Chi tiết tin tức

Chữ “Phúc” ngày Xuân

19:21:00 - 30/01/2017
(PGNĐ) -  Có thể thấy, việc treo những câu đối và lời chúc ý nghĩa đã thực sự trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta nói riêng và của người Á Đông nói chung. 

“Phúc ấm ngàn đời cây trổ lộc

Đức dày muôn thuở nhánh đơm  hoa”

 

Tết Nguyên đán, mọi người thường treo những câu đối, lời chúc hay chữ trước cửa nhà để cầu mong những điều tốt đẹp và bình an cho gia đình như: “Ngũ phúc lâm môn”, “Tài lai lộc tấn”,  “Kim ngọc mãn đường”…
 

Nhân dịp Xuân Đinh Dậu, chúng ta tìm hiểu về phong tục treo hoặc dán chữ “Phúc” để cầu “Phúc” cho gia đình trong năm mới.

 

Chữ “Phúc” theo quan niệm dân gian
 

Chữ “Phúc” còn được đọc thành Phước, do kiêng húy chúa Đàng Trong. “Phúc” - nguyên là  một  từ  gốc  Hán, chứa đựng  những điều tốt lành nên ngày Tết người ta thường  mua chữ “Phúc” về treo hoặc dán ở  nhà, với mong  muốn  mọi  điều  tốt  đẹp sẽ đến với mình.

 

Về mặt chữ nghĩa thì chữ “Phúc” gắn với câu “Ngũ phúc lâm môn”  - Năm cái phúc  theo  nhau  đến  nhà. Đó là “Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh”. Trong đó phúc, lộc, thọ người ta gọi là tam tinh, ứng với ba ngôi sao tốt nhất trên bầu trời. Phúc là “Ngũ phúc lâm môn”, Lộc là “Cao quan hậu lộc”, Thọ là “Trường mệnh bách tuệ”.
 

Ngoài ra,    chữ    “Phúc” cũng thường đi liền với chữ “Đức”, người xưa vẫn hay nói “có đức mặc sức mà ăn”. Người nào ăn ở hòa nhã với láng giềng hay làm điều thiện thì được nói là ăn ở có đức. Còn lộc là bổng lộc, là của cải trời cho, làm quan càng cao thì lộc càng hậu. Thọ là sống lâu. Khang là khỏe mạnh. Ninh là yên ổn, thảnh thơi. Như vậy, chỉ một chữ “Phúc” mà ẩn chứa được biết bao điều tốt lành, hạnh phúc. Cho nên, ngày Tết người ta mua chữ “Phúc” về dán ở nhà cũng không ngoài ý nghĩa đó.

 

Chữ “Phúc” dán ngược
 

Ở một  số  nơi, nhất là những nơi có đông người Hoa sinh sống thì chữ “Phúc” thường được dán ngược, đầu chúc xuống. Trích truyện sau:
 

Theo truyền thuyết, Hoàng đế Chu Nguyên Chương có phong một cô nương họ Mã làm Hoàng hậu. Cô vốn nhà nghèo, phải làm lụng vất vả nên chân rất to. Người Trung Quốc trước đây có tục bó chân cho các cô gái, vì vậy chỉ những tiểu thư  khuê các mới có đôi chân  nhỏ. Đôi chân to của Hoàng hậu họ Mã đã là đề tài cho không ít các quan cận thần đàm tiếu.
 

Vào một đêm 30 Tết, Hoàng đế Chu Nguyên Chương cải trang ra kinh thành xem dân đón Tết, nhà nhà trong  kinh thành treo đèn  kết hoa, vui vẻ đón mừng năm mới. Một nhà nọ đang biểu diễn  đèn kéo quân. Trên đèn vẽ một phụ nữ trung niên cưỡi ngựa, nhìn vẻ bề ngoài không thể nhầm, chính là người có đôi chân to kỳ lạ. Người đàn bà có đôi chân to trong bức vẽ đó hàm ý chỉ người đàn bà họ Mã chăng?
 

Chu Nguyên Chương bèn nổi giận, định sáng hôm sau sẽ lệnh cho cẩm y vệ đến bắt người. Nhà nào cũng có cổng nhà giống nhau, để tránh nhầm lẫn ông nghĩ ra một kế: nhà đó theo phong tục cũ, treo trước nhà một chức “Phúc”, nên ông đã vươn tay lật ngược chữ “Phúc” để lộn đầu xuống, để cẩm y vệ có thể nhận ra ngôi nhà.
 

Mã hoàng hậu thầm nghĩ, chỉ bởi chút chuyện nhỏ này mà ngày đầu tháng Giêng nhà vua đã bắt người, vung đao, tạo nghiệp hay sao? Bà liền sai người đem treo ngược tất cả chữ “Phúc” ở các ngôi nhà trong dãy phố đó.
 

Sáng hôm sau, cẩm y vệ phụng thánh thấy trên cửa mọi nhà, chữ “Phúc” đều treo ngược. Cuối cùng không biết bắt ai. Khi biết là do Mã Hoàng hậu làm, văn võ trong triều ai cũng khen Hoàng hậu là người nhân đức, chính là hình tượng thiên hạ thái bình. Sau đó Chu Nguyên Chương nguôi giận, tha thứ cho gia đình kia.
 

Chuyện nhanh chóng lan khắp kinh thành, mọi người đều cho rằng đảo chữ “Phúc” lại đã miễn được một tai họa. Từ đó, tục treo ngược chữ “Phúc” vì vậy mà lan khắp cả nước Trung Hoa.

 

Chữ “Phúc” dưới góc nhìn đạo Phật
 

Theo quan điểm của Phật giáo, phúc thọ không phải những thứ do trời đất ban tặng, cũng chẳng phải do người khác trao cho, mà là do nghiệp lực chiêu cảm của chính mình, điều mà Phật giáo gọi là “tự tác tự thọ” (tự làm tự chịu). Những việc làm tốt (hoặc thiện nghiệp) của mình có thể mang lại phúc thọ cho bản thân; trái lại, những việc làm xấu (hoặc ác nghiệp) sẽ khiến phúc thọ chẳng thể đến được, dẫu cho chúng ta có mong cầu đến mấy.

 

Năm giới mà Phật giáo giảng giải, trong đó giới không trộm cắp là việc làm có thể mang đến phúc báo, không sát sinh có thể kéo dài tuổi thọ, do vậy như thế nào mới có thể cầu được phúc thọ? Giữ gìn năm giới của Phật giáo sẽ có thể đạt được phúc thọ dài lâu. Nếu làm được vậy thì phúc đức sẽ lâm môn. Ngược lại, nếu chúng ta không biết tu hành, làm lành, lánh dữ thì dù có treo hay dán hàng vạn chữ “Phúc” cũng chỉ là số “không” vô ích.
 

Như vậy, khi mỗi người tự tu được hạnh hoan hỉ thì thế giới này sẽ thật an vui hạnh phúc, “tâm bình thế giới bình”, “nhất nhơn tác phước thiên nhân hưởng”. Lúc này quả nhận được sẽ là “Ngũ phúc lâm môn” và mỗi người sẽ là mỗi đóa hoa tươi trang nghiêm nơi cõi nhân gian tịnh độ, là một đóa hoa tô thắm một mùa xuân đầy ý nghĩa, an lạc và hạnh phúc.
 

“Cội phúc lớn muôn đời quả ngọt 

Cành nhân bền vạn thuở hoa tươi”

 

Ngày nay, ý nghĩa của chữ “Phúc” có thể thay đổi ít nhiều. Nhưng dẫu sao nó vẫn bao chứa những ý nghĩa tốt lành mỗi khi Tết đến xuân về. Nó là biểu trưng cho mơ ước của con người về tiền tài, danh vọng, sức khỏe và sự bình an… Có thể thấy, việc treo những câu đối và lời chúc ý nghĩa đã thực sự trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta nói riêng và của người Á Đông nói chung. 

Kim Tâm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1/2017

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin