Chi tiết tin tức Tượng Phật gỗ 1.500 tuổi 'mắt nhắm mắt mở' ở Sài Gòn 22:55:00 - 03/03/2018
(PGNĐ) - Được chế tác từ gỗ ở vương quốc Phù Nam cổ, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là bảo vật quốc gia.
Tại Bảo tàng lịch sử Tp.HCM, tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tên "Lợi Mỹ" được bảo quản rất cẩn thận. Đây là một trong 30 bảo vật quốc gia được chính phủ công nhận đợt đầu tiên, năm 2012.
Tượng được người dân tìm thấy tại làng Lợi Mỹ, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giữa năm 1937. Nhận thấy giá trị độc đáo của tượng gỗ nặng hơn 100kg, tỉnh trưởng Sa Đéc lập tức gửi công văn đến Thống đốc Nam kỳ thông báo. Sự việc được Viện Viễn Đông Bác Cổ tiếp nhận, thẩm định.
Trong công điện gửi ông Louis Malleret - nhà khảo cổ chuyên về nền văn hóa Óc Eo - Viện Viễn Đông Bác Cổ đặc biệt lưu ý giá trị của bức tượng với hình dạng kỳ lạ. Ông đánh giá tượng có tính thẩm mỹ cao, thể hiện nghệ thuật điêu khắc của người Óc Eo sống khoảng 1.500 năm trước và yêu cầu mau chóng đưa vào bảo tàng Blanchard de la Brosse (Bảo tàng Lịch sử Tp.HCM hiện nay).
Cao 2m, rộng 0,5m, tượng được chạm khắc từ cây gỗ trai nguyên khối, trong tư thế đứng thẳng trên bệ sen hai tầng có đường kính 41cm. Tầng trên gồm một lớp cánh tròn, nhiều lớp xen kẽ, có nhụy giữa tạo thành bệ. Tầng dưới gồm một lớp đài sen úp, hai lớp cánh tạc trên nền trụ tròn. Phần đầu của tượng đội mũ miện, đỉnh có chóp nhọn, được gọi là Usnisa.
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước từng khẳng định tượng là tiêu bản của đức Phật Thích Ca Mâu Ni với khuôn mặt hơi gãy, miệng đang mỉm cười. Hai vành môi Ngài hiện rõ, cằm hơi nhô, khuôn hàm vuông vức, đôi tai cong và dài gần chấm vai. Thân tượng được tạc khá thon mảnh, bờ vai xuôi với hai tay gập vuông góc, đưa ra ngang ngực.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tượng Phật "Lợi Mỹ" không giống với hình tượng nguyên thủy của đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ, bởi hình ảnh một mắt nhắm một mắt mở cùng dáng điệu, khuôn mặt khác biệt.
Trong sách nói về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của đức Phật, thì việc Ngài nhắm mắt thể hiện trạng thái thiền định sâu xa. Khi mở mắt, nhưng khép lại quá nửa theo hướng nhìn xuống, thể hiện trạng thái thiền định nội quán, tức tự mình soi xét bản thân, lấy đó làm việc bổn phận, nhận rõ tự tánh đi đến giác ngộ.
Về đôi tay của bức tượng thì tay phải đưa ra phía trước với ngón trỏ cùng ngón cái chạm vào nhau, ba ngón còn lại để thẳng, thong thả. Các nhà nghiên cứu gọi đây là ấn Vô úy thí (bố thí sự không sợ hãi) mà chư Phật vốn có.
Trong cuốn "Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo" của Robert E.Fisher, thủ ấn Vô úy thí có nghĩa: "Ngài có hai bàn tay đặt ngang ngực, lòng bàn tay đưa tới đằng trước và tượng dường như là một biểu tượng của cử chỉ an ủi (vitarkamudra)". Còn học giả Alexander Griswold cho đây là một biến tướng của động tác thuyết pháp có tên ấn Chuyển pháp luân.
Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm, tượng Phật ở Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Tây Tạng và cả Óc Eo không nhất thiết phải giống nguyên bản ở Ấn Độ. Việc thay đổi diện mạo dựa theo cảm nhận của người dân mỗi xứ cũng như tạo tác gương mặt xứ đó. Trong văn hóa Óc Eo thì tượng Phật được chế tác có hình dạng nhỏ nhắn khiêm tốn nhưng vẫn đầy pháp lực.
Tượng Phật "Lợi Mỹ" cho thấy một giai đoạn thăng hoa trong nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân Óc Eo. Tượng cũng thể hiện sự phát triển rực rỡ của Phật giáo từ xa xưa tại Việt Nam, phản ánh trình độ tiếp thu các luồng nghệ thuật mới của cư dân cổ. Họ cũng khéo léo hòa quyện cùng những nét bản địa chân chất, kéo tôn giáo và con người đến gần nhau hơn.
Sơn Hòa Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tuong-phat-go-1-500-tuoi-mat-nham-mat-mo-o-sai-gon-3712506.html
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |