Chi tiết tin tức Thiền vị, Ðạo vị, Thi vị trong văn chương Việt Nam 22:54:00 - 28/12/2013
(PGNĐ) - Con thuyền phong nhã, con thuyền lãng mạn của hàn mặc văn chương đã thấy giong chơi trong vời Giác Hải, mà đóa hoa từ bi của chánh giác chân như, nay lại được thấy rợp bóng giữa Tao Ðàn. Tiếng Tao Ðàn này có như tiếng chuông chùa Hàn San ngẫu nhiên mà tiền định đó chăng!
Thiền Vị, Ðạo Vị, Thi Vị trong văn chương Việt Nam Ðông Hồ Nhân mùa Phật Ðản 2541 -- 1997, G.N. trích bài thuyết trình của cố thi sĩ Ðông Hồ (1906 --1969), nhà thơ, nhà văn, nhà khảo luận, nhà giáo dục, nhà mô phạm, người có công phát huy tiếng Việt ở tiền bán thế kỷ 20 tại miền Nam Việt Nam, đọc trong dịp lễ Phật Ðản đại khánh 2508 - 22.5.1964. Bài 1: Cung Oán Ngâm Khúc Xưa nay, nói đến Phật giáo, là nói đến khổ khắc tu hành, trai giới khổ hạnh, có như nói cái gì xả thân diệt dục. Mà nói đến thi ca là nói đến lãng mạn phá giới, có như nói cái gì sống ngoài vòng giới cấm. Ấy như thế mà lạ lùng thay, trong văn chương Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo trong đó không ít. về nội dung tín ngưỡng, cũng như về hình thức ngoại cảnh. Lâu nay liệt vị tất cũng đã nhiều lần được nghe các đại đức cao tăng thuyết pháp, được nghe các giáo sư triết học diễn giãng về triết lý cao siêu, về tư tưởng thâm trầm của Phật giáo, và học thuyết nầy đã ảnh hưởng sâu đậm vào vũ trụ quan, nhân sinh quan trong quan niệm tư tưởng, trong văn học nghệ thuật Việt Nam như thế nào rồi. Ở đây, tôi xin phép lượt đi mà không nói về điểm đó. Tôi chỉ nói riêng về văn chương. Mà văn chương thì bao la mênh mông lắm, hằng hà sa số, biết nói làm sao cho cùng. Cho nên tôi chỉ xin nói riêng về một điểm thiền vị trong thi ca Việt Nam mà thôi. Tôi không định nghĩa thế nào là thiền vị, thế nào là đạo vị, và thế nào là thi vị. Vì làm sao mà định nghĩa cho rõ ràng được một cái gì như có hình có sắc, như nhìn thấy được, bắt lấy được; mà lại cũng như không có màu sắc phân minh, không có bóng hình nhất định, mắt không nhìn thấy, tai không nghe thấy, mà lạ lùng thay nó vẫn có đó, nó phảng phất quanh quẩn đâu đây, nó lảng vảng vẩn vơ trong tâm trí như làn khói trầm hương từ ngàn xa bát ngát, như tiếng hồng chung vọng giữa đêm thanh tĩnh thâm trường. Làm sao mà định nghĩa được cho rõ ràng cái gì nó đã xâm chiếm tâm hồn ta, có lẽ đã lâu lắm rồi, từ thuở nào mà ta không biết. Nó đã tập nhiễm cho ta thành một tư tưởng suy tư mà ta không dè. Nó đã khiến cho lòng ta yêu thích, một thứ yêu thích không đắm đuối hẳn mà chỉ có một chút say mê, không quyến luyến lắm mà sao không rời bỏ được. Mùi trầm hương đó, tiếng hồng chung đó hình như nhắc cho ta nhớ nhung một tiền kiếp chân thân từ nghìn xưa sâu thẳm. Nếu chúng ta là thi nhân, mà ai lại không thể trở thành thi nhân trong thời khắc huyền ảo thâm trầm như vậy; tự nhiên ta sẽ cất tiếng ngâm nga, để nói lên nổi niềm cảm xúc. Bây giờ, thơ của chúng ta đã có trộn lẫn mùi thiền và mùi đạo ít nhiều trong đó mà chúng ta không dè nữa. oOo Người Việt Nam còn ai không thuộc chuyện Quan Âm Thị Kính, và chuyện Vu Lan Bồn tức chuyện Mục Kiền Liên. Hai áng văn đó bản thân đã thành hẳn là Phật truyện diễn ca, cốt chuyện hoàn toàn là sự tích nhà Phật, được coi đó là hai bản kinh rồi. Tôi xin phép lược đi mà không nói đến. Bắt đầu, tôi hãy dẫn Cung Oán Ngâm Khúc. Một áng văn than vãn nỗi oán hờn của một người cung nữ đối với quân vương, đương nhiên là phải tả ra những lạnh lẽo, thê lương nơi cung cấm, nói lên những tiêu điều, vắng vẻ của lòng người, kể lể bao đoạn khổ tình thương của một đời thanh xuân mơn mởn bị giam hãm, bị trói buộc một nơi để làm thú vui chốc lát của người đàn ông, có khi bị lãng quên; suốt đời ước ao chờ được giải thoát. Nội dung đó, nếu như ở ngòi bút của một thi sĩ, văn sĩ tây phương thì họ đã khai thác đề tài trên địa hạt sinh lý, hoặc xét vấn đề theo tâm lý học, phân tâm học, khi tình dục bị dồn nén, bị thiếu thốn. Ở đây trái lại, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều xây dựng ngâm khúc của mình bằng học thuyết nhà Phật: Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế Gót danh lợi bùn pha sắc xám Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật Lãy gió mát trăng thanh kết nghĩa Quí vị vừa nghe đoạn văn vừa kể, có phải y như nghe một đoạn thuyết pháp về sinh lão bệnh tử, về căn quả nhân duyên, mà trong đó có hàm chứa biết bao thi vị. Ðến đây, chúng ta lại thấy thêm chẳng những tác giả đã thi vị hóa Phật thuyết bằng văn chương, mà còn thi vị hóa triết lý tôn giáo bằng cả câu chuyện cung oán. Ðọc xong khúc Cung Oán, chúng ta hoát nhiên tỉnh ngộ mà nhận thấy rằng: Trong khoảng vũ trụ bao la, thời gian vô tận, không gian vô cùng nầy, lũ nhân loại chúng sanh kéo dài cuộc sống vô thường, giam hãm kiếp người trong khuôn đào chú, trong vòng chiết ma, lòng vẫn mong mỏi ước ao được có ngày giải thoát cho khỏi kiếp luân hồi, thì vòm trời đất bao la mênh mông này đối với nhân loại chúng sinh cũng có khác gì vòng cung cấm chật hẹp của bầy cung nữ phi tần. Chúng ta nếu đã biết thương xót cho số kiếp đọa đày, duyên phận lao đao của người cung nữ thì chúng ta lại càng phải biết tự thương xót cho duyên phận số kiếp của chúng sinh nhân loại, trong đó có chúng ta lúc nhúc trong khoảng thiên địa gian lạnh lẽo thê lương vô tuyệt kỳ. Văn thuyết lý thường thì cứng ngắc khô khan, thì văn Cung oán này đã khéo thi vị hóa triết lý, khiến cho đạo lý cũng uyển chuyển nhẹ nhàng linh động theo tiếng nói của văn chương. Thông hiểu đạo lý không cần phải dùng trí não suy tư mà tâm đắc bằng quả tim thông cảm. Bài 2: Lâm Tuyền Kỳ Ngộ và Bích Câu Kỳ Ngộ. Liệt vị chắc đã có biết chuyện diễn ca phổ biến trong dân gian là truyện Bạch Viên - Tôn Các. Truyện kỳ ngộ giữa một đôi kiếp tiên, nàng Bạch Viên và chàng Tôn Các, thác sanh xuống trần làm một thục nữ tu hành, và một nho sinh hay chữ. Hai đàng gặp nhau ở chùa Phi Lai. Vì là duyên Phật kiếp tiên cho nên lúc nào cũng lưu luyến cảnh thiền môn am tự. Ði đâu thì đi, rồi lòng cứ khắc khoải nhớ nhung cảnh mây nhàn gió tĩnh mà trở về. Cũng thì một cốt truyện Bạch Viên Tôn Các này, hồi thời Lê Trịnh, đã có một tác giả khuyết danh làm thành bản truyện Lâm Tuyền Kỳ Ngộ. Bản này không phải làm lối lục bát diễn ca, là lối văn thịnh hành về thời cuối Lê đầu Nguyễn. Lâm Tuyền Kỳ Ngộ làm lối thơ bát cú thất ngôn như thơ thời Lê Hồng Ðức, thơ thời Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cả bản truyện gồm trên 140 bài bát cú. Văn chương nhẹ nhàng thanh thoát. Gần phân nửa số bài thơ dành để ca ngợi cảnh trí thanh bình u nhã của nhà chùa. Nhờ lối trang nghiêm thanh nhã của thơ Nôm Ðường luật, nhờ chân thân tiên phong đạo cốt của tác giả, mà suốt tác phẩm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ như bàng bạc một khí vị hư ảo u huyền, siêu phàm thoát tục. Bất cứ trích đọc một câu nào chúng ta cũng thấy lời thơ thanh thản lâng lâng. Gió trúc đưa hương dâng bệ Phật Trích dẫn như vậy e có rời rạc lắm chăng, thôi thì tôi xin ngâm để quí vị thưởng thức trọn vẹn một bài, đủ đại biểu cho toàn tập Lâm Tuyền Kỳ Ngộ: Vẳng vẳng bên tai tiếng pháp chung Ðã Nói đến Lâm Tuyền Kỳ Ngộ thì phải nhắc đến một chuyện kỳ ngộ khác. Ðó là truyện Bích Câu Kỳ Ngộ. Câu chuyện hoàn toàn Việt Nam, xảy ra trên đất nước Việt Nam. Ðây là thiên diễn ca, một trong sáu truyện trích trong bộ Truyền kỳ mạn lục. Bích Câu là tên một phường của 36 phường trong thành Thăng Long xưa, thuộc về làng Yên Trạch, huyện Thọ Xương; vùng Văn miếu Hà Nội. Cũng như Lâm tuyền kỳ ngộ, là duyên gặp gỡ lạ lùng, giữa một tiên nữ đa tình và một thư sinh lãng mạn. Gặp nhau ở hội chùa Ngọc Hồ. Chính bản thân câu chuyện đã cũng nên thơ rồi. Chuyện là chuyện tiên thì thơ tự nhiên cũng phải là thơ tiên. Tôi xin tạm trích đoạn tả cảnh Bích Câu và hội chùa: Thành tây có cảnh Bích Câu oOo Ngọc Hồ có đám trai tăng Kể đến đây, tôi xin phép liệt vị nhắc lại một chuyện vui vui ngày nhỏ. Thuở học trò đang thời say đắm, say đắm nghĩa lý văn chương và say đắm danh lam thắng cảnh. Ðọc truyện Từ Thức, đọc truyện Bích Câu, lòng cứ đinh ninh hễ đến hội chùa thì thế nào cũng gặp được những nàng tiên đẹp giáng trần. Tôi đã có lúc say mê hội chùa. Hội chùa nào tôi cũng đến chơi, lòng những ước ao mơ mộng có lúc mình được là Tú Uyên, tìm ở đó một mối duyên kỳ ngộ. Hiện nay hội chùa có thường và có nhiều, không biết các cậu bây giờ có những mơ ước dại dột nên thơ đó nữa hay không. Truyện Bích Câu thì phải đợi đến lúc có hội chùa mới tìm gặp mối duyên kỳ ngộ. Truyện Phan Trần thì bạo dạn và phàm tục hơn. Tác giả Phan Trần đã lấy trọn cảnh thiền môn làm bối cảnh cho duyên gặp gỡ giữa Phan Sinh và Diệu Thường. Trọn vẹn tác phẩm trữ tình được bao bọc nuôi dưỡng trong cảnh vật thiền môn trai giới, nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Một vài nét nên thơ thì biết bao thi vị, mà khi đã rậm rợp chi li thì hóa phiền phức tục trần. Thiền vị đã mất mà thi vị cũng không còn nữa. Cho nên tôi xin không muốn trích dẫn truyện Phan Trần để liệt vị nghe trong dịp Khánh đản hôm nay. Bài 3: Truyện Kiều (1) Kể từ đầu, tôi đã nhắc đến truyện ngâm khúc, truyện diễn ca, còn một truyện có lẽ liệt vị lấy làm lạ sao mà chưa thấy tôi đả động tới. Tôi bỏ quên hay là tôi dành phần đặc biệt cho bài thuyết trình. Xưa nay nói đến văn chương Việt Nam, mọi nhà phê bình đều bằng lòng công nhận Truyện Kiều là áng văn kiệt tác đột ngột, vượt lên như một ngọn cô phong độc tú. Chẳng những kiệt tác về phương diện văn học nghệ thuật, về nhân sinh về xã hội mà đến nay xét trên phương diện triết lý Phật giáo, cũng cho chúng ta thấy tác giả Tố Như Nguyễn Tiên Ðiền quả thật là một nhà thơ thiên tài bách luyện. Xưa nay, mọi người đều biết Truyện Kiều là một chuyện phong tình, nhân vật chủ động trong truyện là một cô gái trăng hoa, nhưng ít có ai ngờ Nguyễn Du đã xây dựng tác phẩm của mình trên nền triết lý giản dị phổ thông của Phật giáo. Ðành rằng cốt truyện là sẵn của Thanh Tâm Tài Nhân đời Minh, nhưng yếu tố chính phải là có ngòi bút tài tình của nhà thơ Hà Tĩnh. Vả các truyện Nôm của ta như Hoa Tiên, Nhị Ðộ Mai, Phan Trần, Lâm Tuyền Kỳ Ngộ chẳng hạn, chuyện nào không là cốt chuyện Tàu, nhưng vì tác giả các truyện đó không sánh kịp Tố Như mà truyện Kiều vượt bực. Nhưng mà thôi, vấn đề đó không thuộc về bài này hôm nay. Ở đây, chúng ta trở lại để tìm thưởng thức mùi thiền và mùi đạo, đã phảng phất từ cảnh vườn Lâm Thúy lan truyền cho đến mặt nước Tiền Ðường. Chúng ta không cần bàn rộng đến thuyết nhân quả, đến nghiệp "karma" của nhà Phật, mà Nguyễn Du đã áp dụng chứng minh trong truyện đúng hay là không đúng, mà chỉ biết rằng nhân vật chánh của tác giả là nàng Thúy Kiều đã sống trong nếp tin tưởng đó. Bất kỳ lúc nào nàng Kiều cũng thấy mình bị bao vây bằng một vòng lưới túc khiên, nghiệt chướng không thoát được, rồi lại cũng nhờ dựa vào nhân quả nghiệp duyên đó mà sống, mặc dầu sống trong kiếp yên hoa luân lạc. Nàng Kiều không phải sống với Kim Trọng, không phải sống với Thúc Sinh, Từ Hải mà thực sự thì nàng đã sống với hai nhân vật nhà Phật. Một là hồn ma Ðạm Tiên, hai là sư bà Giác Duyên. Ðời nàng Kiều cứ y như gặp lúc khó khăn không giải quyết được, thì có hai nhân vật đó xuất hiện vẽ nẻo chỉ đường, vạch cho một lối thoát. Hồn ma Ðạm Tiên đã xuất hiện ba lần trong đời nàng Kiều: Một lần bữa chiều ngày Thanh minh bắt đầu đến trước bạ tên nàng vào sổ đoạn trường, "Âu đành quả kiếp nhân duyên, cùng người một hội một thuyền đâu xa"; một lần thứ hai, đến để ngăn không cho nàng chết khi liều mạng với Tú bà, bắt nàng phải sống để trả cho hết tiền căn nghiệp báo. "Dĩ rằng: nhân quả dở dang, đã toan trốn nợ đoạn trường được sao"; và một lần thứ ba, đến để giũ sổ cho nàng. "Ðoạn trường sổ rút tên ra, đoạn trường thơ phải đón mà trả nhau". Còn sư bà Giác Duyên. Một lần đầu cho nàng nương náu ở Chiêu Ân am khi nàng túng đất sẩy chân; lần thứ hai ở doanh trại tướng quân Từ Hải để chứng kiến kết quả của ân của oán, và cũng để thông báo trước lời tiền định của Tam Hợp đạo cô, rồi lần thứ ba cứu vớt nàng ra khỏi trầm luân, sóng nước Tiền Ðường, để cho nạn xưa trút sạch. Liệt vị thính giả chắc không trách tôi kể lể dài dòng. Vì có nêu rõ như vậy mới thấy cả một thiên tình sử thi vị của Nguyễn Du lúc nào cũng chứa chan thiền vị. Tôi không nói ngoa chút nào đâu. Ngay lúc đầu chỗ hội Ðạo thanh trong tiết Thanh minh, để dọn cho việc Thúy Kiều tiếp xúc với hồn ma Ðạm Tiên, tác giả đã bắt nhân vật của mình nhìn khác với mắt nhìn của khách du Xuân "đố lá tìm hoa". Trong cảnh "cỏ non xanh rợp chân trời, cành lê trắng điểm" mà lại xen vào trong đó, cảnh "rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh".Trong cảnh rộn rịp tưng bừng "ngựa xe như nước, áo quần như niêm" mà xen vào đó cảnh "nấm đất xè xè, vắng tanh hương khói". Tiếp theo đó là cảnh chiều tà bóng xế, âm khí nặng nề: Kiều rằng những đấng tài hoa Ðọc đoạn văn vừa trích dẫn đó, có phải đúng là chúng ta đang thấy cảnh u ám bi thu thê lương thảm đạm của ngày lễ Vu Lan: Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt Ðường bạch dương bóng chiều man mác Trong trường dạ tối tăm trời đất Hương khói đã không nơi nương tựa Mấy câu trong bài văn Chiêu Hồn trên đó cũng của tác giả Ðoạn Trường Tân Thanh, dẫn ra đây so sánh nghe thử đã có khác gì nhau với đoạn văn trước mả Ðạm Tiên. Bài 4: Truyện Kiều (2) Bắt đầu truyện Kiều, chúng ta đã thấy có mùi thiền mùi đạo. Rồi thì từ đó về sau, hãy còn bao nhiêu lần nữa, chúng ta thử theo bước thi sĩ Tố Như đi vãng cảnh chùa chiền. Văn truyện Kiều thật là đột ngột, đang giữa tiết tháng Ba quang đãng bỗng có cảnh tháng Bảy sương sa cỏ cháy, sụt sùi ngay trong vườn nhà họ Hoạn ác nghiệt đanh đá chua ngoa, bỗng xuất hiện cảnh bác ái từ bi của Quan Âm các: Sẵn Quan Âm các vườn ta Ðó cũng là một cách Hoạn Thư giam lỏng nàng Kiều, bắt nàng và Thúc Sinh phải thường trực chịu đựng trong cảnh: Gác kinh viện sách đôi nơi Nhưng mà ở trong cảnh ngục tù đó, êm đềm mát mẻ biết chừng nào. Ngoài phong cảnh thiên nhiên cổ thụ sơn hồ, Hoạn Thư đã lo liệu thật là chu đáo: Tâng tâng trời mới bình minh Giữ chùa chép kinh trong cảnh thanh nhàn đó, lại thêm có hai cô diệu hầu hạ hương trà khuya sớm thì dầu trong cảnh quan phòng then nhặt khóa mau nữa, ai mà không muốn tu cho trót. Nàng từ lánh gót vườn hoa Tất cả chúng ta lấy làm lạ, tại sao mà Hoạn Thư lại phải phục vụ người tình địch của nàng chu tất đến như vậy. Chắc có người nghĩ rằng phải tạo nên ngoại cảnh đó mới đánh bẩy được chàng Thúc Sinh và cô Kiều, cho hai đàng đều không lưu tâm e ngại, lấp lửng thừa ưa. Ðể đến một hôm, nàng thử vắng nhà, quả nhiên cả Thúc Lang và Trạc Tuyền đều mắc bẩy của nàng giương. Tiểu thư phải buổi vấn an lại nhà tức thì: Thừa cơ Sinh mới lẻn ra Tôi thì nghĩ khác. Hoạn Thư lúc bấy giờ đã nguôi cơn ghen tức, chẳng những cơn ghen lúc đó mới nguôi, mà chắc rằng đã nguôi từ khi: Giọt hồng canh đã điểm ba Và đã động lòng trắc ẩn từ khi: Cúi đầu quì trước sân hoa Thì việc Hoạn Thư hậu đãi Thúy Kiều ở Quan Âm các là do mối từ tâm, Phật tính vốn sẵn có của lòng người. Ðiều suy luận của tôi đã có chứng minh: Sau khi nghe hai đàng kể lể Rành rành kẽ tóc chân tơ Cho đến khi chán tai nàng mới rẽ hoa bước vào. Dẫu biết rằng: Dói quanh Sinh mới liệu lời Mà nàng vẫn cười cười nói nói ngọt ngào. Ðó là nàng cười nói ngọt ngào thẳng thắn. Và nàng cũng đã thẳng thắn thưởng thức tài nghệ của cô Kiều: Khen rằng bút pháp đã tinh Chúng ta sẽ thấy hành động phát xuất do Phật tính xui nên đó là Hoạn Thư đã gây một cái nhân rất tốt cho mình. Chúng ta xem đến hồi báo ân báo oán. Giữa cảnh: Quân trung gươm lớn giáo dài Chắc chắn rằng bao nhiêu nỗi oán hờn oan khốc mà nàng Kiều chịu đựng trong mười mấy năm trời đều đổ trút tất cả lên đầu một người: Dưới cờ gươm tuốt nắp ra Chỉ nghe một tiếng chào của nàng Kiều cũng đủ cho chúng ta đoán được nỗi căm hờn tức tối dâng lên tột độ trong lòng nàng: Thoắt trông nàng đã chào thưa Tiếng chào đó quả là tiếng phán quyết cuối cùng rồi. "Bây giờ ở đây!" Trời ơi! Nghe mà khiếp đảm kinh hồn. Và trước khi tuyên án, nàng Kiều cũng đã tuyên bố cho Thúc Sinh biết trước số phận của vợ chàng, để cho chàng khỏi trách: Vợ chàng quỉ quái tinh ma "Trả nghĩa" cho "mưu sâu". Thiệt là ghê gớm! Tánh mạng của Hoạn Thư thật khó mà an toàn, sau bao nhiêu lời nghiến răng tuyên bố đó. Ấy thế mà khi nghe Hoạn Thư nhắc đến một câu; vỏn vẹn một câu thôi: Nghĩ cho khi các chép kinh Thì tức khắc: Truyền quân lịnh xuống trướng tiền tha ngay! Thật có ai ngờ, bản án của Hoạn Thư được xử nhẹ nhõm dễ dàng, khoan hồng như thế. Chúng ta đã thấy chưa. Cái nhân lành mà Hoạn Thư gieo ở Quan Âm các là để cho nàng hái được cái quả tốt ở cửa viên môn lúc bấy giờ đó. Câu: "Nghĩ cho khi các chép kinh" của Hoạn Thư, và câu: "Truyền quân lịnh xuống trướng tiền tha ngay" của Thúy Kiều, quả là hai câu hàm súc bao nhiêu đạo vị trác tuyệt, bao nhiêu thi vị thâm trầm, nếu không phải là tay thi hào trác tuyệt thâm trầm thì không làm sao mà sáng tạo cho nên. Bài 5: Thi văn thời Lê Ngoài những văn chương trường thiên, hãy còn biết bao thi văn khác chứa chan mùi đạo mùi thiền. Trong khu vườn văn học Việt Nam, góc nào mà không có năm, ba đóa hoa Ưu đàm nở cười viên mãn, góc nào mà không có cành lá Bồ đề rủ bóng, thoảng gió chân như. Từ thơ Lê Hồng Ðức, thơ Mạc Thiên Tích cho đến Bạch Vân Am, thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Vũ phạm Hàm, thơ Chu Mạnh Trinh, thi tập nào cũng có năm, ba bài ca tụng cảnh sơn môn thiền viện. Chúng ta đã biết cảnh chùa Hương, Nam thiên đệ nhất động, đã có nhiều nhà thơ đề vịnh. Truyền tụng có ba bài: một bài của Lê Thánh Tôn, một bài của Vũ Phạm Hàm, và một bài của Chu Mạnh Trinh. Tôi xin trích trộn lẫn mỗi bài ít câu: Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái Chén vân dịch nghiêng bầu uống gắng Mặt trời gác bóng cây xế xế Trong chân cảnh có chân vị, chân vị mà các thi nhân nói đây là thiền vị và thi vị mà chúng đang đề cập đó chăng? Cảnh thanh tịnh yên lành chốn thiền môn đã gây cho chúng ta nguồn thi hứng êm đềm. Nguồn thi hứng ở động Hương Tích đã theo nước suối Giải Oan róc rách không ngừng, luân chảy mải cho đến gần chúng ta. Ai mà chẳng nhớ bài thơ Chơi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, đã phổ biến thành nhạc: Hôm nay đi chùa Hương Chắc là liệt vị đang đợi tôi đề cập đến văn chương đời Lý, đời Trần, là hai triều đại mà Phật giáo ở nước ta cực thịnh, được gọi là quốc giáo. Từ vua quan đến sĩ thứ cả nước, trên dưới đều dốc một lòng tín ngưỡng tôn sùng đạo Phật. Chính quyền thời đó đã ủng hộ Phật sự, hoằng dương Phật pháp, để viên thành công đức tế độ chúng sanh. Mà Phật gia Tăng thống thời đó cũng dự vào quốc chính, vô vi thành hữu vi, đem hùng tâm hùng lực, đại từ đại bi tham tán công nghiệp trị quốc, bình thiên hạ. Thể tài sung túc, phong phú như vậy thì phạm vi bài thuyết trình này không làm sao chứa đựng được. Huống chi, văn chương thời Lý, thời Trần, toàn là văn chương Hán học huyền ảo cao thâm, bài nào chữ nào cũng phải dịch âm dịch nghĩa, diễn dẫn điển tích nhiều lắm mới hiểu được. Việc đó không thích hợp với hoàn cảnh trong buổi nói chuyện phổ thông hôm nay. Không nói chuyện thời Lý, thời Trần thì chúng ta ghé lại thời Lê một chút. Chúng ta ai mà không thưởng thức quyển tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, câu chuyện yêu đương vớ vẩn giữa anh chàng sinh viên Ngọc với chú tiểu Lan ở chùa Long Giáng. Nhất Linh có lần nói chuyện với tôi rằng: Ông rất lấy làm lạ, không hiểu vì sao trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn, Hồn bướm mơ tiên là cuốn sách được tái bản đều đều, nhiều lần hơn hết. Ðộc giả không phải hoan nghênh ồn ào trong nhất thời, khi sách mới ra đời, mà đều đều lúc nào cũng còn có người ưa thích. Ai cũng tưởng giữa xã hội vật chất điên cuồng này, thì đa số độc giả ưa "Ðoạn tuyệt", ưa "Ðời mưa gió", ưa "Lạnh lùng" hơn mới phải. Ðàng này không. Thật ra thì độc giả không phải họ ưa gì mối ái tình cao thượng giả tạo kia. Nhưng người Việt Nam chúng ta, dầu không tu hành, dầu không tín ngưỡng cũng sẵn có mối thiện cảm với khung cảnh chùa chiền, sẵn bụng yêu thích những cảnh trí tịch mịch, êm đềm nơi am thanh cảnh vắng, nơi có thể khiến cho lòng chúng ta lặng yên cơn sóng gió thì Hồn bướm mơ tiên là một câu chuyện nên thơ. Mối quan cảm lẫn lộn giữa thiền vị, đạo vị và thi vị đó đã bắt nguồn sâu xa từ trong tiềm thức vô minh, mà không ai dè; chính người viết sách là Khái Hưng cũng không dè, chính người in sách là Nhất Linh cũng không dè. Tôi vừa nói rằng chúng ta sắp ghé vào thời Lê mà sao lại sang đàng vào chùa Long Giáng làm chi? Quí vị có nhớ nhan đề sách Hồn bướm mơ tiên là xuất xứ từ đâu không? Khái Hưng đã mượn bốn tiếng đó trong một bài thơ Nôm, thời Lê Hồng Ðức. Thi thoại truyền rằng: Vị Tao Ðàn Nguyên soái Lê Thánh Tông một hôm đi vãng cảnh chùa Ngọc Hồ. Vừa đến tam quan thì đã nghe tiếng vàng lanh lảnh nhịp nhàng. Vào chùa thì đó là tiếng một tiểu nữ đang tụng kinh. Tức cảnh, vua sai lấy bút mực đề lên vách chùa hai câu thơ lục bát: Ðến đây thấy cảnh thấy người; Tuy vui đạo Phật, chưa nguôi lòng trần.Và lấy hai câu đó ra đầu bài cho các tụng thần làm thơ. Có bài của Tao Ðàn Phó Nguyên soái là Thân Nhân Trung hay hơn cả. Thơ rằng: Ngẫm chuyện trần duyên khéo nực cười Vua truyền đưa bài thơ cho tiểu nữ xem. Xem xong, tiểu nữ tâu rằng: Thơ cũng đã hay, lời chải chuốt, giọng nhẹ nhàng. Duy hiềm hai câu tam, tứ chưa đủ gói ghém hết ý cảnh. Vua truyền: Nếu đã chê thì phải chữa cho hay hơn. Tiểu nữ chữa lại: Gió thông đưa kệ tan niềm tục, Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời. Vua và cả Tao Ðàn đều thán phục. Khi đạo ngự hồi cung, vua cho kiệu đón tiểu nữ cùng theo về, nhưng đến cửa Ðại hưng môn, chợt biến mất. Vua truyền dựng tại đó một ngôi lầu, để ghi tiên tích, đề là "Vọng tiên lâu". Ấy bốn tiếng "Hồn bướm mơ tiên" là của cô tiểu chữa thơ Thân Nhân Trung mà Khái Hưng đã mượn làm nhan đề cho tác phẩm mình. Hoặc giả nghĩ rằng: chú tiểu Lan trong trong tiểu thuyết ngày nay là hậu thân của cô tiểu trong thiên giai thoại ngày xưa đó chăng? Biết như vậy, chúng ta mới thấy ngọn "gió thông đưa kệ" ở chùa Ngọc Hồ từ đời Lê Hồng Ðức thổi lộng trong thời gian, thoang thoảng mải không ngừng, cho đến hôm nào đây hóa thành cơn gió chiều khả ái: "Gió chiều hiu hiu... lá rụng" ở bên chùa Long Giáng, mà khi đón lấy, chúng ta thấy mát mẻ diu dịu tâm hồn. Ngọn gió đó đã thổi hồn đạo và hồn thơ lan truyền vào hồn dân tộc. Bài 6 : Thiền và Ðạo Từ lúc bắt đầu câu chuyện, tôi đã nhắc nhắc lại nhiều lần tiếng thiền vị. Ý nghĩa của tiếng có lẽ trừu tượng quá. Tôi muốn tìm một cái gì để cụ thể hóa danh từ tượng trưng cho thiền vị và đạo vị trong câu chuyện hôm nay. Tôi nhớ đến cây đa cội to bóng rợp, tôi nhớ cổng tam quan sơn son thiếp vàng, nhớ đến mái chùa cong cong rêu phủ. Trong mọi hình thức, mọi cảnh trí đó, thiên nhiên cũng như nhân tạo hãy còn thiếu một cái gì. Trong lúc dò dẫm suy tầm thì bỗng nghe có tiếng ngân nga. Tôi nhớ ra liền. Chính cái tiếng đó mới cụ thể hóa được cho Thiền và Ðạo. Tiếng chuông chùa chẳng những tượng trưng cho thiền vị, đạo vị mà thôi, mà còn tiêu biểu cho tất cả thuộc về Phật giáo. Tiếng hồng chung là tiếng của cao siêu, của huyền diệu, là tiếng của chánh giác, chơn như, từ bi, hỷ xả, của tế độ và của bao dung. Tiếng chuông cũng làm tan não phiền nghiệp chướng. Tùy lứa tuổi, tùy thời khắc, tùy cảnh ngộ vui buồn mà tiếng chuông vang dội vào mỗi tâm hồn mỗi khác, và mỗi tâm hồn đã hưởng ứng, tiếp nhận tiếng chuông cũng mỗi thanh âm khác nhau. Lão tăng bất xuất thanh sơn tự Thôi thì, tôi hãy kể tiếng chuông dội vào tâm hồn cảm hứng của thi nhân: chuyện đã lâu lắm, từ nước Tàu cổ, nhưng kể lại có làm sao, vì bài thơ đã phổ biến trong làng thơ ta, cũng như Bắc tông Ðại thừa từ Tàu truyền sang mà thôi. Thi sử chép rằng: Một đêm về đầu tháng, Trương Kế đổ thuyền ở bến Phong Kiều. Ðêm đã sắp sang canh ba, sương đã buông xuống dày đặc, mảnh trăng non ngả vương trên nền trời Tây. Thi nhân xúc cảnh làm ngay hai câu: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đói sầu miên. Thi nhân ngâm đi ngâm lại mãi hai câu đó, mà không làm sao nghĩ nối thêm được nữa. Nguồn thi hứng cạn, hay là không có cảnh nên thơ. Thi nhân hết nằm vào mui thuyền, lại bò ra khoang thuyền đứng ngóng bốn bề, để tìm ý cảnh cho bài thơ nghĩ dở. Ðêm đã nữa, thời gian và không gian đều bát ngát tịch liêu. Bỗng từ núi xa vang lại tiếng chuông chùa. Ý thơ đã theo tiếng chuông dội vào cảm hứng của thi nhân. Tức thì, không cần suy nghĩ nhiều hơn, thi nhân chỉ ghi chép lại tiếng chuông kia: Cô tô thành ngoại Hàn San tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Thi nhân chỉ ghi chép đúng lại tiếng chuông kia, mà câu thơ thành tuyệt cú. Ấy tôi nói có ngoa đâu, câu thơ giản dị nọ thành bất hủ vì đã được thiền vị hóa bởi tiếng chuông chùa, và tiếng chuông thỉnh giữa đêm khuya trở nên mối mỹ cảm cho nhân gian, vì đã được thơ vị hóa. Có ai tò mò muốn biết tiếng chuông chùa nên thơ nọ là tiếng chuông vô vi ngẫu nhiên hay tiếng chuông hữu vi tiền định. Thì thi thoại lại kể thêm rằng: Trương Kế, nhờ có tiếng chuông mà làm được câu thơ đắc ý, sáng hôm sau, hỏi đường lên chơi Hàn San, vãng cảnh. Chùa ở lưng trừng núi, trông ra con sông, màu trời sắc nước long lanh. Vào chùa vấn an sư trưởng trụ trì xong, ra xem chơi cảnh chùa, thì thấy trên vách trai phòng có đề bài thơ, chữ hãy còn tươi mực. Trương Kế đứng lại ngâm nga thưởng thức thì chú tiểu cũng tới gần vui vẻ kể chuyện. Bấy giờ được biết thêm rằng: Ðêm qua xong thời kinh chập tối, sư cụ ra sân chùa hóng mát. Nhìn lên mảnh trăng lưỡi liềm đã xuất hiện giữa trời, một nét cong thanh tân in trên nền trời khiết bạch. Sư cụ nhẩm đọc câu thơ tức cảnh: Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung, Cận tự kim câu, cận tự cung. Nghĩa là đêm mồng ba, mồng bốn, mảnh trăng non trông gần giống như chiếc móc vàng, mà cũng gần giống như vành cung uốn. Rồi từ đó sơn cùng thủy tận, Sư cụ không nghĩ ra thêm tứ thơ nào nữa. Sư cụ có hơi bực mình, hôm nay sao mà nguồn thi hứng của mình chóng cạn thế, mọi khi thì đã thao thao bất tuyệt kia mà. Bài thơ nếu không tròn thì Sư cụ cứ trằn trọc không đi nằm yên được. Chú tiểu đã ngủ một giấc dài, ra ngoài thì thấy Sư cụ hãy còn thơ thẩn trước sân chùa. Thấy thầy nghĩ ngợi băn khoăn, chú tiểu không hiểu chuyện quan hệ gì cũng đâm ra lo lắng, mới bạch thầy, để hoặc có thể đỡ bớt cho thầy phần nào lo nghĩ. Sư cụ kể chuyện bài thơ nghĩ dỡ còn thiếu hai câu, mà bụng cười thầm: Chuyện đèn hưong đâu mà chú tiểu đỡ đần cho Sư cụ được. Nghe chuyện, chú tiểu ra sân ngoài, đứng tựa gốc bồ đề nhìn ra phong cảnh quanh chùa. Bóng trăng non bây giờ đã ngả thấp xuống gần mặt sông, in bóng xuống đáy nưóc chập chờn một vành trăng thứ hai, ý cảnh đó đã cấu tứ cho chú tiểu. Chú trở vào bạch Sư cụ rằng chú đã cất cho Sư cụ phần lo nghĩ, và trình hai câu thơ: Thùy bả ngân bàn phân lưỡng đoạn, Bán trâm thủy để, bán phù không. Nghĩa là: "Ai đem mâm bạc bẻ đôi, Nửa in đáy nước, nửa cài trên không". Sư cụ nghe xong, ngạc nhiên không hiểu vì sao mà đêm nay chú tiểu bỗng trở nên thông minh như vậy. Chắc là nhờ đức vô lượng khai tâm kiến tánh cho, mới dạy chú tiểu vào đốt hương tạ ơn Như Lai. Lễ xong, chú tiểu thỉnh một hồi chuông khoang khoái. Chính hồi chuông đó, vọng sang tận bến Phong Kiều, đã giúp cho Trương Kế hoàn thành bài thơ bất hủ. Thiền gia và thi gia quả có tiền định nhân duyên. Bài 7: Kết Luận Và còn đây một thi thoại chót: Thời Nguyễn có một nàng công chúa vừa đẹp vừa hay chữ. Vua anh là vua Thánh tổ Minh Mạng, đã chấm cho công chúa một nho sĩ tuấn tú, định kén làm phò mã, để sau này sẽ trở nên lưong đống cho triều đình. Nhưng mà công chúa rất mộ đạo từ bi, từ chối việc hôn nhân, bỏ cung cấm, trốn vào Quảng Nam, lên tu ở chùa Non Nước. Vua sắc cho địa phương quan đến nghinh đón và dụ công chúa hồi cung. Nhưng công chúa nhất quyết ở lại chùa, làm một bài thơ gởi về, hẹn rằng ai mà họa được thơ thì sẽ xin xuất các. Bài thơ hay lắm, cần phải ngâm lên mới thưởng thức cho trọn vẹn: Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ Truyền rằng: Thơ không ai họa nỗi, nên công chúa thoát khỏi oan gia, và viên thành được mối đạo tâm phát nguyện quy y chánh giác. Chúng ta có thể nào tin được rằng cả một triều đại hoàng kim của thi văn, triều đại của Tùng-Tuy-Siêu-Quát mà không có một người nào họa nổi bài thơ hôm nọ. Không phải là bài thơ khó đến nỗi không ai họa nổi. Mà thật sự là không ai dám họa. Ðọc bài thơ phát nguyện, thấy rõ tâm kiên quyết, chí vững vàng dốc lòng tu niệm của công chúa mà ai không kính sợ. Nãy giờ tôi dẫn chuyện xưa có, chuyện Tàu có, nghĩ cũng lâu lai xa xôi quá. Tôi muốn nói một chuyện gần gần chúng ta để tiêu biểu cho câu chuyện mà tìm hoài không được. Tôi đang lúng túng thì chợt xảy ra ngay trước mắt. Thật là một thi thoại sống, đang sống với chúng ta. Giữa thủ đô đây, có một cảnh công viên, cảnh trí khá thanh u, tên là vườn Tao Ðàn. Tôi không hiểu khi người đổi tên vườn Bồ-rô, vườn Ông Thượng, có dụng ý gì không, không biết. Chắc là thấy tiếng đó hay hay thì lấy đặt tên vườn chớ cũng chẳng nghĩ gì đến tiếng Tao Ðàn (viết hoa), tiếng tượng trưng cho thi ca. Dầu sao cũng là một ngẫu nhiên mà thôi. Ai có ngờ đâu, thiệt là không dè mà mấy hôm nay, danh từ đó bỗng trở nên một tiền định. Ban Văn-Mỹ-Nghệ của Viện Hóa đạo, mượn khu viên đình trong vườn làm khu triển lãm văn-mỹ-nghệ phẩm liên quan về Phật giáo. Ai đã đến vườn Tao Ðàn ba bốn hôm naymà xem thì phải biết. Chẳng những là riêng một khu viên đình, mà khắp cả cảnh vườn đã biến thành cảnh kỳ viên thiền lâm. Một gốc cây trong vườn là một gốc Bồ đề. Một đóa hoa trong vườn là một đóa Ưu đàm. Hằng hà sa số Phật tử chúng sanh xa gần nô nức kéo về triển hội. Gian kia bài thơ, gian này câu đối; không câu đối, bài thơ thì hội họa, điêu khắc tranh ảnh, mỗi mỗi đều tượng trưng cho một cái gì rất nên thơ mà cũng đều diễn tả cho đề tài chung là Thiền và Ðạo. Tất cả đều phối hợp hòa đồng với nhau làm thành một bài thơ trường thiên hàm chứa bao nhiêu thiền vị và đạo vị. Vườn Tao Ðàn bỗng trở thành hội Vô Già, như hội Vô Già trong chuyện Bích Câu chẳng hạn. Muốn kể cho hết thì nhiều lắm. Tôi vừa chép được một câu đối ở trên đó về đây. Ðối rằng: Phong nhã thuyền giong vời Giác Hải Con thuyền phong nhã, con thuyền lãng mạn của hàn mặc văn chương đã thấy giong chơi trong vời Giác Hải, mà đóa hoa từ bi của chánh giác chân như, nay lại được thấy rợp bóng giữa Tao Ðàn. Tiếng Tao Ðàn này có như tiếng chuông chùa Hàn San ngẫu nhiên mà tiền định đó chăng! Thiền vị và thi vị có cần tìm đâu xa xôi mới gặp. Thơ có câu: Nhân qua trúc viện phùng tăng thoại Nghĩa rằng: Hầu chuyện nhà sư trong viện trúc Diễn giả không phải là Tăng già, cũng không phải là Phật tử, diễn đàn cũng không phải là thiền phòng trúc viện; nhưng mà, chúng ta được chút nhân duyên gặp gỡ vài giờ, đàm đạo năm ba câu chuyện thi vị trong thiền gia. Tôi dám ước mong, diễn giả cũng như thính giả, chúng ta hôm nay đều trút được giây lát nỗi tục lụy phù sinh, trong cõi hôn hôn túy mộng. Và xin chắp tay cám ơn liệt vị.
Ðông Hồ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |