Chi tiết tin tức

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

19:30:00 - 11/12/2024
(PGNĐ) -  Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.

- Điều gì đã thôi thúc Hạnh Nguyên tìm hiểu và đọc sách về Phật pháp?

Việc ăn chay của tôi bắt đầu từ lý do sức khỏe và tình yêu động vật, cùng với mối duyên hướng đến Phật pháp. Ban đầu, tôi lo gia đình thắc mắc về thay đổi trong chế độ ăn nên tìm hiểu thêm về Phật pháp qua sách, thuyết pháp và các sự kiện liên quan.

Khi tham gia buổi talkshow “Vì sao ta theo đạo Phật” tại chùa Giác Ngộ cùng á hậu Bích Tuyền, chúng tôi được thầy Thích Ngộ Trí Dũng tặng nhiều sách Phật giáo và kinh. Từ đó, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn và thúc đẩy mình tìm hiểu thêm về giáo lý Phật pháp.

Giờ đây, tôi nhận ra giáo lý Phật giáo gắn liền với cách đối xử hàng ngày: với cha mẹ, bạn bè, người xung quanh và công việc. Nó giúp tôi chuyển hóa cảm xúc, giữ tâm hồn bình lặng và an yên, mang lại sự cân bằng và lan tỏa năng lượng tích cực. Tôi mong sự an lành, vui vẻ của mình có thể đem lại hạnh phúc cho mọi người.

 

454642423_2920040444800906_2042911285483444246_n.jpg Á hậu Hạnh Nguyên duy trì thói quen thiền mỗi ngày.

- Cuốn sách Phật pháp đầu tiên Hạnh Nguyên đọc đã tác động đến tư duy của bạn thế nào?

Cuốn sách Phật pháp đầu tiên tôi đọc là Kinh Phật về Thiền và Chuyển hóa của Thầy Thích Nhật Từ, tổng hợp các phương pháp thiền tại gia. Ban đầu, tôi cảm thấy hoang mang không biết bắt đầu từ đâu để thực hành thiền và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực, nhưng cuốn sách đã cung cấp kiến thức hữu ích.

Mặc dù chưa hoàn toàn tĩnh lặng, tôi vẫn duy trì thói quen thiền mỗi ngày. Nó giúp tôi bình tĩnh đón nhận mọi việc và xử lý công việc với tâm thế cân bằng. Tâm trạng này không làm tôi nhạt nhòa mà giúp bản thân hiểu khi nào cần sôi nổi, khi nào nên lắng nghe và nghiêm túc, đồng thời giữ sự ôn hòa và tạo cảm giác dễ chịu cho người xung quanh. Đây là bài học quý giá tôi không ngừng rèn luyện.

- 3 cuốn sách tâm đắc nhất và lý do Hạnh Nguyên yêu thích chúng?

Đắc nhân tâm là cuốn sách tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Nó giúp tôi hiểu rõ hơn về cách đối nhân xử thế, cư xử đúng mực và xây dựng các mối quan hệ hài hòa. 

Hiểu về trái tim giúp cân bằng và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Cuốn sách giúp tôi phát triển sự đồng cảm, đồng thời học cách bình tĩnh và trân trọng hơn mọi mối quan hệ.

Cẩm nang phòng chống xâm hại cho con của Tiến sĩ Phạm Thị Thúy là cuốn sách tôi đọc để trang bị thêm kiến thức về bảo vệ trẻ em. 

- Hạnh Nguyên dung hòa việc đọc sách với cuộc sống, công việc bận rộn thế nào?

Nếu muốn điều gì trở thành thói quen đều phải rèn luyện. Mỗi ngày, tôi đọc từ 5 đến 20 trang sách. Dù lịch trình bận rộn, tôi luôn cố gắng dành thời gian để đọc, có thể là một bài báo, vài trang sách hoặc câu trích dẫn ngắn.

Tôi tận dụng thời gian trống, như buổi sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ để duy trì việc đọc. Đọc sách không chỉ là sở thích mà trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.

- Hạnh Nguyên áp dụng triết lý Phật giáo từ sách vào cuộc sống thế nào?

Tôi áp dụng nhiều triết lý Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày, luôn cố gắng kiểm soát cảm xúc và không để tức giận lấn át. Tôi thực hành nguyên tắc không làm điều mình không muốn người khác làm với mình. Nếu mỗi người đều giữ được tâm niệm này, môi trường xung quanh trở nên tích cực hơn.

Tôi cũng tin vào luật nhân quả. Nếu muốn có kiến thức mới, tôi phải gieo nhân bằng cách học tập và trau dồi bản thân. Các triết lý Phật giáo giúp tôi hiểu rõ hơn về "cho đi". Sự cho đi không chỉ giới hạn trong vật chất mà còn là lời chúc, ý nguyện hoặc sự động viên chân thành. Ví dụ, khi gặp ai đó khó khăn nhưng không thể giúp tài chính, tôi gửi đến họ lời chúc sức khỏe và hy vọng họ vượt qua thử thách.

Tôi học cách không trách móc những điều tiêu cực xảy đến với mình mà chấp nhận chúng như bài học. Nhờ vậy, tôi cảm thấy lạc quan và nhận ra giá trị to lớn từ các triết lý Phật giáo.

- Theo bạn, đọc sách Phật pháp khác với đọc các thể loại sách khác như thế nào?

Mỗi loại sách mang một giá trị riêng, từ kiến thức, lối hành văn đến việc bổ sung vốn từ. Tùy theo hoàn cảnh và giai đoạn trong cuộc đời, mỗi người sẽ chọn những thể loại khác nhau, từ sách chuyên môn đến sách chữa lành tâm hồn.

Sách về Phật pháp tập trung vào cách sống, lời nói, hành động, suy nghĩ và những gì chúng ta thực hành mỗi ngày. Phật giáo chứa đựng câu chuyện và triết lý giúp điều chỉnh, hoàn thiện bản thân, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Một trích dẫn từ sách Phật pháp đã thay đổi cách nhìn của Hạnh Nguyên về cuộc sống?

Đó là: "Một ngọn nến có thể châm lửa cho hàng chục ngọn nến khác, nhưng điều đó không khiến nó lụi tàn sớm hơn". Cuộc sống cũng vậy, hạnh phúc không giảm bớt khi tôi chia sẻ với người khác. Khi đọc câu nói này, tôi nhận ra rằng hạnh phúc của chúng ta sẽ được nhân rộng khi mang niềm vui, sự yêu thương và hòa thuận chia sẻ với mọi người. 

- Ngoài sách Phật pháp, bạn còn yêu thích những thể loại sách nào? 

Tôi cũng rất thích đọc những ấn phẩm về tiếp thị trong kinh doanh và sách liên quan đến nghiệp vụ du lịch để nâng cao kiến thức chuyên ngành. Hiện tại, tôi theo đuổi lĩnh vực kinh doanh và nhận thấy có rất nhiều thứ mình cần "đọc" - đó là kiến thức, kinh nghiệm từ các bậc tiền bối. Khi mới ra trường, tôi đọc nhiều sách về nữ quyền vì lúc đó chưa hiểu rõ và dành thời gian đọc thêm sách du lịch, chuyên ngành mà tôi đang học.

- Hạnh Nguyên nghĩ sao về việc nhiều người trẻ ngày nay ít đọc sách? Phương pháp đọc sách hiệu quả của bạn?

Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ xung quanh chăm chỉ đọc sách, điều này tạo cảm hứng để mình duy trì thói quen đọc mỗi ngày. Tuy nhiên, một số người ít đọc sách có thể do công việc bận rộn hoặc lịch trình dày đặc. Dù vậy, mỗi người đều có kênh riêng để tiếp thu kiến thức như podcast, sách nói, bài hát giáo dục, báo giấy, báo điện tử hay mạng xã hội. Đôi khi, các bạn cũng tiếp cận sách qua những trích dẫn chia sẻ online.

Dù có nhiều nguồn thông tin khác, tôi vẫn thích đọc sách. Đọc sách giúp mở ra một thế giới mới, mỗi trang sách mang đến những câu chuyện và góc nhìn khác biệt. Tôi không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn học được ngôn từ, lối hành văn và cách truyền tải thông điệp.

Về phương pháp đọc, tôi không theo công thức cụ thể mà rèn luyện thói quen. Ban đầu, tôi đọc 1-2 trang mỗi sáng, rồi tăng dần lên 5, 10 trang. Dù khó khăn, tôi vẫn kiên trì và thói quen này đã trở thành tự nhiên. Để tập trung, tôi hạ âm lượng chuông điện thoại để tránh bị gián đoạn khi có thông báo. 

 

Nguyên Đại Trí

Ảnh: FBNV/vietnamnet.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin