Chi tiết tin tức Kungfu Yoga – ý nghĩa của "duyên khởi bất diệt" 17:37:00 - 01/02/2017
(PGNĐ) - Mọi thứ hữu hình đều là hư vô, mọi thứ hư vô đều là vô hình. Vì những thứ hữu hình đều mang tính giả tạm không bền, chúng sẽ tự hết hạn sử dụng và chúng ta không thể mang theo những vật hữu hình đến kiếp sau. Thứ duy nhất mà chúng ta mang theo đến kiếp sau là những nhân duyên yêu thương – thù oán và những kết quả của mọi việc làm kiếp trước hay còn gọi là Nghiệp. Đó là ý nghĩa của câu giáo lý Phật học “Duyên khởi bất diệt”.
Trong 5 ngày nghỉ Tết, có nhiều bộ phim đang công chiếu tại rạp như Rừng xanh kỳ lạ truyện, xXx Phản đòn...v..v..; trong đó bộ phim Kungfu Yoga trong hai ngày 29 và 30/1 đã khiến phòng chiếu tại rạp Kim Đồng kín ghế trong mọi ca chiếu liên tiếp nhau; thậm chí có nhiều người đã mua vé xem lại phim này nhiều lần. Sức hút của bộ phim này nằm ở sự kết hợp độc lạ giữa Yoga và Kungfu – tinh hoa của hai nền văn hóa lâu đời trên thế giới. Không những thế khán giả còn được du lịch qua màn ảnh đến với thành phố Dubai xa hoa, đến những đền đài và cung điện Ấn Độ sang trọng và cảnh núi tuyết, hầm băng, thác nước hùng vĩ tại núi Côn Lĩnh khu vực biên giới Ấn-Trung. Khán giả đã được mở mang kiến thức về Phật giáo và thay đổi tích cực nhờ giá trị nhân văn của bộ phim này. Đối với những người ham mê đọc sách và đam mê tìm tòi học hỏi, bộ phim Kungfu Yoga chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về văn hóa Ấn Độ như: - Ấn Độ thời cổ đại, thiên văn và kiến trúc được kết hợp với nhau để xây dựng đền đài. Cung hoàng đạo có nguồn gốc từ Ấn Độ và bao gồm 27 cung. Người ta giải mã cách khám phá những ngôi đền Ấn Độ cổ trong khảo cổ học bằng những cung hoàng đạo của các hậu duệ hoàng gia cổ đại. - Yoga của Ấn Độ giúp con người có thể lực dẻo dai, cơ thể cân đối, tâm trạng bình an. Không những vậy, Yoga còn có kĩ thuật Nín thở trong bào thai, giúp con người khôi phục bản năng sinh tồn như nhịn thở lặn trong nước lạnh không cần dụng cụ lặn, tự cởi trói… Mỗi em bé đều sống trong môi trường nước ối của thai mẹ trong 9 tháng 10 ngày nên con người hoàn toàn có thể thích nghi trong môi trường nước và Yoga giúp khôi phục một trong những bản năng như vậy. Kĩ thuật Yoga đó được minh họa cụ thể trong phim: Điều chỉnh hơi thở chạy dọc xương sống đi lên, từ đáy chậu đi lên nhưng tập trung vào con mắt thứ 3, bắt đầu hít vào thở ra thật sâu và đều đặn, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. - Mở đầu phim là lời giới thiệu về lịch sử mối quan hệ ngoại giao của hai nước Ấn Độ và Trung Quốc. Đại Đường Huyền Trang sang Thiên Trúc thỉnh kinh đã mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sau đó Ngự sử Vương Huyền Sách góp phần to lớn vào quá trình ngoại giao văn hoá – kinh tế giữa hai nước. Năm 647 CN, thống lĩnh quân Tượng Arunasva làm phản và mai phục ngự sử Đại Đường ở biên giới, hai bên giao tranh quyết liệt, Vương Huyền Sách được tướng quân Bhima hộ tống về Đại Đường, khi qua khỏi sông băng thì Huyền Sách không còn thấy đoàn quân Bhima đâu nữa. Tướng quân Bhima sau khi thất lạc trong bão tuyết đã dẫn quân ẩn nấp trong một hang động, không may tuyết lở nên họ bị kẹt, tướng quân Bhima dùng kỹ thuật nín thở trong bào thai của Yoga để lặn theo đường ngầm ra ngoài vẽ lại bản đồ chỉ dẫn cho con cháu đời sau của dòng dõi công chúa Gitanjali. Trong cái gối đầu của tướng quân Bhima có cất giấu viên kim cương thô màu tím nặng 212 carat, được coi là con mắt thứ 3 của thần Shiva, sau khi thần Shiva luân hồi chuyển thế thì Ngài để lại con mắt thứ 3 ở trần gian, con mắt đó dùng để mở kho báu quốc gia của vương triều Magadha được gắn lên vương trượng của vương gia công chúa Gitanjali. Ai sở hữu con mắt của Shiva sẽ sở hữu cả thế giới. Điều đó không có nghĩa là sở hữu về quyền lực và tiền bạc. Con mắt của Shiva chính là trí tuệ nằm trong những pho sách quý về Phật giáo và y học thời cổ đại. Ai đem tri thức để phục vụ nhân loại, họ sẽ thay đổi con người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó là giá trị cao quý của đạo Hindu và Phật giáo từ Ấn Độ. Bên cạnh việc cung cấp những thông tin về lịch sử và văn hóa của Ấn Độ và Trung Quốc, bộ phim này còn khéo léo truyền tải những quan niệm giàu tính nhân văn của Phật giáo đến người xem. Điều đọng lại trong lòng người xem là tinh thần sống độc lập không phụ thuộc vào điều kiện vật chất bên ngoài: Mọi thứ hữu hình đều là hư vô, mọi thứ hư vô đều là vô hình. Vì những thứ hữu hình đều mang tính giả tạm không bền, chúng sẽ tự hết hạn sử dụng và chúng ta không thể mang theo những vật hữu hình đến kiếp sau. Thứ duy nhất mà chúng ta mang theo đến kiếp sau là những nhân duyên yêu thương – thù oán và những kết quả của mọi việc làm kiếp trước hay còn gọi là Nghiệp. Đó là ý nghĩa của câu giáo lý Phật học “Duyên khởi bất diệt”. Giáo sư Chan đã cảm hóa Randall – hậu duệ đời thứ 79 của phản thần Arunasva tỉnh ngộ khỏi cơn mê sở hữu tham đắm vàng bạc châu báu, với những giáo lý chân thực như vậy. Giáo sư Chan còn hỏi Randall có biết vì sao cây cầu nối họ với tượng thần Shiva bị gẫy không? Chính vì biển khổ không có giới hạn, chính biển khổ vô hạn đã đẩy hai đầu cầu giữa Thánh và người thêm xa hơn và quay đầu là bờ, là xa bóng đêm vô minh, gần hơn với ánh sáng giác ngộ. Thùy Dương
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |