Chi tiết tin tức

Ngẫm về cái chết…

15:25:00 - 13/07/2015
(PGNĐ) -  Sinh - lão - bệnh - tử là những trạm dừng chân mà mọi loài đều không thể vượt qua. Quy luật ấy như là bất biến! Dẫu biết vậy, nhưng không thể nào không chua xót, thắt lòng vì những nhạc sĩ tài hoa, xứng đáng là “đại thụ” trong rừng âm nhạc Việt Nam đột ngột và liên tiếp ra đi. Chính các cụ đã vinh danh nền âm nhạc nước nhà đến với thế giới.
 

ho-quynh-huong-2.png
Nhạc sĩ An Thuyên

Những ngày tháng đầu năm 2015, giới văn nghệ sĩ, người yêu nhạc và công chúng ngỡ ngàng trước sự ra đi của nhạc sĩ Hồ Bông (1930 – 23-4-2015), GS.TS Trần Văn Khê (24-7-1921 – 24-6-2015), nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (11-11-1924 – 29-6-2015), nhạc sĩ Phan Nhân (15-5-1930 – 29-6-2015) và nhạc sĩ An Thuyên (15-8-1949 – 3-7-2015).

Sự bàng hoàng, nuối tiếc với những người đã mất là điều tất yếu đối với người còn sống là người thân, bạn bè, người hâm mộ... Bởi sinh thời, họ sống và sáng tạo quên mình, không nghĩ mình, luôn vì mọi người, vì cái lấp lánh, đẹp, hoài bão mà muôn đời ai không hướng đến. Giai điệu âm nhạc thay cho mọi ngôn từ! Chính âm nhạc các cụ đã nói thay lòng chúng ta không biết bao nhiêu lần trong cuộc sống!

Khi phút giây nhịp thở ngừng chính là phút giây nhịp thời gian mãi xanh, mãi khắc ghi thêm lần nữa về sự xứng danh, vì nghệ thuật, vì cuộc đời của những người cả đời cống hiến vì nền âm nhạc của nước nhà. Các cụ mất đi nhưng âm nhạc và những nghiên cứu, sáng tạo của các cụ mãi còn, mãi rung động lòng người qua bao thế hệ và tôi tin là những thế hệ tiếp sau vẫn rung động!

Nhưng cũng thật mừng, những nhạc sĩ tài hoa ấy về với mây ngàn khi tuổi đã cao, đã kinh qua những mặn ngọt cuộc đời để làm nên những tác phẩm chín và hương tỏa mãi cùng thời gian. Từ các cấp chính quyền, đoàn thể tới nhạc sĩ, ca sĩ, công chúng yêu nhạc đã bằng nhiều cách tiễn đưa những nhạc sĩ ấy về với đất mẹ bằng cách riêng của mỗi người. Nhưng tất cả đều thành kính, xúc động thật sự và trân quý về tài năng của những người vừa nằm xuống ấy!

Những con người ấy sống gần trăm tuổi vẫn cống hiến cho đời. Hồi nhỏ, tôi thường thấy ông nội hay ghi lên bảng dòng chữ bằng phấn trắng có khi phấn màu về lịch phát sóng nói chuyện về âm nhạc dân tộc của cụ Trần Văn Khê. Chính cụ đã làm cho nền âm nhạc dân tộc được bay ra thế giới, chễm chệ với thời gian. Rồi khi là thanh niên thì tôi không thể nào quên trong vở chép nhạc dòng nhạc đỏ, không thể không có bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (thơ Dương Hương Ly), nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu xứng danh là vua phổ thơ! Có lần trong lúc trà dư tửu hậu, ba tôi kể rằng giữa lúc Hà Nội đang nặng bom rải thảm 1972 - 1973, Phan Nhân đã không thèm xuống hầm trú bom rơi đạn nã, mà ông lại cố rướn người cao hơn trên nắp hầm để xem quân dân ta đánh Mỹ, và trào dâng cảm xúc để còn mãi với đời một “Hà Nội - niềm tin và hy vọng”. Rồi mỗi khi có dịp văn nghệ hoặc karaoke cùng chúng bạn thì tôi lại nghĩ về An Thuyên, âm giai ngọt ngào sang trọng ấy cứ quyến rũ tôi qua “Chín bậc tình yêu” và đặc biệt là “Ca dao em và tôi”. Chợt nhớ nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh Đặng Thế Phong (1918 - 1942) tuy chỉ mang đến cho đời 3 ca khúc: Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu (tức “Vạn cổ sầu”), nhưng hai trong số ba bài đó xứng đáng là những kiệt tác bất hủ của tình ca Việt. Viết để mọi người yêu mến, nhớ và thuộc được một câu, một đoạn, một bài nhạc đã là một hạnh phúc đối với người sáng tác, huống hồ ở các ông là nguồn sinh khí dồi dào cho nốt nhạc cứ bay cao mãi, vút cánh cùng thời gian điểm tô cuộc đời vô vàn mến yêu.

Thật vậy, sự ra đi ấy làm sao không khỏi nuối tiếc…

Ngược lại, ngày ngày chúng ta đã quá quen thuộc với những bản tin về cái chết: tai nạn giao thông (thủy, hải, bộ, không), thiên tai, chiến tranh, gây sự, hiếu thắng vì trong người có chút men cay… Những cái chết ấy diễn ra nhiều, nhiều lắm, nhưng sự tiếc thương có thể chỉ trong nháy mắt hoặc sẽ bị xã hội lên án với những cái chết mang đầy tính bạo lực vì những tham vọng thấp hèn của một vài cá nhân nào đó… Khi họ ngừng thở cũng là lúc sự sống, niềm thương, nỗi nhớ, dần lụi tàn theo thời gian nhanh phai.

hinh-nen-am-nhac-full-hd-154-0.jpg

Đất nước luôn cần hiền tài, có nhiều người tài, đức thì đất nước càng thêm thịnh vượng. Cái chết không đáng sợ, đáng sợ nhất là cái chết như thế nào. Ngẫm về cái chết mỗi ngày để không phải sợ, mà để tự mình soi lại chính mình xem coi đã sống đàng hoàng và có lợi ích với đời, lợi lạc cho mọi người chưa…

Ráng chiều này tôi nghe có vệt mây hắt sáng cầu vồng lấp lánh bảy sắc tựa như bảy nốt nhạc còn đang trầm bổng cùng với ngày. Tôi mặc niệm lòng, tập thở để tái sinh những niềm vui cho mình, cho người…

Trần Huy Minh Phương

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin