Chi tiết tin tức

Tổn thương, dục tính & Phật giáo

15:36:00 - 04/10/2015
(PGNĐ) -  Kể từ khi thành lập năm 2002, Senses Fail đã trải qua nhiều sự thay đổi. Khởi đầu là nhóm nhạc mang phong cách nhẹ nhàng cho đến trưởng thành với một Capital H theo xu hướng âm nhạc mới, phá cách đầy mạnh mẽ - post hardcore - pha trộn giữa rock và nhạc điện tử sôi động (nhóm đã từng sở hữu 523.000 lượt fan hâm mộ trên Facebook). 

Người thành lập nhóm, Buddy Nielsen cũng từng góp phần vào sự thay đổi ấy bằng cách phá vỡ ranh giới đó.
 

Ton thuong, duc tinh va PG.jpg
Buddy Nielsen

Buddy Nielsen từng viết: “Trong suốt hơn 9 năm trời, tôi bị cuốn vào vòng xoáy của sự hổ thẹn, tình dục, lạm dụng thuốc, mê chấp vào nhục dục, lo âu, hôn trầm, phiền não và ghê sợ chính bản thân mình. Dường như rơi vào tuyệt vọng, tôi làm những việc đe dọa đến tính mạng bản thân cũng như đẩy những người thân quanh tôi ra xa”. 

Miêu tả về dục tính của mình, anh nói: “Không nhận biết nó một cách rõ ràng, nhưng tôi như rơi vào phạm vi của nhục dục, tôi cảm nhận thấy nó qua một dấu hiệu cụ thể nào đó” (Nielsen cũng nhấn mạnh rằng, mới đây anh đã kết hôn với một người phụ nữ với buổi lễ ấm cúng đầy hạnh phúc).

Có nhiều thứ xảy đến, nhưng những gì Nielsen đang làm chỉ là đây - ngay khi Senses Fail bắt đầu chuyến lưu diễn và tiến hành thu âm. Đang trong thời gian lưu diễn, cùng với nhóm nhạc mới LP và album Pull the Thorns From Your Heart ra mắt vào ngày 30-6-2015, Nielsen đã dành thời gian cho tờLion’s Roar để nói về vai trò của một người thực hành Phật giáo diễn ra như thế nào.

Mới đây, anh đã nói trước công chúng cũng như cộng đồng âm nhạc của mình về tình dục và việc lạm dụng thuốc, nhưng không phải theo một cách thông thường. Có thể thấy một lượng lớn những người hâm mộ đang rất mong đợi được nghe về điều đó từ anh. Trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay với Alternative Press, anh nói về lòng tin của anh vào Phật giáo, nơi cho anh thêm chỗ dựa để đứng lên khỏi những khổ đau từng nhấn chìm mình - nghiện ngập và sắc dục - từ đó giúp anh mạnh mẽ hơn để đương đầu với chúng.

- Vâng, thật sự là như vậy. Tôi không nghĩ rằng mình có thể vượt qua tất cả những sai lầm đó nếu không được tiếp xúc với Phật pháp. Tôi cũng đã không thể nghĩ sâu xa hơn về những gì mình có được từ thiền định (cụ thể hơn là phương thức thiền định Vipassana) trong một khoảng thời gian dài, nếu không thực hành một cách nghiêm túc.

Có lẽ, sau tất cả những khóa học của cuộc đời này, tôi đã có thể hiểu rõ những vấn đề của chính mình, nhưng cách nhanh nhất để nắm bắt những gì đang diễn ra là bạn phải toàn tâm toàn ý thực hành một cách chân thật. Thực hành ở đây là bạn không được chối bỏ những khó khăn, thử thách đang đến kia. Đối với tôi, có những thứ trong phạm vi thực hành của mình, nhưng tôi chưa sẵn sàng và dẫu bị buộc phải thực hiện, tôi vẫn không muốn nói câu từ bỏ rồi gạt chúng sang một bên.

Nỗi khổ đau, sự phiền não, hôn trầm… có nhiều thứ đưa con người đến với thiền định, tôi cũng đã từng thực hành và thấy được tính hiệu quả của nó, thiền định giúp tôi quản lý được vấn đề xảy ra. Là một người có quá nhiều phiền não trong cuộc đời, tôi nhận ra bản chất vô thường, vô trụ của những cái gọi là cảm xúc, đây là phương tiện để tôi có được sự tự tại cho mình. Nhưng nếu bạn quá bám chấp vào điều này và cho đây là điều kiện tuyệt đối để có được sự tự tại, thì có nghĩa bạn đang tự trói buộc chính mình và bạn sẽ không nhận ra được những khía cạnh khác của vấn đề. 

Sự bám chấp sẽ khiến bạn trở thành con người chỉ luôn than thở: “Tôi phiền não, luôn bị phiền não, luôn rơi vào hôn trầm”, trong khi đó là điều không cần thiết. Vậy bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhận thức được tất cả những điều đó đều không thật.

Như vậy, có thể nói thực hành thiền định đã đưa anh đến gần hơn với những giới hạn của mình, với từng bộ mặt khác nhau trong chính con người anh?

- Vâng, có thể nói là như vậy.

Nói về những khía cạnh trong mỗi con người, ngay cả khi anh bị vướng bận trong nghiện ngập và tình dục, không phải là vẫn có những thứ tồn tại không thể đổi dời sao? Và chúng ta có thể được giải thoát khi chứng ngộ được cái không thay đổi ấy?

- Tất nhiên. Trong Phật giáo có câu nói không có gì là vĩnh cửu. Vậy tại sao con người chúng ta luôn có những suy nghĩ cứng nhắc về tình dục cũng như giới tính? Ý của tôi là, nếu mọi thứ đã được định sẵn sẽ đến và luôn thay đổi, vậy đó là sự thật về vai trò giới tính của chúng ta và chuyện tình dục.

Anh đã tìm thấy sự động viên để tiếp thêm nghị lực từ cộng đồng Phật giáo?

- Nhóm hành thiền mà tôi gia nhập được gọi là Against the Stream (Ngược dòng), mọi người ở đây rất cởi mở và phóng khoáng. Họ luôn cố gắng để hòa nhập hoàn toàn và chấp nhận tất cả mọi thứ xảy đến. Chính điều đó đã mang lại một nơi an toàn để tôi có thể tìm thấy những ý tưởng của mình. Không có gì quý giá hơn sự ủng hộ của một vị Tăng nhân và việc có thể gắn kết với những người cùng cảm nhận và cùng nhân cách với mình.

Anh đã từng đề cập đến thiền Vipassana (Minh sát tuệ) và cũng từng nói về việc anh cố gắng tu tập, trau dồi cho trái tim dễ bị tổn thương và cởi mở của mình. Vậy có phương pháp thực hành đặc biệt nào kết hợp cùng thiền Vipassana để hỗ trợ cho sự tu tập ấy không?

- Cách tôi thấu hiểu mọi thứ là luôn có hai hướng để nhìn nhận và thực hành. Đó là sự rộng mở của trí tuệ và sự tu tập của việc thực hành chân thật. Tôi là người có quá nhiều nỗi đau trong quá khứ, và khi thực hành tu tuệ, tôi dường như được thoát khỏi cảm giác sợ hãi và rối bời, cứ như thể ánh sáng của trí huệ đang lan tỏa trong tôi. 

Và một trong những thứ thật sự quan trọng là tôi đã được dạy rằng phải toàn tâm toàn ý vào việc trân trọng sự chân thành hay việc thực hành lòng từ, khi tu tuệ cũng cần tạo ra sự cân bằng với sự tỉnh giác hay tâm thức. Đây là những điều tôi chưa từng biết cho đến khi bước vào tu tập Phật giáo. Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng Phật giáo là những khóa học Thiền định. Tôi đã không nhận thức được sự tu tập Tứ vô lượng tâm, hay tu tập chân thực là gì, chính những thứ đó lại thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều. Tôi tập trung thời gian luyện tập cân bằng trên cả hai phương diện đó.

Làm tất cả những điều này, sự hỗn tạp trong những tổn thương và vấn đề nhân cách của anh, nó có giúp mọi thứ đơn giản và dễ dàng hơn với anh không?

- Khi mới bắt đầu, bản ngã của tôi khá yếu đuối và bị tổn thương. Đây có thể là một chút gì đó khác với tôi ban đầu, nó giống như một quá trình khởi động, nơi tôi phải xây dựng một bản ngã cứng rắn và an toàn hơn, trước khi tôi có thể giải tỏa tất cả và dành thời gian cho tâm tôi được vắng lặng. Tôi nghĩ rằng đạo Phật đang ngày càng phát triển ở phương Tây, ngày một nhiều người đến với đạo Phật giống tôi, người từng mang nhiều tổn thương trong quá khứ. Theo tôi, đạo Phật thật sự thiết thực, dạy cho con người biết việc tu tâm và xây dựng một nơi vững chắc để chứa đựng trí tuệ quan trọng như thế nào. Bởi với tôi, sẽ thật sự đáng sợ khi bắt đầu tiếp nhận một luồng sáng mới và tiêu thụ một lượng lớn văn tự mà chưa có sự chuẩn bị. Tôi đã từng chưa sẵn sàng. Và vì vậy, tôi quay lại với việc tu tập hạnh từ bi, từ đó tôi có thể đạt được sự thức tỉnh rộng mở.

Điều gì đã dẫn dắt anh đến với việc tìm hiểu và tiếp cận Phật giáo?

- Tôi đã từng tiếp xúc với Phật pháp từ năm 17 tuổi. Tôi nhớ lúc đó mình đã được đọc cuốn The Power of Myth của tác giả Joseph Campbell, đề cập rất nhiều về câu chuyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và những huyền thoại về Ngài.

Và điều đó có liên quan đến tên của nhóm nhạc?

- Khi đặt tên cho nhóm nhạc là Senses Fail, tôi đã chú ý đến câu chuyện về cuộc đấu trí giữa Đức Phật với những người tu khổ hạnh, họ tranh cãi rằng thân là nguyên nhân khiến con người rơi vào hỗn loạn và nếu có thể vượt qua thân này, con người thể nhập Niết-bàn. Giờ đây, sau 13 năm, tôi - một tay chơi nhạc rock điện tử - đang tu tập Phật giáo và tôi nhận ra ý nghĩa của “Senses Fail” cũng như việc năm yếu tố cấu thành con người và vũ trụ (ngũ uẩn) là không thực: Toàn bộ cuộc sống của chúng ta, chúng ta luôn cho rằng những gì mình thấy và cảm nhận đều là thật, nhưng thực tế thì nó không hoàn toàn là thật. Cái tên Senses Fail cũng vậy, nó dần biến đổi và trưởng thành cùng với nhóm nhạc cũng như nhận thức của tôi về Phật giáo.

Điều gì đã khiến anh đi từ việc tìm đọc cho đến thực hành Phật giáo?

- Trước đây, tôi đã từng học yoga và tình cờ khi ngừng học yoga Kundalini, tôi lại có những kinh nghiệm đáng lo ngại với hình thức yoga này. Điều đó thật sự đến quá nhanh và quá nhiều. Tôi có một sự tập trung cao độ, trộn lẫn với việc nối kết những kinh nghiệm đau thương và sự yếu đuối của tôi, nhưng tôi chưa thật sự sẵn sàng với điều đó. Trong khi Phật giáo thì luôn ở đây, nơi tôi có thể quay lại bất cứ khi nào và tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với tôi?”.

Tôi đã phải trải qua nhiều rắc rối trong đời và có lẽ phần lớn con người cũng bị vướng vào nó. Khi gia nhập vào Against the Stream, tôi có nghe một câu nói đùa rằng con người tạo ra những học viên mới: “Nó khá là khó chịu, thứ mà bạn muốn thiền để trấn tĩnh nó?” (cười). Tôi luôn nhận biết được rằng việc hướng vào nội tâm là câu trả lời cho câu hỏi ấy. Tôi chỉ chưa biết dùng cách nào để thực hiện.

Vâng, bây giờ những gì anh làm, anh đang nối kết và hiểu rõ điều đó bằng chính anh. Vậy fan hâm mộ có đồng tình và ủng hộ anh không?

- Một số ít đồng tình, còn phần lớn thì không. Như vậy cũng đã tốt rồi. Tôi không ở đây để thuyết pháp cho ai cả. Theo tôi, con người hầu hết đều nghiêng về những gì có tính xác thực. Và kết quả của hành động là sự minh chứng rõ ràng nhất.

Xin cám ơn anh vì cuộc trò chuyện ngày hôm nay.

Giao Hảo chuyển ngữ
(theo www.lionsroar.com/bad-enough-to-meditate-buddy-nielsen-senses-fail-buddhist/)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin