Chi tiết tin tức

Sơ lược về cõi quỷ thần và quỷ thần biên trụ

13:17:00 - 02/01/2014
(PGNĐ) -  Trong thời hạn 49 ngày, nếu không ở vào trường hợp đặc biệt vãng sinh về cõi Phật, thì tuỳ theo nghiệp lực dẫn dắt mà thân trung ấm sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi (cũng gọi là lục đạo hay lục thú).  

Chúng ta thường tìm thấy trong các tài liệu giáo lý căn bản Phật Giáo thì lục thú là Thiên, Nhân, A tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc sanh. Theo nhiều vị đạo sư thì Ngạ Quỷ thú phải được gọi chính xác hơn là Quỷ Thần thú, vì loại chúng sanh nầy rất đa dạng mà Ngạ Quỷ chỉ là một dạng của Quỷ Thần thú mà thôi.

A. Vài đặc điểm của Quỷ Thần Thú:

1.Ý nghĩa các danh từ Quỷ, Thần và Ma:

- Theo kinh sách Phật giáo:

+Quỷ Thần: Tách rời từng chữ thì "Quỷ" có nghĩa là "úy", là hay khiếp sợ; "Thần" có nghĩa linh thông biến hóa. Quỷ Thần chỉ chung cho một cõi bao gồm cả bậc thần thông biến hóa đầy uy đức (Thần) lẫn hạng chúng sinh cùng khổ kinh sợ (Quỷ).

+Ma:là những lực xấu làm nhiễu loạn kẻ tu hành. Luận Du-già-sư-địa nêu ra bốn loại ma: Thiên ma, ma ngũ uẩn, ma phiền não, và ma chết. Thiên ma chỉ chúng sinh ở Tha Hóa Tự Tại Thiên tức cõi Trời thứ sáu của Dục giới.

Chính Ma Vương La Tuần của cõi nầy cùng đám ma nữ giở mọi trò biến hóa mong phá hoại Đức Bổn sư Thích Ca khi Ngài sắp thành Phật.

Còn ba thứ ma kia không phải là một loài chúng sinh mà chỉ là thứ mãnh lực tiêu cực phát xuất từ sinh lý và tâm lý của con người, cũng gây nhiễu loạn và phá hoại công đức kẻ tu hành.

- Theo tín ngưỡng dân gian:

+Thần: bậc siêu phàm khuất mặt, linh thiêng có thể gây phúc họa được người tôn thờ.

+Ma: người đã chết nói chung (nên thây người chết gọi là thây ma) và cũng chỉ riêng cho hình bóng người chết hiện hình.

+Quỷ: là loại ma hung dữ gây tác hại và nguy hiểm cho người sống.

- Tóm lược:Chữ Quỷ trong Phật giáo bao gồm cả hai loại  Ma và Quỷ theo dân gian, riêng chữ Ma theo Phật giáo có ý nghĩa khác biệt như đã ghi trên.

 2. Chủng loại Quỷ Thần: 

Quỷ thần có vô số chủng loại và hiện hữu ở khắp cõi khác, từ cõi thiên cho đến địa ngục, súc sinh. Ta chỉ có thể tạm chia thành hai loại là: quỷ có uy đức (hay  uy phước) và quỷ không có uy đức.

a. loại uy đứccó cung điện, thân tướng trang nghiêm, có nhiều kẻ thuộc hạ tùy tùng, được thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng.

- Thiện quỷ thần đại uy đức như chư vị: Đại Phạm Thiên Vương, Tam thập thiên vương, Tứ thiên vương, Diêm Ma vương, Nan đà long vương, Bạt đà long vương...

- Uy đức bậc trung như quỷ Dạ Xoa, quỷ La Sát, quỷ Cưu bàn Trà (Quỷ nầy có thể biến làm cảnh giới ngũ trần vui sướng để hưởng thọ), quỷ Địa hành dạ-xoa (địa hành: đi đất) luôn luôn được nghe những âm nhạc vui vẻ và được ăn uống (theo kinh Chánh Pháp niệm xứ), quỷ Đa tài Đại phúc hưởng phước đức như cõi Trời(theo P.G. Chánh Tín, HT Thánh Nghiêm)  

(Ngài Hư Vân cũng lời dạy tương tự với vài hàng vắn tắt như sau: Các quỷ vương như Diêm Vương và Thành Hoàng đều hưởng lạc nhiều mà thọ khổ ít hơn những loài quỷ cô hồn vô chủ. Khổ nhất là loài ngạ quỷ, là loại chúng sanh trong địa ngục thường thọ vô biên khổ cực, chẳng hề được sung sướng)

Trong loại quỷ thần uy đức cũng có thể tùy theo tâm địa mà phân thành:

- thiện quỷ thần (tức chánh thần) là bậc chân chánh hộ trì chánh pháp, hộ trì nhân gian như các bậc Thiên vương đã ghi trên.

- ác quỷ thần như Quỷ La Sát

- vừa thiện vừa ác: như Quỷ Dạ Xoa. 

b. loại không uy đứclâm cảnh vất vả, sống âm u tăm tối, thường đói khát hoặc ăn uống bất tịnh:

- Loại ít đói như quỷ hy vọng (mong cầu người ta thờ cúng tế mới ấm no), quỷ hy khí (mong cầu đồ vật người ta vất bỏ để mà ăn).

- Loại đói nhiều, như quỷ châm mao (lông như kim), quỷ xú mao (lông hôi thối), quỷ đại anh (thân đầy lở lói).

- Loại đói thường trực kinh khủng như các loài ngạ quỷ: quỷ cự khẩu, quỷ châm yết, quỷ xú khẩu (cự khẩu: miệng như lửa; châm yết: cổ như kim; xú khẩu: miệng rất hôi thối).

c. loại tạm gọi uy đức trung bình:  là loại có uy phước chút ít, khó xếp hẳn vào một trong hai loại trên, như:

- quỷ  Hy Tự, hành động được tự do, có thể đi hết các phương dễ dàng cũng như chim bay giữa trời, qua lại không ngăn ngại (luật Thuận Chánh Lý, quyển ba)

- quỷ Tự do: những kẻ trong lúc bình sanh không làm lành, cũng không làm dữ; thì sau khi chết rồi không có quả báo gì xuất hiện, cho nên sẽ làm loài quỷ và được tự do. Loài quỷ này thường hay nương náu nơi mồ mả của mình hoặc mồ mả của kẻ khác; dựa theo cái dư khí của cốt tủy mà được hiển linh. Cho nên nếu ai có cúng tế, thì cũng được hưởng thụ. Đến khi xương tủy đã mục nát, thì mất chỗ nương tựa, liền tìm đến chỗ nào xương tủy chưa mục nát và vô chủ để nương tựa (theo Kinh Quán Đảnh)

3. Xứ sở của Quỷ Thần:

Quỷ Thần có nhiều chủng loại, vì vậy trụ xứ của Quỷ Thần cũng hoàn toàn khác biệt, như chư Thiên Vương thỉ dĩ nhiên xứ sở phải là cõi Thiên. Tuy nhiên, riêng đối với chư Quỷ thần thiếu uy đức thì xứ sở của quỷ thần có hai nơi gọi là chánh trụ và biên trụ: Theo kinh Chánh Pháp Niệm thì:

- Chánh trụ là xứ sở riêng của loài quỷ nghiệp nặng, thuộc về thế giới ngạ quỷ, nằm trong  thành Diêm La, nơi ở chánh thức của vô số ngạ quỷ do Diêm La Vương thống lãnh.

- Biên trụ là xứ sở của các quỷ thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong loài người. Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, đồng trống, mồ mả, cho đến vườn nhà cùng các nơi thanh tịnh lẫn bất tịnh.

4. Hình thức tái sinh vào Quỷ Thần thú:

- loại thai sinh rất hiếm như Quỷ La Sát, Quỷ Tử Mẫu...

- loại hóa sinh gần như hầu hết  (có thể coi như 99.99%)

B. Vài nhận định về các loại Quỷ Thần Biên Trụ tức loại sống lẫn lộn trong loài người:

1. Nguyên do hóa sinh của Quỷ Thần Biên Trụ:

Chư Quỷ thần nầy vốn đã có nhiều duyên nghiệp với loài người, nên bằng nguyện lực hay nghiệp lực đã hóa sinh về biên trụ sống lẫn lộn với người:

- chư Bồ Tát do nguyện lực hóa hiện về cõi Ta Bà để hộ trì Phật Pháp, phổ độ chúng sinh. Thí dụ như nhị vị Dạ Thần: Bà San Bà Diễn và Phổ Đức Tịnh Quang mà Ngài Thiện Tài đồng tử đã tầm cầu học đạo. (kinhHoa Nghiêm, phẩmNhập Pháp Giới)

- những người thương dân yêu nước, thậm chí quyến luyến một địa phương, một giòng sông, một ngọn núi... cái thâm tình đó đã thúc đẩy họ ở lại thế gian mà phò trợ. Đó là những vị thần bản địa, thần hoàng, thần núi, thần sông... (KinhĐịa Tạng Bồ Tátbản nguyên có nhắc đến danh sách rất dài danh tính các vị thần nầy. Ngài Hư Vân cũng kể có vị thần núi, thần cây đã thọ giới quy y với Ngài)

- những người có nghiệp thiện ác trung hòa không có cõi nào thu hút mãnh liệt, trong thời gian 49 ngày của thân trung ấm lập lờ chờ đợi quyết định cõi đầu thai bỗng bị tình quyến thuộc, lòng tham luyến mồ mả, mong cầu giỗ cúng... mà kẹt lại.

-  trong số người chết thảm khốc như: bị ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, có người bị rơi vào trạng thái đau đớn, sợ hãi khủng khiếp dày đặc, khiến thần thức bị kẹt cứng vào thảm trạng đó không tạo cơ hội cho các chủng tử khác đang lưu trữ sâu trong tàng thức hiện hành được, và cứ thế mà họ chìm đắm trong trạng thái u mê đó mãi mãi. Có thể hiểu là họ đã hóa sinh thành Quỷ thần ngay lúc thảm tử, không trải qua giai đoạn thân trung ấm, nên không có giây phút thấy lại quãng thời quá khứ để chiêu cảm nghiệp lực nào khác.

2. Tương quan giữa Phật tử và quỷ thần:

 - Phật tử chân chính đã quy y Phật thì tuyệt đối không quy y Thiên Thần Quỷ Vật, dù là bậc Thiên Thần đầy phước báu. (Lời phát nguyện khi thọ Tam quy) 

- Nếu chưa là Phật tử cũng nên ý thức rằng Thiên Thần cũng là chúng sinh trong lục đạo, khi hưởng hết phước báu lại tiếp tục quay cuồng trong sáu nẻo luân hồi. Vua Trời Phạm Thiên, Tứ Đại Thiên Vương... cũng quy y Phật và trở thành những bậc hộ pháp đắc lực, thường gia hộ những Phật tử tu hành chân chính.

Do đó, chẳng những ta phải từ bỏ tệ trạng sùng bái quỷ thần, mà dứt khoát không bao giờ cầu cạnh họ ban cho ân huệ hay quyền lợi gì cả.

Khi đã nhận được quyền lợi của ai thì phải thiếu nợ, để rồi cuối cùng phải trả nợ cả vốn lẫn lời, mà không phải trong một kiếp.

Đã dây dưa với họ thì khó mà vuột thoát. (H.T. Thiện Tâm có kể đến trường hợp một tín nữ cha ông theo phái Ngũ Hành của Quỷ thần, riêng cô hết lòng muốn tu theo Phật giáo nhưng cuối cùng cũng bị lôi trở lại với họ. Xem NPTY, chương 7)

3. Thái độ nên có của người Phật tử đối với Quỷ Thần:

- Kính trọng: Là Phật tử ta nên tỏ lòng kính trọng chư Thiện Thần uy đức thường ủng hộ thế gian, ngay như hạng Quỷ thần thấp kém đói khổ cũng nên tỏ lòng từ bi lân mẫn thương yêu họ.

- nhưng thận trọng: Ta cũng nên thận trọng đối với chư Quỷ thần, nếu tự hào là Phật tử mà có thái độ khinh bạc, không may gặp loại Quỷ thần có uy lực nóng tánh cố chấp thì có thể bị trừng phạt.

- và không nể sợ: Chư cổ đức thường dạy “đức trọng quỷ thần kinh”, người Phật tử đức độ luôn luôn được chư Quỷ thần nể trọng. Ta không gây sự với Quỷ thần thì Quỷ thần chẳng đụng chạm đến ta.

4. Những điều cần lưu ý trong việc cứu độ thân nhân bạc phước lạc vào cõi Quỷ thần:

- Quỷ thần từ cõi người hóa sinh nên vẫn giữ nguyên ký ức kiếp người cũ, tình cảm hay thù hận vẫn còn ấp ủ trong tâm, do đó họ rất mong mỏi được thân nhân nhớ tưởng và cứu giúp họ.

Nói chung là phần lớn quen cách sống của kiếp người, luôn luôn tưởng mình còn thân xác thịt nên thường bị ám ảnh bởi cái khổ đói lạnh. Do đó, nếu được khai thị nhắc nhở cho họ ý thức rằng đói lạnh là do tâm tưởng không thực có thì nỗi khổ bức bách nầy sẽ biến mất, họ có thể nhận được phần nào an lạc.

- Quỷ thần hạng kém uy phước hóa sanh về biên địa, nói chung, dù sao cũng xếp vào hạng nghiệp lưng chừng hay nghiệp nhẹ. Do đó, ngay như những cô hồn đói khổ vất vưởng nếu được khai thị, được quy y, thậm chí chỉ cần nghe tụng nửa câu kệ trong kinhHoa Nghiêmthì vẫn có thể phát tâm lành tu tập mà chuyển nghiệp.

- Chư quỷ thần có uy phước trung bình hộ trì dân gian như thần bản địa, thần núi, thần sông... khi nghe Phật Pháp rất hoan hỷ nên thường hay phù hộ kẻ tu hành chân chính, có vị còn hiện hình xin thọ giới quy y hoặc thọ pháp với chư đạo đức tăng.

Trong “Cảnh đức truyền đăng lục” có kể chuyện thiền sư Nguyên Khuê truyền giới cho thần núi Ngũ Nhạc, trong “Bá Trượng ngữ lục” cũng ghi lại câu chuyện của một ông lão, vốn là tỳ kheo thời Phật quá khứ, vì dạy pháp sai lầm nên bị đọa thành chồn tinh (súc thần) đã 500 kiếp, nhờ được thiền sư Bá Trượng thuyết pháp giải đáp khối nghi mà đại ngộ và được giải thoát kiếp chồn.

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin