Chi tiết tin tức Phật giáo trong làn điệu ca trù 21:27:00 - 25/08/2014
(PGNĐ) - Trong những lời thơ của mỗi bài hát được trình diễn trong đêm nhạc Ca trù tại nhà cổ 87 Mã Mây, Hà Nội, đâu đây thấp thoáng bóng hình chư Phật, hình ảnh chùa chiền và nét phong tục đi chùa đầu xuân của người Việt.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỉ thứ Nhất trước Công nguyên, hình ảnh chùa chiền và đức Phật đã đi sâu vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt. Điều đó thể hiện rõ rệt qua nhiều nét phong tục và nét đặc trưng văn hóa nghệ thuật. Trong đó có cả nghệ thuật ca trù đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cần được bảo tồn. Duy trì được ca trù là bảo tồn cho Phật giáo.
Ca trù là một môn nghệ thuật lâu đời, tồn tại ít nhất cách đây 700 năm (Có tài liệu cho rằng hơn 1000 năm). Trước đây, Ca trù được coi là một môn nghệ thuật tao nhã, sang trọng và kén người nghe. Sau một thời gian bị lãng quên hơn nửa thập kỷ, Ca trù đã dần hồi sinh.
Theo Sách ca trù bị khảo: Ở cửa đền ngày xưa có lệ hát Thẻ gọi là Trù, làm bằng tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng Ả đào thay tiền mặt. Khi hát quan viên thị lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống.
Chỗ nào Ả đào hát hay bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng thưởng một tiếng chiêng rồi thưởng luôn một cái Trù. Đến sáng đào nương cứ theo trù thưởng mà tính tiền, ví dụ được 50 trù, mà trị giá mỗi trù ấn định là 2 kẽm tiền, thì làng phải trả cho 10 quan tiền. Vì thế hát ả đào gọi là Ca trù, nghĩa là hát thẻ.
Ca trù là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc kết hợp hài hòa giữa thơ và nhạc. Ca trù thường được tái hiện trong những khung cảnh, không gian đậm đà nét kiến trúc truyền thống Việt như đình, đền, nhà cổ. Nên ca trù đưa người nghe trở về một thoáng Việt Nam cổ xưa nơi đó ông bà cha mẹ mình từng sống, trở về đúng bản tính nhẹ nhàng bình yên vốn có của mình.
Những nghệ nhân trình diễn ca trù đối với đạo Phật luôn có niềm kính tin đã có từ rất lâu, vì ca trù và đạo Phật kết hợp lại mới làm nên một nền văn hóa đặc trưng Việt Nam, một nền văn hóa tôn vinh giá trị chân thiện mỹ, nơi đó, những người có nhân duyên gặp gỡ và cùng sẻ chia ý nghĩa cuộc đời, dìu nhau đi trên con đường cao đẹp, giúp nhau nhận ra chân giá trị của cuộc sống mỗi dịp Lễ Vu Lan - ngày để những người con báo hiếu cha mẹ mình kiếp này và ngàn kiếp khác.
Trong những lời thơ của mỗi bài hát được trình diễn trong đêm nhạc Ca trù tại nhà cổ 87 Mã Mây Hà Nội, đâu đây thấp thoáng bóng hình chư Phật, hình ảnh chùa chiền và nét phong tục đi chùa đầu xuân của người Việt. Điều đó cho thấy rằng Phật giáo là dòng sữa mẹ nuôi lớn đời sống tinh thần người Việt, mọi làn điệu âm nhạc dân gian như ca trù, quan họ, hát xẩm đều phảng phất giá trị cao đẹp của đạo Phật.
Đến với tiết mục hát múa Bỏ Bộ do các em trong nhóm ca trù Nguyễn Thị Chúc nhỏ độ tuổi từ 4-9 tuổi trình diễn, trong tiếng cồng chiêng trầm hùng, tiếng trống chầu và tiếng phách gỗ đệm nhịp nhàng, tiếng hát trong veo cất lên cùng những cái chắp tay búp sen, những động tác múa dịu dàng như dìu dắt những người khách phương Tây và khách Việt đi chùa trong tâm thức:
“Này sáng bâng khuâng đức Phật Quan Âm Người giáng hạ, chứ tay lần tràng hạt niệm chữ Nam mô A Di Đà Phật - nam mô A Di Đà Phật cầu phúc Như Lai. Này sáng bâng khuâng Đức Phật Quan Âm Người giáng hạ, chứ tay sắp bùa niệm chữ Nam mô A Di Đà Phật cầu phúc Như Lai" có những người khách du lịch phương Tây mới đặt chân đến với Việt Nam được thưởng thức ca trù, qua đó được hành hương tâm linh trong âm nhạc, họ cảm thấy thực sự đang được ở Việt Nam, chứ không lẫn lộn với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cái tình trong ca trù giữa các thế hệ thầy trò nối tiếp nhau, giữa những bạn đồng nghiệp, cái tình ấy cũng đậm đà tinh thần tri ân – báo ân của đạo Phật. Mỗi nghệ nhân ca trù đều coi người thầy của mình như mẹ ruột, trong trái tim của họ, tình yêu quê hương đất nước, yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống, tình người đã tạo nên tình cảm gắn bó những con người xa lạ thành người một nhà.
Hình ảnh những đào nương, đào đàn đầu chít khăn tang, nước mắt hoen mờ khuôn mặt, ngồi đàn và ngồi hát ca trù để chào tạm biệt hương hồn cố Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã làm biết bao con tim Việt rung lên cảm động, vì tình ca trù.
Có đến với ca trù, có sống cùng ca trù, mỗi người Việt càng thấm nhuần hơn những giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống của Việt Nam. Giữa đô thị phồn hoa náo nhiệt và vội vã, có ai muốn được bước chậm lại, quay trở về một thoáng vàng son của cung đình Việt xưa, và tiếp thu những chất liệu của đạo Phật được gửi gắm trong di sản văn hóa của dân tộc ngàn năm văn hiến.
Diệu Hòa
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |