Chi tiết tin tức

Nghi thức Lễ Hằng thuận (P.1)

19:31:00 - 03/06/2014
(PGNĐ) -  Lễ Hằng thuận là dịp để tân lang và tân nương lắng nghe chư Tôn đức trân trọng truyền đạt những lời Phật dạy về đạo: làm vợ, làm chồng, làm dâu, làm rể và làm cha mẹ tương lai theo tinh thần trong kinh Thi Ca La Việt tức là kinh Thiện Sanh cũng gọi là kinh Lễ Sáu phương dạy về đạo làm người.

 




GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Soạn dịch: TỲ KHEO THÍCH CHƠN KHÔNG
PL.2558 – DL.2014
 
 NGHI THỨC
LỄ HẰNG THUẬN
(Dành cho thanh niên nam nữ Phật tử khi thành hôn)
DỊCH NGHĨA
(Tái bản lần thứ nhất)

MỤC LỤC

1. LỜI NÓI ĐẦU   
2. Ý NGHĨA LỄ HẰNG THUẬN   
3. CHƯƠNG TRÌNH  LỄ HẰNG THUẬN   
4. NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN   

5. PHẦN PHỤ LỤC:   

5.1. NGHI THỨC TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI   
5.2. TÁC BẠCH THỈNH TĂNG TÁC LỄ HẰNG THUẬN   
5.3. TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG  
5.4. KỆ DÂNG HOA QUẢ (2)   
5.5. TIÊU CHUẨN CHỌN BẠN TRĂM NĂM   
5.6. HÔN LỄ NGÀY XƯA   
5.7. HÔN LỄ NGÀY NAY   
5.8. CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỎI   
5.9. CHƯƠNG TRÌNH LỄ CƯỚI   
5.10. LỜI KHAI MẠC TIỆC CƯỚI   
5.11. LỜI CẢM TẠ   
5.12. Mẫu giấy CHỌN NGÀY HÔN LỄ   
5.13. Mẫu THIỆP THỈNH  
5.14. Mẫu Giấy chứng nhận LỄ HẰNG THUẬN   

6. TÀI LIỆU THAM KHẢO
7. PHƯƠNG DANH PHẬT TỬ PHÁT TÂM ẤN TỐNG NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN
 
*****
 
LỜI GIỚI THIỆU
 
Hiện nay, trong giới Phật giáo lưu hành khá nhiều Nghi thức lễ Hằng Thuận dành cho Phật tử khi tổ chức Lễ Thành hôn, có thể nói quyển NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN của TT Thích Chơn Không – Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương là một công trình biên soạn rất công phu, là tập tài liệu quý báu gồm có 2 phần; phần I là Nghi thức Lễ Hằng thuận, phần II là Phần phụ lục. Trong đó có Nghi thức Truyền Tam quy Ngũ giới ngắn gọn súc tích phù hợp với Lễ Hằng thuận và nhiều tiết mục quan trọng khác, để chư Tôn đức Tăng Ni Trụ trì các tự viện tham khảo hướng dẫn cho hàng Phật tử tại gia khi thành hôn.

Biểu tượng tình yêu

 
Là người Phật tử, ai ai cũng mong muốn được sự chỉ giáo của chư Tôn đức Tăng Ni, và sự hộ niệm của mười phương chư Phật, nhất là trong dịp lễ Thành hôn. Vì đôi nam nữ Phật tử bắt đầu thành lập một gia đình mới, một cuộc sống mới với tinh thần tự lập, hướng đến chân thiện mỹ. Lễ Hằng thuận là dịp để tân lang và tân nương lắng nghe chư Tôn đức trân trọng truyền đạt những lời Phật dạy về đạo: làm vợ, làm chồng, làm dâu, làm rể và làm cha mẹ tương lai theo tinh thần trong kinh Thi Ca La Việt tức là kinh Thiện Sanh cũng gọi là kinh Lễ Sáu phương dạy về đạo làm người.

Biểu tượng hôn nhân

 
Theo tôi nghĩ: trong hôn nhân của người Phật tử tại gia không thể thiếu phần lễ nghi thiêng liêng, thể hiện niềm tin của mình đối với Tam bảo. Do đó, nhân dịp TT Chơn Không tái bản quyển Nghi thức Lễ Hằng thuận này, tôi tùy hỷ có đôi lời giới thiệu đến chư Tôn đức Tăng Ni và chư thiện hữu tri thức.
 
Tp Hồ Chí Minh, ngày 01-01-2014
           PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN
VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
  Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
 
*****
 
LỜI NÓI ĐẦU
 
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa quý thiện nam tín nữ.


 
Theo tục lệ xưa nay, trai lớn lên cưới vợ, gái lớn lên lấy chồng đó là lẽ tự nhiên trong đời sống con người. Tuy nhiên, hôn nhân là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong đời sống lứa đôi, bất cứ thanh niên nam nữ nào cũng mong muốn ngày thành hôn của mình phải là ngày thật ý nghĩa, ấn tượng để ghi nhớ mãi trong lòng. Vì đó là bước ngoặt của sự trưởng thành quan trọng nhất mà chính họ là người quyết định cuộc sống tương lai, bắt đầu từ một gia đình mới mà họ là chủ nhân. Vì thế họ không ngần ngại tổ chức lễ cưới thật linh đình, hoành tráng, có đông người đến dự tiệc, nhưng họ có biết đâu đó chỉ là hư danh, không có lợi ích thiết thực và sau đó họ phải làm việc vất vả trong thời gian dài để bù đắp lại các khoản chi đó. Có những thành phần tiến bộ hơn, họ chú trọng đến nội dung hơn là hình thức; nhất là những Phật tử thuần thành thấm nhuần đạo đức lễ nghi Phật giáo, họ muốn tìm đến niềm an vui trong chánh pháp; xây dựng gia đình hạnh phúc trong chánh pháp. Do đó, họ rất mong muốn có một kỷ niệm tâm linh; họ muốn nghe những lời giáo huấn quý báu và lời chúc phúc của chư Tăng, chư Ni trong ngày trọng đại ấy, để lương duyên được mỹ mãn, hạnh phúc được miên trường.
 
Trước những yêu cầu chính đáng ấy, tôi không ngần ngại đem hiểu biết nông cạn biên soạn quyển Nghi thức Lễ Hằng thuận này, vừa đáp ứng nhu cầu của chư Tôn đức khi tổ chức lễ Hằng thuận, cũng vừa góp phần thực hiện chương trình Phật hóa gia đình của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN.
 
Do đó, chúng tôi rất mong chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện kết hợp chư thiện hữu tri thức hoan hỷ hưởng ứng và tích cực động viên khuyến khích các cháu thanh niên nam nữ đăng ký tổ chức lễ Hằng thuận khi thành hôn, tạo thành nếp sống văn hóa tốt đẹp trong sinh hoạt của người Phật tử.
 
Tuy chúng tôi có nhiều nỗ lực nghiên cứu các tư liệu liên quan khi biên soạn Nghi thức này, nhưng không sao tránh khỏi những khiếm khuyết ngoài ý muốn, kính mong các bậc cao minh từ bi chỉ giáo, để bổ sung điều chỉnh cho lần tái bản sau này.
 
Thành kính tri ân Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Cư sĩ Đồ Nam Tử và chư thiện hữu tri thức, tác giả các tác phẩm trong mục Tài liệu tham khảo.
 
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.
Chùa Thiên Tôn – Q5, ngày 19-02- Mậu Tý. 2008
Kính bút
Thượng tọa THÍCH CHƠN KHÔNG
 
*****
 
2. Ý NGHĨA LỄ HẰNG THUẬN

 
Lễ Hằng thuận được đề cập khá nhiều trong thời gian qua, vậy lễ này có ý nghĩa gì trong hôn sự của người Phật tử?
 
Lễ là những nghi thức nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, một sự kiện có ý nghĩa, lễ bao gồm các phần: Lễ văn, lễ phục, lễ phẩm, lễ nghi… phù hợp với nội dung ý nghĩa của từng cuộc lễ. - Hằng thuận là luôn luôn hòa thuận với nhau, vì có hòa thuận cuộc sống lứa đôi mới hạnh phúc an lạc; muốn hòa thuận thì phải có trách nhiệm và lòng chung thủy với nhau, như thế cuộc sống mới có ý nghĩa. Ngược lại, chỉ làm khổ lẫn nhau; dẫn đến gây gổ bạo hành và tan vỡ. Thế nên, lễ Hằng thuận là một phần nghi thức cần có trong ngày thành hôn của đôi bạn trẻ, có nghĩa là ngoài những lễ nghi theo truyền thống dân tộc, là người Phật tử chúng ta nên tổ chức thêm lễ Hằng thuận ở chùa, ở tư gia hoặc ở nhà hàng.               

 
Theo nhiều nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ “hằng thuận” tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà Nho, sau khi quy y theo Phật, với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, ông nghĩ việc tổ chức lễ “hằng thuận” tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh. Năm 1930, Phật tử Tâm Minh tức bác sĩ Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ “hằng thuận” cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Đây là buổi lễ “hằng thuận” điển hình được tổ chức tại chùa. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Phó Tăng thống GHPGVNTN, Trụ trì tổ đình Ấn Quang đã chính thức đặt tên cho cuộc lễ nêu trên là lễ HẰNG THUẬN.
 
Theo lời của Hòa thượng Đào Như – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Cần Thơ: “Theo truyền thống xa xưa của người Khmer Nam bộ cũng như nhân dân các nước Phật giáo Nam tông, tất cả Phật tử khi thành hôn đều có lệ thỉnh chư Tăng tổ chức lễ Chúc phúc cho tân lang, tân nương và hai họ với nội dung tương tự như lễ Hằng thuận của Phật tử người Việt”.
 
Qua những điều trình bày trên, chúng ta nhận thấy lễ Hằng thuận là một tập tục đã có từ lâu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Phật tử, có ý nghĩa rất quan trọng trong ngày thành hôn của đôi bạn trẻ, mà chư Tăng Ni chúng ta cũng như các bậc phụ huynh nên tích cực động viên khuyến khích và hướng dẫn con em của mình khi kết hôn về chùa đăng ký tổ chức Lễ Hằng thuận.
 
*****
 
3. CHƯƠNG TRÌNH  LỄ HẰNG THUẬN
(Thời gian thực hiện từ 45-60 phút)
 
1.    Mời bà con hai họ và Phật tử vân tập lên chánh điện trước.
2.    Tác bạch thỉnh chư Tôn đức. (chủ hôn hoặc vị điển lễ)
3.    Dâng hương lễ Tổ. (Đi theo thứ tự: Kiểng dẫn thỉnh, khai lễ do chủ hôn bưng, chư Tăng (Ni), tân lang, tân nương, sui trai, sui gái,…)
4.    Cung thỉnh chư Tôn đăng lâm bảo điện.
5.    Nghi thức hành lễ:
Chủ lễ xướng:
-    Kệ dâng hoa quả
-    Nguyện hương
-    Đảnh lễ Tam bảo (Chủ lễ và đại chúng cùng lạy)
-    Kệ khen cành dương
-    Kệ sái tịnh
-    Chú Đại bi (Tùy thời gian có thể lượt bớt)
-    Kệ khen Phật
-    Kệ An lành
-    Thỉnh Tăng/Ni và mời đại chúng an tọa
-    Nghi thức truyền Tam quy Ngũ giới
(Tân lang và Tân nương đã Quy y thì thôi. Nếu chưa quy y, nên làm Lễ Quy y trước, theo Nghi thức ngắn gọn trong phần phụ lục trang 39, sau đó mới Huấn thị,…)                        
        
*. Huấn thị:
-    Bổn phận làm vợ
-    Bổn phận làm chồng
-    Bổn phận làm cha mẹ tương lai
-    Bổn phận làm dâu
-    Bổn phận làm rể
-    Ý nghĩa đôi nhẫn
-    Tân lang và Tân nương đeo nhẫn (đứng đối diện)
-    Tân lang và Tân nương phát nguyện (quỳ)
-    Ký tên và trao Giấy Chứng nhận lễ Hằng Thuận
-    Kệ Chúc phúc
-    Hồi hướng
-    Phục nguyện
-    Ba tự quy y.

6. Cảm tạ (Chủ hôn hoặc điển lễ).
7. Lễ tạ Tổ sư.

Lưu ý:
 
1. Để khỏi lúng túng khi thực hiện, vị trụ trì nên phân công đại chúng phụ trách: hương đăng, hoa quả, chung nước sái tịnh, trang trí và bánh nước đãi khách,… Về trang trí nên có: chữ song hỷ, hình trái tim, khăn bàn màu đỏ.  
 
2. Phải hướng dẫn chi tiết cho Tân lang Tân nương, sui Trai sui Gái và chủ hôn chuẩn bị những gì để phục vụ lễ Hằng thuận. Ví dụ như: lẵng hoa, lẵng trái (nhỏ gọn), hộp đựng cặp nhẫn cưới, tập lễ lạy, chào hỏi, tác bạch,…

 Thượng tọa Thích Chơn Không
(Còn nữa…)
 
 
 
 
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin