Chi tiết tin tức

Nữ tu sĩ Phật giáo vút cao tiếng hát giúp đời

19:20:00 - 12/03/2017
(PGNĐ) -  Nữ tu sĩ Ani Choying Drolma là một “huyền thoại phố thị” được nói đến nhiều trong suốt hai thập kỷ qua với những câu chuyện kể lạ kỳ của mình mà cô chia sẻ với báo giới các nơi.

Drolma sinh ra ở Nepal, bố mẹ cô là dân tị nạn Tây Tạng. Cô là một nữ tu sĩ Phật giáo và cũng là một ngôi sao trong nền âm nhạc thế giới. Từ việc thiện nguyện cho đến vai trò là đại sứ quốc gia Nepal đầu tiên của UNICEF, nhiều người so sánh cô với Mẹ Theresa của Ấn Độ.

45 tuổi, một mình lái xe rong ruổi đến thành phố lộn xộn Kathmandu trong tấm y vàng sậm cùng với giọng hát ngân nga vang lên từ radio, cô là niềm mong ước của bất kỳ người phụ nữ Nepal nào. “Tôi là người cách mạng nhất khi nghĩ về xã hội nơi mình đang sống”, cô Drolma chia sẻ với tờ CNN.

ani-choying-drolma 1.jpg
Nữ tu sĩ Ani Choying Drolma

Những khởi đầu gian nan

Cha của Drolma từng hay đánh đập cô. “Những điều vặt vãnh làm ông bực dọc, thế là ông đánh tôi và mẹ. Đến nay, tôi nhìn thấy đó như là một căn bệnh mà ông đang phải chịu đựng. Nhưng những ngày ấy, tất cả chúng tôi đều phải chịu đựng vì điều đó”.

10 tuổi, Drolma lòng đầy sợ hãi và phẫn nộ đã quyết tâm trở thành một nữ tu sĩ Phật giáo. “Tôi nghĩ, nếu tôi lớn lên và kết hôn, người đàn ông là chồng cũng sẽ đối xử với tôi như vậy. Bạo hành gia đình là một vấn nạn lớn ở nước chúng tôi”.

Cha mẹ cô đồng thuận với quyết định đó, “niềm tin trong cộng đồng chúng tôi là khi ai đó trở thành nữ tu sĩ thì họ sẽ sống cuộc đời mình một cách tích cực hơn” và ba năm sau, cô được nhận vào một tu viện.

Không chút do dự, Drolma cạo bỏ mái tóc, thay đổi trang phục thường ngày và thế danh của mình, Dolma Tsekyid. “Lần đầu tiên trút bỏ mái tóc, tôi cảm thấy tự do vô cùng, tôi có thể cảm nhận được từng cơn gió nhẹ đi ngang qua”. Tu viện Nagi Gompa nằm trên đỉnh núi ở thung lũng Kathmandu chính là thiên đường với cô.

“Cảnh quan xinh đẹp. Mọi người ai cũng tử tế và tôi không bao giờ bị đánh đập và cũng không phải cõng hai cậu em trai trên lưng. Tôi cũng không phải quét dọn. Tuổi thơ của tôi được trả lại cho tôi”. 

Tại Nepal, có khoảng 37% nữ giới kết hôn trước 18 tuổi, theo Human Rights Watch. 

Nhân duyên để người nữ tu sĩ cất tiếng hát giúp đời

Người nước ngoài thường thăm viếng tu viện Nagi Gompa để tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh. Năm 1993, nhà sản xuất thu âm người Mỹ Steve Tibbetts đến tham dự một khóa tu trên đỉnh đồi cùng vợ mình để học hành thiền với thiền sư Tulku Urgyen nổi tiếng, cũng là thầy của Drolma.

“Cô ấy tròn mắt, hít thở sâu và cất lên vài câu hát. Tôi đã ngạc nhiên đến điếng người”, đến mức Tibbetts quên nhấn nút ghi âm. “Có một phẩm chất trong giọng hát của cô, làm rúng động con tim… Phẩm chất đó, sắc điệu đó vào thẳng trái tim”.

Tibbetts quay lại vài ngày sau đó và thu âm giọng hát của Drolma. Quay trở lại Hoa Kỳ, ông chuyển bài hát của cô thành bản guitar, gửi về Nepal và đề nghị hợp tác phát hành một album. “Không suy tính gì cả, tôi nhận lời” và “từ đó điều này đã tạo ra những điều kỳ diệu trong đời tôi”, cô chia sẻ.

Khi người nữ tu sĩ cất cao tiếng hát…

Album đầu tiên của cô có tên là “Cho”. Các bài hát được thu âm ở tu viện Nepal với sự tham gia của huyền thoại hit Hoa Kỳ Joe Boyd. “Cho” bán rất chạy nhưng Drolma “không nghĩ đến số tiền bán album” và một chuyến đi đến Hoa Kỳ được sắp xếp.

Ở một quốc gia nơi mà xin phép thị thực du lịch được mô tả bởi nhiều người dân là gần như không khả thi. Hộ chiếu Nepal xếp hạng 98 trên thế giới, cùng với Sudan, Iran và Eritrea trong Chỉ số Giới hạn Thị thực 2016. Drolma được cấp phép cho chuyến đi đến 22 thành phố của Hoa Kỳ.

“Tôi cùng trình diễn với hai nữ tu sĩ khác. Chúng tôi đi diễn trên những che xe buýt thật to. Người hâm mộ là người Hoa Kỳ, không có một người Nepal nào cả”. Bên cạnh thức ăn nhanh, phụ nữ là một điểm sốc văn hóa với cô: “Tôi ngạc nhiên bởi sự độc lập và tự tin mà những người phụ nữ ấy mang trong mình. Họ đều tự lái xe. Họ được học hành. Tôi được gợi cảm hứng từ những điều này”.

Quay trở lại Nepal, cô mua một chiếc máy vi tính, kết nối mạng tại tu viện và mở một tài khoản ngân hàng.

Nguồn thu từ chuyến lưu diễn mang lại cho cô cơ hội nhận diện giấc mơ của mình. Năm 1998, cô thành lập Quỹ Phúc lợi Nữ tu (NWF). Hai năm sau đó, cô mở trường nội trú miễn phí Arya Tara ở Kathmandu, hiện nay là nơi nương tựa của 80 nữ tu trẻ xuất thân cùng khổ ở Nepal và Ấn Độ.

Không giống tu viện nơi Drolma đã trưởng thành, ngoài các bài học về giáo lý còn có các môn học bằng tiếng Anh, tiếng Nepal, học toán, các môn khoa học và học về máy tính… Một số nữ tu còn tiếp tục học lên cao. “Một số nữ tu sau một thời gian không muốn tiếp tục con đường xuất sĩ thì những sự học tập thế gian giúp họ tồn tại với cuộc sống đương đại”, Drolma cho biết.

Tibbetts chia sẻ: “Tôi nhớ đã nhận được một lá thư từ Ani sau chuyến lưu diễn đầu tiên”, rằng “Cô ấy đã nhận ra rằng có một cơ hội để có được một số tiền và thành tựu giấc mơ kiến lập một ngôi trường cho các em gái có hoàn cảnh khốn khó. Cô nói cô muốn có thêm nhiều chuyến biểu diễn khác”.

Thực tế, Tibbetts nghĩ rằng “có lẽ cô ấy hứng thú hơn với việc mua xe, mua nhà cho mình ở đâu đó ở Kathmandu”. Ông ấy đã sai và cô đã thực hiện một cách chính xác “những gì cô ấy nói sẽ làm”. Và cô đã vượt qua nhiều rào cản trong quá trình thực hiện điều đó: tôn giáo, văn hóa và sự gia trưởng của xã hội Nepal”, Tibbetts kể lại.

“Tôi là người nữ tu sĩ đầu tiên ở Nepal gửi các sa-di ni đến các trường học thế tục. Trước đây, chưa từng có sự khuyến khích này”, cô chia sẻ với CNN

Thập niên tiếp theo, Drolma gần như mỗi năm thực hiện một album. Năm 2002, cô và Tibbetts đã hoàn thành một album trong một hang động, nơi từng là trú xứ của một bậc thầy Phật giáo thế kỷ thứ 8 Padmasambhava.

Cô đã biểu diễn khắp thế giới với hơn 20.000 khán giả ở Tây Tạng hồi năm ngoái cùng với các siêu sao như Tina Turner, Tracy Chapman và tiểu sử mang tên “Cất tiếng hát vì Tự do” (Singing for Freedom) phát hành lần đầu năm 2008, được dịch sang 15 ngôn ngữ khác nhau.

ani-choying-drolma.jpg
"Tôi chưa bao giờ hát những bài ca não tình thế gian, 
những gì tôi hát là những giai điệu tâm linh có ý nghĩa"

Drolma sử dụng nguồn tài nguyên của mình để làm lợi ích cho những người kém may mắn hơn cô. 

Năm 2010, Quỹ Phúc lợi Nữ tu mở cửa Quỹ Aarogya, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người mắc bệnh thận và cô đã vận động thành công chính phủ cung cấp dịch vụ chạy thận miễn phí cho người nghèo ở Nepal.

Một nữ tu sĩ dũng cảm

Năm 2011, Drolma thể hiện sự sẵn lòng đề nghị chỗ trú ngụ cho một nữ tu 21 tuổi bị cưỡng bức tập thể và bị khai trừ ra khỏi cộng đồng tôn giáo. 

“Cô ấy cũng là một con người như ai ai khác. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai” và “nó có thể xảy đến với tôi, với chị em tôi. Điều quan trọng nhất là đối đãi với cô ấy như một con người và sau đó chúng ta có thể xét đến việc liệu cô ấy có thể tiếp tục là một nữ tu sĩ hay không”. 

Cô từng bị chỉ trích bởi những người Nepal bảo thủ vì đã xuất hiện trên các tạp chí dân chủ như Marie Claire hay sự yêu thích của cô đối với phim Ấn Độ và sự nghiệp ca hát của cô - tất cả những điều được cho là không phù hợp với một nữ tu sĩ.

Drolma chia sẻ: “Là một nữ tu sĩ, tôi được mặc định nên sống một cách rất giới hạn. Nữ tu sĩ không được làm điều này, đi đến nơi nọ, phát ngôn cái kia. Và họ cho rằng nữ tu sĩ lại càng không nên hát. Nhưng tôi đã làm điều có thể gây sốc cho mọi người”. Cô dừng lại một quãng và nói tiếp: “Ý tôi là, tôi chưa bao giờ hát những bài ca não tình thế gian, những gì tôi hát là những giai điệu tâm linh có ý nghĩa”.

“Tôi chưa bao giờ hối tiếc với quyết định trở thành một nữ tu sĩ”, cô nói với sự tự tin. “Vâng, tôi đã bỏ qua đời sống hôn nhân nhưng nhiều người phụ nữ đã kết hôn dường như hối tiếc vì không thể đến đây hay nói điều này. Với tôi, tôi hoàn toàn mãn nguyện với sự tự do này. Thật ra, tôi biết ơn thời thơ ấu của mình, thậm chí còn biết ơn cha tôi”.

“Đó là một phước lành bị che khuất”, cô chia sẻ.

Trần Trọng Hiếu

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin