Chi tiết tin tức

Kỳ quan chùa Phật lớn nhất thế giới ở xứ đạo Hồi

20:20:00 - 15/02/2016
(PGNĐ) -  Xứ vạn đảo Indonesia có cộng đồng Hồi giáo đông nhất toàn cầu, nhưng ở nơi ấy lại có ngôi chùa Phật lớn nhất thế giới.

Ngôi chùa được xây dựng trong một thế kỷ, ngay sau khi hoàn tất vào thế kỷ IX thì bị bỏ quên trong rừng sâu gần một nghìn năm, mãi đến thế kỷ XIX mới được phát hiện lại.

Trên khắp các bức tường là phù điêu kể chuyện đời Phật. Ảnh: HAT
  Trên khắp các bức tường là phù điêu kể chuyện đời Phật. Ảnh: HAT

Mười tầng đến cõi niết bàn

Nhắc đến Indonesia,du kháchthường gọi ngay ra cái địa danh đầu tiên: Bali. Đấy là thiên đường nghỉ dưỡng với bãi tắm trải dài dọc theo bờ biển, với những ngôi đền cổ kính hấp dẫn mắt nhìn.

Nhưngdu lịchvăn hóa và tâm linh thì lựa chọn số một lại là Borobudur,quần thể chùa Phật lớn nhất thế giới. Phần nhiều du khách nước ngoài cho rằng chưa đến Borobudur thì coi như chưa đến Indonesia. Cuối năm 2015, ông bộ trưởng Du lịch nói: Indonesia không chỉ có Bali. Một câu nói hàm ý chỉnh sửa sự ngộ nhận của du khách.

Bây giờ ta hãy đến với ngôi chùa Borobudur xây bằng đá xanh và sa thạch. Hùng vĩ và gây choáng ngợp. Ở nơi Phật đắc đạo dưới gốc bồ đề xứ Ấn Độ có ngôi chùa Boddhgaya cao 55m, cao nhất thế giới, nhưng độ lớn của quần thể thì phải nhường cho ngôichùa Borobudurnày. Chùa cao 42m, được xây bằng 2 triệu khối đá. Ảnh chụp từ trên cao cho thấy toàn thể ngôi chùa được thiết kế như một mandala mê cung linh thiêng với 9 tầng: 6 tầng dưới là sáu cái sân hình vuông, 3 tầng trên là ba sân hình tròn, trên cùng là 1 bảo tháp hình chóp tròn, tượng trưng cho cõi niết bàn trên cao. Toàn bộ 10 tầng chùa là chính đạo 10 chặng dẫn đến niết bàn.

Vẫn là những con số: 432 pho tượng Phật đặt trong những bảo tháp tròn có chóp nhọn, 72 tượng Phật trong những hốc tường trên cao. Bảo tháp stupa không phải là khối đặc như truyền thống Ấn Độ cổ mà có những ô rỗng hình quả trám, ghé mắt nhìn vào thì thấy tượng Phật trong ấy, phần nhiều đã bị mất đầu cụt tay. Mười thế kỷ ở trong rừng sâu, đa số tượng đã bị bàn tay hận thù tôn giáo đập phá. Tôi ghé mắt nhìn qua những ô rỗng hình quả trám mà đoán rằng chắc là họ phải thò gươm giáo gậy gộc qua những cái ô rỗng này mới có thể phạm được vào tượng Phật. 

 

Chín tầng chùa, hãy đi lần lượt từng tầng, chín vòng xung quanh theo chiều kim đồng hồ, đúng tập quán cổ đi vào chùa để thu nhận linh khí và hào quang tỏa ra từ Đức Phật. Hết một vòng tầng dưới lại lên tầng trên để tiếp sang vòng mới. Người mê điêu khắc và kiến trúc thì ở mỗi tầng ấy phải đi rất chậm, ngắm kỹ từng bức phù điêu từng chi tiết. Chuyện đời Phật được kể lại trên tường đá. Chuyện được dựng lại từ giáo lý như dục lạc đem lại khổ đau, luật nhân quả ác giả ác báo, như sát sinh muông thú thì bị luộc trong vạc dầu… Chuyện đời sống vua chúa và bình dân ở xứ vạn đảo ngày xưa. Tầng tầng lớp lớp phù điêu trên tường đá. Tập trung ngắm phù điêu ở trên tường bên phải thì có thể bỏ qua mất bức tường bên trái, và ngược lại. Từ kinh nghiệm của tôi, đã đến đây thì hãy đi thật chậm rãi, cố gắng ngắm nhìn cả hai bên tường, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót những hình ảnh tinh xảo trên đá. Chầm chậm ngâm nga, cố gắng chịu cái nắng trên đầu, ta có thể chỉ một lần trong đời được thấy kiệt tác này.

Người ta tính rằng để đi hết chín vòng trên chín tầng chùa, bạn sẽ phải hành hương một chặng đường khoảng năm cây số. Vậy hãy chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị sức khỏe và đôi chân. Nhưng giống như có sức mạnh tâm linh và sự cuốn hút của nghệ thuật, hàng nghìn người đổ vào chùa trông ai cũng tươi cười hào hứng.

Bắt đầu từ cổng vào, nên trèo lên một đoàn tàu bánh cao su, đi vòng theo khuôn viên xanh mướt cây lá. Chặng đường này cũng phải vài ba cây số, đi xe là để dành đôi chân cho việc ta sẽ leo lên chín tầng chùa.

Người phá và trời phá.

Thuở ấy đạo Hồi đã bắt đầu xâm nhập vào xứ vạn đảo, nhưng kinh thành Yogyakarta vẫn là xứ sở của đạo Phật và đạo Hindu. Vương triều Sailendra cho xâychùa Borobudurtrong khoảng một trăm năm, từ năm 750 đến 850. Xây xong thì đến thời thịnh của Hồi giáo. Các thế lực hận thù đến đập phá. Rồi ngôi chùa bị lãng quên mười thế kỷ trong rừng sâu dưới những lớp tro bụi núi lửa. Mãi đến năm 1815 chùa mới được phát hiện và bắt đầu việc tu bổ, nhưng năm 1896 lại bị quốc vương xứ Xiêm lấy đi hàng chục pho tượng cùng phù điêu. Số di vật ấy hiện được trưng bày trong bảo tàng Quốc gia ở Bangkok. Lần phá hoại mới nhất là ngày 21/1/1985, mấy tầng chùa trên cao bị đánh bom, chín bảo tháp nhỏ bị hư hại, nhưng ngay sau đó toàn bộ đã được phục chế.

Mỗi ngày hơn 2 vạn người tới thăm Borobudur. Ảnh: HAT

Trời đất thiên tai cũng tàn phá ngôi chùa trong suốt một nghìn năm bị bỏ hoang. Núi lửa và động đất là hai kẻ phá hoại tệ hại nhất. Trận gần đây là năm 2010, ngọn núi lửa Merapi trút xuống chùa một lớp tro dầy và khi tu sửa khai thông hệ thống cống, người ta phải dọn dẹp 55.000 hòn đá từ núi lửa.

Chuyến hành hương thực sự “hành”.

Vào những ngày lễ ngày hội, mỗi ngày chùa Borobudur đón đến 90.000 du khách. Dịp Giáng Sinh kết hợp nghỉ cuối tuần, chỉ từ ngày 19/12 đến 23/12/2015, báo địa phương Yogya Istimewa ngày 25/12/2015 cho biết tổng cộng có 140.782 người đến thăm chùa.

Đêm 23/12, nhóm chúng tôi tự lái xe đi thăm Borobudur. Không ai ngờ chuyến đi ấy mình thành nhân chứng và nạn nhân của một vụ tắc đường khủng khiếp. Quãng đường 500 km bình thường chỉ cần 10 tiếng đi xe, thì chúng tôi phải đi mất 24 tiếng. Trước mỗi trạm thu phí xa lộ dồn ứ lại những đoàn xe dài hàng cây số, hàng nghìn chiếc xe. Xe chỉ nhích lên khoảng mười mét là lại dừng, cứ thế suốt đêm, cứ thế suốt ngày hôm sau. Mấy ngày sau về lại thủ đô mới biết vì cái vụ tắc đường ấy mà ông cục trưởng cục Giao thông đường bộ phải xin từ chức. Ông lập tức được coi là người hùng vì khởi đầu cho tinh thần hiệp sĩ dám chủ động nhận trách nhiệm. Người ta đánh giá cao hành động người hùng, mong muốn sẽ có thêm nhiều vị tự giác từ chức, nhưng cũng khơi lại nạn kẹt xe kinh niên ở Indonesia mà một sự từ chức vẫn chưa đủ để đánh động và giải quyết.

Từ những năm trước, nhiều người đã nêu giải pháp: quy định số lượng du khách có thể vào Borobudur mỗi ngày. Đảo rồng Komodo đã thực hiện việc định lượng như thế. Nhưng mỗi ngày hàng vạn chuyến xe đổ vào đây từ khắp đất nước, từ cả nước ngoài trên những chuyến bay thẳng đến cố đô. Việc hạn chế số lượng du khách phải là vấn đề của cả nước, không phải chỉ riêng chính quyền tỉnh Trung Java mà có thể làm được.

Bài học từ những vụ tắc đường cho tôi một điều tâm niệm: đi đâu từ 200 km trở lên thì chỉ nên đi tàu hỏa, xa nữa thì đi máy bay. Còn đi bằng ô tô thì rủi ro tắc đường rất cao, ngay cả khi đã tránh những ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ.

Bảo tháp đã bị đập vỡ, may mà tượng Phật còn nguyên.  Ảnh: HAT

Người Việt hầu như mới chỉ biết đến tua du lịch bay từ Sài Gòn sang Bali, thăm thú dăm ba ngày, rồi lại bay thẳng từ Bali về Sài Gòn, không ghé vào nơi nào khác. Bởi vì nếu muốn kết hợp bay từ Bali về thủ đô Jakarta thì cũng xấp xỉ thời gian bay về Sài Gòn, quá xa và tốn kém. Xin mách cho những du khách tự khám phá: từ Singapore và Kuala Lumpur có chuyến bay thẳng sang cố đô Yogyakarta, từ đấy chỉ còn 50 km đường bộ đến chùa Borobudur.   

Ta hãy thu xếp để đến thẳng Borobudur, nghỉ tại khách sạn ở đó, sớm hôm sau có mặt đúng lúc chùa mở cửa vào 6 giờ sáng. Không khí cả quần thể trong lành thanh tĩnh. Hàng vạn khách chưa kịp đổ đến chùa. Ta sẽ có ít nhất hai tiếng đồng hồ tận hưởng vẻ đẹp cả quần thể. Có những du khách còn đến sớm hơn, lúc mặt trời mọc 4 giờ 30 phút sáng, để chụp ảnh mặt trời mọc trên nóc chùa. 

Ngày hôm ấy, nên đi lại thăm thú các bảo tàng trong khuôn viên chùa, đi lang thang trong khu rừng chùa trên ngọn đồi nhỏ. Cách chùa khoảng 3,5 km còn có ngôi chùa Mendut, trong ấy pho tượng Phật cao ba mét được coi là kiệt tác điêu khắc, càng hiếm có bởi vì Phật ngồi theo kiểu trên ngai, không phải ngồi trong tư thế thiền trên tòa sen như thường thấy. Bên cạnh chùa có một thiền viện với cây sala và những sảnh nhỏ để ngồi thiền.

Sáng sớm hôm sau, ta có thể từ giã chùa Phật để đến với quần thể đền thờ Hindu Prambanan, chỉ cách đấy ba chục cây số. Lại một quần thể kiến trúc đồ sộ và cao chót vót, con người bỗng thấy mình quá bé nhỏ trước cái vĩ đại linh thiêng. 

Sau quãng đường hành hương bị xe cộ tắc nghẽn hành cho đến nơi đến chốn, chắc chắn một ngày và một đêm trọn vẹn ở Borobudur là sự đền bù xứng đáng. Tôi tự nhủ sẽ còn trở lại, sẽ dẫn theo bạn bè, lần này đã có kinh nghiệm tránh được những vấn nạn, để chỉ còn tập trung giới thiệu cho bạn bè một xứ sở tuyệt vời.



(Tiền phong)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin