Chi tiết tin tức Nghệ thuật Phật giáo ở Lumbini 18:06:00 - 21/05/2025
(PGNĐ) - Vào giai đoạn nguyên thủy của nền văn minh nhân loại, nhiều biểu tượng cũng như các hình thức nhân hóa đã được sử dụng để thể hiện cảm xúc của con người, cảm xúc tâm linh, ví dụ như rắn và mẫu thần liên quan đến nghi lễ sinh sản hoặc nông nghiệp, một hiện tượng phổ biến trong tất cả các nền văn hóa.
Trước khi Đức Phật được mô tả dưới hình dạng con người, Ngài đã được tượng trưng thông qua một hoặc nhiều biểu tượng với các chủ đề trang trí ở trong truyền thống nghệ thuật Phật giáo. Ngài được tượng trưng bằng cây Bồ-đề (Chaitya-vriksa, Bodhi-druma), ngôi tháp (stūpa), bánh xe Pháp (Dharmachakra), vườn nai, sư tử, vòng hào quang, dấu chân... Những biểu tượng này tượng trưng cho các sự kiện liên quan đến cuộc đời của Ngài. Theo truyền thống Phật giáo, cây Bồ-đề, bánh xe, bảo tháp và cây sāla tượng trưng cho ký ức về các Thánh tích gắn liền với cuộc đời của Đức Phật, cụ thể là Bodhagayā, Sārnāth, Kuśinagar và Lumbini. Tác phẩm điêu khắc Đức Phật đản sinh là sự tượng trưng cho Lumbini, nơi Ngài chào đời. Bánh xe Pháp cũng có mặt ở Lumbini. Các tác phẩm điêu khắc về Đức Phật dưới nhiều hình thức khác nhau được thực hiện lần đầu vào thời kỳ Kuṣāṇa tại Mathurā. Những tác phẩm này đã chi phối vùng Bắc Ấn và ảnh hưởng cũng như truyền cảm hứng cho các trường phái nghệ thuật về sau. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá về Đức Phật từng được mang về từ các Thánh tích như một món quà lưu niệm nhỏ về những gì người hành hương đã thấy ở đó. Do đó, các tác phẩm điêu khắc bằng đá về Đức Phật từ Mathurā được tìm thấy ở tất cả các Thánh tích, bao gồm Lumbini và Kapilavastu. Ngoài ra, có nhiều bức bích họa khác nhau đã được thực hiện trên các bức tường và trần của các điện thờ Phật giáo ở Lumbini. Các tác phẩm điều khắc bằng đá Nhiều tượng Phật và Bồ-tát bằng đá đã được tìm thấy ở quần thể Lumbini. Một số trong đó là các mảnh vỡ. Đầu của tôn tượng Đức Phật, cao 7,5cm và rộng 5cm, được tạo tác với một nhục kế (uṣṇiṣa) và bạch hào (urṇa), đôi mắt mở và miệng mỉm cười(1). Tác phẩm điêu khắc này được làm bằng đá sa thạch đỏ, có nguồn gốc từ Mathurā. Dựa trên cơ sở phong cách, nó có thể được quy cho thời kỳ Kuṣāṇa. Một tôn tượng Đức Phật bằng đá khác từ Lumbini, có kích thước 17cm x 12cm, với tư thế xúc địa ấn (bhumi-sparśa-mudrā). Ngài ngồi trong tư thế tĩnh tọa (vajra-paryankasana) trên một tòa sen (visvapadama) bị hư hỏng bên dưới cây Bồ-đề. Một mảnh bức tượng Phật bằng đá khác cao 11,5cm trong tư thế xúc địa ấn đang ngồi tĩnh tọa trên một tòa sen. Hai tôn tượng bị hư hỏng nghiêm trọng bao gồm một nāga có mào đang đỡ hoa sen. Dựa trên cơ sở phong cách nghệ thuật, bức tượng tượng trưng cho điều kỳ diệu ở Śrāvasti thuộc về thời kỳ Gupta. Tác phẩm điêu khắc từ Saināmainā, hiện được tôn trí tại văn phòng của Quỹ Phát triển Lumbinī (Lumbinī Development Trust), có kích thước 78 x 65cm, ngồi trên tòa sen trong tư thế xúc địa ấn(2). Một phần đầu của bức tượng bị vỡ. Đức Phật ngồi trong tư thế thiền định. Bàn tay phải đang ở tư thế xúc địa và bàn tay trái bị vỡ. Đức Phật mang y phục và đồ trang sức có thể được quy cho thời kỳ Gupta. Bức tượng này tương tự như hai bức tượng Phật được tìm thấy ở khu vực sông Yamunā và hiện được lưu giữ tại bảo tàng Mathurā(3). Đầu của bức tượng được làm bằng đá đen nâu thể hiện khuôn mặt hình bầu dục, dái tai rủ xuống, thái dương hẹp, các đường khắc dọc để chỉ mái tóc được buộc lại thành một búi, đôi mắt to, lông mày cong, mũi cao, môi mỏng và cằm được đẽo gọt chính xác. Một bức tượng Phật từ Saināmainā, hiện ở Lumbini, có kích thước 33,5 x 40cm và trong tư thế thiền định. Trong quá trình khai quật, Tara Nanda Mishra cũng phát hiện một bức tượng Phật bằng đá ở tư thế xúc địa ấn thuộc thời kỳ Gupta. Nhưng chi tiết về bức tượng này không được đề cập. Một tác phẩm điêu khắc tám điều kỳ diệu vĩ đại đã mô tả hình ảnh Đức Phật trong tư thế tĩnh tọa trên một tòa sen với tay phải trong tư thế xúc địa ấn, nhưng bàn tay đã bị hỏng. Xung quanh hình tượng Đức Phật là cảnh mô tả bảy sự kiện lớn khác trong cuộc đời của Ngài. Ở cảnh đản sinh, Đức Phật được nhìn thấy ở bên phải mẹ của Ngài; bà đang vin một nhánh cây Aśoka (?) và tay trái đặt trên hông. Phía trên cảnh đản sinh, Đức Phật đang ngồi trong tư thế thiền định trên một hoa sen đôi, giơ tay trong tư thế chuyển pháp luân. Tác phẩm điêu khắc có kích thước 18cm x 17,5cm được làm bằng đá sa thạch xám(4). Tượng Đức Phật đản sinh Một bức phù điêu Phật đản sinh từ Lumbini có kích thước 167 x 106cm mô tả cảnh hoàng hậu Māyā sinh thái tử từ hông bên phải dưới cây sāla; bà vịn cành cây bằng tay phải trong khi tay trái đặt trên eo. Hoàng hậu đeo khuyên tai (ratnakuṇḍala hoặc mukṭa-phala kuṇdala), vòng tay ở tay phải và một chiếc lắc chân nặng (tulākoṭī hoặc hansaka). Những lọn tóc xoăn của bà có thể nhìn thấy ở nơi bức phù điêu. Khuôn mặt trái xoan và mái tóc xoăn của bà được mô tả khá đẹp. Phía bên phải của bức phù điêu là hình ảnh Phạm thiên (Brahmā) đang đỡ lấy hài nhi, có lẽ bằng một tấm vải(5). Phía sau Phạm thiên, thần Đế thích (Indra, Sakra) được mô tả đang quan sát cảnh sinh nở. Ở giữa bức phù điêu là hình ảnh Thái tử Siddhartha có lẽ đang đứng trên một hoa sen với vầng hào quang (prabhāmaṇḍala) sau đầu. Bức phù điêu được chia thành ba phần nằm ngang, ở đó hình ảnh hoàng hậu Māyā được trình bày ở dãy đầu tiên ở phần trên. Ở dãy thứ hai và thứ ba, hình ảnh của Prajāpatī (Gautamī), Phạm thiên, Đế thích và Thái tử Siddhartha Gautama được mô tả. Các học giả xác định niên đại của bức phù điêu dựa trên phong cách của nó. Führer là người đầu tiên thông báo về tác phẩm điêu khắc này. Tuy nhiên, ông không đề cập đến các chi tiết của bức phù điêu. Mukherji cho rằng tác phẩm điêu khắc này có thể liên quan đến thời đại vua Aśoka vì ông thấy có sự tương đồng về chất liệu. Agrawal cho rằng tác phẩm có thể thuộc thời kỳ Kuṣāṇa vì kiểu dáng của hoàng hậu Māyā, những lọn tóc gợn sóng của Gautami, vương miện cao nhô ra của thần Đế thích và chiếc mũ của một nhân vật nam dường như theo phong cách của thời kỳ đó. Tuy nhiên, Mitra đã đặt tác phẩm điêu khắc này vào thời kỳ Gupta. Krishnadeva, một học giả lỗi lạc về lịch sử nghệ thuật của Ấn Độ, cho rằng bức điêu khắc này có thể có niên đại vào năm 400 CN. Mishra đặt bức điêu khắc này vào khoảng năm 300 CN. Pandey đồng ý với ý kiến của Mukherji, người đã đặt nó vào thời kỳ Aśoka. Thuật ngữ silā vigadabhica trên trụ đá Aśoka vào thế kỷ III TCN có thể được hiểu là ám chỉ cho việc tạo tác bức phù điêu này. Tỷ-kheo Sudarsan cho rằng thuật ngữ silā vigadabhicatrên trụ đá Aśoka ám chỉ đến hình ảnh hoàng hậu Māyā này. Việc thực hiện các hình tượng Phật giáo, bao gồm các tác phẩm điêu khắc Đức Phật đản sinh, bắt đầu vào thế kỷ I CN tại hai trung tâm nghệ thuật Mathurā và Gandhara. Các tác phẩm điêu khắc có nguồn gốc từ Mathurā đã được gửi đến các Thánh tích tại Sāranātha, Kuśinagar (Kasiā), Śrāvasti và Lumbini(6). Trong chuyến viếng thăm Lumbini, ngài Pháp Hiển đã nhìn thấy bức phù điêu này tại đây(7). Điều đó chứng minh rằng tác phẩm điêu khắc này đã được tôn trí ở đó trước khi ngài hành hương đến địa điểm này. Đây là tác phẩm sớm nhất và đẹp nhất trong số các bức phù điêu mô tả cảnh đản sinh được phát hiện từ tiểu lục địa. Tượng Bồ-tát Có một số bức tượng Bồ-tát đã được phát hiện ở Lumbini, nổi bật nhất là tượng Bồ-tát bằng đá màu nâu nhạt cao 7cm và rộng 4,8cm. Tượng ngồi trong tư thế tự tại (lalitasana), được thể hiện với tư thế một chân đặt trên bệ hoa sen và chân còn lại đặt trên bệ hai tầng(8). Bồ-tát trong tư thế giáo hóa thủ ấn (vyākhyāna-mudrā) được thể hiện với đôi mắt khép hờ, uốn cong duyên dáng và các chi được tạo hình một cách tinh xảo. Tượng Di Lặc Tượng Bồ-tát Di Lặc bằng đá sa thạch xám cao 22 x 14cm từ Lumbini được thực hiện thô sơ với tư thế thư giản tọa (lalitāśana)(9). Bồ-tát được mô tả đang đội một chiếc mũ nhọn (jatā mukuṭa), có thể có một bảo tháp trên đó. Dưới nách của bức tượng có một cành hoa với ba chiếc lá. Một cành hoa khác với bốn lá cũng được mô tả ở phía bên phải của bức tượng. Tượng Bồ-tát Di Lặc được thể hiện theo tư thế thiền tọa truyền thống với một hình bảo tháp trên chiếc mũ. Hình ảnh này cũng phù hợp với mô tả trong tác phẩm Sādanamālā. Tượng Phật Bảo Sinh Đầu của một bức tượng cao 12cm thể hiện các đặc điểm của Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava)(10). Hình ảnh của vị thiền Phật được thực hiện với đôi mắt khép hờ và một vương miện ngắn với một mảnh tam giác được trang trí ở dưới cùng của búi tóc dài. Dựa trên các đặc điểm của mảnh vỡ, bàn tay phải của bức tượng dường như đang bắt ấn thí nguyện (varada-mudrā). Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Một mảnh vỡ của tác phẩm điêu khắc Bồ-tát Quán Thế Âm cầm hoa sen (PadmapāṇiAvalokiteśvar) đã được phát hiện tại Lumbini. Mảnh vỡ cao 8cm và rộng 14,2cm. Tác phẩm được làm bằng đá đen xanh lục thuộc thế kỷ X CN. Vị Bồ-tát cầm một cành hoa sen ở tay trái và tay kia bị mất. Chiếc mũ cao được trang trí bằng một bức tượng Phật A Di Đà nhỏ, một phần nhô ra hình quạt và một bảo tháp trên đầu(11). Phù điêu Kim Cương Hợi Mẫu Bức phù điêu Kim Cương Hợi Mẫu (Vajravārāhī) ở Lumbini có kích thước 122 x 55cm, thuộc thời kỳ Gupta(12). Vị Bồ-tát cầm một chiếc đĩa ở tay phải và tay trái bị gãy. Ngài đeo đai lưng và những đồ trang sức thông thường khác. Có hai đường tròn được thực hiện ở phía sau đầu. Vầng hào quang của bức phù điêu được trang trí bằng các thiết kế hình hoa và hình học. Bức phù điêu bị vỡ thành hai mảnh(13). Bức phù điêu cũng được gọi là Tara. Các bộ phận khác không nhìn thấy rõ và không thể xác định được vị Tara do tình trạng hư hỏng của bức phù điêu. Nó tương tự như bức tượng Vāāhī ở Kumbheśvara và Balkhu ở Kāṭhmānḍu(14) có niên đại vào thế kỷ II-III CN. Bức phù điêu phần nào giống với mô tả ở trong tác phẩm Sādhanāmālā. Các tác phẩm điêu khắc đá được thực hiện trên cơ sở truyền thống nghệ thuật Mathurā và Gandhara vào thời kỳ Suṅga-Kuṣāṇa. Truyền thống nghệ thuật Pāla-Sena đã ảnh hưởng đến nghệ thuật của khu vực này từ thế kỷ VIII-XIV CN. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XIV-XVII, sự ảnh hưởng của các truyền thống nghệ thuật Ấn Độ đã suy giảm do sự xâm lược của người Hồi giáo ở khu vực này. Những tác phẩm điêu khắc cũng như điện thờ đã bị người Hồi giáo phá hoại. Các bức tượng bằng kim loại Nhẹ và dễ mang theo từ nơi này đến nơi khác, một số lượng lớn tượng Phật đã được đúc tại nhiều di tích Phật giáo khác nhau, rõ ràng là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các đồ vật thờ cúng. Các trung tâm luyện kim ở Đông Ấn Độ dường như đã ảnh hưởng đến nghệ thuật đúc kim loại ở Nepal. Kỹ thuật được ưa chuộng nhất được gọi là retardataire ở Nepal. Phương pháp cire-perdue(15)cũng được các nghệ sĩ Nepal biết đến(16). Một số lượng lớn tượng Phật giáo đã được tạo tác ở khu vực này, trong đó chỉ có một số mẫu vật hiện có. Trong số đó, bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng đồng là mẫu vật đáng chú ý ở Lumbini. Bức tượng cao 11cm được thể hiện đang cầm một cành hoa sen ở tay phải(17). Vật tượng trưng ở tay trái trông giống như một chày kim cương (vajra) với cả hai đầu có các chấu. Bức tượng này thuộc cuối thời kỳ Kuṣāṇa(18). Các tượng nhỏ bằng đất nung Đất sét, loại vật liệu rẻ tiền và phổ biến nhất, nằm trong tầm với của người nghèo và người bình dân, không chỉ được sử dụng làm phương tiện để thể hiện nghệ thuật mà còn được dùng làm đồ trang trí cá nhân như hạt cườm, vòng tay, nhẫn, con dấu, đồ chơi trẻ em và các vật dụng gia đình và nghi lễ. Một số lượng lớn các bức tượng động vật và chim bằng đất nung rõ ràng là đồ chơi trẻ em. Là một phương tiện rẻ tiền và dễ sử dụng, nó được xã hội bấy giờ ưa chuộng. Nó chủ yếu liên quan đến việc tái hiện các cảnh đời thường, và như vậy, ý nghĩa xã hội của nó có vẻ rất to lớn(19). Sự gia tăng giao lưu giữa Bắc Ấn Độ và vùng Terai phía Tây của Nepal đã dẫn đến sự du nhập nhiều yếu tố cổ xưa của nghệ thuật Ấn Độ vào mô hình văn hóa và truyền thống nghệ thuật của Nepal. Các bức tượng đất nung ở Lumbini đã làm sáng tỏ đáng kể xu hướng nghệ thuật tạo hình và bản chất của các nghệ sĩ Nepal trong những thế kỷ trước và sau CN. Về niên đại của các bức tượng người, các học giả thường tin rằng các bức tượng làm bằng tay thì được tạo tác sớm hơn so với các bức tượng được chế tác bằng khuôn đúc. Tuy nhiên, niềm tin phổ biến này không được ủng hộ ở khu vực này vì trong một số trường hợp, cả việc làm bằng tay và đúc khuôn đều diễn ra cùng lúc. Tuy nhiên, nhiều bức tượng đất nung quan trọng, có liên quan đến việc nghiên cứu nghệ thuật này, chỉ đơn giản là những phát hiện tình cờ và không có dữ liệu chính xác nào về chúng. Những mẫu vật này dường như đã bị làm xáo trộn so với ban đầu do một số tác động của con người hoặc của thiên nhiên. Một số bức tượng đất nung có niên đại khác nhau đã được phát hiện trong cùng một hố. Trong quá trình nghiên cứu nghệ thuật đất nung của khu vực này, người ta đặc biệt chú ý đến việc nêu rõ niên đại của chúng, ngay cả khi niên đại có thể được quy cho một tác phẩm cụ thể dựa trên bối cảnh của nó. Nhiều nhóm khai quật đã không công bố báo cáo khai quật chi tiết của họ. Các bức tượng đất nung đã được phân loại dựa trên các biến thể về cách sử dụng, phong cách, mẫu mã, hình dạng và loại. Hầu hết các bức tượng đất nung thuộc thời kỳ Gupta đều được tìm thấy ở quần thể Lumbini(20). Các đồ vật nghệ thuật Gupta là di sản của nhân loại, bằng chứng về điều này được tìm thấy trên một phần lớn Ấn Độ. Ảnh hưởng của nó đối với các bức tượng đất nung ở khu vực này là rõ ràng. Các yếu tố Kuṣāṇa đã dần biến mất vào đầu thời kỳ Gupta. Đất sét được sử dụng vào thời kỳ Gupta cực kỳ mịn mà không có bất kỳ tạp chất nào, tức là sạn, vỏ trấu và cát. Kỹ thuật đúc khuôn một lần nữa được hồi sinh, vốn thường được thực hiện vào thời kỳ Suṅga, nhưng đã bị lãng quên vào thời kỳ Kuṣāṇa. Người ta đã tìm thấy cả tượng nặn bằng tay và tượng đúc. Các nghệ sĩ Gupta có khả năng sử dụng khuôn đơn hoặc khuôn đôi. Họ cũng có khả năng đúc một phần và tạo hình một phần bức tượng khi cần thiết. Một số bức tượng cũng được làm hoàn toàn thủ công. Những bức tượng này được nung kỹ. Các nghệ sĩ đặc biệt chú ý đến việc tạo hình khuôn mặt. Các mẫu vật được xử lý bằng một lớp phủ màu đỏ sẫm và chỉ đỏ trong một số trường hợp. Các bức tượng làm bằng tay thì không được tinh xảo. Người nghệ sĩ đã xử lý cả các chủ đề tôn giáo và thế tục một cách dễ dàng như nhau. Các bức tượng Phật giáo do các nghệ sĩ của thời kỳ này tạo tác có sức hấp dẫn lớn về mặt biểu tượng. Trong số đó, tượng của Bồ-tát, Thái tử Siddhartha với công chúa Yaśodharā, Đức Phật trong tư thế xúc địa ấn và bánh xe Pháp thì được tìm thấy ở Lumbini. Một bức tượng bán thân Bồ-tát ở Lumbini được tạo tác tao nhã thuộc về thời kỳ Gupta. Bàn tay phải thon thả của bức tượng bắt ấn vô úy (abhaya mudrā)(21). Khuôn mặt thon dài với chiếc mũi thẳng, má mịn và đôi môi dày, có các vết lõm ở khóe mắt. Đỉnh đầu được trang trí bằng chỏm mũ có họa tiết chấm bi theo kỹ thuật không đối xứng. Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đất nung tuyệt đẹp của khu vực này(22). Một tấm bảng hình lá có khắc hình Bồ-tát (Văn Thù?) được tìm thấy ở địa danh này(23). Tượng ngồi trong tư thế thư giản (maharājalilā) trên một tòa sen, cầm một thanh kiếm dài ở tay phải và tay trái buông thõng xuống về phía hoa sen. Tóc dường như được tết thành ba lọn và một bảo tháp hình vuông ở bên phải đầu. Dựa trên các ký tự Phật giáo, đặc biệt là ba dòng ở bên phải và một dòng ở bên trái của bức tượng, có vẻ như bức tượng thuộc về cuối thời kỳ Gupta. Bức phù điêu bằng đất nung ở Lumbini mô tả Thái tử Siddhartha với công chúa Yaśodharā là tác phẩm có giá trị nhất và rất hiếm ở khu vực này. Nó được phát hiện ở góc Đông Nam của đền Māyādevī. Tác phẩm có kích thước 68 x 37cm(24). Nó có đế dưới vuông và tròn ở trên. Công chúa Yaśodharā được thể hiện ở phía sau với tư thế đang nằm. Tay trái của bà đang cầm núm vú để cho con trai Rāhula bú và tay phải để dưới đầu. Hai chân gập lại và đặt trên gối. Bà được trang trí bằng vòng cổ, vòng tay, vòng chân bằng hạt cườm. Hình ảnh của Thái tử Siddhartha mặc trang phục hoàng gia, ngồi trên giường với tay trái ấn vào đầu gối của Yasodharā, có lẽ để kiểm tra xem bà có ngủ say hay không để rời khỏi cung điện và từ bỏ thế gian. Bàn tay phải của tượng Thái tử bị gãy dưới khuỷu. Ngài được trang trí bằng một chiếc khăn xếp có mào hình mặt sư tử trên đầu, hoa tai tròn nặng, một chiếc vòng cổ, vòng tay bằng hạt và lắc chân được điêu khắc tinh xảo. Rijal khẳng định rằng tác phẩm này chịu ảnh hưởng nghệ thuật Gandhara và có niên đại từ thế kỷ IV-VI CN. Mishra xác định niên đại của nó là thời kỳ Kuṣāṇa. Một số đặc điểm chính của tác phẩm này tương tự như các bức tượng thời kỳ Gupta từ Ahichchhatra; nó dường như thuộc về thế kỷ V-VI CN. Ngoài ra còn có một bức phù điêu bằng đất nung khắc hình Đức Phật trong tư thế xúc địa ấn đã được tìm thấy ở Lumbini(25). Một mảnh của một thành phần kiến trúc có đầu của Đức Phật cũng được phát hiện ở địa điểm này. Vầng hào quang xung quanh đầu thì đơn giản. Nó có hình elip ở phía dưới. Tượng có đôi mắt mở, lông mày cong nổi bật, nhục kế và những lọn tóc xoắn cách điệu che phủ đầu. Môi được làm dày như thường được thấy trong truyền thống Gupta. Một bánh xe Pháp bằng đất nung với 32 nan hoa được phát hiện từ các cuộc khai quật ở Lumbini ở phía Đông điện thờ Māyādevī. Bức phù điêu là một phần của một pa-nô điêu khắc bánh xe Pháp lớn, có thể đã được các tín đồ tôn trí tại địa điểm này. Hai bức tượng động vật khác, có thể là một con bò đực và một con nai, được mô tả trong pa-nô này. Nó thuộc về thế kỷ V CN(26). Một đầu tượng Phật đẹp có đôi mắt thiền định khép hờ và một vương miện kỳ lạ trên đầu cũng được phát hiện ở Lumbini. Mô hình của nó gợi nhắc đến phong cách Gupta. Rijal tường thuật rằng có hai đầu tượng bằng đất nung được phát hiện tại cùng một địa điểm. Một trong số đó có mái tóc được chải chuốt cẩn thận theo kiểu tóc xoăn sâu gọi là dhupika kuntala. Đôi môi dày không có vết lõm ở khóe và ở giữa cằm là bằng chứng của giai đoạn chuyển tiếp. Các chi tiết trên khuôn mặt của bức tượng thứ hai đã mòn. Ngoài ra còn có những tượng người và tượng động vật khác. Như vậy, rõ ràng là các bức tượng nhỏ thời kỳ Gupta được làm bằng tay và đúc theo yêu cầu. Trong số các đồ vật thế tục của thời đại này có các bức tượng nhỏ nam và nữ. Tất cả chúng đều thể hiện gu thẩm mỹ tinh tế và nét quyến rũ đặc trưng của thời kỳ này. Một số đầu tượng phụ nữ và đầu người rất quyến rũ khiến người ta ngạc nhiên về kỹ năng của các nghệ sĩ. Các đặc điểm nổi bật nhất của các bức tượng thời kỳ Gupta là biểu cảm trên khuôn mặt. Những bức tượng nhỏ này hầu như không phản ánh bất kỳ đặc điểm nào riêng có của khu vực này. Mang dấu ấn của các xu hướng, thị hiếu và phong cách của các phong trào nghệ thuật thời kỳ Maurya, Suṅga và Kuṣāṇa, hầu hết chúng đều thể hiện các đặc điểm chung của nghệ thuật đất nung đương đại - truyền thống của miền Bắc và miền Đông Ấn Độ. Qua khảo sát, chúng ta thấy rằng văn hóa Phật giáo, triết học, lối sống đương thời của người dân, truyền thống văn hóa, các đặc điểm nghệ thuật và các mẫu vật nghệ thuật mang yếu tố tôn giáo là những đặc điểm chính của nghệ thuật Lumbini. Và nơi đây đã được làm phong phú thêm nhờ truyền thống nghệ thuật Phật giáo thế giới. _______ (Giáo sư Gitu Giri - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tại Đại học Phật giáo Lumbini) Nguồn: academia.edu (1)Debala Mitra, Excavation at Tilaurākoṭ, Kodan and Exploration in the Nepalese Terai,(Kāṭhmānḍu: Department of Archaeology, 1972), tr.199. (2)Gitu Giri, Art and Architecture Remains in the Western Terai Region of Nepal, (New Delhi: Adroit Publisher, 2003), tr.205. (3)R.C. Sharma, Buddhist Art, (New Delhi: Wiley Eastern Limited 1995), số 110 & 111). (4)Gitu Giri, The Museums in the Area of Lumbini and Kapilavastu, (Lumbini: Lumbini International Research Institue, 2014), tr.93. (5)Ibid, tr.84. (6)V.S. Agrawal, V.S., Studies in Indian Art, (Varanasi: Vishwavidyalaya Prakashana, 1965), tr.163. (7)L. Petech, Northern India according to the Shui-Ching-Chu, tập II, (Rome: Series Orientale Rome II, IsMEO, 1950), tr.35. (8)Mitra, op.cit, tr.200. (9)Ibid. (10)Ibid. (11)Giri, op.cit., tr.95. (12)Ramniwas Pandey, “Archaeological Remains of Lumbinī: The Birth place of Lord Buddha”, Contribution to Nepalese Studies, (Kāṭhmānḍu: Journal of CNAS, TU, tập 12, số 3, 1985), tr.58. (13)P.C. Mukherji, Antiquities of Kapilavastu Terai of Nepāl, (Delhi: Indological Book House, 1969), tr.36. (14)L.S. Bandel, Prāchin Nepālī Mūrti Kalāko Itihāsa, (Kāṭhmānḍu: Royal Nepal Academy, 2039), hình 14 và 18. (15)Phương pháp đúc các vật bằng kim loại (thường là đồng thau) được sử dụng từ thời cổ đại. Đầu tiên, vật được phủ sáp sau đó được phủ trong khuôn chịu nhiệt. Khi được nung nóng, sáp tan chảy và kim loại được đổ vào không gian mà nó chiếm giữ. (16)Giri, op.cit., tr.108. (17)Mitra, op.cit., tr.203. (18)Ibid. (19)Gitu Giri, Terracotta Art in Nepal, (Lumbini: Lumbini International Research Institute, 2016), tr.9-10. (20)Ibid, tr.88-90. (21)Gitu Giri, Sacred Complex of Lumbinīt, (New Delhi: Adroit Publisher, 2008), tr.84. (22)Babukrishna Rijal, Archaeological Remains of Kapilvastu, Lumbinī and Devadaha,(Kāṭhmānḍu: Educational Enterprises, 1979), tr.20. (23)Mitra, op.cit., tr.203. (24)Babukrishna Rijal, 100 years of Archacological Research in Lumbinī, Kapilvastu and Devadaha, (Kāṭhmānḍu: S.K. International Publishing House, 1996), tr.10. (25)Rijal, op.cit., tr.16. (26)Babu Krishna rijal, “Archaeological Activities in Lumbini 1976-77”, Ancient Nepal, số 30-39 (January 1975 - April 1977), tr.32. (NSGN 350) Giáo sư Gitu Giri - Nghiệp Đức dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |