Người Thái tin rằng tùy theo ngày sinh trong tuần, mỗi người có cá tính khác nhau, và thờ tượng Phật với tư thế khác nhau dựa theo các mẫu chuyện ghi trong kinh điển. Có 8 tượng, vì riêng ngày thứ Tư, có 1 tượng dành cho những người sinh vào buổi sáng và 1 tượng dành cho những người sinh vào buổi trưa và chiều tối.
Họ cũng tin vào màu sắc thích hợp, và ngày tốt, ngày xấu. Tôi không biết truyền thống này có từ lúc nào và bắt nguồn từ đâu.
Tám hình tượng này được thấy trong bộ 40 tượng Đức Phật bằng đồng, dựa theo các sự tích về cuộc đời Đức Phật, được quy định trong triều vua Rama III (1788-1851) khi nhà vua yêu cầu vị Trụ trì chùa Hoàng gia Wat Pra Keo tôn trí tại chùa.
Các ngày trong tuần lễ là theo văn hóa Ấn Độ, thiết lập tương quan với 9 hành tinh quay chung quanh trái đất theo quan niệm thiên văn Ấn Độ thời xưa: mặt trời, mặt trăng, sao Hỏa, sao Thủy, sao Mộc, sao Kim, sao Thổ, sao Rahu, và sao Ketu.
Truyền thống liên kết các ngày trong tuần lễ với hình tượng Phật bắt nguồn từ miền bắc Thái Lan, không biết từ lúc nào, nhưng dần dần trở nên phổ thông tại các chùa ở trong vùng đó. Dần dần, truyền thống này được phổ biến tại các chùa khác ở Bangkok, trong thập niên 1950 và từ đó, phổ thông khắp nước.
Tượng Phật ngày Chủ Nhật
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 1 trong tuần |
Người Thái gọi là tượng Phật nhìn suy tư (พระปางถวายเนตร – phrá-pang-tha-wải-nét). Hai tay buông thỏng, để chéo trước bụng. Theo tử vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày Chủ Nhật của tuần lễ.
Theo bà Gs K.I. Matics trong cuốn “Gestures of the Buddha” (2001), tượng này dựa theo sự tích ghi trong Chú giải Phật sử. Trong tuần lễ thứ hai sau khi Thành Đạo, Đức Phật đi đến một địa điểm phía đông bắc, đứng nhìn lại cội bồ đề nơi Ngài thành đạo, nhìn không chớp mắt trong suốt bảy ngày, suy niệm về đạo quả giải thoát mà Ngài đã thành đạt.
Tượng Phật ngày thứ Hai – Thủ ấn Vô Úy
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 2 trong tuần |
Người Thái gọi là tượng Phật ngăn cản họ hàng (พระปางห้ามญาติ – phrá-pang-hám-dát). Tượng Phật với oai nghi đứng, một bàn tay – hay đôi khi cả 2 bàn tay – đưa lên, lòng bàn tay hướng ra ngoài, theo thủ ấn Vô Úy (Abhaya Mudrā). Theo tử vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày thứ Hai của tuần lễ.
Theo bà Gs K.I. Matics trong cuốn “Gestures of the Buddha” (2001), tượng này dựa theo câu chuyện Đức Phật đã hòa giải, ngăn chặn cuộc chiến giữa hai quốc gia láng giềng (bộ tộc Sakya và Koliya), tranh chấp về việc sử dụng nguồn nước sông Rohini, gần thành Ca-tỳ-la-vệ (Chú giải PC, 197-199).
Tượng Phật ngày thứ Ba
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 3 trong tuần |
Người Thái gọi là tượng Phật nằm nghỉ (พระปางไสยาสน์ – phrá-pang-sảy-dát). Tượng với oai nghi nằm, tay trái xuôi theo thân, tay phải cong lên kê đầu. Theo tử vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày thứ Ba của tuần lễ.
Theo bà Gs K.I. Matics trong cuốn “Gestures of the Buddha” (2001), tượng này bắt đầu xuất hiện từ triều đại Sukhothai (1238-1583), thường thấy tác tạo với kích cỡ rất to, so với các loại tượng khác. Đó là vì dựa theo truyền thuyết Đức Phật hóa độ một người khổng lồ có tên là Asurindarahu. Người này kiêu hãnh vì bản thân to lớn của mình. Đức Phật dùng phép thần thông hiện ra hình ảnh vĩ đại của chính Ngài lúc nằm nghỉ, làm người khổng lồ kia trở thành nhỏ bé. Rồi Ngài cho người ấy thấy một cõi trời, trong đó có vô số chư thiên với hình dáng nhỏ hơn Ngài, nhưng vẫn to lớn hơn ông ta rất nhiều. Cảm thấy xấu hổ và kinh hoàng trước sức mạnh vô hình của Ngài, Asurindarahu đã chí thành khấu đầu lễ lạy Đức Phật.
Có người cho rằng hình tượng đó biểu thị Đức Phật bát-niết-bàn (parinibbana), lúc Ngài nhập diệt. Nhưng tôi được một vị sư ở chùa Wat Pathom Chedi cho biết sự khác biệt: tượng Phật nằm nghỉ có cánh tay phải cong lên để chống đỡ đầu, còn tượng Phật bát-niết-bàn có cánh tay phải đặt xuôi trên gối kê.
Tượng Phật ngày thứ Tư, buổi sáng
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 4 trong tuần (buổi sáng) |
Người Thái gọi là tượng Phật đi khất thực (พระปางอุ้มบาตร – phrá-pang-um-bạt). Tượng với oai nghi đứng, hai tay ôm bình bát. Theo tử vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày thứ Tư của tuần lễ, vào buổi sáng trước giờ ngọ (12 giờ trưa).
Theo bà Gs K.I. Matics trong cuốn “Gestures of the Buddha” (2001), tượng này dựa theo sự tích Đức Phật lần đầu tiên, sau khi Thành Đạo, trở về thành Ca-tỳ-la-vệ thăm vua Tịnh Phạn. Vì nhà vua và hoàng tộc không biết thỉnh mời Ngài và chư tỳ-khưu về hoàng cung thọ trai, Đức Phật và chư Tăng đi khất thực từng nhà trong thành Ca-tỳ-la-vệ (Chú giải Pháp cú, kệ 168-169).
Tượng Phật ngày thứ Tư, buổi chiều
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 4 trong tuần (buổi chiều) |
Người Thái gọi là tượng Phật ở rừng Pārileyyaka (พระปางป่าเลไลย์ – phrá-pang-pà-lê-lai). Đây là tượng Phật ngồi trên bệ đá, hai tay để trên đùi, bàn tay phải mở ra nhận vật thực do khỉ và voi cúng dường. Theo tử vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày thứ Tư của tuần lễ, vào buổi trưa chiều tối, sau giờ ngọ (12 giờ trưa).
Theo bà Gs K.I. Matics trong cuốn “Gestures of the Buddha” (2001), tượng này dựa theo sự tích Đức Phật không thể hòa giải, can ngăn cuộc tranh cãi của chúng tỳ-khưu tại Kosambī. Ngài rời Kosambī và an cư mùa mưa một mình tại khu rừng Pārileyyaka. Nơi đó, hằng ngày có một con khỉ và một con voi tìm kiếm trái cây và mật ong trong rừng để dâng cúng đến Ngài. Sau đó Ngài dạy sáu nguyên tắc sống hòa hợp (lục hòa kính) - (Đại phẩm, Luật tạng; MN 48).
Tượng Phật ngày thứ Năm
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 5 trong tuần |
Người Thái gọi là tượng Phật giác ngộ hay thiền định (พระปางตรัสรู้หรือปางสมาธ – phrá-pang-trạch-sa-rú rử sa-mát). Đức Phật ngồi xếp chân theo tư thế kiết già (hoa sen) hay bán già, hai tay đặt trên đùi, bàn tay ngửa lên, bàn tay này đặt trên bàn tay kia theo thủ ấn thiền (dhyāna mudrā, samādhi mudrā). Theo tử vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày thứ Năm của tuần lễ.
Theo bà Gs K.I. Matics trong cuốn “Gestures of the Buddha” (2001), tượng này biểu thị Ngài Bồ-tát Sĩ-đạt-đa ngồi hành thiền dưới cội bồ đề vào đêm rằm tháng Vesak (tháng 4 AL). Sau đó Ngài đắc tam minh (túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh), giác ngộ, đạt quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác (Đại phẩm, Luật tạng).
Ngoài ra, một số nhà tử vi Thái cũng phân chia ngày thứ Năm làm 2 thời: buổi sáng với tượng Phật thiền định và buổi chiều với Đức Phật ngồi với thủ ấn Xúc Địa. Tuy nhiên, cách phân chia này không phổ thông.
Tượng Phật ngày thứ Sáu
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 6 trong tuần |
Người Thái gọi là tượng Phật thiền định trong oai nghi đứng suy tư (พระปางรำพึง – phrá-pang-ram-pưng, Contemplating Buddha). Hai tay xếp chéo, áp trước ngực. Theo tử-vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày thứ Sáu của tuần lễ.
Theo bà Gs K.I. Matics trong cuốn “Gestures of the Buddha” (2001), tượng này dựa vào sự tích sau ngày Thành Đạo, Đức Phật phân vân không biết có nên truyền giảng Giáo Pháp vi diệu này cho chúng sinh hay không. Phạm thiên Sahampati hiện ra, cầu khẩn Ngài, vì có những chúng sinh có thể nghe, hiểu, và thực hành để giác ngộ. Ngài đứng trầm tư, quán sát thế gian, và quyết định đi truyền giảng Giáo Pháp vì lợi ích cho chúng sinh (Đại phẩm, Luật tạng; MN 26).
Tượng Phật ngày thứ Bảy, với thần rắn Mucalinda
|
Ảnh Phật cho những người sinh vào ngày thứ 7 trong tuần |
Người Thái gọi là tượng Phật với thần rắn Naga (พระปางนาคปรก – phrá-pang-nắc-brộk). Đức Phật ngồi thiền, có thần rắn bao quanh và che chở. Thần rắn thông thường có 7 đầu, có nơi tạo tượng 9 đầu, hoặc có nơi tạo theo hình rắn Cobra (hổ mang) có đầu dẹp và to. Theo tử vi của dân gian Thái, tượng này dành cho những ai sinh ra trong ngày thứ Bảy của tuần lễ.
Tượng này dựa theo sự tích ghi trong Đại phẩm, Luật tạng. Vào tuần lễ thứ ba sau khi Thành Đạo, Đức Phật đến ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Mucalinda trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát. Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện. Trong bảy ngày, trời mưa có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng đuôi quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang, che phía trên đầu của Ngài rồi giữ nguyên tư thế, nghĩ rằng: “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.”
Sau đó, khi bảy ngày trôi qua, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước Ngài, chắp tay, bày tỏ thái độ cung kính đến Ngài (Đại phẩm, Luật tạng - trích bản Việt dịch của Tỳ-khưu Indacanda).
Hồng Yến
Tham khảo:
1) K.I. Matics, “Gestures of the Buddha” (2001)
2) C. Stratton, “Buddhist Sculture of Northern Thailand” (2004)
3) Google search, keywords: Buddha, Seven Days of the Week, Thailand
Nguồn: http://www.budsas.net/dlpp/bai81/index.htm