Chi tiết tin tức Lễ nghi sinh hoạt của tín đồ Phật giáo 17:16:00 - 20/05/2017
(PGNĐ) - Ở trong cửa Phật, nói hay im, động hay tịnh, đều khoan thai, điềm tĩnh, tất cả phù hợp với chuẩn tắc, chính là lễ nghi. Tăng đoàn coi trọng “ba ngàn oai nghi, tám mươi ngàn tế hạnh”1; và những oai nghi này là nhằm đào tạo một người xuất chúng. Ngày xưa, Tỳ-kheo Mã Thắng dùng oai nghi cảm hóa Tôn giả Xá-lợi-phất, khiến Tôn giả cảm mến con đường giải thoát2. Việc này trở thành giai thoại ngàn đời. Vì vậy, nêu ra hình tượng tốt đẹp, chẳng những là điều kiện cơ bản đối nhân xử thế, càng có thể trở thành pháp môn phương tiện độ sinh.
Mọi hành vi cử chỉ của thân ngữ ý (thân thể, lời nói, ý nghĩ), biểu hiện ở bên ngoài, chính là lễ nghi sinh hoạt. Một người nếu như đứng không có dáng đứng, ngồi không có dáng ngồi, áo mũ không ngay ngắn, lời lẽ dung tục, đây chính là thiếu lễ nghi trong sinh hoạt. Vì vậy, bốn oai nghi trong nhà Phật: đi như gió, ngồi như chuông, đứng như (cây) tùng, nằm như (cái) cung, chính là từ đi đứng ngồi nằm nhằm huấn luyện oai nghi. Những quy phạm lễ nghi của thời đại ngày nay, phạm vi có thể được mở rộng thành sáu oai nghi sinh hoạt: dáng ngồi như chuông, cần phải vững vàng; đứng như cây tùng, cần phải ngay thẳng; vẻ ngoài như gương, cần phải trong suốt; cử chỉ hành vi phải như pháp, cần phải hợp lý; thấy nghe như giáo, cần phải được ích lợi; tư tưởng (suy nghĩ) như nước, cần phải thanh tịnh. Ngoài ra, trong Sa-di luật nghi cũng có những quy định có liên quan đến lễ nghi sinh hoạt như sau: 1- Sự sư: Không trực tiếp gọi danh hiệu Pháp sư, không bàn tán chuyện đúng sai của Tăng đoàn, không đúng lúc không đúng nơi thì không hành lễ3, không nên đi ở trước sư, không nên đứng ở vị trí phía trên của sư, không nên thanh minh với sư. 2- Nhập chúng: Không tranh lên trước, không tranh chỗ ngồi, không gọi nhau nói cười khi cách xa chỗ ngồi; không chạy nhảy đùa cợt, không làm điệu làm bộ (hoa tay múa chân), không thủ thỉ lén lút; trong chúng có người mất oai nghi, nên che xấu khoe tốt. Khi ngáp nên lấy vạt áo che miệng. 3- Khởi cư (sinh hoạt): Rửa mặt nên tích phước (sử dụng vừa phải), không lãng phí nước dùng, không được phun nước văng vào người khác; lúc súc miệng, không được nói chuyện; khi đi nhà xí, cũng nên im lặng; không được trước người to lời lớn tiếng, hỉ mũi, khạc nhổ mọi nơi. 4- Cộng xứ (ở chung): Không tranh chấp vì chuyện nhỏ, nếu chuyện lớn khó nhẫn, cũng cần phải bình thản điềm nhiên, biện luận bằng lý lẽ. Gặp gỡ lần đầu nên mỉm cười chào hỏi, người lớn người nhỏ thăm hỏi sức khỏe, đều nên cư xử với nhau lễ phép, cần làm cho con người có cảm giác như được tắm trong mùa xuân (cảm giác ấm áp, thoải mái), cần đem hoan hỷ đến cho người khác. 5- Ẩm thực: Không ngậm cơm nói chuyện, không nhai cơm có tiếng, xỉa răng nên lấy tay áo che miệng; đưa đồ ăn chưa tới, không được phát cáu; không ham món ngon, lúc ăn uống không phân biệt thích ghét; không dùng lưỡi liếm thức ăn... 6- Lễ Phật: Giữa trước Phật (chánh điện) là dành riêng cho vị trụ trì, không nên lễ bái; có người đang lễ Phật, không đi ngang qua trước mặt người ấy; trong tay cầm kinh tượng, có thể biểu thị bằng ngôn ngữ của đôi mắt, coi là hành lễ (chào hỏi); ngoài lễ bái Đại đức ra, nên hướng về Phật lễ bái. 7- Nghe pháp: Dung mạo đoan trang, ngồi phải nghiêm trang, không được nói năng bừa bãi, nghe chăm chú suy xét tường tận, vâng theo những giáo thuyết của Phật mà dấn thân tu hành. 8- Nằm ngủ: Không nói chuyện với người cạnh giường, làm động chúng (mọi người); có người đang ngủ, không được gõ vật tạo tiếng ồn, nói lớn cười to; không được vô cớ đi vào phòng của người khác.4 Ngày nay, phạm vi hoạt động của tín đồ Phật giáo rộng hơn so với trước đây, việc giao du qua lại giữa người với người ngày một nhiều hơn, quy phạm lễ nghi sinh hoạt do đó cũng được coi trọng hơn về hình thức biểu hiện bên ngoài. Ở đây lược chia làm sáu loại nói rõ như sau: 1- Lễ nghi thăm viếng chính thức chùa viện: Lúc tham quan chùa viện, nên gọi điện thoại thông báo trước, hoặc viết bức thư, liên hệ trước, ăn mặc không nên hở hang quá mức. Đi vào chùa chiền nên tới đại điện trước để lễ Phật, giữ im lặng. Chú ý oai nghi, không quàng vai bá cổ, không cười nói lớn tiếng, không tùy ý nằm ngủ. Không được mang đồ mặn vào chùa, không hút thuốc, uống rượu, hoặc nhai trầu. 2- Lễ nghi nơi thờ Phật trong gia đình: Tượng Phật nên an trí ở nơi yên tĩnh gọn gàng sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng trong nhà. Chỗ thờ Phật không được mượn làm nơi lên đồng xem bói. Khóa tụng (giờ giấc tụng kinh) yêu cầu là không được quấy rầy người nhà và hàng xóm. Tượng Phật, kinh sách không được tùy ý vứt bỏ, làm rách rưới nhơ bẩn. 3- Lễ nghi chung sống tiếp đãi: Ở trong đạo tràng, lễ nghi lúc gặp gỡ, tín đồ Phật giáo chào nhau bằng cách chắp tay trước ngực mỉm cười, xưng niệm ‘A Di Đà Phật’. Lúc hai bên gặp nhau, nên dựa vào thân phận đối phương, dành cho cách xưng hô phù hợp. Ví dụ: đối với những người xuất gia thì xưng là Pháp sư, Sư phụ, Đại sư, Hòa thượng v.v …; đối với những tín đồ Phật giáo thì xưng là sư huynh, sư tỷ, cư sĩ, Bồ-tát, sư cô, tu sĩ v.v… (cách xưng hô này theo quan điểm Phật giáo Trung Hoa - BBT chú). Lúc trò chuyện phải chân thành khiêm tốn nhã nhặn, nhìn chăm chú đối phương, không nói dối, hai lưỡi, lời lẽ độc ác, hoa mỹ, nói nhiều lời tốt đẹp, giúp con người có niềm tin, thuận lợi, cho người khác cảm giác từ bi dễ gần. 4- Lễ nghi hôn, tang, hỷ, khánh (cưới xin, chôn cất, sinh con, mừng tuổi): Hôn, tang, hỷ, khánh làm đơn giản long trọng, không phô trương lãng phí, không mê tín chấp vào coi phong thủy, ngày giờ, nên biết mỗi ngày đều là ngày tốt, mọi nơi đều là chốn đẹp. Hễ gặp hôn, tang, hỷ, khánh của bạn bè thân hữu, nên giúp đỡ lẫn nhau. Lễ vật thì nên cân nhắc những tặng phẩm có ý nghĩa và có giá trị thiết thực, như sách Phật, tràng hạt v.v… 5- Lễ nghi y phục ẩm thực: Trong cửa Phật, ăn mặc đều là tu hành. Tín đồ Phật giáo nên chú trọng đến sự tươm tất, trang trọng, phù hợp thời tiết mỗi mùa và mỗi trường hợp, gợi ấn tượng lành mạnh, hào phóng cho người khác. Lễ nghi ẩm thực thì coi trọng ở chỗ nhận thức ăn đồ uống của thí chủ với tâm chí thuần khiết, tức cúng dường và quán tưởng trước khi nhận (dung), như xưng niệm bốn câu kệ người Phật Quang5, hoặc niệm cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, cúng dường hết thảy chúng sinh6. 6- Lễ nghi hội nghị tụ tập đông người: Thời đại dân chủ, mọi việc phần lớn đều thông qua hội nghị để đạt được nhận thức chung, Phật giáo xưa nay coi trọng dân ý (ý kiến và nguyện vọng chung của nhân dân), chủ trương thông qua việc trao đổi với nhau trong hội nghị, cô kết nhận thức chung, mở mang tầm nhìn, đề cao phẩm chất hội nghị. Lúc tham dự hội nghị, nên tôn trọng trình tự (chương trình) hội nghị, xử lý thái độ ‘thiểu số phục tùng đa số, đa số tôn trọng thiểu số’, thẳng thắn nêu ra ý kiến của mình, bao dung dị kỷ (ý kiến đối lập), thể hiện phong thái của dân chủ. Các lễ nghi sinh hoạt khác còn bao gồm các lễ nghi như lễ nghi điện thoại, lễ nghi khách dự tiệc, lễ nghi thăm viếng người bệnh, lễ nghi thăm hỏi bạn bè, lễ nghi ở nhà, lễ nghi thư từ, lễ nghi đi xe, lễ nghi du lịch, lễ nghi cầu pháp, lễ nghi thăm viếng, lễ nghi cung điện, lễ nghi sống chung, lễ nghi đi đứng, lễ nghi tiến lùi, lễ nghi hỏi đáp, lễ nghi yến hội v.v…, đã soạn riêng thành sách7. Bồi dưỡng lễ nghi sinh hoạt đúng đắn, trước hết cần phải xây dựng quan niệm sinh hoạt tốt đẹp, mới có thể thông qua sự thanh tịnh của ba nghiệp thân ngữ ý, đạt đến hành lễ nghi như Pháp thân tâm hợp nhất. HT.Tinh Vân (Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb .Từ Thư Thượng Hải, tr.153-156) _______________ (1) Là cách làm mà đệ tử Phật gìn giữ oai nghi trong đời sống hàng ngày. Tất cả sinh hoạt thường ngày đều có oai đức pháp quy, gọi là oai nghi. Tức là bốn uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi mà nhà Phật thường gọi. Tỳ-kheo phải giữ 250 giới, kết hợp bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, hợp thành một ngàn giới, luân chuyển ba đời (Tam tụ tịnh giới), tức thành 3.000 oai nghi. Rồi đem 3.000 oai nghi kết phối hợp với bảy chi gồm sát (giết), đạo (trộm), dâm (dâm loạn), lưỡng thiệt (nói lời hai lưỡi), ác khẩu (miệng lưỡi độc ác), vọng ngữ (lời nói dối), ỷ ngữ (lời lẽ nhơ bẩn bất chính), thành 21.000; lại phối hợp với ba độc tham (tham lam), sân (giận tức), si (ngu đần) và bốn phiền não chia đều (gọi là ba tâm tham sân si, cùng khởi lên), thành 84.000. Nếu lấy số lớn, thì gọi là 80.000 tế hạnh. (2) Tỳ-kheo Mã Thắng là một trong năm vị Tỳ-kheo được Đức Phật hóa độ sớm nhất, oai nghi đoan chánh, khiến người ta nhìn chăm chú. Xá-lợi-phất ban đầu có một thời gian theo ngoại đạo học pháp, nhưng những gì Xá-lợi-phất học qua đều không đáp ứng được nguyện vọng cứu cánh của ngài. Sau này gặp được Mã Thắng khất thực ở thành Vương-xá (Rajagraha), từ xa nhìn thấy oai nghi đỉnh đạc của Mã Thắng, Xá-lợi-phất bèn tiến lại gần hỏi pháp của thầy có được do đâu, bậc thầy của ngài là ai. Mã Thắng trả lời là đệ tử của Thích Tôn, đồng thời nói với Xá-lợi-phất nguyên lý mà Phật-đà đã từng giảng dạy: “Các pháp từ nhân mà sinh, các pháp từ nhân mà diệt”. Xá-lợi-phất bỗng mở mang tâm nhãn, cùng đến tinh xá Trúc Lâm, nghe Phật nói pháp, sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. (3) Phàm lễ bái Trưởng lão Đại đức tăng, nên báo trước, và mời đến trong điện Phật, hoặc lễ bái nơi có tượng Phật, kinh tạng. Đại đức đang lúc đi trên đường, tiếp khách ở phòng khách, dùng cơm ở trai đường, ngồi thiền ở thiền đường, hoặc những nơi công cộng, cạo đầu, nghỉ ngơi, ngủ nghỉ, nhiếp tâm kinh hành, tụng kinh lễ Phật, đều không nên lễ bái. (4) Về thực hành lễ nghi sinh hoạt có liên quan đến nhà Phật, có thể tham khảo luật tạng, kinh luận hoặc di huấn của các Tổ sư, như Lịch đại thanh quy (những quy tắc Phật giáo quy định cho Tăng Ni phải tuân thủ qua các triều đại), Truy môn cảnh huấn (những điều nhắc nhở khuyên bảo trong cửa chùa). (5) Tức: Từ bi hỷ xả kháp pháp giới, tích phước kết duyên lợi trời người, thiền tịnh giới hạnh bình đẳng nhẫn, tàm quý cảm ơn đại nguyện tâm. (6) Ở nhà Phật có cái gọi là “ăn cơm ba xưng niệm”, “quá đường năm quán tưởng”. Ba xưng niệm (tam đề) là: muỗng thứ nhất thầm niệm “nguyện đoạn tất cả ác”, muỗng thứ hai thầm niệm “nguyện tu tất cả thiện”, muỗng thứ ba thầm niệm “thề độ tất cả chúng sinh”. Năm quán tưởng (ngũ quán) là: thứ nhất, xem công lao mình bao nhiêu, lượng đó mà xử lý; thứ hai, suy nghĩ đức hạnh của mình, xem có xứng đáng nhận lãnh đồ cúng đó không; thứ ba, hãy đề phòng tâm tránh xa mọi tội lỗi, mà tham sân si là nguyên nhân chính; thứ tư, xem thực phẩm là lương dược, nhằm trị bệnh khô gầy của thân; thứ năm, để thành đạo nghiệp, nên nhận thực phẩm này. Nếu khi quá đường ở chùa viện, tảo trai và ngọ trai nên xướng tụng “cúng dường chú” trước khi dùng, sau khi ăn xong xướng tụng “kiết trai kệ”. Phàm bất cứ việc gì, cũng đều là tu hành khi thọ dụng đồ ăn thức uống của thí chủ, hành giả phải khởi lên chánh niệm chánh ý. (7) Xem kỹ Phật giáo - nghi chế - sinh hoạt lễ nghi thiên, Phật Quang sơn tông vụ ủy viên ấn hành.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |