Chi tiết tin tức

Trên biển khổ...

22:06:00 - 02/11/2020
(PGNĐ) -  Những ngày này, cả nước hướng về miền Trung ruột thịt. Bão lũ chẳng tha dân lành, nhiều năm qua cứ liên tiếp nhắm vào dải đất hẹp miền Trung mà lao tới, cường độ mỗi năm lại càng lớn, sức tàn phá thêm dữ dội hơn như muốn thử thách sức chịu đựng của con người. 

Bao nhiêu gia đình ly tán, tài sản tích góp cả đời sau một đêm bỗng chẳng còn chi nữa, người chồng gục xuống nấc nghẹn kêu tên vợ giữa bốn bề nước bạc, người mẹ nấc nghẹn trước cỗ quan tài ôm trọn xác đứa con đi mãi chẳng về… những hình ảnh thương tâm cứ truyền đi liên tục, ai thấy lại chẳng có chút đau lòng. Càng đau lòng hơn nữa, khi đến những người tham gia cứu hộ cũng mất mạng vì tai nạn bất ngờ. 

 

Đất của người sống một đêm thành mênh mông biển nước. Những mái nhà thoi thóp cố trồi lên. Những người cố bám vào cột vào kèo, cố vẫy tay cầu cứu trên những mái nhà đã mấp mé con nước vẫn phăng phăng trôi đi vô cảm. 

 

huyenKhong.jpg
Người ngồi đó vẫn an nhiên Đại định/ Kệ rác, bùn, cây, đá ngập xung quanh. Tôn tượng Phật tại chùa Huyền Không Sơn Thượng (Huế) sau khi bị sạt lở núi 

 

Phật ở đâu?

 

Lúc cùng quẫn bí bách, người ta dễ dàng nảy sinh tiêu cực, hoài nghi. Trong nạn kiếp, niềm tin của con người càng bị thử thách. Nhưng thiên tai địch họa vốn dĩ không phân biệt, không có ngoại lệ, dù cho là quốc gia nào, dẫu những đất nước khốn cùng ở châu Phi hay siêu cường như nước Mỹ; cũng không so đo người giàu, kẻ nghèo; không phân chia trí thức hay bình dân; không thiên vị một mái nhà tranh với một ngôi biệt thự... Thế mới biết trong cái vô thường của kiếp nhân sinh, trong xoay vần của trời đất, ai cũng như ai, người với người mảy may không khác biệt.

 

Nhưng cũng trên biển nước mênh mông, giữa những tin tức bão lũ liên tục được gửi đi, hình ảnh một tôn tượng Quán Thế Âm Bồ-tát uy nghi trên đài sen trắng, tay nâng bình nước cam lồ, yên tịnh giữa đất trời vần vũ âm u được mọi người chuyền tay nhau trên mạng xã hội lại trở thành một biểu tượng có sức mạnh ủi an thật lớn. Hình ảnh đó như một lời nhắc nhở rằng đấng từ bi vẫn hiện diện cùng ta trong lúc nguy nan này. Hình ảnh bình an của Ngài như đánh thức sự kiên định và hy vọng trong ta, nhất là giữa thời khắc khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một khoảng mong manh thoáng chốc.

 

Nam-mô Vô quái ngại, Quan Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện. 

 

Trong mười hai đại nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, Ngài đã nguyện ở lại giữa những con sóng bạc đầu nơi biển Nam để cứu vớt chúng sanh, không quản khó khăn, gian khổ. Con thuyền mà Ngài tạo tác là con thuyền của tình thương, lòng cứu độ, tâm bi mẫn. Con thuyền ấy có khả năng cứu vớt những sinh linh bé nhỏ, yếu ớt trước sức hung hãn của tự nhiên. Và những ngày này, chúng ta được thấy những con thuyền ấy đã và đang bủa đi trong những hương thôn chìm sâu trong hồng thủy, những cánh tay “nối dài” của Ngài đưa ra giúp người đói, kẻ khổ trong lúc tang thương. 

 

Tôn tượng Bồ-tát trụ giữa biển nước, biển đời, biển khổ lại trở thành điểm tựa tinh thần lớn hơn bao giờ hết, nhất là khi con người đang mất đi niềm tin, rời xa dần các giá trị tinh thần, khi mọi thứ trong đời đảo điên, thật giả lẫn lộn. Giữa vô thường, được mất vần xoay, Ngài đứng đó, nhắc nhở chúng ta trong phù thế này vẫn còn có chỗ để tựa nương.

 

Trái tim Bồ-tát

 

Nam-mô Trú Ta-bà U minh giới Quan Âm Như Lai tầm thanh cứu khổ nguyện.

 

Luôn ở cõi Ta-bà, cõi U minh, nguyện hiện thân khi bất kỳ chúng sinh nào kêu xin Ngài cứu độ. Nhưng cứu bằng cách nào? Không phải bằng phép thần thông mà chính bằng tấm lòng từ bi, bằng bước chân đi vào giữa cuộc đời. Ta nhận ra hình ảnh Ngài trong những khuôn mặt nhiều người, ở khắp nơi trên đất nước, những người đang xông xáo đứng ra quyên góp, tìm về tận tâm bão để giúp đỡ đồng bào đang bị thiên tai. Đó có thể là những sư thầy, sư cô ngày hai thời công phu tu tập, những nhân viên văn phòng rất bình thường, một cô ca sĩ xinh xắn hay những bà nội trợ quanh năm vốn quen lo chuyện bếp núc, con cái… 

 

Họ, người thì bước ra khỏi tùng lâm thanh tịnh, người thì gác cả công việc đang bộn bề, mái nhà êm ấm, thành phố với đầy tiện nghi vượt hàng trăm cây số để vào ngay tâm lũ. Ở nơi họ, dù có phải là Phật tử hay không, ta vẫn thấy sáng lên trái tim Bồ-tát, băng mình giữa chốn nguy nan nhất, để ứng lại lời kêu của những người đang oằn mình trong khổ nạn. 

 

Và còn hàng triệu những con người dẫu không dấn thân vào vùng bão lũ, nhưng ngày ngày hướng lòng về dải đất đang chịu mất mát tang thương kia, đã chia sẻ những tin tức bão lụt, đã lan truyền những thông tin thiện nguyện, cứu tế. Dù không đóng góp một thứ vật chất hữu hình nào, nhưng chính tâm lành khởi phát nơi họ đã biến thành chiếc cầu nối từ trái tim đến trái tim, nhóm dậy tình thương nối từ nơi này đến nơi khác. Họ đã khiến cho đồng bào miền Trung và cả những người đang an toàn như chúng ta thấy rằng mình không cô độc, rằng lòng tốt có thể im ắng nhưng chưa bao giờ lẻ loi, rằng trong trái tim mỗi con người vẫn còn một vị Bồ-tát, trái tim với yêu thương có thể bị khuất lấp trước những ồn ào bộn bề của cuộc sống, nhưng chẳng vì thế mà biến mất. Trái lại chỉ cần một hình ảnh, một tiếng kêu cũng đủ sức đánh động. 

 

Họ là những con người thầm lặng, không cần ai nhớ đến, cũng không cần ai thúc giục ngoài chính con tim mình, họ dấn thân khi không thể làm ngơ, không thể bàng quan được trước nỗi đau khổ của đồng bào, đồng loại. Tôi luôn luôn nhớ đến một điều rằng, không cá nhân nào có thể tách rời khỏi nhân loại này, không ai là một hòn đảo, giống như những vần thơ của John Done mà nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway đã lấy làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai danh tiếng của mình:

 

Không ai là hòn đảo
Hoàn toàn chỉ riêng mình
Mỗi người là một mẩu của lục địa
Một mảnh của đại dương.
Nếu một hòn đất bị biển khơi lấy mất
Châu Âu sẽ nhỏ hơn.
Và cũng vậy, nếu đó là một dải đất;
Nếu đó là thái ấp của anh
Hay của bạn của anh.
Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt
Bởi tôi là một phần của loài người.
Cho nên đừng hỏi
Chuông nguyện hồn ai,
Nguyện hồn anh đấy.

(Vũ Hoàng Linh dịch)

 

Thiên tai là điều không ai mong muốn, thiên tai lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ, nhưng thiên tai cũng khiến chúng ta nhận ra tình người vẫn luôn hiện hữu. Có thể giữa kiếp nhân sinh bề bộn, những toan tính đời thường này khiến chúng ta lạnh lùng đi, cô độc hơn và rất nhiều người cũng ích kỷ hơn khi nỗi hoài nghi cứ dần bủa vây lấy xã hội hiện đại này. “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”, nhà văn Nam Cao đã từng viết như thế và tôi cũng tin như thế. Tôi tin rằng dẫu cho cơn bão của công nghệ, vật chất có dữ dội đến đâu nó cũng giống như những đám mây bão u ám giăng bủa trên bầu trời kia, chỉ tạm che khuất tình người trong thoáng chốc thôi nhưng chẳng thể làm nó tan biến đi được. Rồi mây sẽ tan, bão sẽ dứt, bầu trời sẽ lại xanh trong hơn bao giờ hết.

 

Tôi cũng từng có lúc hoài nghi cuộc đời, hoài nghi con người, hoài nghi chính bản thân mình nữa. Nhưng những ngày qua, hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm an trụ giữa hồng thủy, giông tố, hình ảnh những cánh tay nối dài của Ngài đang lăn xả giúp người, vì đời đã khiến tôi giật mình nhìn lại. Phải rồi, Bồ-tát vẫn ở đó, tình người vẫn ở đó, chỉ là do tôi vô tình quên mất mà thôi. 

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin