Chi tiết tin tức Chùa Việt, Tết Việt nơi đất Hàn 22:31:00 - 22/02/2018
(PGNĐ) - Tết - đối với người Việt Nam là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, sum họp gia đình; là lời nhắc nhở những người con xa quê về thăm cha mẹ. Tết cũng là dịp để người người khoe áo mới hay thảnh thơi ngồi quây quần bên nhau cùng cắn hạt dưa, cùng thưởng thức những loại mứt đậm đà hương vị Việt Nam; là dịp để con cháu gói bánh chưng bánh tét dâng cúng người đã quá vãng; là niềm vui con trẻ được nhận lì xì năm mới...
Con nhớ ở Sài Gòn vào những ngày giáp Tết, không khí rộn ràng hẳn lên. Người chộn rộn sắp xếp hành lý để về quê, người tất bật mua sắm để mừng xuân… Ở những bến xe, bến tàu, không khí vốn đã nhộn nhịp, ngày Tết lại càng đông đúc, nhộn nhịp hơn. Trên phố, những tà áo dài đã bắt đầu bay phấp phới, rồi làm dáng chụp hình bên những cành hoa mai, hoa đào rực rỡ… Còn ở quê, ông bà, cha mẹ trông ngóng từng giây, từng phút để đón con cháu nơi xa trở về, để cùng gia đình quây quần bên bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp và tràn đầy tình yêu thương. Thế nhưng, không phải Tết nào và không phải ai cũng được về quê đoàn viên với gia đình. Đó là nỗi buồn, nỗi cô đơn lớn nhất của những người phải ăn Tết xa và sự hẫng hụt pha lẫn niềm thương cảm của những người thân nơi quê nhà... Năm nay là lần đầu tiên con đón Tết ở xa, giữa một nơi mà bốn bề tuyết phủ. Những tưởng cái Tết lạnh lẽo này sẽ trôi qua trong vô vị và con sẽ ngồi nhớ tiếc những món ăn đậm hương vị quê hương nhưng không ngờ, tất cả đã xảy ra trên cả sự mong đợi của con. Con đã có một cái Tết thật vui tươi, thật ấm áp và cảm giác buồn, lạnh lẽo của những ngày cuối năm đã tan biến thay vào đó là bao cảm xúc đan xen. Vì, con và những người xa xứ trên đất Hàn đã có một gia đình thứ hai, đó là “Gia đình Viên Ngộ”. Ở đây, con có thầy, có cô, có anh chị em - những người bạn đồng đạo. Viên Ngộ chính là nơi để chúng con quay về nương tựa những lúc mỏi mệt, cô đơn hay những khi cần có những lời khuyên chân thành…
Tết của người Hàn không có bánh chưng xanh, cũng chẳng có hạt dưa hay mứt dừa. Thế nhưng Tết của đại gia đình Viên Ngộ trên đất Hàn lại có tất cả. Cũng bánh chưng, bánh tét; cũng có mai, đào khoe sắc thắm; cũng có “ông Đồ” bày mực tàu giấy đỏ cho chữ ngày xuân,... Biết bao ngày, bao đêm, bao nhiêu cái cuối tuần không nghỉ, những người con trong gia đình Viên Ngộ đã về tịnh thất Viên Ngộ Chungbuk, cùng chung tay làm nên một cái Tết thật vui, thật ấm áp và đậm chất “Việt” trên đất Hàn! Thương nhất là hình ảnh thầy khi về Việt Nam trở lại với bao nhiêu là va-li, thùng xốp lỉnh kỉnh chỉ toàn là vật dụng và nguyên liệu phục vụ cho lễ hội… Từ sáng ngày 30 Tết, Phật tử đã tề tựu về chùa để cùng gói bánh chưng, bánh tét; để được chứng kiến giây phút thiêng liêng của lễ “thượng nêu”. Thực sự, từ nhỏ con đã đọc “Sự tích cây nêu ngày Tết” nhưng đây là lần đầu tiên con nhìn thấy cây nêu và tham dự lễ “thượng nêu” tại chùa. Câu chuyện xưa qua nghi thức và lời kể của thầy bỗng trở nên thiêng liêng hơn và ý nghĩa hơn. Thoát ra từ sự tích xưa, thể hiện sự thông minh của con người trong việc bảo tồn sự sống của mình, cây nêu ngày nay mang nhiều ý nghĩa mới. Hình ảnh cây nêu cao vút đứng hiên ngang trước sân chùa như mang khát vọng về một mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Đặc biệt, trong ánh nắng mai, những chiếc lồng đèn màu đỏ, những dải băng nhỏ mang lời ước nguyện đung đưa trước gió vừa tạo nên vẻ đẹp rạng rỡ cho ngày đầu năm vừa xua đi những điều không may mắn. Đêm xuống, những chiếc lồng đèn như là lời mời gọi Tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu...
Đêm giao thừa, dưới sự dẫn dắt của Sư cô giáo thọ, chúng con cùng tụng kinh, đón chào năm mới và nhận những lời chúc Tết, những lời dặn dò ấm áp từ cô. Trong giây phút đó, chúng con cũng được kết nối với tịnh thất Viên Ngộ qua màn hình máy tính để nghe thầy giáo thọ và cô Đức Ngọc, Tổng điều hành, gửi lời chúc mừng năm mới. Đó là khoảnh khắc “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa” để lại trong con nhiều cảm xúc nhất. Sau đó, chúng con lần lượt lễ Phật và thỉnh chuông để gửi theo tiếng chuông ngân xa những ước nguyện năm mới của mình. Sáng mồng một Tết, sau khi lạy Tam bảo, chúng con cùng Sư cô đi đảnh lễ Sư bà - ân sư của Đạo tràng Viên Ngộ. Mặc dù trời rất lạnh nhưng ai cũng chỉnh tề trang phục và di chuyển trong sự trang nghiêm lên đảnh lễ với lòng biết ơn sâu sắc đến người đã không chỉ giúp đỡ và tạo điều kiện để chúng con có được cái Tết ấm cúng ở xứ người này. Sáng hôm ấy, chúng con được xem múa lân và chơi nhiều trò chơi dân gian thật thú vị như: lô tô, bịt mắt đập trống, ném bong bóng,… Khi còn ở Việt Nam, ngày Tết, mẹ thường đưa con đi xin chữ ở chùa Giác Lâm. Con rất thích những nét chữ như “rồng bay phượng múa” và cách “nhìn mặt cho chữ” của thầy. Mỗi chữ mang một ý nghĩa riêng, cũng là lời chúc của thầy gửi đến người xin chữ. Năm nay, con không về nhưng vẫn nhận được chữ từ thầy Đồ của đạo tràng Viên Ngộ. Năm mới, con xin được chữ “Nỗ lực”, chắc chắn năm nay, năm sau và nhiều năm sau nữa, con phải nỗ lực nhiều hơn… Suốt cả ngày mùng một, tịnh thất Viên Ngộ Chungbuk tràn ngập tiếng cười, con cảm thấy lòng rộn ràng và hy vọng cả năm, nhà mình cũng sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc như vậy.
Tối mùng Một, tất cả các anh chị từ khắp nơi đã tề tựu đông đủ để cùng vui “Đêm lửa trại đoàn viên”. Với con, đó là đêm đáng nhớ và để lại nhiều ấn tượng nhất! Khi ánh sáng được tiếp từ ngọn đuốc của Sư bà, quý thầy cô, đống lửa bừng lên thì tiếng pháo hoa cũng đì đùng nổ, sáng loá cả một góc trời, mọi người vỗ tay vui mừng và cũng hát vang bài ca mừng lửa trại. Trong giây phút đó, ai cũng hào hứng ghi lại những khoảnh khắc đẹp, nhất là hình ảnh ngọn lửa vút cao, bừng cháy giữa đêm đen lạnh giá. Sức nóng tỏa ra từ ngọn lửa đã xua đi cái lạnh lẽo của mùa đông, sưởi ấm trái tim của mỗi người và xích mọi người lại gần nhau hơn. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, hàng trăm trái tim đã hoà chung một nhịp, mọi người nắm tay nhau cho dù không quen biết, ca hát, nhảy múa quanh ngọn lửa hồng. Vòng tròn có lúc giãn ra vì người đông quá, có lúc thu lại để mọi người được gần nhau và được gần hơn với ngọn lửa. Con nghĩ rằng chắc chắn lúc đó không ai cảm thấy lạnh cả, không lạnh không chỉ vì sức nóng của ngọn lửa mà còn vì “sức nóng” tỏa ra từ trái tim nhiệt huyết của mỗi thành viên trong gia đình Viên Ngộ. Sức nóng đó như lan tỏa đến những người Hàn Quốc có mặt trong đêm lửa trại, ngay cả Sư bà cũng hào hứng, đứng lên vỗ tay và cười rạng rỡ hòa chung niềm vui với những người con Việt. Người người hân hoan theo nhịp nhảy sạp quen thuộc ở quê nhà mà hiếm thấy trên đất khách. Ngày mồng hai Tết, đại chúng cùng nhau hành trì pháp lạy Tam bảo và những sinh hoạt khác tiếp nối. Trong thời khắc đầu năm mới, đã có nhiều anh chị phát tâm trở về nương tựa Tam bảo để làm mới cuộc đời mình. Buổi lễ Quy y được thầy giáo thọ hướng dẫn, truyền trao diễn ra rất trang nghiêm và thiêng liêng. Tiếp theo, cuộc thi “Ẩm thực Việt” với những món ăn được chế biến công phu, trình bày hấp dẫn từ 8 đạo tràng trên toàn quốc đã mang lại rất nhiều điều phấn khởi, hoan hỷ cho đại chúng. Gần như những món ăn tiêu biểu ba miền Việt Nam đều góp mặt trong cuộc thi trên đất khách này. Sau giờ cơm trưa đậm đà hương vị quê hương, chương trình chính của ‘Lễ hội Cát Tường 2018’ được chờ đợi nhất cũng đã đến. Buổi lễ được tổ chức rất trang nghiêm và thiêng liêng! Xúc động nhất với con là lễ ‘Truyền đăng’ sau khi đại chúng cùng tụng vang bài kinh Phước Đức. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, ai cũng tĩnh lặng, truyền cho nhau ngọn lửa, thắp sáng những chiếc hoa đăng trên tay như truyền cho nhau ánh sáng, niềm tin được quý thầy cô truyền trao từ ánh sáng của Đức Thế Tôn. Cả chánh điện lung linh ánh sáng nhiệm mầu! Với chiếc hoa đăng trên tay đã được thắp sáng, đại chúng cùng nhất tâm nguyện cầu thế giới hòa bình, Phật pháp hưng thịnh qua bài tụng “Nguyện cầu quốc thái dân an” của quý thầy cô. Một trong những tâm nguyện mà đại chúng đều hết lòng cho năm 2018 này là: “Chúng con cũng xin nguyện năm nay Tinh tấn tu tập mỗi phút giây Đủ duyên mua đất dựng xây Ngôi chùa Việt Nam xứ này hiện lên” Tiếp nối, mỗi người đều dâng cao ngọn đèn và thầm gửi những ước nguyện một năm mới an lành và hạnh phúc cho mình và những người thân thương. Trong giây phút thiêng liêng, thanh tịnh đó, chúng con lần lượt tiến lên bàn Tam bảo và dâng hoa đăng. Cùng với truyền thống dân tộc, nơi thiền môn, những hàng đệ tử cũng quy tụ về đối trước quý tôn đức khánh tuế đầu năm. Phật tử Đức Ngọc, đại diện Đạo tràng đã dâng lời tác bạch, đảnh lễ và dâng phẩm vật cúng dường lên quý tôn đức với lòng tri ân và thành kính.
Kế đến, trước sự chứng kiến của các vị sư khách mời, thầy, cô và mọi người, chương trình tổng kết “Nuôi heo đất - Cất chùa Việt” đã được diễn ra. Đây là giây phút háo hức và hồi hộp nhất của mọi người, trong đó có con. Tuy không để dành được nhiều nhưng chú heo xinh xắn con mang đến chùa lần này là cả tấm lòng con gửi vào đó với ước nguyện Đạo tràng Viên Ngộ chúng ta sẽ có ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Hàn. Tiết mục cuối của lễ hội lần này là “Xổ số may mắn” đầy thú vị. Ban tổ chức đã đem lại cho mọi người những tiếng cười sảng khoái. Vì vậy, dù không trúng được giải nào nhưng con cũng đã rất vui! Con biết để được tận hưởng một cái Tết xa thật đặc biệt và đầy tình yêu thương như thế này, thầy, cô và quý cô chú, anh chị đã phải vất vả biết bao nhiêu! Con biết, trong lúc mọi người đang say giấc thì Sư cô và nhiều cô chú phải thức trắng đêm để làm đồ ăn… Chính vì vậy, mỗi lần ăn, con đều luôn thầm cảm ơn người đã làm ra món ăn này và luôn dặn lòng phải lấy thức ăn vừa đủ, không để thừa thức ăn một cách lãng phí.
Điều cuối cùng con muốn nói là một tuần về chùa vui xuân đón Tết, con chứng kiến được nhiều điều và hiểu thêm được nhiều việc. Con thật sự rất thương Sư cô giáo thọ - người được mệnh danh là “Sư cô lam lũ”. Dù sức khỏe không tốt, thời tiết thì khắc nghiệt nhưng cô vẫn thức khuya dậy sớm, dành hết tâm huyết cho lễ hội, đặc biệt là nhọc công trang trí và nấu những món ăn Việt Nam rất ngon cho mọi người thưởng thức. Con xin cảm ơn quý thầy, cô cùng tất cả mọi người đã cho con một cái Tết thật tuyệt vời trên đất Hàn.Chia tay sau những ngày Tết ấm áp bên nhau cũng là lúc con chia tay với gia đình Viên Ngộ để trở về Việt Nam tiếp tục việc học của mình. Giờ phút chia tay, khi nhận được những cái ôm, những cái siết chặt đầy tình yêu thương, những lời dặn dò của cô và mọi người, con thực sự rất cảm động… Cho dù có đi đâu về đâu, đọng lại trong con vẫn là những ánh nhìn trìu mến, những lời khuyên dạy, dặn dò của thầy cô và mọi người! Trở về Việt Nam, con sẽ không bao giờ quên những giây phút hạnh phúc được ở bên đại gia đình Viên Ngộ!
Con rất tiếc là chưa đóng góp được nhiều cho Đạo tràng mình nhưng con sẽ cố gắng học và trong tương lai, nếu có duyên được trở lại, con vẫn mong được là một thành viên của gia đình Viên Ngộ và hy vọng sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đạo tràng... Thuỵ Kha (Đức Diệu Thiện)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |