Chi tiết tin tức

Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam

21:16:00 - 08/07/2017
(PGNĐ) -  Tín ngưỡng có mặt khắp nơi trên quả địa cầu. Tôn giáo ẩn hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo vùng, miền hay tập tục của các dân tộc ở mỗi địa phương mà lưu truyền, phát triển cũng như biến cách. Chúng ta không quên rằng rất ít tín ngưỡng nào có thể đứng yên một chỗ. Đặc biệt các tôn giáo lớn trên thế giới có sự truyền giáo sâu rộng và mang ảnh hưởng của mình đến các bộ lạc hoặc quốc gia. Chính ảnh hưởng tôn giáo của quốc gia này đã đem một loại nhạc hoàn toàn mới (như trường hợp Thiên Chúa giáo đến các nước Á Phi) hoặc chỉ ảnh hưởng đến tư tưởng âm nhạc một dân tộc khác (như trường hợp Phật giáo Đại thừa).

Ở nước ta có rất nhiều tín ngưỡng tôn giáo, thường gọi là “đạo'”(con đường). Ngoài những đạo lớn như Phật, Khổng và Lão, nhiều tín ngưỡng dân gian vẫn tiếp tục diễn ra ở các địa phương qua hình thức thờ cúng thần linh. Đặc điểm chú ý là dù thế nào chăng nữa, âm nhạc luôn luôn là phương tiện thể hiện các loại tín ngưỡng này. Vì nó có tác dụng trực tiếp đến lòng tin, sự truyền đạt giáo lý hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt tinh thần của con người

Đạo Phật đã đến với dân tộc Việt từ hai nghìn năm nay, hình thành một hệ thống âm nhạc rất đặc biệt, đi song đôi với truyền thống quốc nhạc, giao hưởng và bổ sung nó một cách hết sức tích cực mà chúng ta có thể xem như không thể khước từ khỏi địa vực phát huy chung cho một nền quốc nhạc Việt Nam giống như Thánh Ca trong Thiên Chúa giáo (Gregorian Chant) đối với nhạc Âu Châu. Lý do dễ hiểu nhất có thể thấy qua hai khía cạnh : 1- Về địa hạt dân gian Phật giáo ăn sâu vào gốc rễ văn học và phong tục bình dân. 2- Về chính quyền và giới tri thức. Phật giáo rất được trọng vọng vào những thời đại lịch sử và văn hóa phát triển mạnh nhất như các thời đại các vua Lý, Trần. Truyền thống âm nhạc này cụ thể được áp dụng qua cách đọc, tụng kinh điển và trình tấu Lễ Nhạc. Thế nên, dù Khổng và Lão được xếp ngang với Phật giáo, trên bình diện âm nhạc Phật giáo vẫn là tôn giáo có tổ chức rõ rệt và ảnh hưởng sâu đậm hơn hết. Kinh kệ, chùa chiền, và tăng sĩ là ba khía cạnh cụ thể để có thể được xem là truyền thống âm nhạc.

Nguyên là một tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ vào thế kỷ 6 trước Tây Lịch, gần 6 thế kỷ sau mới được biết đến ở Giao Châu (tức Việt Nam xưa) qua các thường gia cũng như tăng sĩ Ấn Độ, Ba Tư và Trung Á trên các hải thuyền. Lúc bấy giờ nước ta vì nội thuộc Trung Quốc nên dùng Hán Văn để dịch các kinh điển Phạn Ngữ ( Sanscrit) sang thành những bài tán tụng với giọng đọc Việt Nam. Kinh điển không khác những bài hát mang tính cánh tự sự, tán thán về cuộc đời đức Phật và chủ trương hành đạo của Ngài. Theo sách Thiền Uyển Tập Anh (thế kỷ 13), vào thế kỷ thứ 2 có đến 15 bộ kinh đã được dịch, 20 ngôi chùa và 500 tăng sĩ. Làn điệu âm nhạc rất có thể được Việt hóa rất sớm vì lý do dễ hiểu là ngôn ngữ ( tiếng Việt rất khác tiếng Ấn) phải được dân chúng hiểu qua số lượng Kinh điển đã được dịch. Kế đến là chủ trương truyền bá Phật giáo thời này là Đại thừa (“Cổ Xe lớn” tức có thể chở nhiều người): thích nghi để đạt đến đích là sự giác ngộ, giải thoát, Như chúng ta có thể thấy, chính cái tính “thích nghi” (hay gọi là tùy duyên) này đã cởi bỏ hình thức “Ấn Độ” rất sớm tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bổn, tức là các nước Phật giáo Đại thừa. Âm nhạc Phật giáo do đó đã trở thành “âm nhạc Phật giáo Việt Nam” qua cách xướng tụng bằng tiếng Việt, hòa lẫn vào âm thanh của các nhạc cụ truyền thống. Trong ba truyền thống chính của Phật giáo nước ta, tức Tọa Thiền, Du Phương (Hoằng Pháp) và Ứng Phú, truyền thống Ứng Phú chuyên về Lễ nhạc hơn.

Hai bộ phận chính của lễ nhạc Phật giáo là 10 thể xướng tụng (thanh nhạc) và tấu nhạc cụ (khí nhạc). Định nghĩa lễ nhạc Phật giáo bằng một danh từ ngắn gọn thì thật khó. Ngoài ra những chữ tụng niệm, trì tụng hay tụng tán ra chắc không có danh từ nào khác dễ hiểu hơn. Tuy nhiên đây chỉ là tên gọi của một số các thể nhạc trong nhiều thể khác thôi. Trong khi ấy ở các nước Đông Á, chữ Phạn Bái ( Fanbai {TQ}),P'omp'ai {HQ}, Bombai{NB} có thể hiểu đồng nhất là lễ nhạc Phật giáo


Ảnh mang tính chất minh họa



Thanh Nhạc:

Nền tảng của lễ nhạc Phật giáo là kinh điển. Số lượng kinh điển Phật giáo được dịch ra tại các nước ta từ chữ Phạn (Sanscrit), sáng tác bởi các tăng sĩ, hoặc du nhập từ Trung Quốc là một số lượng rất to lớn. Chùa chiền là nơi tổ chức các nghi lễ từ nhỏ đến lớn. Theo truyền thống, có từ 6 đến 8 khóa tụng niệm hằng ngày trong chùa và hơn 50 nghi thức đặc biệt và các lễ lớn. Các sách nghi lễ lớn của nước ta có nhiều nhất vào thời Trần (1225-1400) do vua Trần Thái Tôn và Thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang soạn. Về sau một số các nghi thức Trung Quốc cũng được du nhập và hiện nay còn lưu dụng.

Tùy theo thể văn mà cách xướng tụng được áp dụng. Ngoài thể Tụng và Trì ra, hầu hết các văn bản đều là Thơ, Phú. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, có cả thảy 10 thể nhạc hiện nay được ứng dụng cho các văn bản nghi lễ.

1. Tụng: Dùng cho những văn bản dài gọi là “Kinh” ( Sutra) một trong ba tạng lớn {Tripitaka}: Kinh Luận {Vinaya} và Luận {Abidharma}. Vì văn bản rất dài ( thí dụ như Kinh Pháp Hoa. Địa Tạng, Lăng Nghiêm...) thể tụng là thể tương đối được xem là dễ nhất, mang tính cách kể chuyện thời đức Phật. Các tăng sĩ cũng như các tu sĩ có thể tham gia vào khóa tụng. Vần điệu đơn giản, tiết tấu (nhịp điệu) cũng không phức tạp. Mõ gõ đều nhịp để mọi người có thể đồng tụng hoặc đơn tụng

2- Trì: Dùng cho các bài chú {Man tra]. Một ngôn ngữ cổ âm ra từ tiếng Bắc Phạn (Sanscrit}. Trì tuy đơn giản hơn về làn điệu ( chỉ gồm 3 âm thôi) nhưng hơi khó thích nghi vì tiếng Việt vốn là ngôn ngữ có dấu giọng sâu và cao. Tiết tấu nhanh, làn điệu rút gọn tương ứng với định nghĩa triết học của chữ Trì : nắm giữ thật chắc không để đức tin vượt ra.

3- Niệm: Là một thể nhạc khác, văn bản là những bài nguyện hương trước khóa lễ. Cách 'niệm' hương nghe rất nhỏ về âm lượng {đọc thầm} vì theo định nghĩa của Thiền môn, niệm là nhớ nghĩ, tức là kéo sinh hoạt bên ngoài vào trong nội tâm.

4- Xướng: Thường là những câu hát to lên giáo đầu các bài tụng. Cũng có khi dùng để tuyên dương những lời nguyện.

5- Bạch hay Vịnh: Có chủ đích trình bày, làm sáng tỏ hoàn cảnh trước bàn thờ Phật (Bạch Phật) Tổ (Bạch Sư Tổ) hay hòa thượng, thượng tọa, đại đức... Đây là một thể hát, làn điệu khác với các thể nói trên.

6- Kệ hay Hô: Là những bài Kệ có thể áp dụng cho các nghi khai Đại Hồng Chung, Trống Bát Nhã …..

7- Thỉnh: Là một thể nhạc dùng trong lúc mời vị chứng minh một nghi lễ.

8- Đọc: Các sớ, điệp cũng có một giọng điệu khác, đây là hình thức cách điệu hóa, lối đọc thông thường của tiếng Việt.

9- Sấm Pháp hay Đảnh Lễ: Là cách hát to lên một hay danh hiệu Phật rồi sau đó cúi lạy. Trường hợp sám hối thì có người lập lại sau mỗi câu theo thể đối ứng{antiphonal}.

10- Tán: Có thể được xem như thể nhạc Phật giáo phức tạp nhất về cấu trúc làn điệu và tiết tấu. Tán có nghĩa là ca ngợi. Các bài Tán thường cho thấy sự tán dương công đức đức Phật và giáo lý của Ngài. Có nhiều loại Tán tùy theo vùng hay miền mà khác nhau, đặc biệt là Miền Trung và Miền Nam. Ba vùng có truyền thống đặc biệt về Tán là Huế – Quảng, Bình Định và Miền Nam. Tuỳ theo tiết tấu, thể điệu mà có các tên gọi riêng: Tán rơi, tán trạo, tán xắp (Miền Trung), Tán Thiền, Tán Pho, Tán Tứ Cú, Tán Dẫn, Tán Ngoại Giang... (Miền Nam) Có khi tán một mình (đơn thể), có khi tán chung (đồng thể).

Âm điệu và thanh nhạc Phật giáo rất phong phú, đứng về mặt tổ chức, làn điệu trong một nghi lễ có nét thẩm mỹ riêng, đi từ đơn giản đến phức tạp, chứa đựng một tâm lý chu đáo, tế nhị, cao siêu hơn nhạc ngoài đời (tục nhạc).

Khí Nhạc: Về phương tiện khí nhạc, hầu hết các nhạc khí thuộc bộ phận đánh gõ ( percussion), duy chỉ có Pháp Loa làm bằng Ồc biển thuộc bộ thổi (aerophone). Các nhạc khí đánh gõ giúp giữ nhịp, chấm câu, phân đoạn cho những bài Kinh Tụng. Đồng thời chúng cũng tạo ra tiết tấu đặc biệt trong những bài tán. Các nhạc khí này thông thường là chuông và mõ với rất nhiều kích thước và trang trí khác nhau. Tuy nhiên còn có những nhạc khí khác như Đại Hồng Chung, Tiểu Chung, Khánh Đồng, Khánh Đá, Trống Bát Nhã, Trống Đạo, Mộc Bảng, Đẩu (Tang)...... rất có nhiều nhạc cụ Phật giáo cũng được liệt kê vào thành phần các nhạc cụ dân tộc hiện có.

Trống

Trống Bát Nhã: Trống Chùa, Trống Sấm

Trống Nhạc: Dùng trong nhạc lễ

Trống Cái: Trống tóc . Dùng trong nhạc lễ

Trống Đạo: dùng trong nhà chùa

Bồng: Dùng trong nhạc lễ Miền Nam

Bảng, Mõ và Phách

Mộc Bảng: Bảng dùng trong chùa, đền đình

Mõ Chùa

Mõ Sừng Trâu: Dùng trong nhạc lễ Miền Nam

Sanh: Dùng trong Nhạc Lễ Miền Nam

Chung – Chuông, Chiêng, Khánh – Chập Chỏa:

Đại Hồng Chung:Dùng trong Chùa

Chuông Gia Trì:

Tiểu Chung: Dùng trong chùa, đền, cung điện

Nhạc Cụ Bộ Hơi:

Kèn Tiểu: Kèn Tàu, Kèn Than/ sân khấu và nhạc lễ.

Kèn Mộc: Nhạc Lễ

Tấu nhạc trong các nghi lễ đều theo một nguyên tắc thẩm mỹ tiết tấu cố định về sự mạnh, nhẹ, nhanh, chậm. Sự điều tiết đúng một tiết điệu cũng có nghĩa khích lệ sự hòa hợp chúng tăng bằng nhạc tài của người diễn tấu. Cách thức gõ chuông, mõ, đẩu, khánh.... đều phải tuân theo một nguyên tắc chặt chẽ do sự huấn luyện lâu dài trong đời sống thiền môn. Những nhạc khí giao thoa trong tiết tấu do các vị duy na, duyệt chúng, tri chung, tri cổ …. diễn tấu tạo thành một phức điệu {polyrhythm} qua vai trò những nhạc khí này.

Ngoài các nhạc cụ nghi lễ này, các dàn nhạc lễ dân tộc như Nhạc Bát Âm ở Miền Bắc, Đại Nhạc, Tiểu Nhạc ở Miền Trung, và Nhạc Lễ ở Miền Nam được trình tấu bởi các nhạc sĩ Phật Tử trong các nghi lễ lớn. Các dàn nhạc này gồm cả hai bộ phận Văn và Võ. Bộ Văn gồm dàn dây cho làn điệu, bộ gõ gồm các nhạc khí đánh gõ, cho tiết tấu và âm sắc.

Các đàn dây gồm hầu hết các nhạc cụ kéo cung (bow) như đàn Nhị, và Hồ (đàn Gáo). Thêm vào đó có thể còn có đàn Nguyệt (đàn Kìm), đàn Đoản, Tỳ Bà, hoặc đàn Tam. Các đàn này đệm trong lúc chư Tăng tán hoặc lúc chuẩn bị cũng như chấm dứt nghi lễ . Bài bản thường dùng cho các nghi lễ dân gian cũng được dùng trong nghi lễ Phật giáo:

Ngũ Đối Hạ (bài Hạ)

Ngũ Đối Thượng (bài Thượng)

Long Đăng

Long Ngâm

Nam Ai

Nam Xuân

Đảo Ngũ Cung (Nam Đảo)

Xàng Xê

Vạn Giá

Tiểu Khúc

Lưu Thủy

Bình Bản

Kim Tiền

Bộ Võ ở đây không có nghĩa là nhạc dùng cho võ thuật hay quân đội. Nó nẩy sinh từ ý niệm về động tác khi đánh các nhạc cụ để phát ra tiếng. DO đó bộ võ gồm những nhạc cụ đánh gõ (percussion). Lâý thí dụ về dàn nhạc Lễ Miền Nam, bộ võ gồm có trống nhạc (2 cái) chập chõa, chập bạt, mõ sừng trâu, thanh la (tum), lầu đường, phèn la, bồng, và trống cơm. Riêng về bộ thổi (aerophone) thì không thể thiếu Kèn Thau (Kèn Tiểu) tham gia vào Bộ Văn, và Kèn Mộc tham gia vào bộ Võ.

Dàn nhạc lễ có những tấu khúc dành riêng cho bộ phận võ như các bài Lạy, Thét, Khai Tràng, Nghinh Thiên, Tiếp Giá, Đàn Cách, đàn dội v.v... Những tấu khúc độc đáo này, nếu không được sưu tập hoặc tiếp tục diễn, sẽ bị mất đi một cách oan uổng.

Nghe một diễn tấu giữa dàn nhạc Lễ và các bài Tán mới thấy rõ sự tinh tế, phức điệu của nhạc Phật. Đặc biệt là trong trai tràng chẩn tế, các đại lễ Phật Đản, Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên không biết bao nhiêu khoa nghi diễn ra suốt tuần.

Như chúng ta có thể nghĩ, khi một truyền thống tôn giáo lớn mạnh, Quốc nhạc cũng phát triển theo. Vì âm nhạc có tác dụng chuyên chở mọi cảm giác từ siêu hình đến thực tiễn. Lại nữa, âm nhạc còn là phương tiện hội ngộ, mà tôn giáo luôn luôn thấy cần thiết cho việc hoằng pháp.

Lễ Nhạc của đạo Phật tại Việt Nam không thể đơn thuần như chúng ta có thể tưởng. Nó chứa đựng cả một hệ thống triết học, tâm lý về âm thanh. Trong thực tế, lễ nhạc Phật giáo gồm nhiều thể loại tụng tán và tấu nhạc vô cùng phong phú được bồi đắp qua nhiều thế hệ, nhiều địa phương. Một tăng sĩ ngành Ứng Phú, tức chuyên luyện về Lễ nhạc, phải trải qua nhiều năm đào tạo trong thiền môn. Một hơi tán tụng, một cách gõ chuông, mõ phải chứa đựng âm điệu thiền môn. Các kinh sư là những vị có thể thẩm định được giá trị âm nhạc của nó, hay hoặc dỡ. Các nhạc sĩ Phật Tử trong dàn nhạc hẳn nhiên không thể không biết đến chừng mực những câu kinh, tiếng kệ, bài tán để hội nhập vào nghi lễ với những tiếng nhạc, roi trống khít khao ăn nhịp.

Tóm lại, trong cái đại thể âm nhạc Việt Nam, lễ nhạc Phật giáo quả tình đã đóng góp không biết bao nhiêu vần thơ, tiếng nhạc qua những bài Tán Tụng uy nghiêm. Số lượng những sáng tác, dịch thuật Phật giáo, tức những bài hát tôn giáo, rất to lớn với nền văn hóa dân tộc. Chất lượng âm nhạc của nhà Phật lên đến đỉnh cao của tâm thức giải thoát, vượt lên trên những khổ ải, bi lụy của nhạc trần tục, Nó là một đóng góp không thể thiếu đối với nền quốc nhạc Việt Nam, cũng như Thánh Ca Gregorian Thiên Chúa Giáo đã đóng góp cho nền nhạc tây Phương. Âm nhạc dân tộc và âm nhạc Phật giáo Việt Nam không thể lìa nhau từ ngàn năm nay.

Nguồn: Trích trong "Thế Giới Âm Thanh Việt Nam" - Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin