Chi tiết tin tức

Tinh thần Phật giáo trong tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu của Trần Thùy Mai

22:42:00 - 08/09/2022
(PGNĐ) -  bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái hậu của Trần Thùy Mai viết về cuộc đấu tranh quyền lực ở chốn hậu cung triều Nguyễn, nhưng đọng lại ở người đọc những giá trị nhân từ bao dung thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Với bộ tiểu thuyết hấp dẫn này, bạn đọc không chỉ được thấy rõ chân dung Thái hậu Từ Dụ nổi tiếng nhân từ trong sử sách và tâm thức cộng đồng, mà còn chứng kiến cuộc đời của Thái hậu Từ Khánh sắc sảo, thâm độc qua hư cấu sáng tạo của nhà văn. 

Tháng 4/2019, nhà xuất bản Phụ Nữ cho ra mắt bộ tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu  của nhà văn Trần Thùy Mai, được dư luận chú ý và tán thưởng. Nhiều Tạp chí, tờ báo uy tín tổ chức ra mắt, giao lưu tác giả với bạn đọc, đồng thời dành nhiều tin bài giới thiệu, phẩm bình, phỏng vấn tác giả về thành công của tác phẩm, tiêu biểu như: Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Sông Hương, Giáo dục và Thời đại, Tuổi Trẻ cuối tuần, Người Lao Động, báo điện tử VnExpress,… thu hút ý kiến tranh luận của đông đảo nhà văn, nhà nghiên cứu và bạn đọc. Nhìn chung, hầu hết đều dành những lời khen cho nữ nhà văn xứ Huế. Tác phẩm đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.

SƠ LƯỢC VỀ TIỂU THUYẾT “TỪ DỤ THÁI HẬU” 

Với sở trường ở thể loại truyện ngắn đã được khẳng định tên tuổi, sau nhiều năm lặng tiếng trên văn đàn, Trần Thùy Mai trở lại với bộ tiểu thuyết đầu tay rất dày dặn, gần 1.000 trang, 69 hồi, chia thành hai quyển thượng – hạ, khai thác lịch sử giai đoạn hưng thịnh của nhà Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức qua cái nhìn của một nhân chứng: Thái hậu Từ Dụ. Đây được xem như tiểu thuyết hiếm hoi về đề tài “cung đấu” trong văn học Việt Nam, thu hút nhiều độc giả. Tác phẩm đã đạt giải Sách Hay năm 2020 của Hội nhà văn Việt Nam. 

Trong sự vận hành phát triển của văn học đương đại, văn học dân tộc ngày càng khẳng định sức ảnh hưởng đối với nền văn học thế giới. Cảm quan hiện đại, hậu hiện đại ngày càng thâm nhập sâu rộng vào đời sống sáng tác văn học, nhất là thơ và truyện ngắn. Tuy nhiên, với thể loại tiểu thuyết lịch sử, dòng chảy của những giá trị truyền thống dân tộc và Á Đông vẫn hiển hiện. Đối lập với những nhân vật văn học đam mê, tôn sùng quyền lực như một dục vọng cá nhân, như: Nhị phi Trần Thị Đang, vua Minh Mạng; trong Từ Dụ Thái hậu, chúng ta bắt gặp, chiêm ngưỡng lẽ sống cao đẹp về tình người với những quan hệ truyền thống, những giá trị cao quý như bất biến trước cường quyền và thời gian. Đó là lòng trung nghĩa giữa tớ chủ (Hạnh Thảo – Ngọc Tú, Đăng Hưng), là tình vợ chồng thắm thiết keo sơn (Thiệu Trị – Thị Hằng), là tình mẫu tử bao la (Từ Dụ – Tự Đức), tình tri kỷ hiếm có (Lê Văn Duyệt – Phạm Đăng Hưng), nghĩa sư đồ sâu nặng (Đăng Hưng – Đăng Quế). Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy những chiêm nghiệm, gửi gắm của Trần Thùy Mai về con người và cuộc sống, về dân tộc; trong đó thấm đẫm tinh thần nhân văn của Phật giáo, tập trung ở hình tượng nhân vật Công chúa Ngọc Tú, Thái hậu Từ Dụ, vua Tự Đức, nô tỳ Hạnh Thảo.

TINH THẦN PHẬT GIÁO CỦA TÁC PHẨM QUA TƯỢNG HÌNH QUA HÌNH TƯỢNG CÁC NHÂN VẬT 

Công chúa Ngọc Tú

Bà là người chị ruột của vua Gia Long, trở lại trong tiểu thuyết này với những khám phá mới mẻ so với ở truyện ngắn Lời hứa của Tiên đế. Người phụ nữ đã góa chồng từ năm mười tám tuổi, chưa có con cái gì. Chồng bà là phò mã Điển hy sinh cứu Gia Long trong cuộc chiến tranh đoạt vương quyền từ nhà Tây Sơn. Được vua vô cùng trọng vọng, muốn xin gì vua cũng cho, nhưng “công chúa rất hiền lành, chỉ chăm chăm một việc ăn chay niệm Phật” (Trần Thùy Mai, 2019a). Khi vua Gia Long mất, lời khẩn cầu lần đầu tiên của bà là “xin làm đàn chay cầu nguyện cho người em hoàng đế đã mất”. Sau đàn chay, công chúa dang tay đón Hạnh Thảo về phủ, thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của nữ nô tỳ. Bà hiện thân cho hình ảnh người phụ nữ đức hạnh nhân từ mộ đạo, ngộ được con đường tu học sâu xa: “Gạt hết trần duyên đi vào cõi Phật không phải dễ, cứ ở trong cõi đời mà giữ được tâm Phật từ bi cũng là tốt lắm rồi”. Nhà văn đặt hai số phận Ngọc Tú – Hạnh Thảo là hai nạn nhân bi thương trơ trọi sau cuộc chiến tàn khốc để lên án chiến tranh, để giúp họ xoa dịu nỗi đau và vượt qua mặc cảm hận thù trở thành mẹ con! Công chúa bao nhiêu năm tu hành, ăn chay niệm Phật, mà khi nghe Hạnh Thảo kể về lai lịch Ngụy Tây “trong lòng bỗng chốc còn dấy lên cảm giác sân hận”. Nhưng cũng từ câu nói của Hạnh Thảo, “con nguyện không lấy cái ác để đáp trả cái ác! Nếu con giết hoàng đế thì gia đình con cũng không sống lại được! Bao nhiêu người bị giết trong chiến tranh, có bao giờ đội mồ sống dậy được nữa?”, Công chúa hốt nhiên xúc động: “một phút đã khiến thấy tâm Phật tỏa sáng trong lòng mình!”. Đằng sau con người tu hành lặng lẽ ấy, vẫn là một trái tim người phụ nữ giàu lòng yêu thương. Công chúa bất giác ôm Hạnh Thảo vào lòng và thốt lên “con ơi!”. Bà đã nhận ra tâm Phật giữa cuộc đời. Trong giây phút ấy, người con Hạnh Thảo nhìn người mẹ công chúa thật đẹp đẽ như Bồ tát: “Công chúa mỉm cười, nụ cười bao dung hiền hòa như trên gương mặt của Quan Âm Bồ tát”. 

Nhà văn Trần Thùy Mai có nhiều chi tiết hư cấu, song vẫn giữ đúng tinh thần mà chính sử nhà Nguyễn chép về Long Thành Công chúa Ngọc Tú, con gái lớn của Hưng Tổ, là chị cùng mẹ với Thế Tổ (Gia Long), có chồng là Cai cơ Lê Phúc Điến. Năm 1783, chồng mất, dù còn trẻ tuổi, công chúa vẫn giữ tiết không đi lấy chồng nữa, mà chỉ tâm nguyện “khi nào lấy lại được kinh thành cũ, ta nên lập tức xuất gia để thờ Phật mà thôi”. Sử cũng chép lời chi tiết thật cảm động về lời thỉnh cầu lúc công chúa bệnh nặng, khi vua Minh Mạng đến thăm: “Cắt tóc thờ Phật, đấy là ý muốn lúc bình sinh của vị vong nhân này, duy nhà vua làm cho trọn vẹn ý muốn ấy, sau khi chết rồi, chớ có để tóc, liệm bằng áo cà sa, thế là hồn ở chín suối, xong được ý muốn ấy rồi” (Đại Nam liệt truyện, tập 1-2, tr.209). 

Từ Dụ Thái hậu

Trong ý đồ sáng tạo của mình, Trần Thùy Mai nhất quán trong xây dựng nhân vật Hằng – Hoàng Quý phi – Từ Dụ Thái hậu thật gần gũi, đời thường và giàu lòng từ bi. Khi còn là vương phi của Miên Tông, Phạm Thị Hằng đã chạy ngược chạy xuôi tìm mọi cách cứu mẹ con Ngọc Ngôn bị nhốt trong ngục. Được vua cha Minh Mạng ban thưởng, Hằng không xin cho mình thứ gì, mà chỉ xin vua cha cho “lập một viện giáo dưỡng để nuôi dạy những người tàn tật, côi cút trong hoàng gia”. Nếu như ở thời trẻ, Hằng xinh đẹp dễ thương của Miên Tông, đến Hoàng Quý phi tình nghĩa thủy chung của Thiệu Trị, thì về cuối tác phẩm, là Từ Dụ Thái hậu nhân từ của vua Tự Đức. Đặc biệt, Thái hậu Từ Dụ hiện ra không theo kiểu cách cao sang quý phái của một bà hoàng trên đỉnh cao danh vọng, mà là hình ảnh một người mẹ thân thương, hết lòng vì con.

Bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái hậu của Trần Thùy Mai viết về cuộc đấu tranh quyền lực ở chốn hậu cung triều Nguyễn, nhưng đọng lại ở người đọc những giá trị nhân từ bao dung thấm đẫm tinh thần Phật giáo.

Tình mẫu tử làm nên sức mạnh giúp người mẹ vượt lên nỗi đau số phận, nghịch cảnh do kẻ xấu gây ra. Khi nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì tin đồn độc địa, vu cho bà và ông Trương Đăng Quế tư tình. Tin đồn rất ác nhắm vào Thái hậu Từ Dụ, vua Tự Đức và Tuy Thanh quận công Trương Đăng Quế lúc tất cả đang còn buồn đau vì cái tang của tiên đế Thiệu Trị. Thái hậu đau đớn quá “thần trí lúc tỉnh lúc mê”, “còn da với xương”. Bà hiểu nỗi gian khó của con: “Mẹ biết con mới lên ngôi, gánh nặng triều chính sắp xếp chưa xong, vất vả nhiều lắm”. “Mẹ cũng đau lòng lắm, vì mẹ khinh suất nên mới có chuyện đồn thổi làm con khổ tâm theo”. Vua Tự Đức khuyên can, hãy nghỉ ngơi vì chưa khỏe. Nhưng người mẹ đã vùng lên đấu tranh với kẻ ác để bảo vệ con: “Mẹ biết tình thế của mẹ, không thể lảng tránh được nữa”. Giọng nói bỗng điềm tĩnh và rắn rỏi lạ thường: “Không. Mẹ phải mạnh mẽ, vì các con”. Bà mặc phục phẩm Thái hậu chứ không phải áo dài lụa đơn sơ như bình thường. Lúc này không phải là lúc âu sầu hay khiêm nhượng. Phải uy nghi và mạnh mẽ, để sẵn sàng đối đầu. Thái hậu đã vời tất cả các công chúa, phi tần, các nhất phẩm phu nhân họp mặt ở điện Khôn Thái và nói rõ câu chuyện của 15 năm trước gây nên tin đồn. Với sự có mặt của nhân chứng Giám Đỗ, Lê Diễn đã đập tan những nghi kỵ về mối quan hệ giữa Thái hậu và Trương Đăng Quế. “Kẻ địch lấy sự lén lút giấu mặt hại ta, Thái hậu dùng sự minh bạch công khai để đáp lại. Kẻ địch giấu mặt tung hỏa mù vô tội vạ, Thái hậu dũng cảm đối mặt, nói rõ phần trách nhiệm của mình”. Đó là lời cảm phục của đại thần Đăng Quế. Thái hậu cũng tha thứ cho Giám Đỗ, người đã vì sợ đòn roi của Nhị phi Trần Thị Đang mà làm chứng giả chuyện tư tình giữa Phạm Thị Hằng và Trương Đăng Quế.

Với tấm lòng nhân từ của người mẹ, Thái hậu Từ Dụ dạy bảo vua Tự Đức giải quyết thấu tình đạt lý chuyện Hồng Bảo phản nghịch, Quý tần Đinh Cam Lộ cùng Đinh Văn Thắng tung tin đồn về mẹ con vua Tự Đức. Thái hậu Từ Dụ đã khuyên Tự Đức ứng xử đúng với tinh thần giáo lý nhà Phật: “Mẹ vẫn thường nghe, lấy ân báo oán, oán liền tiêu tan. Cam Lộ và Hồng Bảo có đem lòng tị nạnh, thì mẹ con ta cứ lấy lượng khoan hồng mà đối đãi, dần dần thế nào cũng cảm hóa được!”. Nhờ đó mà vua Tự Đức đã nhiều lần khoan dung nhân từ với Cam Lộ và Hồng Bảo. Hình ảnh Thái hậu Từ Dụ ra hiệu cho vua Tự Đức ngồi xuống cạnh mình, tự tay quạt mát cho con với nụ cười hiền hòa là vẻ đẹp thân thương trìu mến của người mẹ Việt Nam bao đời nay. Không chỉ yêu thương chăm sóc, Thái hậu còn dạy bảo con lối sống cần kiệm, cao sang cho chân chính. “Mỗi một chút của cải trong cung này đều là mỡ máu của người dân góp lại, chớ có nên xài phí”. “Sang quý đâu có phải ở nhà rộng, thềm cao, đồ dùng xa hoa rực rỡ đâu?”. Bà dùng lời lẽ chân tình để mong cảm hóa Hồng Bảo – kẻ chống đối, luôn sẵn âm mưu cướp ngôi của Tự Đức, cũng như thắp hương khấn nguyện vong linh vua cha Thiệu Trị giúp mình cảm hóa được Hồng Bảo. Trái tim người mẹ nhân từ, nhạy cảm thấu hiểu buồn phiền trước nỗi đau oan uổng mà con trai mình phải chịu. Bà cũng như hiểu được căn bệnh do di chứng bệnh đậu mùa năm xưa gây ra cho con, rồi an ủi động viên nàng dâu Vũ Thị Duyên. Bà cũng đành chấp nhận nỗi oan mà con mình gánh chịu qua bài thơ “Răng và lưỡi”, mà không trách phạt ai. Và tự dặn lòng mình cùng con chấp nhận và an ủi bằng lẽ sống nhân từ: “Đành chỉ sống hết lòng với đời, phải trái để cho đời sau nghị luận!”.

Nhà văn khai thác những câu nói có trong sử sách để tái hiện chân dung người mẹ Từ Dụ vừa gần gũi vừa cao quý, có tư tưởng giáo dục và sức cảm hóa cao. Trần Thùy Mai đề cao vai trò to lớn của người mẹ trong việc giáo dục con cái, vừa bao dung sâu sắc vừa hiện đại văn minh. Trái tim người mẹ nhân từ nhạy cảm thấu hiểu nỗi đau oan uổng mà con trai mình phải chịu điều tiếng “giả nhân giả nghĩa”, nỗi muộn phiền sâu kín của Tự Đức, an ủi nỗi thiệt thòi của nàng dâu Vũ Thị Duyên. Lòng nhân từ quảng đại của người mẹ vững vàng trên một triết lý sống tưởng như cam chịu mà rất đỗi tự tại minh triết trước những nỗi đau thời cuộc.

Lòng hiếu thảo của vua Tự Đức

Hồng Nhậm – vua Tự Đức trở thành tấm gương hiếu thảo chí tình. Nhà văn bỏ qua những giai thoại quen thuộc nói về tấm lòng hiếu thảo của vua Tự Đức, mà lựa chọn những chi tiết đời thường đầy cảm động về tình cảm của người con trai dành cho mẹ. Những lời động viên, cử chỉ ân cần với mẹ trong những ngày vua cha mất. Tự Đức đau lòng thấy mẹ suy sụp, vui mừng khi mẹ ngồi dậy dùng được chút cháo. Nhà vua tự trách mình và dành nhiều thời gian hơn chăm sóc mẹ. “Triều chính con cũng lo, mà sức khỏe của mẹ con cũng phải quan tâm chu đáo mới được! Cứ ngày chẵn con ngự triều, ngày lẻ con chầu cung thăm mẹ. Một ngày làm con Trời, một ngày làm con mẹ, vậy con mới yên tâm” (Trần Thùy Mai, 2019b). So với vị vua khác, nhà văn không có nhiều chi tiết hư cấu khi xây dựng nhân vật Tự Đức, ngoài việc cho Lễ tần Nguyễn Nhược Bích trở thành cô bé ngây thơ, môn sinh của nhà vua. Nhân vật Tự Đức được tái hiện đúng với những phẩm chất được sử sách nhà Nguyễn ngợi ca: Vị vua nhân từ, hay thơ và hiếu thảo. Tác giả chú ý khắc họa sự ảnh hưởng của người mẹ đến tính cách của người con: Vua noi theo tâm đức nhân từ của mẹ mà nhiều lần tha cho Hồng Bảo, thương quý tình nghĩa anh chị em, nhớ tiếc thời thơ ấu tình cảm hồn nhiên giờ đã không còn. “Trẫm cứ nhớ lúc còn nhỏ, mấy anh chị em cùng sống hồn nhiên trong hoàng cung… Ai ngờ lớn lên trở thành thù địch, rồi bây giờ kẻ mất người còn” (Trần Thùy Mai, 2019b). 

Rõ ràng, ở những chương truyện kết thúc tiểu thuyết, bạn đọc nhận thấy tình mẫu tử thân thương, nhân từ và xúc động biết bao giữa Từ Dụ và Tự Đức. Chính lòng thương yêu và bao dung của người mẹ khiến người con vững vàng vượt qua bao sóng gió, dù cho người con ấy chính là vua, ngự ở ngôi cao cửu trùng cũng lớn lên và cậy nhờ vào sự giáo dục và che chở của người mẹ. Lòng hiếu thảo chí thành của con vực dậy sức sống cho người mẹ. Giữa Từ Dụ và Tự Đức, cách xưng hô mẹ con vang lên thật chân tình và ấm áp như tiếng gọi thiêng liêng tình mẫu tử trong bao gia đình Việt Nam, không hề có khoảng cách giữa vua – bề tôi như thời của tiên đế Minh Mạng. Tình mẫu tử, lẽ sống nhân từ bình dị mà bao dung cao đẹp của người mẹ Từ Dụ đã lan tỏa và thấm nhuần trong người con Tự Đức, trong tình cảm và ngẫm suy của mỗi chúng ta! Vua Tự Đức hay thơ và hiếu thảo là tấm gương ai cũng biết. Nhưng nhà văn đã cho bạn đọc hiểu thêm cội nguồn nhân cách ấy phần lớn có từ tấm lòng và lẽ sống cao quý của người mẹ truyền cho. Vừa ca ngợi tình mẫu tử bao la, vừa lý giải những lời đồn oan trái mà cả hai mẹ con cùng gánh chịu cùng hậu thế. Với những chi tiết đời thường bình dị, Trần Thùy Mai đã xây dựng tình mẫu tử thiêng liêng mà gần gũi xúc động. Chân dung người phụ nữ – người mẹ truyền thống được khắc họa sinh động, ấn tượng, thấm đẫm tinh thần vị tha, từ bi của đạo Phật.

Với những chi tiết đời thường bình dị, Trần Thùy Mai đã xây dựng tình mẫu tử thiêng liêng mà gần gũi xúc động. Chân dung người phụ nữ – người mẹ truyền thống được khắc họa sinh động, ấn tượng, thấm đẫm tinh thần vị tha, từ bi của đạo Phật.

Nhân vật Hạnh Thảo

Trong các nhân vật hoàn toàn hư cấu, Hạnh Thảo xuất hiện gần như xuyên suốt tác phẩm. Đây cũng là một trong những nhân vật nữ hiếm hoi được nhà văn miêu tả ngoại hình trong cái nhìn của chánh cung Tống hoàng hậu. “Khuôn mặt thiếu nữ hiền hậu, đoan trang. Ánh mắt e dè, phảng phất buồn. Người nữ nô này, thân phận thấp hèn, công việc lam lũ, sao lại có dáng dấp thanh mảnh như thế này?” (Trần Thùy Mai, 2019a). Nàng làm nô trong ngự trù của hoàng cung, nhờ tài nấu ăn được hoàng hậu để ý và ưu ái cho về làm bếp ở cung Khôn Thái. Dù bị nghi là dòng dõi của nhà Tây Sơn, Hạnh Thảo vẫn chu đáo của phận nữ tỳ với hoàng hậu. Từng miếng ăn cô dâng lên, từng lời nói, cử chỉ, tất cả đều mộc mạc, chân thành, tận tụy. Tuy chưa lâu, Hạnh Thảo đã chiếm trọn lòng tin yêu của hoàng hậu. “Dù Hạnh Thảo là ai thì bà cũng tin chắc cô là người hiền lương.” Bị xuất cung, cô đến nương nhờ phủ Đăng Hưng, phụ giúp ông việc bếp núc lúc Phạm phu nhân chưa lai kinh. Không chỉ được khen về nấu nướng, Đăng Hưng tin “nàng có thể chia sẻ gánh nặng này với ta”. Với lòng trung thành với chủ, Hạnh Thảo lo lắng và chia sẻ với “quan lớn” về mối nguy khi nếu cùng Lê Văn Duyệt đứng về con trai Tam phi. Sự nhạy cảm và trí thông minh của người nữ tỳ từng ở trong cung Tần Trang, Hạnh Thảo hiểu thấu được nỗi đau tột cùng của Tam phi. Nhờ đó, Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt thoát khỏi sai lầm “đặt tương lai trên ngôi mộ sống” Tam phi. Hạnh Thảo dần trở thành người bạn tương tri – cùng bàn luận chính sự với quan lớn Đăng Hưng. 

Hạnh Thảo luôn mang ơn cứu giúp của Phạm thượng thư. Nhưng vì sự êm ấm của Phạm phu nhân, Hạnh Thảo khéo léo và dứt khoát ra đi: Dự tính sau đàn chay sẽ xin chùa cho ở lại nương náu và xuống tóc làm Ni cô, thề đến chết cũng không quay về phủ. Nhưng ân nghĩa khiến nàng “bước qua lời thề”, dũng cảm vào nhà lao Thừa Phủ tìm kế cứu Đăng Hưng dù có “tan xương nát thịt thiếp cũng làm cho được”. Hạnh Thảo mang thân phận thấp hèn nhưng tấm lòng cao quý biết bao. Suy nghĩ của nàng thật cảm động: “Thiếp là phận nô tỳ tất phải hết lòng trung nghĩa với chủ nhân”. Họ cầm tay nhau trong ngày hội ngộ thật chân tình khiến cả hai cùng cảm kích. Bề ngoài họ là chủ – tớ, nhưng thật sự họ là hai người bạn vong niên như tri kỷ của nhau. Cho dù Hạnh Thảo ít nhiều mặc cảm về thân phận, nhưng Đăng Hưng cũng khẳng định với Hạnh Thảo: “Ta không coi nàng là nô tỳ, chưa bao giờ coi nàng là nô tỳ cả”. Bởi thế vài tháng sau, Đăng Hưng làm lễ nghênh hôn đón Hạnh Thảo về làm Kế phu nhân. Đó là ứng xử tình nghĩa trước sau như lời ông tâm sự với con gái: “Hồi trước cha ở tù khổ cực, Hạnh Thảo vì cha bỏ lời thề, quay về chạy ngược chạy xuôi lo lắng cho cha. Vì vậy khi ra tù, cha nghĩ ngay đến chuyện cưới cô ấy để đền ơn”. Tình nghĩa của họ thật ấm áp và viên thành.

Không chỉ dũng cảm và trung nghĩa, Hạnh Thảo còn thể hiện lẽ sống sâu sắc, từ bi và minh triết của nhà Phật. Cho dù xuất thân có dòng dõi dính líu nhà Tây Sơn, cả gia đình với 52 sinh mạng bị Nguyễn vương tru diệt, Hạnh Thảo vẫn không nuôi hận trả thù, dẫu cơ hội là không thiếu. Nàng đã giác ngộ lẽ sống minh triết từ bi: Thức ăn là để nuôi người, quyết không để thức ăn trở thành thứ hại người. “Con nguyện không lấy cái ác để đáp trả cái ác!”. Tấm lòng nhân từ khoan dung ấy khiến công chúa Ngọc Tú đốn ngộ, tâm Phật tỏa sáng, vượt qua bao sân hận để mở lòng nhận Hạnh Thảo làm con. Lẽ sống ấy giúp nàng có được một gia đình ấm áp tình yêu thương của người mẹ nuôi Ngọc Tú, sự quý mến của Đăng Hưng, và thương yêu của Hằng. Cách Hạnh Thảo xông vào Bình An đường thuốc thang cho Hằng, cứu Hằng khỏi cơn thập tử nhất sinh, chỉ có thể là hành động của người mẹ nhân hậu hy sinh tất cả vì con. 

Hạnh Thảo là bóng dáng của người phụ nữ bình dân thấp hèn trong xã hội phong kiến, có tấm lòng, nhân cách, lẽ sống nhân hậu và cao đẹp, vị tha. Đây là nữ nhân vật phụ hư cấu, nhưng nhà văn dành nhiều thiện cảm và hết lời ngợi ca. Ta còn bắt gặp những nhân vật nô tỳ bất hạnh nhưng phẩm chất sáng ngời: Hà Nhi chết theo hoàng hậu, Lan Nhi chết theo Uyên Ý, vú Sửu một đời tận trung với Tam phi, Giám Lê như người bạn thân thiết của Miên Tông, Giám Đỗ tội nghiệp nhưng đã cứu mạng Hằng… Qua những nhân vật nữ như Hạnh Thảo, nhà văn như muốn tái hiện và ngợi ca cốt cách phẩm hạnh tuyệt vời của người phụ nữ Huế, người phụ nữ Việt Nam truyền thống! Vai trò dẫn dắt, kết nối câu chuyện của nhân vật này rất quan trọng, xuyên suốt từ đầu cho đến cuối tác phẩm. Có thể nói, đây là nhân vật hư cấu thành công nhất của tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu. Nhà văn vừa khai thác những chi tiết lịch sử, vừa sáng tạo, vừa dung dị, vừa lãng mạn làm nên những câu chuyện ấm áp tình người nơi hoàng cung đầy quyền lực, tỏa sáng một lẽ sống từ bi vị tha, đối lập và hơn hẳn với cách sống đam mê quyền lực ở hậu cung và triều đình.

Tóm lại, bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái hậu của Trần Thùy Mai viết về cuộc đấu tranh quyền lực ở chốn hậu cung triều Nguyễn, nhưng đọng lại ở người đọc những giá trị nhân từ bao dung thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Với bộ tiểu thuyết hấp dẫn này, bạn đọc không chỉ được thấy rõ chân dung Thái hậu Từ Dụ nổi tiếng nhân từ trong sử sách và tâm thức cộng đồng, mà còn chứng kiến cuộc đời của Thái hậu Từ Khánh sắc sảo, thâm độc qua hư cấu sáng tạo của nhà văn. Khắc họa những nhân vật với hai lẽ sống trái ngược nhau, tác phẩm vừa tái hiện lịch sử thú vị nơi hậu cung tưởng êm đềm mà quyết liệt sóng gió, vừa gửi gắm những suy tư chiêm nghiệm về lịch sử và lẽ sống. Tham vọng quyền lực hay lựa chọn lẽ sống nhân nghĩa từ bi rộng lớn cao đẹp sẽ dẫn đến cuộc sống và kết cục trái ngược nhau đối với mỗi con người và cả triều đình. Dù gian khổ đớn đau, thiệt thòi mất mát, nhưng lẽ sống từ bi sáng suốt đã giúp những nhân vật thiện lương vượt qua và chiến thắng cường quyền oan trái để tìm kiếm hạnh phúc chân chính bền vững. Trong đó, các giá trị truyền thống chân chính mang tinh thần Phật giáo luôn làm nền tảng nhân cách cho mỗi người chúng ta vững chãi trước bất công bạo ngược, hóa giải được những mất mát khổ đau để tìm kiếm yêu thương và hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Do vậy, bộ tiểu thuyết vừa có giá trị nhận thức về lịch sử, vừa có giá trị giáo dục tư tưởng sâu sắc cho bạn đọc ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

 

Quảng Định/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 396

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Nguyễn Văn Tường, Thạc sĩ Văn học, hiện công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Pi Năng Tắc, Ninh Thuận.

1. Trần Thùy Mai (2019a), Từ Dụ Thái hậu, Quyển thượng, Nxb. Phụ nữ, TP. HCM.

2. Trần Thùy Mai (2019b), Từ Dụ thái hậu, Quyển hạ, Nxb. Phụ nữ, TP. HCM.

3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên, 2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

4. Trần Trọng Kim (2000), Việt Nam sử lược, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

5. Thụy Khuê (2017), Vua Gia Long và người Pháp, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 

6. Lê Nguyễn (2017), Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, nhân vật và sự kiện lịch sử, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

7. Lê Nguyễn (2018), Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.  

8. Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Phương Thúy (2016), Văn chương phương Nam, một vài bổ khuyết, Nxb. Tổng hợp TP HCM. 

9. Nhiều tác giả (2008), Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam bộ, Nxb. Hồng Đức.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện sử học dịch, 2007), Đại Nam thực lục (tập 1, tập 2, tập 3, tập 4, tập 5, tập 6, tập 7), Nxb. Giáo dục.

11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2014a), Đại Nam liệt truyện (tập 1,2), Nxb. Thuận Hóa, Huế.

12. Quốc sử quán triều Nguyễn (2014b), Đại Nam liệt truyện (tập 3,4), Nxb. Thuận Hóa, Huế.

13. Hoàng Phê (chủ biên, 2019), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

14. Trần Đình Sử (chủ biên, 2020), Lược sử văn học Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm.

15. Bùi Việt Thắng (2006), Tiểu thuyết đương đại, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin