Chi tiết tin tức

Hồng Kông: Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật từ Đôn Hoàng

20:23:00 - 10/03/2015
(PGNĐ) -  Bảo tàng Di sản Hồng Kông ở Sha Tin đang tổ chức một cuộc triển lãm về các tác phẩm nghệ thuật từ những hang động Đôn Hoàng ở phía Tây bắc Trung Quốc.
Quần thể động Đôn Hoàng là nơi lưu trữ phong phú về các bức bích họa, các tác phẩm điêu khắc, các văn bản và các hiện vật có từ thế kỷ thứ IV đến thứ XIV. Cuộc triển lãm lần này mang chủ đề “Đôn Hoàng: Những câu chuyện chưa được kể, những giá trị chưa được khám phá”. Cuộc triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 16-3-2015.

 

Hong-Kong-550x191.jpg
Tượng Phật trong tư thế nhập niết bàn dài 13 mét được trưng bày tại cuộc triển lãm

Theo South China Morning Post, có 200 hiện vật chính gốc được trưng bày tại cuộc triển lãm và ba hang động mô phỏng lại ba giai đoạn lịch sử khác nhau: triều đại Bắc Lương (420 TCN - 39 SCN), đầu đời Đường (668-704), và giai đoạn ngay trước triều đại nhà Nguyên khi quân Mông Cổ xâm chiếm Đôn Hoàng, từ 1227.

Ngoài ra, còn có các bản sao của những bức bích họa được những người tiên phong sáng lập Viện Nghệ thuật Quốc gia Đôn Hoàng tạo tác (tiền thân của Học viện Đôn Hoàng), gồm có Chang Shuhong và Duan Wenjie (thuộc Bảo tàng Di sản Hồng Kông).

Trong số những các bản sao của những bức bích họa, có bức bích họa Chuyện tiền thân con nai chín màu, được vẽ trong thời kỳ Bắc Ngụy (386-535), là một tác phẩm được quan tâm đặc biệt.

Ông Lou Jie, giám đốc trung tâm triển lãm tại Học viện Đôn Hoàng, nói với South China Morning Post rằng: “Bức tranh Chuyện tiền thân con nai chín màu thể hiện nét đặc trưng của phương pháp sáng tác của miền Trung Á - phương pháp tạo ra các độ sâu khác nhau bằng cách sử dụng bóng đổ của màu sắc - và phương pháp này được các nghệ sĩ Trung Quốc sử dụng rộng rãi. Các nhân vật trong bức bích họa cũng mặc trang phục theo một phong cách khác. Rất có thể bức bích họa ấy do các nghệ sĩ đến từ miền Tây của Trung Quốc sáng tác”.

Bên cạnh các mô hình hang động và các bức bích họa mô phỏng, cuộc triển lãm còn thu hút sự quan tâm của mọi người với một bức tượng Phật trong tư thế nhập Niết-bàn có chiều dài 13 mét, những bản kinh bằng tiếng Uighur và tiếng Tây Tạng được khắc trên gỗ, những cuốn sách bằng tiếng Syriac được viết trên lá bối, và bản in những câu thần chú cốt tủy bằng tiếng Tangut duy nhất hiện còn lại trên thế giới (của Bảo tàng Di sản Hồng Kông).

Kể từ khi cuộc triển lãm này được khai mạc vào ngày 28-11-2014, mỗi ngày có tới hàng trăm người đến Viện Bảo tàng Di sản Hồng Kông để chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật.

Bà Carrie Lam, Thư ký trưởng của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, phát biểu: “Văn hóa Đôn Hoàng chứa đựng những kiến thức mà ta không thể nào học hết trong một đời, nghệ thuật ở Đôn Hoàng sẽ được nhiều thế hệ đánh giá cao và có những câu chuyện thú vị vô cùng về các tác phẩm nghệ thuật ở Đôn Hoàng”. Theo South China Morning Post, những hang động cổ xưa của Đôn Hoàng được cho là những di tích văn hóa quan trọng nhất của Trung Quốc.

Cuộc triển lãm lần này đã thu hút nhiều thành phần trong xã hội đến tham quan và tìm hiểu, trong đó có cả các em học sinh, sinh viên và các giáo viên.

Ông Eddie Ng Hak-kim, thư ký phụ trách giáo dục (của Hồng Kông), nhận định: “Cuộc triển lãm về những di sản của Đôn Hoàng và những câu chuyện liên quan đều rất sinh động và thú vị. Sự tham gia của các giáo viên và học sinh có thể khôi phục lại việc giáo dục lịch sử Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc, khơi dậy sự quan tâm của học sinh đối với việc nghiên cứu lịch sử Trung Quốc”.

Một vị khách tham quan triển lãm phát biểu: “Đến tham quan cuộc triển lãm như thế này thật là ý nghĩa. Mọi người không cần phải đi đến Đôn Hoàng, vì nó khá xa và sẽ tốn rất nhiều chi phí. Đến với cuộc triển lãm này, chỉ với 20 đô-la Hồng Kông là mọi người có thể biết được nhiều điều về Đôn Hoàng”.

Cuộc triển lãm này được tổ chức bởi Bảo tàng Di sản Hồng Kông và Học viện Đôn Hoàng, và được trình bày bởi Sở Dịch vụ Văn hóa và Giải trí (Hồng Kông) cùng với Học viện Đôn Hoàng. Nhà tài trợ chính cho cuộc triển lãm lần này là Hội từ thiện Jockey Club Charities Hồng Kông. Bên cạnh đó, cuộc triển lãm này còn nhận được sự hỗ trợ của Báo Thương mại (Hồng Kông), Viện Thiết kế Hồng Kông, Viện Giáo dục Dạy nghề Hồng Kông, và hội Những người bạn của Đôn Hoàng ở Hồng Kông.

Minh Phú (theo Buddhist Door)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin