Chi tiết tin tức

Phật giáo: Những thích ứng với tín ngưỡng

17:39:00 - 25/09/2015
(PGNĐ) -  Tín ngưỡng dân gian là hành vi tôn giáo có liên quan đến phong tục dân tộc, cũng là hiện tượng tôn giáo mang hình thái nguyên thuỷ. 

Từ khi có văn hoá nhân loại đến nay, tín ngưỡng dân gian đã tồn tại một cách phổ biến trong các dân tộc. Đây là vì nhân loại cần phải giải toả phiền não trong tâm, sự tranh chấp ở gia đình và ngoài xã hội, áp lực của hoàn cảnh tự nhiên. Trong một thời gian ngắn, họ không có cách gì dùng thể năng, trí năng của con người để giải quyết những vấn đề trên, nên chỉ có cách cầu thần minh chỉ dẫn, giúp đỡ, cứu tế, bảo hộ. Họ lợi dụng phương thức xin thẻ, bói toán, giáng sinh, cầu hồn, lên cơ, cúng tế, hứa nguyện, để mong liên lạc cảm thông được với quỷ thần. Hành vi này, theo nhất thần giáo là mê tín dị đoan và tà thuật. Phật giáo cũng không chủ trương có hành vi như vậy.

com-4

Trong tín ngưỡng dân gian, các loại thần linh xen tạp với nhau. Từ đời Tống về sau đã có xu thế tam giáo hợp lưu, gồm thâu thần, tiên, Phật, Bồ tát vào một nhà. Cuối đời nhà Thanh, đầu năm Dân Quốc đến nay, cộng thêm thờ cả Gia Tô và Hồi giáo, trở thành tôn giáo dân gian: mà người ta gọi là ngũ giáo đồng nguyên. Dân gian thông qua linh môi, thuật sĩ, đàn cơ, cơ đồng, cũng như những đạo cụ như thẻ xăm, đồng âm dương để thỉnh những quỷ thần vô danh giả xưng là thần gì đó, Phật gì đó.v.v.. giáng sinh. Những quỷ thần này sẽ chỉ điểm, quyết nghi, thoả mãn yêu cầu cho dân chúng. Lần lần Phật giáo cũng mở cửa phương tiện, để thích ứng với yêu cầu của tín ngưỡng dân gian. Điều khác nhau là, Phật giáo dùng lý trí để giải toả, quy hướng về chánh Pháp; dùng việc tu thiện tích phước, sám hối tụng kinh, để đạt được mục đích cầu nguyện. Còn tín ngưỡng dân gian chỉ dùng hành vi mua chuộc thần Thánh để đạt thành hy vọng của mình.

Tín ngưỡng dân gian coi giáo chủ các tôn giáo khác là thần, nên cũng sùng bái. Điểm khác nhau là các tôn giáo lớn đều có giáo chủ, giáo sử, giáo lý, giáo nghi, giáo đoàn truyền thừa. Còn tín ngưỡng dân gian lại lấy đầu này, gom đầu kia, sùng bái đủ mọi thần linh.

Từ sự khảo sát lịch sử văn hoá nhân loại, tín ngưỡng dân gian thuộc hình thái tôn giáo dân tộc nguyên thuỷ, lại cần thiết cho nhược điểm thân tâm của nhân loại. Trong xã hội Âu Mỹ, Cơ Đốc giáo đã gần hai ngàn năm thanh lý đa thần giáo, thế mà hiện nay vẫn còn dấu vết của tín ngưỡng dân gian hoạt động khắp nơi. Cho nên theo lập trường Phật giáo, cũng chỉ nên có sự khoan nhuợng ở mức độ thích đáng nào đó. Song nếu vì đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian, mà hạ cấp tín ngưỡng Phật giáo, thậm chí đưa các loại quỷ thần của tín ngưỡng dàn gian lên thành hoá thân quyền hiện của Phật và Bồ tát, thì sẽ đem lại mệnh vận còn danh song mất chất cho Phật giáo; đồng thời, cũng bị phê bình và chỉ trích từ những người trí thức hiểu biết. Cho nên chùa Phật giáo chính thống không nên để bàn xin xăm, đàn cơ, đồng âm dương, và cũng không nên thờ cúng các tượng thần địa phương, để tránh bị mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, khiến người ta hiểu lầm Phật giáo sùng bái đa thần, là chỉ lưu của tín ngưỡng dân gian.

Phật giáo làm thế nào để thích ứng với xã hội đại chúng, thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng dân gian? Phải nên chú trọng đề xướng công năng tín ngưỡng Phật và Bồ tát, hoặc xưởng dương sự hiệu nghiệm của Kinh chú thường dùng. Ví dụ như sự linh nghiệm có cầu tất ứng, quảng đại vô biên của Quán Thế Âm Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát. Quán Thế Âm Bồ tát được xưng là Quảng Đại Linh Cảm, Cứu Khổ Cứu Nạn, Đại Từ Đại Bi; A Di Đà Phật được xưng là Vô Thượng Y Vương, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang. Những vị Phật và Bồ tát này khiến người ta có cầu tất ứng, cầu trường thọ được trường thọ, cầu trí tuệ được trí tuệ. Đức Phật Thích Ca là một trong ngàn trăm ức hoá thân của Tỳ Lô Giá Na Phật. Ngài là vị giáo chủ cõi Ta Bà, đạo sư của trời người, đèn sáng trong đêm dài, thuyền từ nơi biển khổ. Tất cả chư Phật và đại Bồ tát đều có đủ sáu loại thần thông, tùy thời, tùy xứ, tùy loại nhiếp hoá, đáp ứng những yêu cầu hợp lý của chúng sinh. Vậy thì mọi người chỉ cần chọn một vị Phật, Bồ tát tu niệm, hay một pháp môn, Kinh chú nào đó hành trì sẽ dễ dàng đạt được mục đích mà tín ngưỡng dân gian yêu cầu. Huống chi còn có thể tiến thêm bước nữa, từ tầng bậc tôn giáo tín ngưỡng dân gian, tiến vào cảnh giới giải thoát tự tại, tự lợi tự tha.

Mật giáo trong Phật giáo có nhiều pháp tu luyện với mục đích và tầng bậc khác nhau. Thiên Thai tông và Hoa Nghiêm tông của Trung Quốc cũng biên tập nhiều nghi thức lễ sám và tu chứng. Nếu y theo pháp môn tu trì mà các Kinh nói, thì khác với sùng bái đa thần của tín ngưỡng dân gian. Chỉ có điều, nếu truy đến ngọn nguồn Phật Pháp, thì không có nghi quĩ đa dạng như vậy. Phật nói vô lượng pháp môn, chỉ cần chọn một trong những pháp môn đó rồi chuyên tâm tu trì, đều có thể trở thành tổng trì tất cả pháp. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm có hai mươi lăm pháp môn viên thông, pháp môn nào cũng bình đẳng với tất cả pháp môn, đầy đủ công dụng của tất cả pháp môn. Kinh Duy Ma Cật còn khai thị ra pháp môn bất nhị. Nên không có y cứ vào Kinh Phật làm tiêu chuẩn tu trì, sẽ dễ dàng lẫn lộn với tín ngưỡng dân gian, hợp lưu với đa thần giáo, để cho người ta có ấn tượng thần Phật như nhau.

Nói sâu hơn một mức nữa, là một tín đồ Phật giáo, nếu vì muốn thoả mãn những nguyện vọng khác nhau, mà thường thay đổi phương pháp tu hành và đối tượng sùng bái, thì sẽ mất đi mục tiêu trung tâm. Tín đồ Phật giáo chánh tín, tín ngưỡng Tam Bảo là học Phật, tu Pháp. Học Phật là học theo từ bi, trí tuệ của Ngài. Tu Pháp là theo sự chỉ đạo đúng đắn của chánh Pháp, mà chuyên tu một Pháp môn, để đạt thành mục tiêu nhất quán là trì giới, tu định và phát tuệ. Chỉ cần không lìa nguyên tắc Tam Bảo, ngày ngày lấy việc xem Kinh, làm Phật sự, trì giới, bố thí, lễ tụng, sám hối làm thời khoá tu hành, cho dù không cầu lợi ích hiện đời, cũng tự nhiên chiêu cảm phước lành trong hiện tại.

 

HT. Thánh Nghiêm

Theo TGPG Sưu tầm

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin