Chi tiết tin tức

Vai trò của nghi lễ trong tu học và hoằng pháp

22:43:00 - 28/06/2022
(PGNĐ) -  Nghi lễ là một hình thức vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong tôn giáo, trong đạo Phật do thích nghi với những phong tục tập quán, đồng thời để đáp ứng nhu cầu của quần chúng trong quá trình phát triển, nên hình thức nghi lễ đã có mặt trong các tông phái Phật giáo với nhiều sắc thái văn hóa khác nhau.

1. Khái quát nghi lễ Phật giáo Việt Nam

Theo Từ Điển Phật Học: Nghi là luật lệ, mẫu mực; nghi thức, phong cách, tư thái. Lễ là biểu hiện sự kính phục, thể hiện sự kính trọng.

Trong Phật Quan Đại Từ Điển có ghi: Lễ là cử chỉ bày tỏ cung kính đối với Phật, Bồ-tát, Tôn giả, Trưởng giả, tháp Phật… hay những bậc tiền bối xưa thường nói rằng: “Nghi tại tướng, Lễ tại Tâm”.

Trong Phật giáo “Phàm là người xuất gia ở chốn tùng lâm, tự viện, phải sống đời sống phạm hạnh, nghiêm trì giới luật đã thọ, giữ gìn oai nghi tế hạnh giúp trang nghiêm tự thân, kính trên nhường dưới, từ ái với mọi người”[[1]]. Tác giả Hoàn Quan soạn cho rằng: Nghi là nghi thức, khuôn khổ bề ngoài thuộc phần hình thức. Lễ là cách bày tỏ cung kính của mình, lấy hình thức lễ cúng mà nói lên niềm cung kính bên trong. Học nghi lễ là học những cách thức làm lễ, học những bài ứng dụng trong khi nguyện cầu, cúng hiến[[2]].

Tác giả Thanh Lợi viết: Nghi: dáng vẻ bên ngoài. Lễ: khuôn mẫu, phép tắc, cư xử với nhau. Nghi lễ: là một nghi thức[[3]].

Theo Thiều Chửu “Nghi” là dáng, làm mẫu, làm phép, “Lễ” là theo cái khuôn mẫu của người đã quy định ra các phép tắc, từ quan, hôn tang, tế cho đến đi đứng nói năng đều có cái phép nhất định phải như thế gọi là lễ, kính lễ, đồ lễ, nhân người ta có việc mà mình đưa vật gì tặng gọi là lễ[[4]]. Chính ngay lời tựa thôi, đã nói lên được tính chất, giá trị của nghi lễ không chỉ mang ý nghĩa hình thức, mà nghi lễ còn như một bức thông điệp, là phương tiện truyền tải giáo lý đến với quần chúng nhân dân. Chứ không phải nghi lễ chỉ đơn thuần làm cho vui lấy có, hay một số người lầm tưởng cho rằng nghi lễ cúng để lấy tiền, sống buông lung. Hòa thượng Thích Lệ Trang cho rằng: “Tán tụng cúng bái là một phần của nghi lễ, nghi lễ nó có mặc trong mọi sinh hoạt tôn giáo, nghi lễ là hình thức được thể hiện qua bên ngoài từ cái lòng của mình. Cho nên một khung cách trang nghiêm, một cử chỉ từ tốn, một âm thanh du dương, đều là phương tiện giúp cho người ta về với đạo. Nghi lễ nó có mặc trong hoằng pháp, giáo dục và trong giáo hội không thể vắng nghi lễ”[[5]]. Đây như một lời minh chứng rằng: nghi lễ không phải chỉ là sự tán tụng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro cua nghi le trong tu hoc va hoang phap 1

Các loại hình nghi lễ

Thật ra, khi chúng ta làm gì đi chăng nữa, thì chương trình phải phù hợp qua các cuộc lễ như: “Nghi lễ trong Giao tế, Diễu hành, Thiền gia, Hội hợp”. Nghi lễ trong giao tế mang tính chất giao tiếp: tiếp khách, tổ chức, đoàn thể. Điều đó đã được đức Phật và các đệ tử của Ngài thực hiện. Vì giao tiếp, là sự thể hiện một quá trình trao đổi thông tin giữa con người với con người. Trong hoạt động hoằng pháp, đối tượng thính pháp là người nhận tin, truyền tải tâm từ, tâm an lạc, giải thoát đến với mọi người.

Giao tiếp trong hoằng pháp: điều vô cùng cần thiết là nói đúng thời điểm, nói lời lợi ích, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói với từ tâm. Tính khả dụng trong giao tiếp: nói rõ ràng, dễ hiểu, nói lưu loát. Đối với đạo Phật, giao tiếp là cách tạo nhân duyên tốt đẹp với chúng sinh, là phương tiện giáo hóa. Đức Phật dạy rằng: chư đệ tử Phật nên kết duyên với chúng sinh. Đó là lý do đức Phật dạy Tứ Nhiếp Pháp (Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) vì giá trị của sự tu tập giác ngộ giải thoát, thì phải đầy đủ “Phước và Trí”. Tứ Nhiếp Pháp đã thể hiện rõ cái tinh thần đó, thông qua hình thức nghi lễ trong Giao tế.

Nghi lễ trong Hội họp như: phân phối chỗ ngồi thích hợp, phát biểu phải đăng ký… Thông qua các hình thức của nghi lễ, đã giúp cho chúng ta hiểu rõ ràng hơn, chính xác hơn về những giá trị tâm linh.

Nghi lễ trong Diễu hành: cuộc diễu chỉ cho sự tham gia của nhiều người. Nghi lễ Diễu hành, phụ thuộc tùy theo tổ chức sự kiện với nhiều lý do khác nhau, thông thường tổ chức dưới hình thức lễ hội để đánh dấu một sự kiện quan trọng trong Phật giáo. Nghi lễ Diễu hành thường tổ chức vào dịp lễ Đản Sinh, hay lễ suy tôn các những vị Thiền gia Pháp Chủ…

Nghi lễ trong Thiền gia: đức Thế Tôn từng nói “Có tám muôn bốn ngàn pháp môn” thông thường Phật giáo Việt Nam thường tu tập theo ba pháp môn “Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông”. Chính vì lý do đó, nên cách thức tổ chức nghi lễ, pháp môn tu tập, nên sự hành trì khác nhau, để phù hợp với từng vùng miền. Thông qua nghi lễ tạo nhân duyên cho các tầng lớp Phật tử trí thức biết đến chùa. Qua đó, nghi lễ giúp truyền tải giáo lý cho họ thông hiểu được ý nghĩa của lời Phật dạy.

2. Các nguyên tắc trong nghi lễ

Nghi lễ luôn thường đi đôi với Lễ nhạc. Nhạc: là sự hài hòa của âm thanh, pháp khí. Lễ và Nhạc, theo triết lý của Nho giáo: chuyển hóa con người và xã hội. Đức Khổng Tử rất xem trọng lễ nghĩa. Lễ: giúp chúng ta kiểm soát được những hành vi, ước muốn thiện, bất thiện của con người. Nhạc: điều hòa cảm hóa lòng người. Qua đó có thể khẳng định rằng: Lễ Nhạc của Nho giáo đã ăn sâu vào đường lối cai trị, một quan niệm sống Trung Quốc xưa. Lễ-Nhạc, ảnh hưởng đến nếp sống sinh hoạt của con người trong xã hội Á Đông vậy. Thông qua Lễ-Nhạc, giúp truyền tải một giá trị sống của con người đạo đức, hay nói cách khác, một người sống có Văn hóa. Qua đó đã thể hiện tính nghi lễ trong đời sống hằng ngày, trở thành quy ước trong xã hội từng khu vực.

3. Tính chất nghi lễ

Buổi lễ, thì cũng phải đầy đủ các yếu tố như sau: tính trang nghiêm, khế lý, khế cơ, văn hóa, giáo dục, truyền bá. Đây là các nhân tố vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong một buổi lễ. Bất cứ một sự kiện được diễn ra, thì cần phải có tính trang nghiêm. Chỉ ngay ưu điểm này, giúp thuyết phục đối tượng, được thể hiện qua hình tướng, tiếp nối mới nói đến chuyện giáo lý, thì tính thuyết phục sẽ cao hơn. Bởi vì, điểm quan trọng trong nghi lễ, đòi hỏi sự trang nghiêm, đây là điều kiện hết sức cần thiết trong một buổi lễ. Thông qua tính trang nghiêm cũng giúp cho công tác hoằng pháp, như một chất giọng hay, tạo nên thiện cảm cho phật tử đến với đạo. Đây không khác như một bài pháp không lời vậy.

4. Mục đích của Nghi Lễ

Mối quan hệ giữa con người với con người

Như chúng ta đã biết, mục đích của nghi lễ, cũng tạo thêm sự kết nối giữa con người với con người đến gần với nhau hơn. Bởi vì thông qua nghi lễ, được diễn ra thì số lượng người đến tham dự rất đông. Qua đó đã minh chứng được, tạo sự gắn kết giữa người với người.

Thông qua nghi lễ thể hiện sự kính trọng

Trong đời sống hằng ngày chẳng hạn, khi chúng ta gặp nhau điều đầu tiên là phải chào hỏi; có thể biểu hiện bằng cách khoanh tay, cúi đầu, chấp tay, bắt tay… tùy theo phong tục và tùy theo ngữ cảnh mà chúng ta thể hiện cho hợp lý. Đây cũng gọi là tính nghi lễ, biểu hiện sự kính trọng giữa con người với nhau vậy.

Truyền tải giáo lý Phật giáo đến với con người

Phật giáo của chúng ta, vào ngày rằm tháng 7, gọi là lễ “Vu Lan Báo Hiếu”. Thông qua buổi lễ đó, giúp nói lên được tính chất quan trọng, là thể hiện sự hiếu kính của mình đối với hai đấng sinh thành cha và mẹ.

Giúp cho con người tiếp cận với Phật giáo, đem đến sự an lạc

Nghi lễ, là phương tiện hoằng pháp giúp cho quần chúng nhân dân đến với đạo. Thông qua buổi lễ hay, mang ý nghĩa thiện lành. Qua đó, đã đánh động được tâm thức của quần chúng, hiểu được giá trị giáo lý Phật-đà và tự mỗi người cảm nhận được sự an lạc trong tâm.

Thể hiện tinh thần giáo dục Phật giáo

Thật ra, trong các nghi thức Phật giáo hầu hết điều mang ý nghĩa giáo dục cả; bởi vì tinh thần Phật giáo là dạy cho con người sống trở về với tâm thiện lành. Như đức Phật từng dạy: mỗi một người con Phật phải quy y Tam bảo, tu Thập thiện, giữ 250 giới, 348 giới; hay trong Kinh Thiện Sinh có dạy về cách ứng xử giữa con người với con người làm sao cho phải lễ. Qua đó, đã thể hiện được tinh thần giáo dục của Phật giáo đến với con người; những điều đức Phật chế ra cũng không ngoài ý nghĩa đó vậy.

5. Vai trò nghi lễ trong Phật giáo Việt Nam:

Đối với các tôn giáo

Mặc dù Phật giáo không đặt nặng về hình thức nghi lễ, nhưng nghi lễ rất cần thiết. Nó chi phối các hoạt động trong chùa, vì nghi lễ đa phần được thực hiện trong phạm vi nhà chùa. Bởi vì đa phần hầu hết chùa nào cũng có các thời khóa nghi lễ cả. Qua đó, giúp nói lên tinh thần tôn kính Phật được thông qua quá trình tu tập.

Đối với quần chúng

Đa phần quần chúng đến với đạo Phật thường thông qua nhu cầu nghi lễ, nghĩa là đến với đạo bằng con đường tình cảm. Một khóa lễ đúng mức có tác dụng không thua một thời pháp thoại hay. Nhu cầu phục vụ nghi lễ vừa thể hiện sự gắn bó tình cảm, ước muốn của nhân dân với đạo pháp.

Trong việc hoằng pháp

Duy trì và phát triển đạo pháp; là nhiệm vụ của Phật tử, phát triển tín đồ là nhiệm vụ của chư tăng. Để làm tốt nhiệm vụ đó, thì đòi hỏi vị trụ trì đó phải nắm vững các hình thức về nghi lễ. Thực hành nghi lễ đúng mức, là phương tiện sắc bén trong hoằng pháp. Ngược lại mượn hình thức nghi lễ để kiếm sống thì trở thành mê tín, dị đoan, biến đạo Phật thành tà đạo lúc nào không hay nữa. Vai trò chủ yếu chỉ vì muốn giải quyết các vấn đề kinh tế, nên họ không cần phải làm nghi lễ cho đúng với chính pháp mà họ tùy thuộc vào đối tượng có nhu cầu gì, thì họ làm như thế ấy. Qua đó cũng chính vì thế đã làm cho một số người không có thiện cảm với giới tu sĩ vậy. Bởi do giới tu sĩ bây giờ bị ảnh hưởng, cứ chạy theo những trào lưu cúng đám, họ tự cho rằng biết chút nghi thức cúng thì tự cho là đủ rồi, không cần phải tinh chuyên giới luật hay hạ thủ công phu, cũng có đời sống tốt rồi. Đây là cách suy nghĩ tiêu cực, bi quan yếm thế, mà hiện giờ đa phần trào lưu này cũng thu hút khá đông giới tu sĩ vậy. Cách suy nghĩ như vậy giống mượn đạo tạo đời, thì sau này mình là người đi ở dưới cầu, Phật tử thì đi trên cầu, thật hợp với giấc mơ của Ngài A Nan.

Trong việc tu học

Nghi lễ, là biểu hiện tấm lòng tôn kính đối với Tam Bảo, là món ăn tinh thần. Thật ra trong các khóa lễ hằng ngày như: thời Công phu khuya, Công phu chiều, Tịnh độ điều là hình thức của nghi lễ. Các thời khóa này, đã thể hiện sự tôn kính với Tam Bảo hết sức chí thành. Đây được xem là thời khóa chính của hầu hết ở các chùa Tịnh Độ được diễn ra hằng ngày, cũng như chúng ta ngày nào cũng phải ăn cơm, từ năm nầy sang năm khác mà vẫn không thấy ngán. Bởi vì mục đích tu tập của chúng ta là đạt đến giác ngộ giải thoát, muốn được như vậy thì đòi hỏi phải có sự thực hành, nghĩa là vừa có sự tu tập và vừa có kiến thức học hành. Song song đó, chúng ta muốn thành tựu thì điều căn bản trước tiên phải công phu bái sám trước cái đã; để tạo cho mình một hành trang, tư lương, giúp tăng trưởng thêm phước đức, thì con đường tu tập bớt chướng ngại hơn giúp có nhiều thiện duyên hơn. Đồng thời chúng ta cần đọc và hành trì theo lời Phật dạy trong kinh điển, và những lời dạy của các bậc tôn đức vậy. Qua đó đã thể hiện được tinh thần tu tập thông qua nghi lễ và cũng chính nghi lễ là phương tiện giúp hoằng đạo. Song song bên cạnh đó, nghi lễ luôn luôn gắn liền với sự tu tâp cho chính mỗi vị xuất gia nói chung và cho tất cả những người con Phật, mọi hình thức nghi lễ vô cùng cần thiết trong thời đại bấy giờ.

Tóm lại, nghi lễ Phật giáo là một pháp môn tu tập, có tác dụng chuyển hóa khổ đau, là phương tiện hoằng pháp. Đạo Phật đã có mặt trên đất nước Việt Nam cách đây hơn 2000 năm. Nghi lễ Phật Giáo có rất nhiều dấu ấn mang thông điệp truyền tải các tín ngưỡng văn hóa, xây dựng nền tảng đạo đức mang tính truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt. Để thực hiện tốt vai trò và các chức năng của nghi lễ Phật giáo trong thời hiện đại này, chúng ta cần có cái nhìn theo hướng tích cực hơn. Song song đó, cho dù chúng ta có muốn thay đổi gì đi chăng nữa, nhưng Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam cũng phải mang đậm nét bản sắc văn hóa, dân tộc của nước nhà. Thông qua hình thức nghi lễ, làm phương tiện hoằng pháp vô cùng quan trọng, không thua kém gì một thời pháp thoại vậy. Quan trọng là chúng ta áp dụng nghi lễ với mục đích và ý nghĩa nó như thế nào thôi, chứ bản chất của nghi lễ vốn là thiện, đúng thời, đúng lúc, thì nó không khác gì một “Thời Pháp tuyệt diệu”. Bên cạnh đó, thời đại bây giờ có một số giới tu sĩ của chúng ta, không hiểu hết giá trị và ý nghĩa của nghi lễ. Chính vì thế cho nên lấy đó làm phương tiện kiếm sống, trục lợi riêng cho cá nhân. Thông thường khi nói đến nghi lễ Phật giáo, chúng ta thường liên tưởng đến những nghi thức tụng niệm hằng ngày của người xuất gia luôn hành trì. Thế nhưng, ở đây muốn đề cập đến nghi lễ là oai nghi, tế hạnh, nghi thức, sinh hoạt hằng ngày. Thật vậy, muốn cho Phật giáo ngày thêm phát triển về đời sống tâm linh thì chúng ta cần phải được xây dựng trên nền tảng Nghi Thức và nghi lễ; bởi nó là quy tắc, là nội quy hình thành nhân cách của con người có tri thức vậy. Trong Đạo Phật nghi lễ thể hiện tính cách của người tu tập theo pháp xuất thế gia. Nghi lễ có tác dụng rất lớn đối với các tôn giáo. Phật giáo dù không đặt nặng nghi lễ, nhưng nó vẫn chịu sự chi phối phần lớn trong các sinh hoạt phật sự.

 

Thích Nữ Hòa Tấn
Học viên Cao học Phật học khóa V tại Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] Giác Ngộ Online, cấp ngày 19/03/2008.
[2] Thích Hoàn Quan, 2018, “Nghi lễ và Bách sự nhật dụng”, Nxb Hồng Đức, tr. 13.
[3] Thích Thanh Lợi, 2020, “Nghi lễ Phật giáo Việt Nam”, Học viện Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh.
[4] Thiều Chửu, 2004, “Hán Việt Từ Điển”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 35-440.
[5] Thích Lệ Trang, 2012, “Ý nghĩa, lợi ích của nghi lễ Phật giáo”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thiều Chửu, (2004), “Hán Việt Từ Điển”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 35-440.
2. Thích Hoàn Quan, (2018), “nghi lễ và Bách sự Nhật Dụng”, Nxb Hồng Đức.
3. Nguyễn Lang, (2012), “Việt Nam Phật giáo Sử luận”, Nxb Phương Đông.
4. Thích Thanh Lợi, (2020), “nghi lễ Phật giáo Việt Nam”, giảng dạy Tại Học Viện Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh. 
5. Lê Mạnh Thát, (2001), “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
6. Thích Hạnh Tuệ, “Văn học Phật giáo Việt Nam Một hướng tiếp cận”, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 87
7. Ban nghi lễ Trung Ương, (2013), “Hội thảo nghi lễ Phật giáo Toàn Quốc”, Nxb Tôn Giáo. 
8. Ban Văn hóa nghi lễ Trung Ương, (2016),“Văn hóa Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong đa dạng”, Nxb Tôn Giáo.
9. Phật Quan Đại Từ Điển.
10. Từ Điển Đạo Uyển. 
11. Giác Ngộ Online, cấp ngày 19/03/2008.
12. Giác ngộ. Vn.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin