những độc giả nói chung, vừa hữu ích cho các môn sinh chuyên sâu hơn.
"Thiền Đạo" được chia làm hai phần: Phần đầu nói về bối cảnh và lịch sử của Thiền, phần thứ hai đề cập chuyên sâu đến các nguyên lý và hành trì. Đây được coi là một tài liệu quý giá, có giá trị tham khảo, nghiên cứu cho những ai đam mê tìm hiểu về chủ đề này.
Về mặt lịch sử, Thiền có thể được coi như thành tựu của các truyền thống lâu đời trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Từ thế kỉ 12 trở đi, nó đã bắt rễ sâu và hết sức sáng tạo vào văn hóa Nhật Bản.
Có thể thấy, Thiền là thành quả của những nền văn hóa vĩ đại, là minh chứng cho thứ được gọi là độc nhất vô nhị, có tác dụng dẫn dắt khác thường về con đường giải thoát. Thiền là một trong những món quà quý giá nhất châu Á trao tặng cho thế giới.
Có lẽ, cách tốt nhất để mô tả hương vị đặc biệt của Thiền là “sự trực tiếp”. Trong các trường phái Phật giáo khác, giác ngộ là một thứ gì đó nghe có vẻ xa vời, gần như siêu phàm, chỉ có thể đạt được sau nhiều kiếp sống với nỗ lực kiên nhẫn.
Nhưng trong Thiền, luôn có một cảm giác như giác ngộ là thứ gì đó hết sức tự nhiên, thứ gì đó rõ ràng đến ngạc nhiên, có thể xảy ra bất kỳ hình thức khoảnh khắc nào. Nếu nó hàm chứa sự khó khăn, thì chỉ vì nó quá đơn giản.
Cốt lõi của Thiền là lòng từ bi mãnh liệt nhưng hoàn toàn không ủy mị đối với chúng sinh đang đau khổ và rã rượi vì chính những nỗ lực tự cứu mình của họ.
Không biết nên gọi lại may thay hay rủi thay, Thiền trên hết là kinh nghiệm, mang tính vô ngôn, đơn giản là không thể tiếp cận được theo cách thuần túy sách vở và hàn lâm. Để khám phá Thiền là gì và đặc biệt cái gì không phải là Thiền, chẳng có cách nào khác hơn là phải thực hành Thiền, trải nghiệm nó một cách cụ thể để khám phá ý nghĩa ẩn dưới ngôn từ.
Bằng một thứ ngôn ngữ mang đầy tính huyền hoặc nhưng không kém phần minh bạch, rõ ràng, Alan Watts với tư cách là một học giả phương Tây chứng minh sự am hiểu của bản thân về Thiền và ông đã đem nó đi truyền bá khắp thế giới.
Joseph Campbell từng nhận xét: “Chưa từng có ai cống hiến cho chúng ta một dẫn dắt súc tích, mới mẻ về bộ lịch sử phát triển của tư tưởng Phật giáo ở Viễn Đông như Alan Watts".
Vũ Hậu (Theo news.zing.vn)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |