Chi tiết tin tức

Giỏi tiếng Việt để yêu nước Việt hơn

15:09:00 - 16/04/2015
(PGNĐ) -  Với các quốc gia đa sắc tộc, một tiếng nói, một loại chữ viết được chọn làm chủ đạo, thường là của sắc tộc mạnh nhất và được gọi là ngôn ngữ hay chữ viết chính thức. Ở nước ta là tiếng Kinh, chữ Việt. Không sành sõi tiếng mẹ đẻ thì tình yêu nước chỉ là một phản ứng tự vệ có tính bản năng. Chính sành sõi tiếng mẹ đẻ làm tình yêu nước nồng nàn hơn, làm ta yêu được những người khác với ta lắm thứ, sống vào một thời, một nơi xa ta rất nhiều, mà bởi chỉ vì cùng tiếng nói.

1

Một giáo viên môn Sử hỏi tôi, “Anh ơi, sao gọi là ‘phe đồng minh’ vậy anh? Chữ minh đó có cùng nghĩa với từ minh trong cụm từ ‘Mặt trận Việt Minh’ không?” Tôi trả lời, “Cả hai chữ minh đó có cùng nghĩa là thề nguyền/ lời thề, đồng minh là cùng thề với nhau theo đuổi một lập trường, một lý tưởng, một mưu đồ… nào đó”. Luôn thể, tôi hỏi lại anh bạn trẻ, “Thế từ minh trong các cụm từ ‘rừng U Minh Thượng’, ‘bài minh trên chuông’, ‘loan phụng hòa minh’ hay ‘quang minh chính đại’ có nghĩa gì, giống hay khác nhau?”. Anh bạn trẻ kêu lên, “Tiếng Việt ta khó quá, em bó tay chấm com mất. Có ai dạy cho em mà em biết, thường nói theo thói quen, theo tập quán mà thôi”.

Những cụm từ được nêu trên có lẽ cũng không mấy xa lạ với chúng ta. Có từ được nói hằng ngày mà đôi người không cố hiểu được cho đến nơi đến chốn. Hơi cường điệu một chút, theo ý tôi, phần lớn giới trẻ bây giờ có lẽ e cũng bó tay theo anh bạn trẻ đó. Phải chăng vì chúng là từ Hán Việt nên chúng ta không nhọc lòng quan tâm đến? Cứ nói cuội theo báo đài sách vở là được.

Thế còn từ thuần Việt thì sao? Có lần vào đầu năm học, tôi gọi điểm danh học sinh đến em Hà Văn Cau thì cả lớp cười ồ lên. Tôi hơi ngạc nhiên. Tiếp đến, qua vài em khác đến em Trần Thị Mè thì cả lớp lại cười ồ một lần nữa. Hóa ra, bên cạnh Phương Dung, Quang Huy, Thu Tuyết,… thì Cau và Mè xem ra cũng hơi lép vế và khôi hài. Đó là chuyện vài học sinh nông thôn. Còn ở thành phố, con cái của các bậc thị dân khoa bảng, các thương nhân giàu có, hay của cả các người bình dân dứt khoát không thể là Nguyễn Thị Trăng Thu, Phạm Văn Trời Sáng được, nói chi đến Rau, Đậu, Mè, Vừng… Chúng phải là Nguyễn Trần Thu Nguyệt hay Phạm Võ Nhật Quang, tên sao phải nghe trang trọng, oai vang chứ nôm na mách qué là không xong rồi. Ở đây, chúng ta lại quá tả, quá trọng thị từ Hán Việt. Vì thế, tôi thỉnh thoảng được các bố mẹ trẻ tư vấn khi đặt tên con, họ sợ cái tên nghe kêu ấy lại thậm chí không có chút ý nghĩa gì hết, mất hay.

2.

Hai trường hợp trên nêu lên một hiện trạng bất nhất đang diễn ra trong việc sử dụng tiếng Việt của người Việt: Thích dùng từ Hán Việt mà không chịu học từ Hán Việt. Trong một bản tin dự báo thời tiết gần đây tôi nghe được, nhà đài báo rằng ngày mai một luồng không khí lạnh sẽ bổ sung cho khí hậu ở vùng Đông Bắc Bộ và trong tuần tới một cơn gió mạnh cấp sáu sẽ tập kích miền Nam Trung Quốc… Chúng ta thường nói bổ sung lực lượng (vì thiếu hụt), bổ sung kiến thức (vì chưa đủ)… chứ làm sao mà bổ sung cái khí lạnh khổ sở đó vào miền Bắc của chúng ta được. Tương tự thế, hiện tượng thiên nhiên gió bão không xảy ra nơi này thì xảy ra nơi kia làm sao lại cố ý tập kích (đánh úp) vào xứ Trung Quốc thế. Xét cẩn thận hơn nữa thì từ tập trong từ tập kích và từ tập trung hoàn toàn khác nhau đấy.

Chúng ta phải công nhận một sự thật lịch sử: từ Hán Việt là một thành phần bất khả phân ly của tiếng Việt. Từ chối nó là đi ngược với qui luật phát triển của ngôn ngữ và làm nghèo đi tiếng Việt của chúng ta. Chúng ta đã dùng từ Hán Việt cả hơn ngàn năm, nên không còn có thể khước bỏ nó được. Lấy ví dụ, ai lại thay thế cụm từ “gia đình hạnh phúc” bằng “cả nhà sung sướng”. Cả nhà đó dù thiếu thốn (không sung) và vất vả (không sướng) nhưng họ yêu thương, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau thì họ vẫn là một gia đình hạnh phúc như thường.

Có trường hợp ngược lại, dù có từ thuần Việt tương đương, chúng ta cũng không dùng được trong trường hợp nhằm diễn tả sự tôn trọng. Ví dụ như thay vì nói vua nước Thái và vợ sẽ đến thăm Việt Nam vào tuần tới, chúng ta nên nói Quốc vương Thái Lan và hoàng hậu sẽ đến thăm… Tự bao giờ, từ Hán Việt được khoác cái ý nghĩa quý phái, trang trọng và cung kính. Ví dụ nữa, từ “tiền nhân” lại dường như có nghĩa kính trọng hơn là từ “người đời trước”.

Bên cạnh tình trạng đáng tiếc thường xảy ra trên, nếu không bàn đến các từ mượn từ các ngôn ngữ khác thì tôi e rất thiếu sót, nhất là từ tiếng Pháp và tiếng Mỹ. Thoạt đầu, chúng ta vay mượn hầu để diễn tả những vật/ khái niệm chưa có như xà-phòng (savon), nhà ga (la gare), bơ (le beurre), mát-xa (massage), sâm-banh (champagne)… Về sau, dù có từ thuần Việt sẵn rồi, chúng ta lại thu thập một số từ cho oai như tin hot, tuổi teen, các fan… Thậm chí có cuộc thi hoa hậu khá sôi nổi lại mang tên là Miss Teen như là đang xảy ra bên xứ Mỹ vậy.

Nhìn vào thực tế, việc sử dụng tiếng Việt ta ngày nay đã trở nên xô bồ và không tuân thủ một số qui tắc thông thường. Nếu kể ra thì không biết là bao nhiêu ví dụ. Ví dụ, từ gov thì được phát âm là gờ o vê thay vì giê ô vê hay gờ o vờ; nữ anh hùng trong khi từ ‘hùng’ có nghĩa là giống đực; hơi bị hay thay cho khá hay,… Thậm chí một quan chức phát biểu trong nghị trường đại khái rằng làm ăn kinh tế thì có phi vụ (chuyến bay) thất bại là thường. Hẳn ông ta không biết rằng phi vụ là tiếng lóng dành cho việc làm ăn phi pháp của gian thương xã hội đen, chứ làm ăn chân chính xã hội chủ nghĩa thì phải gọi là thương vụ. Thật là một nhầm lẫn chết người.

Vậy nói, viết cũng cần có luật lệ là hiển nhiên.

3

Đúng là ngôn ngữ có tính võ đoán, dùng lâu dài sẽ trở thành phổ thông và chính thống, nhưng có điều quan trọng chúng ta nên thấy là sử dụng giỏi tiếng nói của dân tộc ta làm chúng ta yêu đất nước chúng ta hơn. Vì sao vậy? Tôi rất đồng tình với nhận định của một số nhà nghiên cứu rằng tình yêu nước chủ yếu dựa vào tiếng nói của dân tộc sống trong nước đó. Quốc gia không chỉ là một vùng lãnh thổ hữu hình mà còn cả một nền văn hóa phi vật thể đồ sộ của người dân sống trên đó. Chính nói cùng tiếng nói gắn kết những con người đó với nhau, làm họ hiểu nhau, thấy cái đẹp của nòi giống mình, và muốn sống cạnh nhau. Thông qua tiếng nói rồi về sau là chữ viết, người dân cùng chung một ký ức văn hóa, chung một lịch sử đấu tranh, chung một niềm tin dân tộc, … khiến họ trở thành một khối thống nhất dù khác huyết thống, trình độ kinh tế, tập tục,… Từ đó, tình yêu cái khối thống nhất đó, có tổ chức quản lý, tạo nên truyền thống và xây dựng một niềm tự hào dân tộc, là cái cốt lõi của tình yêu nước. Ta thường thấy mọi quốc gia đều cố thống nhất tiếng nói, chữ viết để củng cố sức mạnh của đất nước là vì vậy.

Với các quốc gia đa sắc tộc, một tiếng nói, một loại chữ viết được chọn làm chủ đạo, thường là của sắc tộc mạnh nhất và được gọi là ngôn ngữ hay chữ viết chính thức. Ở nước ta là tiếng Kinh, chữ Việt. Không sành sõi tiếng mẹ đẻ thì tình yêu nước chỉ là một phản ứng tự vệ có tính bản năng. Chính sành sõi tiếng mẹ đẻ làm tình yêu nước nồng nàn hơn, làm ta yêu được những người khác với ta lắm thứ, sống vào một thời, một nơi xa ta rất nhiều, mà bởi chỉ vì cùng tiếng nói. Một anh chàng đen đủi to cao sống tận châu Phi gần cả một đời lại òa ra khóc khi nghe được tiếng Việt, hóa ra mẹ anh ta là người Việt. Cái sợi dây thiêng liêng kết nối anh ấy với quê mẹ chính là tiếng nói vậy.

4

Nhạc sĩ Phạm Duy từng viết, “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi! Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…”. Vâng, từ tiếng nói khi nghe đầu đời rồi qua ngàn năm thành tiếng ru muôn đời và thành tiếng lòng tôi. Nhạc sĩ Phạm Duy viết thế quả rất súc tích. Nếu ta không thấm cái vẻ đẹp của đất nước qua tiếng nói đặc thù của dân tộc thì làm sao mà có một lòng yêu nước cháy bỏng và tha thiết được.

Nhà báo thời danh Nguyễn Văn Vĩnh năm 1907 trong lời tựa của truyện Tam quốc chí do Phan Kế Bính dịch đã có câu nói bất hủ: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Rõ ràng cụ đã nhận thấy dù dân ta có cải lương y phục, nhà cửa, lề thói, … để thích nghi với tiến bộ Âu Tây như hiện nay mà còn giữ được tiếng Việt thì vẫn còn là con người Việt, có bản sắc riêng. Tầm quan trọng của tiếng nói là thế đó.

Một Việt kiều thế hệ thứ hai nếu không biết nói đọc tiếng Việt thông thạo hẳn khó mà có được một lòng yêu nước nồng nàn. Điều dễ hiểu là bởi anh ta bị cắt rời khỏi tâm thức dân tộc, không có lòng tự hào về dân tộc mình. Một người dân Việt không sành sõi tiếng Việt, không hiểu được văn hóa Việt, nói chêm lung tung tiếng nước ngoài thì cũng như Việt kiều trên thôi.

Trừ phi ai đó nói liều rằng chỉ cần tình nhân loại thôi, đừng nên bảo thủ hẹp hòi trong phạm vi quốc gia nhỏ bé, giỏi tiếng mẹ đẻ vẫn là điều tiên quyết để yêu đất nước sâu đậm thiết tha hơn. Tình trạng sử dụng tiếng Việt ta hiện nay là thế. Làm sao dạy cho con cháu ta giỏi tiếng mẹ đẻ, rồi từ đó yêu đất nước hơn là một nhiệm vụ cấp thiết của các giới chức hữu quan.

Đó lại là một vấn đề khác. „
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 173

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin