Chi tiết tin tức Chánh điện chùa Khmer Sóc Trăng 08:03:00 - 03/07/2015
(PGNĐ) - Trong tất cả các phần thuộc tổng thể một ngôi chùa Khmer thì chánh điện nằm ở vị trí trung tâm, là bộ phận đồ sộ nhất, được xây đắp một cách công phu nhất. Cấu trúc chính điện bao giờ cũng quay mặt về hướng Đông theo một nguyên tắc thống nhất.
Người Khmer quan niệm hướng Đông là hướng tốt, hướng sinh sôi nảy nở, hướng trời ban mai không khí trong lành; ngoài ra nó còn thể hiện được ý tưởng chủ đạo trong nghệ thuật bố cục không gian kiến trúc chùa Khmer. Hướng Đông được xem như hướng thiêng liêng nhất trong suốt quá trình tìm đạo bốn a- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp của Đức Phật, hướng đã xóa tan đi những bóng tối mịt mù của nhân loại như mặt trời mọc lên xua tan bầu trời đen tối, đem lại ánh sáng cho loài người và vạn vật. Ý tưởng này lấy từ hình ảnh Đức Phật nhập thiền định dưới cội bồ-đề tựa lưng vào gốc cây. Khi Ngài quay mặt về các hướng khác trong hai canh đầu đêm rằm tháng Vesak thì chưa đắc đạo quả; đến canh thứ ba, canh cuối đêm ấy, lúc trời vừa hừng sáng, Ngài quay mặt về hướng Đông, đạo quả toàn giác đã đến với Ngài; ánh sáng của tám vạn bốn ngàn pháp môn đã chiếu sáng ba cõi và tỏa sâu đến tận A-tì địa ngục. Vì thế, dẫu địa hình khó khăn đến đâu, chánh điện chùa Khmer lúc nào cũng quay về hướng Đông.
Ảnh mang tính chất minh họa
Có ba lối đi lên chánh điện, tượng trưng cho ba cửa mà mọi người khi làm bất cứ việc gì dù thiện hay ác cũng phải qua, đó là thân, khẩu và ý. Lại cũng có chánh điện có bốn đường đi lên tương ứng với bốn cửa vào, tượng trưng cho Tứ diệu đế, bốn điều chắc thật, diệu dụng không ai chối cãi được, ấy là: Khổ đế khẳng định sự khổ ở đời; Tập đế nói về nguyên nhân gây khổ; Diệt đế nói về trạng thái khi khổ bị tiêu diệt; và Đạo đế (Magga Ariyasacca) nói về con đường diệt khổ. Trước bậc thềm vào chánh điện có hai pho tượng chằn Yeak hung dữ, mặc áo giáp, đứng bảo vệ ngôi chùa, tượng chằn hình dáng to lớn, mặt dữ tợn, miệng há rộng răng nanh to nhọn, tay cầm chày là biểu tượng cái ác, cái xấu, gây thương đau cho mọi người, khi tượng chằn được đặt trong chùa là biểu tượng cái thiện. Người Khmer tin rằng chằn bị thu phục bởi Đức Phật để phục vụ cho chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành. Thay cho tay vịn cầu thang đi lên là thân thần Rắn Naga – vốn đã được thuần hóa bởi tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật – uốn lượn theo độ cao của nền chánh điện, có ba hoặc năm đầu ngóc lên hướng ra ngoài, tượng trưng cho việc loại bỏ điều ác, điều uế nhiễm của con người trước khi bước lên thềm chánh điện. Hình tượng này cũng đồng nghĩa với cầu vồng mỗi khi trời chuyển mưa, dân gian Khmer xem đó như trời ban phước cho dân chúng có nước làm mùa, đồng thời cũng xem như viên gạch nối giữa thế giới người phàm với cảnh Phật. Kế tiếp là đến cửa ra vào chính điện. Các cửa này được làm bằng gỗ – nguyên thân gỗ xẻ, nền khung được chạm trổ công phu những hoa văn tinh xảo có bố cục gọn gàng, đường nét uyển chuyển, uốn lượn. Trên nền hoa văn ấy là cảnh giao đấu giữa cái thiện và cái ác, giữa các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khmer đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Chánh điện dựng trên nền cao và thoáng mát. Bao quanh là bốn dãy hành lang rộng với hàng cột dày đặc. Mỗi cột đều có hoa văn, chân cột chạm hình hoa sen, ở giữa là phần gỗ sơn mài vẽ hình rồng, hoa lá. Cấu trúc bộ vì kèo của chính điện được chia làm nhiều phần: đơn hoặc kép tùy theo mái. Chỗ tiếp giáp đầu cột với đuôi mái chùa là hình tượng Krud hay Garuda. Đây là loại chim thần có mình người; đầu, chân và hai cánh của chim, mỏ ngậm một viên hồng ngọc. Hình tượng Krud được án ngữ ở để trấn áp con rắn ở trên mái chùa. Mái chùa Khmer là phần kiến trúc và trang trí nổi tiếng trong toàn bộ, cấu trúc khá phức tạp và độc đáo. Bộ mái chia làm ba cấp, mỗi cấp lại chia làm ba nếp. Nếp giữa lớn nhất. Hai mái trước và sau hợp thành một góc nhọn. Các mái vừa so le vừa có độ dốc khác nhau làm mất sự đơn điệu, tạo ra nét đẹp và vui mắt. Hai khoảng trống ở hai đầu hồi được bịt bằng hai tấm gỗ hình tam giác, chạm khắc rất công phu người Khmer gọi là Ho-cheang (cánh én). Để tạo nét duyên dáng, ấn tượng, các nghệ nhân đã đắp chạm hình rồng và hoa lá cách điệu ở góc đao. Ở các đầu kìm, các góc bờ nóc bao giờ cũng được chạm trổ hoặc đắp những “đuôi rồng” nhọn dần, trơn, lượn vút lên khá cao. Bờ dải các mái là thân rồng nằm thoai thoải như đang trườn mình từ nóc xuống bờ hiên, với những vây tỉa rõ từng cái, đều đặn uốn cong lên như những ngọn lửa cuồn cuộn cháy. Đầu rồng (rắn thần Naga) được gắn ở góc đao mỗi mái trong tư thế nhìn lên – biểu tượng của rắn thần Naga vĩnh cửu, tiếng Khmer gọi là Puos Neaka Reach, tượng trưng cho chiếc cầu nối liền giữa cõi trần gian và Niết-bàn. Rắn Naga nhiều đầu còn tượng trưng cho chiếc cầu nằm trải dài dưới chân những ngôi đền (thế giới con người) đến đỉnh của ngôi đền (thế giới thần linh). Trong Phật tích mà người Khmer thường kể lại thì rồng là con vật thiêng tự biến thành thuyền đưa Phật vượt bể đi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Đưa rồng lên mái chùa, người Khmer cầu mong Đức Phật dừng chân lại ở ngôi chùa của họ để ban phúc cho mọi người. Ở một số chùa, trên chính giữa nóc chùa còn dựng thêm một hoặc ba tháp nóc. Tháp nóc hình quả chuông úp, gồm nhiều tầng, trên chót vót có hình tượng thần Ma-ha Prum, tiền thân của thần Brama – vị thần sáng tạo ra thế giới. Tượng thần bốn mặt trổ ra bốn hướng để chăm lo đời sống và đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân quanh vùng. Truyền thuyết kể rằng: Lúc Đức Phật sắp nhập Niết bàn thì có một vị trong môn đệ hỏi rằng: Nếu sau này Ngài nhập Niết-bàn thì nên làm tháp thờ như thế nào? Đức Phật không trả lời mà chỉ xếp Y lại thành bốn mảnh, lấy Bát úp trên Y, lấy cây gậy chống thẳng đứng trên Bát. Từ đó, dân gian cố gắng đưa tinh thần Phật pháp vào nóc mái chùa. Hình ảnh ngôi tháp chia tám cấp đặt trên ba lớp mái là tượng trưng cho Niết-bàn cao hơn ba cõi còn lại; đây là đỉnh cao cuối cùng trong vũ trụ, cõi vô sanh bất diệt, không còn đau khổ, không còn phiền não. Muốn vậy chúng sanh phải trải qua nhiều cấp, nhiều bậc tu luyện hoàn thiện bản thân như tám cấp của ngôi tháp tượng trưng cho Bát chánh đạo. Mái chánh điện có ba ngôi tháp tượng trưng cho ba ngôi Tam bảo, đây là cơ cấu trong Phật giáo và luôn có ảnh hưởng đến cả ba cõi, tháp cũng được chia thành tám cấp và đỉnh cao nhất là Niết bàn. Xung quanh các bức tường chánh điện bài trí rất nhiều tranh ảnh với màu sắc rực rỡ của cây cỏ hoa lá. Hoa văn dây leo Pha-nhi-vo, Pha-nhi-pha-lơng, có dạng như ngọn lửa đang uốn lượn, hoa Đok-chăn- hiên loài hoa thật thanh khiết giản dị, với bốn cánh thể hiện cho bốn phương trời quanh núi vũ trụ Mêru, rồi hoa văn Tuông-Hok, hoa sen, tượng đầu rồng, Kenno… Cảnh sinh hoạt của Đức Phật cùng những nhân vật có liên quan từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại. Tranh thờ Phật trong tư thế thiền định, trì bình cứu nhân độ thế, thuyết giảng thập nhị nhân duyên, hay tượng Phật nhập Niết-bàn. Cũng có những chùa cổ có tượng Bồ- tát Quán Thế Âm, tượng Đại đức A-nan-đà, Mục-kiền- liên… như thuật lại những Phật sự lúc Ngài còn tại thế. Chánh điện chùa Khmer thường bố cục mặt bằng theo hệ số lẻ, cụ thể như: rộng ba gian, dài năm hoặc bảy gian, hoặc rộng năm gian dài chín gian. Cách bố trí như vậy căn cứ theo phương pháp ngũ điểm mở rộng, vừa dễ tạo điểm nhấn thể hiện rõ công năng sử dụng bên trong là thờ Phật, Pháp, Tăng mà Đức Phật là tâm điểm. Cả những số lẻ trên cũng tượng trưng cho giáo pháp. Bên trong chính điện, ở hai gian trong cùng bài trí đơn giản, nhưng không kém phần trang nghiêm, đó là bàn thờ Phật Không như chùa người Việt, người Hoa, chùa Khmer chỉ thờ Phật Thích-ca, song không phải một loại tượng mà thường gồm năm hóa thân khác nhau trong kiếp tu hành của Ngài. Phổ biến nhất là kiếp Phật đắc đạo, rồi tượng Phật lúc còn tu hành, Phật thiền định, Phật đi khuyến thiện, Phật nhập Niết-bàn. Tìm hiểu trên 30 ngôi chùa Khmer tại Sóc Trăng, chúng tôi nhận thấy có tám kiểu dáng tượng, gọi là Thích-ca bát thể như sau: Một là, Thích-ca thành đạo: tượng Phật ngồi theo tư thế kiết già, đầu có chỏm nhọn – đặc trưng cho trí tuệ, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả – dưới là hai lớp tóc đen và xoăn. Mặt tượng có trán rộng, gương mặt đầy đặn, đôi lông mày cong, đôi mắt khép hờ, mũi thẳng, miệng rộng, đôi môi hơi dày, đôi tai to và dài gần chấm vai, đôi khi tượng phảng phất gương mặt người Khmer hiện đại. Phần thân mình, tượng có ngực nở, lưng thẳng, bụng thon, hai cánh tay tròn trịa. Tay trái bắt ấn Tam muội, tay phải đặt lên chân, bàn tay úp, các ngón chỉ xuống đất. Tượng Phật mặc áo cà-sa choàng kín một bên vai trái, vai phải để trần. Đây là mô-típ được rút ra từ Phật tích truyền lại rằng: sau 49 ngày ngồi tham thiền, khi Đức Phật vừa mới đắc đạo thì Ma vương đem binh tới chống phá. Đức Phật chỉ tay xuống, lấy đất làm chứng cho mình. Thần đất (Hêng Prô-át-Thô-ni) chấp thuận, hiện hình lên, buông tóc tuôn thành dòng nước cuốn trôi lực lượng tà ma; Bệ tượng Phật đắc đạo này đặt cao vượt hẳn lên trên. Tượng ngự trên bệ hình bán nguyệt tròn góc, được bố trí cùng một tòa sen và ba lớp cảnh. Tòa sen này đặt trên ba thân rắn uốn quanh. Đây chính là thân rắn Naga làm tán che giông tố cho Đức Phật. Dưới bệ đế có lớp hoa văn cách điệu. Mặt trước có một dải “khăn” được đắp nổi phủ xuống che phần chính giữa bệ. Trên dải khăn này thường trang trí các hoa dây cuốn tròn, mặt Reahu cách điệu, đôi khi có cả Thần Đất đứng xõa tóc, phun nước. Ngoài tượng thờ, tích này cũng xuất hiện ở các tranh thờ ở các bức tường ngôi chánh điện. Hai là tượng Phật Thích-ca ngồi tọa thiền; Phật ngồi tọa thiền trên đài sen, lưng thẳng, lồng ngực to, đầy đặn, eo thon. Gương mặt đầy đặn đôi lông mày cong, đôi mắt khép hờ, đôi môi đầy đặn, đôi tai to, dày và dài, tóc đen và quăn. Hai bàn tay tròn trịa, để ngửa đặt chồng lên nhau kiểu ấn kiết già. Phật mặc chiếc áo cà sa choàng kín bên vai trái, vai phải để trần. Bệ tượng nhiều tầng, có chạm khắc hoa văn hình sóng nước. Bên ngoài bệ tượng được sơn, vẽ thêm nhiều chi tiết. Ba là tượng Thích-ca ngồi trên mình rắn thần Muchalinda. Tượng thể hiện lúc Phật ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề được rắn thần Muchalinda che chở. Thân rắn cuộn thành ba vòng làm thành bệ cho bức tượng. Rắn có năm, bảy, hoặc chín đầu tạo thành mái vòm che chở cho Đức Phật. Bốn là tượng Thích-ca sơ sinh: thể hiện hình tượng Phật lúc còn là một hài nhi, mặc chiếc áo cà-sa vàng đứng trên một tòa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. đầu đội chóp nhọn ba tầng biểu thị Phật – Pháp – Tăng, uy lực của Phật. Năm là tượng Thích-ca cứu vớt chúng sinh. Tượng thể hiện Đức Phật trong tư thế đứng thẳng trên tòa sen, áo cà-sa buông thõng phủ kín lưng như một tấm áo choàng. Tay phải buông xuôi bên hông. Tay trái đưa về phía ngực, các ngón tay dài hướng lên trên. Trong lòng bàn tay thường có một đường xoắn ốc là quý tướng của Phật, vừa biểu thị sự vị tha, sẵn sàng đón nhận cứu độ nhân thế. Sáu là tượng Thích-ca khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn. Tượng ngồi hai tay đưa lên trước mặt, hai ngón tay cái bấm gần vào đốt thứ hai của ngón tay trỏ thành vòng tròn theo tư thế thuyết pháp, Phật gầy ốm vì đang tuyệt thực, tham thiền mong tìm ra chân lý. Bảy là, tượng Thích-ca bưng bình Bal lak đi khất thực. Tượng đội mũ đen úp sát đầu không có chỏm nhọn hai tay ôm bình sơn đen – màu đen gắn liền với thần Siva, biểu hiện của sự no đủ. Tám là, tượng Thích-ca nhập Niết-bàn, tượng Phật nằm nghiêng đầu quay về hướng Nam, đầu kê lên tay, mặt quay về hướng Đông. Ngoài ra, ở các chùa còn nhiều tượng Phật trong những tư thế thể hiện các giai đoạn khác nhau trong đời của Ngài, từ khi đản sinh cho đến hồi nhập diệt. Sau mỗi pho tượng đều có ghi chú xuất xứ của pho tượng và người mang tượng đến cúng chùa. Tóm lại, tượng Phật trong các ngôi chùa đều có chung tư tưởng, triết lý Phật giáo, đó là cách mô tả cơ thể siêu tự nhiên. Nhưng các nghệ nhân Khmer không đi vào đặc tả mà dùng mảng khối, đường nét ước lệ trần tục để thể hiện cái thần, cái siêu thoát của hình tượng. Dù được thể hiện bằng nhiều hình thức, kiểu dáng tư thế khác nhau nhưng các tượng đều khoác tấm áo cà sa màu vàng của nhà Phật (phủ kín hai vai hoặc một vai). Nghệ thuật điêu khắc dân gian dân gian ở đây ít nhiều mang đậm tinh thần, phong cách Ấn Độ, song họ đã hướng tới một sự giản lược, tạo cho tượng một vẻ dáng khỏe khoắn, nhẹ nhàng. Tóm lại, chánh điện chùa Khmer vừa có một vai trò quan trọng trong toàn bộ công trình của ngôi chùa, vừa là nơi bảo tồn và lưu truyền nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.■ TRẦN MINH THƯƠNG Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 178
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |