Chi tiết tin tức

Phát huy những giá trị tâm linh và xã hội trong nghi lễ Phật giáo góp phần xây dựng Giáo hội trang nghiêm và khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh

21:17:00 - 07/06/2022
(PGNĐ) -  Bài viết: “Phát huy những giá trị tâm linh và xã hội trong nghi lễ Phật giáo góp phần xây dựng Giáo hội trang nghiêm và khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh” của HT. Thích Huệ Minh. Đây là bài tham luận trích từ Hội thảo “Phát huy vai trò của Tăng, Ni GHPGVN trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), tổ chức vào tháng 01/2022.

ĐẶC ĐIỂM NGHI LỄ PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Nghi lễ Phật giáo được nói đến theo hướng cụ thể tức là nghi lễ Phật giáo Ấn Độ, đã được hình thành từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế – thế kỷ thứ VI TCN. Hai yếu tố chính của nghi lễ Phật giáo là lễ bái và lễ nhạc, được gồm thâu trong từ ngữ tiếng Phạn mà phiên âm là Phạm bối (Bhàsà).

Theo Phật Quang đại từ điển (Trang 4635A-B…) thì Phạm bối là dùng lời ca và điệu nhạc để tụng kinh, tán vịnh ca ngợi ân đức của Phật. Cũng có khi được gọi là: Thanh bối, Tán bối, Kinh bối, Phạm khúc, Phạm phóng, Thanh minh, lược xưng là Phạm bối. Giữa Phạm bối và Ca vũ xướng kỹ khác nhau ở chỗ: Nếu như ở Ca vũ xướng kỹ đã vận dụng kỹ thuật và âm thanh của thế gian thường tục, thì nơi thanh âm của Phạm bối chính là một dạng âm nhạc của cõi trời, có đủ tám tính chất thanh tịnh, mầu nhiệm, gồm: (1) Cực hảo; (2) Nhu nhuyến (mềm mại, uyển chuyển); (3) Hòa hợp dễ chịu; (4) Hiện rõ từ một tuệ giác cao quý; (5) Không phải là âm thanh của nữ nhi; (6) Không phải là âm thanh mê hoặc; (7) Âm thanh gợi lên sự sâu xa; (8) Không phải là thứ âm thanh bại hoại.

Trong kinh Trường A Hàm (Quyển thứ 5, kinh số 4: Kinh Xà Ni Sa) cũng ghi rõ: Phạm âm là thứ âm thanh gồm đủ năm tính chất thanh tịnh: (1) Âm thanh chánh trực, (2) Âm thanh hòa nhã; (3) Âm thanh vi diệu và trong sáng; (4) Âm thanh sâu xa và rộng khắp; (5) Âm thanh tròn đầy, dù xa mấy cũng nghe được. Nơi kinh điển Nikaya, âm thanh của cõi trời cũng luôn bao gồm tám yếu tố: Lưu loát; Dễ hiểu; Dịu ngọt; Nghe rõ ràng; Sung mãn; Phân minh; Thâm diệu; Vang động; Đức Phật đã dùng âm thanh này để thuyết pháp. Từ những tính chất về âm thanh của nghệ thuật Phạm bối như đã dẫn, cho thấy không phải ai cũng có đủ khả năng để làm chủ cũng như sử dụng hình thức nghệ thuật ấy.

Thời Đức Phật tại thế, có nhiều vị chư Thiên và đệ tử đã nắm vững và phô diễn hình thái nghệ thuật ấy. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm có nói đến một vị Nhạc Thần tên là Bát Già Tuần, vừa gảy đàn lưu ly vừa tán thán công đức của Đức Thế Tôn. Lại cũng theo kinh Tăng Nhất A Hàm, Quyển 3, Phẩm Đệ Tử, cho thấy Đức Phật đã ghi nhận và tán thán về một vị đệ tử của Ngài là Tôn giả Bằng Kỳ Xà, là người đứng đầu trong chúng Tỳ kheo chuyên tạo kệ tụng để tán thán Như Lai.

Chính vì luôn thuận theo ý hướng dung hợp, ôn hòa, bao dung để hội nhập có tính chất nền tảng như đã dẫn, nên người Phật tử Việt Nam không bao giờ đi ngược lại với sự đoàn kết của dân tộc – để tiến lên phía trước.

Còn theo Luật Thập Tụng, Quyển thứ 37, thì Phạm bối còn đem lại năm lợi ích cho người hành trì: (1) Thân thể không mỏi mệt; (2) Tâm ý không vọng tưởng; (3) Tâm tư không còn phiền não; (4) Âm thanh luôn trong sáng; (5) Ngôn ngữ luôn khoáng đạt. Phạm bối được hình thành dựa trên nền tảng là các thể kệ tụng. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, nếu Phạm bối là sự biểu đạt do âm thanh thì kệ tụng là sự thể hiện của ca từ. Phạm bối tuy đã xuất hiện và ứng dụng từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế, nhưng được định hình và phát triển mạnh mẽ là vào những thế kỷ đầu công nguyên. Người góp viên gạch đầu tiên chính là Bồ tát Mã Minh (80-150) với tác phẩm Phật Sở Hành Tán. Tuy nhiên, người xây dựng nghệ thuật Phạm bối đạt tới đỉnh điểm chính là Tôn giả Ma Điệt Lý Chế Trá (Màtrceta, thế kỷ II-III). Theo Đại sư Nghĩa Tịnh (635-713) trong tác phẩm Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện (No 2125, 4 quyển) nơi quyển thứ 4 đã cho thấy chùa chiền ở Ấn Độ thời bấy giờ rất thịnh hành về lễ tán, mỗi khi lễ tụng đều dùng cao thanh để tán thán qua hai thời khóa sớm chiều. Hai bài tán phổ dụng nhất trong chùa chiền ở Ấn Độ thời đó là bài Nhất Bách Ngũ Thập Tán và Tứ Bách Tán. Cả hai bài ấy đều do Tôn giả Ma Điệt Lý Chế Trá tạo nên.

Nghệ thuật Phạm bối trong nghi lễ của Phật giáo Ấn Độ như đã lược dẫn đã cùng với kinh điển được kết tập bằng chữ Phạn, theo chân của các vị Tăng sĩ truyền đạo đi vào Đông Đô. Vì thế, nghệ thuật Phạm bối trong nghi lễ của Phật giáo Trung Hoa đã được phát khởi cùng với quá trình tiếp nhận và Hán dịch kinh điển theo hệ Phạn ngữ vào giai đoạn đầu, tức từ thế kỷ thứ II thuộc nhà Hậu Hán (25-220) đến thế kỷ thứ III-IV thuộc nhà Tây Tấn (265-317).

Theo sự ghi nhận của các sách: Phật Tổ Thống Kỷ quyển thứ 35 (của Đại sư Chí Bàn), Lương Cao Tăng Truyện quyển thứ 13 (của Đại sư Tuệ Kiểu), Pháp Uyển Châu Lâm quyển thứ 56 (của Đại sư Đạo Thế) thì Trần Tự vương Tào Thực (192-232) con thứ của Ngụy vương Tào Tháo (155-220) thời Tam Quốc (220-280) là một thi nhân xuất sắc của thời Kiến An (196-220), đã dựa vào kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi (No 185, 2 quyển, cư sĩ Chi Khiêm Hán dịch) đã được Hán dịch, để viết Phạm bối lục khế (thể kệ tụng câu 6 chữ), là thủy tổ của Phạm bối ở Trung Hoa. Sau đấy thì có cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ III) nhà dịch kinh nổi tiếng của đời Đông Ngô (229-280) viết Bồ tát Liên Cú Phạm bối, theo thể tam khế (Kệ tụng câu 3 chữ). Rồi có Đại sư Khương Tăng Hội (200-280) viết Nê hoàn Phạm bối theo thể lục khế. Hơn 30 năm sau, có Sa môn Tây Vực tên Bạch Thi Mật Đa La đã đến Trung Quốc, vào khoảng niên hiệu Vĩnh Gia (307-313) đời Tây Tấn (265-317) và có sáng tác Hồ bối tam khế, không rõ tên gọi, cùng truyền kỹ thuật hành tác Phạm bối cho các đệ tử.

Sang thế kỷ thứ VI của thời Nam Bắc Triều (317-580), các vị vua Lương Vũ Đế của nhà Lương (502-557) ở phương Nam, vua Văn Tuyên Đế của nhà Bắc Tề (550-576) ở phương Bắc, đều rất sùng thượng Phật giáo, đã góp phần lớn trong công việc xiển dương Phạm bối ở Trung Hoa. Đáng kể nhất là góp phần tạo nên một tầng lớp Tăng sĩ Phật giáo chuyên về Phạm bối, gọi là Kinh Sư, như sách Lương Cao Tăng Truyện của Đại sư Tuệ Kiểu (497-554) đã ghi nhận danh hiệu của 11 vị Kinh Sư nổi tiếng [1]. Nghi lễ Phật giáo (của cả Ấn Độ và Trung Quốc) đã tiếp cận và định hình ở nước ta từ rất sớm, tức đồng thời với giáo lý Phật Đà đã được truyền vào xứ sở Giao Châu thời ấy. Từ đó, nghi lễ Phật giáo đã không ngừng bản địa hóa để trở thành nghi lễ Phật giáo Việt Nam, mang sắc thái đặc thù của con người và đất nước Việt, góp phần đem ánh sáng của chánh pháp đến gần với dân chúng Việt Nam khắp các vùng miền.

Tuy đã được định hình từ sớm như thế, nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ XIII đời vua Trần Anh Tông (1276-1314) mới được tập đại thành. Tức vào năm 1299, sách Phật giáo Pháp sự đạo tràng công văn cách thức được ấn hành, ghi chép đầy đủ về các nghi thức thọ giới, cầu an, cầu siêu… và những bản văn như Sớ tấu, Điệp, dùng trong các lễ lược ấy đã trở thành phổ thông [2]. Pháp Chẩn Tế Cô Hồn thì được thực hiện theo một nghi thức nặng tính chất Mật Giáo: Đó là nghi thức Du Già Khoa Nghi… [3]. Vào những thập kỷ thứ 3, thứ 4 của thế kỷ XVII, Phật giáo ở Đàng Ngoài (Bắc Hà) của Đại Việt đã được phục hưng, với công đầu là do Thiền sư Chuyết Chuyết (1590-1644). Trong số các kinh sách được Thiền sư Chuyết Chuyết mang theo khi đến kinh đô Thăng Long của Đại Việt vào năm 1633, trụ ở chùa Khán Sơn, rồi chùa Phật Tích (Bắc Ninh) để hoằng pháp, có một nghi thức cúng cô hồn dưới nước và trên cạn, gọi là Thủy Lục Chư Khoa. Thiền sư Chuyết Chuyết và các đệ tử đã tổ chức một Trai đàn lớn cầu siêu cho tất cả vong linh nạn nhân của thời đại. Nghi thức cùng cách tổ chức Trai đàn này rất được vua Lê, chúa Trịnh và các bậc Công hầu thời đó hâm mộ. Thủy Lục Chư Khoa từ đấy được áp dụng rộng rãi tại các chùa ở Đàng Ngoài (Bắc Hà) [4]. Cùng với thời gian kể trên, Phật giáo Đàng Trong (Nam Hà) của Đại Việt cũng được phát triển rộng khắp, nhờ chư vị Thiền sư Trung Hoa thuộc phái Lâm Tế và Tào Động sang Đại Việt hoằng pháp và nhiều ngôi Tổ đình đã được khai sơn ở Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên [5].

Nghi lễ Phật giáo đã không ngừng bản địa hóa để trở thành nghi lễ Phật giáo Việt Nam, mang sắc thái đặc thù của con người và đất nước Việt, góp phần đem ánh sáng của chánh pháp đến gần với dân chúng Việt Nam khắp các vùng miền.

Tất nhiên là sinh hoạt nghi lễ – kể cả Khoa nghi chẩn tế nơi các chùa chiền ở vùng này đều chịu ảnh hưởng đậm từ Thiền phái Lâm Tế. Thiền phái Liễu Quán cũng được xem là đã góp công nhiều cho sự nghiệp phục hưng Phật giáo Đàng Trong ở thế kỷ XVIII. Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) đã cố gắng Việt hóa thiền phái Lâm Tế khiến cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong. Kiến trúc, Lễ nhạc… bắt đầu trút bỏ màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc. Những bài tán lễ như Cực Lạc Từ Hàng chẳng hạn, đã hoàn toàn mang màu sắc Việt [6].

GIÁ TRỊ TÂM LINH VÀ GIÁ TRỊ XÃ HỘI TRONG NGHI LỄ PHẬT GIÁO 

Trước hết, xin làm rõ: Nghi lễ Phật giáo được nói đến ở đây là theo hướng cụ thể, tức là nghi lễ Phật giáo Việt Nam, đã tiếp nhận cùng bản địa hóa từ nghi lễ Phật giáo Ấn Độ và nghi lễ Phật giáo Trung Hoa, như ở trên đã lược nêu. Tiếp theo, chúng tôi xin dựa theo sự nối kết, gắn bó giữa ngôi chùa Phật với nghi lễ Phật giáo, để bàn về giá trị tâm linh và giá trị xã hội mà phần nghi lễ kia đã tạo được.

Học giả Đào Duy Anh (1904-1988) trong sách Việt Nam Văn hóa sử cương, phần nói về Tế Tự ở Hương Thôn, đã viết: “Tế Tự ở hương thôn thì có sự thờ Thần Thành Hoàng, thờ Thổ Địa và thờ Phật” [7]. Sự việc thờ Thần Thành Hoàng, thờ Thổ Địa thì có các đình (thôn, làng) và miếu (xóm). Còn thờ Phật tất nhiên là có chùa, chứng tỏ ngôi chùa Phật đã có mặt rất sớm trong đời sống tâm linh của người dân Việt nơi thời xa xưa, đang tiến dần từ vùng tín ngưỡng dân gian cổ sơ đến vùng tín ngưỡng Tôn giáo theo Phật giáo hiện đã du nhập vào Đại Việt. Và đúng như GS. Trần Quốc Vượng (1934-2005) đã viết: “Đạo Phật không chống đối với tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Ngoài ông Trời và Tổ Tiên, người Việt có thêm một ông Bụt từ bi rất thương người, luôn cứu giúp người hiền lành, ăn ở tốt mà bị những điều oan ức”. [8]

Như vậy, cùng với sự có mặt của ngôi chùa Phật trên khắp đất nước Đại Việt vào thời bấy giờ, cũng đồng thời có sự xuất hiện của nghi lễ Phật giáo, bước đầu đã được bản địa hóa, để cả hai có sự kết hợp và đồng hành theo con đường đi tới của đời sống tín ngưỡng và đời sống xã hội nơi đông đảo người dân Việt Nam xưa nay. Do đấy, chúng tôi sẽ căn cứ nơi ba chi tiết đều có sự nối kết, gắn bó giữa nghi lễ Phật giáo Việt Nam với ngôi chùa Phật, để bàn về giá trị tâm linh cùng giá trị xã hội luôn hiện hữu trong nghi lễ Phật giáo.

Thứ nhất: Ngôi chùa Phật là nơi chốn mà nghệ thuật Phạm bối hay nghi lễ Phật giáo đã được thực hiện thường xuyên, thông qua hai thời khóa tụng sáng chiều của một ngày. Ở đấy, trong một khung cảnh thanh tịnh và trang nghiêm, âm thanh của lễ nhạc và lời tán tụng như luôn hòa quyện để vươn cao, lan rộng, tạo được những tác động tốt đối với tâm thức của những người nghe, khiến họ có thể đi đến gần hơn với nẻo thiện, với ánh sáng của chánh pháp, với sự tu tập, hành trì, nhằm đạt đến giác ngộ, giải thoát.

Thứ hai: Ngôi chùa Phật, từ khi có mặt trên đất nước Đại Việt cho đến nay, mãi mãi là một trụ xứ luôn bảo lưu cùng thể hiện những giá trị thẩm mỹ và những giá trị đạo đức. Về phần những giá trị thẩm mỹ, tức cho thấy ngôi chùa Phật luôn có được một vẻ đẹp đặc thù: Trầm lặng mà uy nghi hiện rõ, thoát tục mà vẫn gần gũi với đời, cách biệt mà không xa lánh, rạng rỡ mà không phù phiếm!

Còn về phần giá trị đạo đức, thì ngôi chùa Phật xưa nay vẫn mãi là một nơi chốn rất đáng tin cậy trong sự tự thể hiện việc “bỏ ác làm lành” cùng khuyên dẫn quần chúng “bỏ ác làm lành”. Một ngôi chùa Phật hiện hữu một cách đúng nghĩa, là phải thể hiện cùng duy trì đủ hai thứ giá trị như vừa nêu. Nghi lễ Phật giáo thông qua nghệ thuật Phạm bối thật sự là đã tô đậm và làm rõ hơn về hai giá trị cố hữu của ngôi chùa Phật. Thế thì những người dân Việt tin Phật, mộ Phật – kể cả những người không tin Phật, chỉ mến cảnh, đã cùng đi đến với ngôi chùa Phật kia, tất đều có những cảm nhận nhiều ít hoặc sâu cạn, về những giá trị thẩm mỹ và những giá trị đạo đức vốn có của ngôi chùa Phật như đã nêu. Hay nói cách khác, là họ đã tiếp nhận được các giá trị tâm linh và xã hội mà nghi lễ Phật giáo kết hợp với ngôi chùa Phật đã đem đến. Do đó, đời sống tín ngưỡng và đời sống xã hội của họ, xét theo hướng tích cực, quả là đã được củng cố và nâng cao.

Thứ ba: Ngôi chùa Phật là nơi chốn thường tổ chức các buổi lễ cúng, lễ hội, như lễ cúng Phật, lễ cúng Tổ, lễ cúng linh, lễ đưa đám tang, lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ hội Phật Đản, lễ hội Vu Lan, lễ cúng cô hồn, trai đàn chẩn tế… Vì vậy, đông đảo những người dân Việt cùng đến tham dự, lễ bái cúng dường hoặc cầu nguyện phát tâm…, thảy đều cảm nhận về những giá trị… như trên vừa biện, ở đây chúng tôi xin nhấn mạnh về sự tiếp nhận, thâu nhận từ phần âm thanh của lễ nhạc, của lời tán tụng, xướng bạch, tấu đọc… thuộc nghi lễ Phật giáo mà chư vị kia đã có được, giúp cho đời sống tâm linh và đời sống xã hội của họ thêm phong phú, cùng hướng thiện và hướng thượng, không chỉ tạo được nhiều lợi lạc cho tự thân mà còn có thể san sẻ cho những người xung quanh, kể cả đám con cháu gần xa…

NGHI LỄ PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ GÓP PHẦN XÂY DỰNG GIÁO HỘI TRANG NGHIÊM VÀ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC VỮNG MẠNH

Chúng tôi xin lần lượt biện dẫn tổng quát về hai đề mục được bao gồm nơi phần ba này. Đó là “Góp phần xây dựng Giáo hội trang nghiêm” cùng “Góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh”, đều được xem như là hệ luận tất yếu từ sự việc “Phát huy những giá trị tâm linh và xã hội trong Nghi lễ Phật giáo” vậy. Tức chúng tôi, nơi phần một và phần hai, đã giới thiệu tóm tắt nhưng tạm đủ về nghi lễ Phật giáo với những đặc điểm cố hữu, đã bàn rộng về các giá trị tâm linh và xã hội luôn hiện hữu trong nghi lễ Phật giáo thông qua nghệ thuật Phạm bối, luôn nối kết với ngôi chùa Phật…

Đến đây chuyển mạch sang phần nhấn mạnh: Các giá trị tâm linh và xã hội trong nghi lễ Phật giáo ấy cần được phát huy đúng mức, để góp phần xây dựng Giáo hội trang nghiêm, cùng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh. Vì sao? Vì trong mọi quá trình xây dựng Giáo hội trang nghiêm, thanh tịnh đều phải dựa trên cơ sở là sự bảo tồn và phát huy hai giá trị tiêu biểu nơi ngôi chùa Phật, là những giá trị thẩm mỹ và những giá trị đạo đức, mà từ lâu xa đã kết nối, gắn bó với những giá trị tâm linh và giá trị xã hội trong nghi lễ Phật giáo, hợp lực để tạo được nhiều thế hệ Tăng sĩ có đủ tài đức, đảm nhận tốt vai trò trụ trì và hoằng pháp, kể cả hoằng pháp bằng nghệ thuật Phạm bối. Hay nói ngược lại: Không thể xây dựng thành tựu một Giáo hội trang nghiêm, thanh tịnh, nếu không có sự bảo tồn và phát huy hai giá trị tiêu biểu nơi ngôi chùa Phật như đã nêu, mà từ lâu xa đã không kết nối, gắn bó với những giá trị tâm linh, xã hội trong Nghi lễ Phật giáo, đã không hợp lực để tạo được nhiều thế hệ tăng sĩ tài đức gồm đủ, không đảm nhận tốt vai trò trụ trì và hoằng pháp, kể cả hoằng pháp bằng nghệ thuật Phạm bối. Do đó, vấn đề được đặt ra là những giá trị tâm linh và xã hội trong nghi lễ Phật giáo cần được phát huy để góp phần xây dựng Giáo hội trang nghiêm là hoàn toàn hiện thực và khả thi mà quần chúng Phật tử Việt Nam, cả tại gia và xuất gia cần quan tâm để thực hiện vậy.

Về mục “Góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh”, chúng tôi xin lược nêu hai ý kiến đã ghi nhận, đánh giá về khía cạnh bản địa hóa, về khía cạnh cảm hóa, bao dung… của Phật giáo ngay trong thời kỳ mới du nhập. Trong tác phẩm Đức Phật giữa chúng ta, bác sĩ Trần Ngọc Ninh đã viết: “Đạo Phật đã từ Ấn Độ truyền bá sang Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản và các nước ở miền Đông Nam Á châu. Sự truyền bá của đạo Phật ấy hoàn toàn ôn hòa và chân chính: Không bao giờ có sự xâm lăng, bạo động, cưỡng ép hay mua chuộc. Không có một trường hợp nào đạo Phật thuận làm phương tiện để dọn đường cho sự cướp nước bằng binh bị hay bằng ngoại giao. Đạo Phật dùng sự cảm hóa và dạy dỗ mà bắt rễ vào lòng dân. Ở tất cả những đất nước đã tiếp nhận Phật giáo, giáo lý của Đức Phật đã đem lại sự hỷ lạc cho những người đau khổ nhất của nhân loại đau khổ, đã tạo ảnh hưởng sâu đậm vào nếp sống của các dân tộc, và đã khơi lên những nguồn cảm hứng cùng phấn khởi tạo nên những thời kỳ nghệ thuật huy hoàng trong mỗi nước” [9].

Còn đây là những ghi nhận của Nhà sử học Phan Đại Doãn: “Đạo Phật theo nguồn Ấn Độ do Khâu Đà La (Ksudra) và Ma Ha Kỳ Vực (Mahajtvaka) truyền vào đầu tiên ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Phật giáo này lại dung hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ (Tục thờ cúng các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến nông nghiệp), mặt khác tín ngưỡng dân gian lại hóa thân vào Phật. Hình tượng Phật giáo là cái vỏ bên ngoài mà tín ngưỡng dân gian là nội dung chủ yếu. Những Thần Mây, Mưa, Sấm, Sét vốn là biểu tượng của các lực tự nhiên trong tín ngưỡng Việt cổ, đã trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là những vị Phật đầu tiên của Việt Nam”.[10]

Chính vì luôn thuận theo ý hướng dung hợp, ôn hòa, bao dung để hội nhập, có tính chất nền tảng như đã dẫn, nên người Phật tử Việt Nam không bao giờ đi ngược lại với sự đoàn kết của dân tộc – để tiến lên phía trước. Do vậy, đề xuất “Cần phát huy các giá trị tâm linh và xã hội trong nghi lễ Phật giáo để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh” đã được quần chúng Phật tử Việt Nam xem như là một thứ nghĩa vụ mà mình phải tham gia thực hiện vậy.

 

HT. Huệ Minh/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 390

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Hòa thượng Thích Huệ Minh – Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ chùa Giác Uyển (TP Hồ Chí Minh).

[1] Từ câu: “Giữa Phạm bối và Ca vũ xướng kỹ”… cho đến câu “Như sách Lương Cao Tăng Truyện của Đại sư Tuệ Kiểu đã ghi nhận…”: Là đã trích dẫn tóm lược từ bài: Nghệ thuật Phạm Bối trong kinh điển Phật giáo, in trong sách Biện Chính Phật Học, Tập 1 của Thích Chúc Phú, Nxb. Tôn Giáo, 2015, tr. 258-265.

[2] Dẫn theo Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận I, Bản in 1992, tr. 467.

[3], [4], [5], [6] Dẫn theo Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận II, Bản in 1992, tr. 37-38, 116-117, 182, 206-207.

[7] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Bốn Phương, 1951, tr.207.

[8] Trần Quốc Vượng, Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983, tr.493.

[9] Trần Ngọc Ninh, Đức Phật giữa chúng ta, Nxb. Lá Bối, 1972, trang 36.

[10] Phan Đại Doãn, “Phật giáo thời Đinh-Lê”, Thế kỷ X: Những vấn đề lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, 1984, tr.265-266.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin