Chi tiết tin tức

Lễ cúng cô hồn ở miền Tây Nam Bộ

20:58:00 - 28/10/2015
(PGNĐ) -  Theo tín ngưỡng dân gian, từ xa xưa người Việt vẫn quan niệm phần linh thiêng của con người gồm có hồn và vía (hay hồn và phách); mỗi người đều có ba hồn, nhưng người nam thì có bảy vía mà người nữ lại có tới chín vía.

Cũng theo quan niệm đó, khi con người chết đi thì một hồn vẫn ở lại tại nơi xảy ra cái chết, một hồn tồn tại quanh mồ mả, còn một hồn nữa thì phải đi theo phán quan dưới địa ngục để được xét công luận tội tùy theo hành vi của con người lúc còn sống nơi dương thế.

Từ đó, người bình dân có niềm tin cho rằng người chết ở nơi nào thì hồn người ấy vẫn luẩn quẩn nơi đó; nếu chết ở nhà thì được thân nhân cúng giỗ, được ăn được mặc; nếu chết ngoài đường thì vẫn có một hồn vất vưởng không nhà, không cơm ăn áo mặc, trở thành cô hồn, tụ họp nhau quấy phá người sống. Trong kinh doanh chẳng hạn, khi thấy buôn bán ế ẩm hoặc khi có xảy ra chuyện này chuyện khác… người bình dân nghĩ là do gặp cô hồn đòi ăn, quấy phá; để được yên ổn làm ăn, mua may bán đắt, người ta tiến hành nghi thức cúng cô hồn.

Qua khảo sát điền dã, người ta có thể thấy là trong đời sống của người dân ở miền Tây Nam Bộ, có những hình thức cúng cô hồn sau đây:

1.  Cúng cô hồn hàng năm vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch

Vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm, hầu như nhà nào ở miền Tây Nam Bộ cũng cúng cô hồn với những lễ vật linh đình. Khi cúng, hầu hết người ta bày lễ vật trên mâm và đặt ngoài hè, ngoài chái, ngoài sân… chứ không đặt mâm lễ vật trong nhà. Người bình dân miệt này tin rằng khi trong nhà đã thờ tổ tiên ông bà, là những hồn ma ở địa vị chủ, thì sẽ có những hồn ma cô độc vất vưởng ngoài đường không dám vào nhà để được phối hưởng. Đồ cúng thường gồm một dĩa để chung nửa gạo nửa muối; mười hai chén cháo trắng nấu loãng hay ba vắt cơm cũng được; mười hai cục đường thẻ (loại đường thắng từ nước mía), ít đồ mã là quần áo bằng giấy, giấy tiền vàng bạc, mấy cục kẹo, ba ly nước nhỏ, ba cây nhang và hai ngọn đèn cầy nhỏ cỡ ngón tay út; nhất là không thể thiếu mấy trái bắp nấu, vài khúc mía để nguyên vỏ, bởi dân gian tin rằng cô hồn rất thích hai món ăn này.

Sau khi chuẩn bị xong, chủ tế, thường là chủ nhà hoặc người cao niên nhất trong nhà, thắp đèn cầy lên, đốt nhang rồi đứng chắp tay khấn vái một cách thành tâm. Lời khấn vái phổ biến ở Sóc Trăng chúng tôi sưu tầm được như sau:

Kính lễ mười phương Tam bảo chứng minh. Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy năm… tôi là…, ngụ tại…

Phát lòng thành tịnh, thiết lập đạo tràng, bày tiệc cam lồ, Kỳ an gia trạch, Kỳ an bổn mạng.

Kính thỉnh:

Cô hồn xuất tại Côn Lôn/ Ở tam kì nghiệp, cô hồn vô số/ Những là mãn giả hằng hà/ Đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn nhỏ/ Ôi! Âm linh ơi, cô hồn hỡi/ Sống đã chịu một đời phiền não/ Chết lại nhờ hớp cháo lá đa/ Thương thay cũng phận người ta/ Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu/ Đàn cúng thí vâng lời Phật dạy/ Của có chi, bát nước nén nhang/ Cũng là manh áo thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên/ Ai đến đây dưới trên ngồi lại/ Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu/ Phép thiêng biến ít thành nhiều/ Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sanh/ Phật hữu tình từ bi tế độ/ Chớ ngại rằng có có không không/ Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng/ Độ cho nhứt thiết siêu thăng thượng đài.

Xin mời tất cả về nơi đây hưởng lộc thực đầy đủ… sau nguyện xin gia đình yên ổn, thuận lợi bán buôn, dòng họ quy hướng đạo mầu, con cháu học hành tinh tiến, nguyện cầu thế giới hòa bình, nhơn sanh phước lạc.

Nam mô tát phạt đát tha nga đa, phà lồ chí đế án tam bạt ra, tam bạt ra hồng (đọc 3 lần)

Án nga nga nẵng tam bà phạt phiệt nhựt ra hồng (3 lần).1

Cúng xong, người ta đem đồ mã đốt ngay tại chỗ, dĩa muối gạo được rải ra xa ngoài đường rộng rồi quăng đồ cúng ra đường với ngụ ý để cho cô hồn hưởng. Theo đó, trẻ con giành lấy, tục đó gọi là giựt giàn; bởi dân gian quan niệm rằng đồ cúng cô hồn thì người cúng không ăn bao giờ.

 3. Cúng cô hồn hàng tháng, vào ngày mùng hai và ngày mười sáu âm lịch mỗi tháng, trừ tháng Bảy đã cúng vào ngày rằm

Thường thì chỉ những gia đình nào có làm ăn kinh doanh buôn bán sản xuất gì đó thì mới giữ đều đặn lệ cúng cô hồn hàng tháng. Lễ vật cúng cô hồn hàng tháng ít hơn và đơn sơ hơn. Ngoài ra, khi buôn bán ế ẩm hoặc trong gia đình hay xảy ra chuyện này, chuyện khác,… người ta tin rằng đó là do cô hồn quấy rối. Để được yên ổn hoặc cầu mua may bán đắt, người ta cũng cúng cô hồn vào các ngày mồng hai hoặc mười sáu âm lịch. Lời khấn vái cũng ngắn gọn hơn:

Tôi tên là…, ngụ tại… quận, … tỉnh, Việt Nam quốc. Hôm nay là ngày mùng 2 (hay 16) tháng…, năm…, chúng tôi có ít quần áo, tiền bạc gởi cho chiến sĩ trận vong, oan hồn uổng tử, các đảng ở khắp nơi đang khuất mặt khuất mày đến nhận. Sau, xin phù hộ chúng tôi được buôn may bán đắt, mọi sự được sở cầu như ý. Chúng tôi nhờ các vị mà đạt kỳ sở nguyện thì lần sau sẽ xin cúng hậu tạ.

Đây là chút lòng thành xin các vị nhận cho.2

Các nghi thức cúng và đốt vàng mã cũng tương tự. Ở một số nơi còn chuẩn bị phương tiện cúng tống là mấy con ngựa và bộ cung tên làm từ bẹ chuối,… sau khi vái van, các hình nộm này được đem đặt ở đầu đất ruộng, họ tin rằng, như vậy các “vong hồn chiến sĩ” sẽ lên đường không hãm hại, quấy phá nữa.

3.  Cúng tống ôn binh

Tục này bắt đầu từ những ngày người bình dân đến vùng đất này khai hoang phục hóa. Trong hoàn cảnh muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, bước chân ra xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma, nhiều người bỏ mình vì gió thiêng nước độc, nhiều bệnh dịch hoành hoành dữ dội cướp đi tánh mạng của biết bao sanh linh.

Bất lực trước hoàn cảnh, người bình dân tin rằng bệnh tật đó là do ma quỷ cô hồn các đảng gây ra, hoặc do những kẻ khuất mặt đùa giỡn, quở trách. Vì thế, trong nhà, trong xóm có chuyện không lành người ta tổ chức cúng tống cô hồn.

Nghi thức cúng cô hồn này thường diễn ra không kỳ định. Theo tác giả Trần Phỏng Diều thì lễ tống ôn – tống gió được tổ chức không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi chọn ngày 15, 16 tháng Giêng âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, hoặc 15 tháng 7 âm lịch, nhưng đa số chọn ngày 19 tháng Giêng âm lịch.3

Cúng tống ôn là việc của cộng đồng; do đó, trong làng hay trong xóm đồng lòng cử một vị có uy tín đừng ra sắp xếp. Nghi thức cúng có ý nghĩa là đưa tất cả những vong linh của cô hồn trong khu vực ra khỏi cộng đồng làng xóm đang có dịch bệnh. Do đó, người ta phải làm một con tàu bằng bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó có khung bằng tre trúc, xung quanh thân tàu có dán giấy màu đủ loại vừa tạo sự kín đáo vừa đẹp mắt cho ma quỷ thích. Trên tàu còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo, xung quanh tàu có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dành cho những người nghèo ở cõi âm.

Tàu làm xong, người ta kê bàn vọng trước một khu đất gần bờ sông, bờ kênh dùng làm lễ đài; lễ vật cúng thường có đầu heo, gà luộc, rượu, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà, … Người chủ tế thắp nhang khấn vái xong, lễ vật cúng được để vào giữa lòng tàu. Rồi mấy người hè nhau khiêng tàu thả xuống sông cho nó trôi đi với ý nghĩa đem đi theo nó mọi điều xui xẻo, dịch bệnh giữa dòng nước để nó đem theo những điều xui rủi, tai ương của xóm làng về một nơi vô định nào đó. Gà, vịt luộc, hay xôi vắt trên tàu chỉ có trẻ chăn trâu nhiều năm mới dám “kêu” tàu ghé, và lấy ăn, bởi ôn binh sợ đám mục đồng ấy, phải nghe lời chúng! Người khác phải tránh xa, hay tham ăn lấy vật cúng trên tàu sẽ bị bẻ gãy tay!

4.  Có những đứa trẻ không may mắn chỉ tượng hình trong bào thai chứ không thể ra đời hoặc những đứa trẻ chết yểu

Dân gian vẫn tin rằng những sinh linh ấy vẫn có linh hồn. Chúng cũng hiện diện trong tâm thức của cha mẹ và anh chị em của chúng. Và khi chúng nhõng nhẽo quấy khóc thì người trong nhà hay sinh ra nóng nảy bực mình. Vì thế, sau 12 trưa các ngày mùng hai hoặc mười sáu hàng tháng, những nhà hữu sự thường hay cúng vong ấu nhi.

Lễ vật cúng bày trong nhà nhưng chỉ để trên cái bàn nhỏ, không được đặt trên bàn thờ. Thức cúng gồm dĩa gạo, muối, bánh ngọt thứ ngon (không phải thức dành cúng cô hồn ngon dở gì cũng được), ít cục kẹo, ba ly nước, đồ vàng mã gồm: một bộ quần áo của trẻ nhỏ, cặp, sách, viết, ít tiền, vàng bạc, … nhang, đèn cầy.

Đốt đèn, nhang chủ nhà đứng cầm nhang, chấp tay khấn: Hôm nay là ngày… tháng… năm, con tên là, … tuổi, ngụ tại … quận, … tỉnh, Việt Nam quốc, kính xin Thổ Công, Thần Tài, Thổ Địa, cho phép con cúng lễ cho ấu nhi hữu danh vô vị, hữu vị vô danh. Cha (hoặc mẹ) mời ấu nhi cậu trạng (hay đồng cô) về đây hưởng lễ cha (mẹ) cúng, gồm các bánh kẹo, quần áo bạc tiền, sách vở, … Ấu nhi hãy thọ nhận rồi theo Phật pháp mà tu học, độ trì cho cả nhà ta vạn sự may mắn tốt lành, tài lộc dồi dào,… Ấu nhi hãy vui vẻ thông cảm cho cha mẹ vì hoàn cảnh thế gian mà không thể bảo vệ cho con được, từ đây, biết có con cha mẹ sẽ lo cho con.4

Khi nhang cháy chừng hai phần thì đốt vàng mã, rải gạo, muối ra đường. Phần bánh kẹo thì không bỏ mà đem chia nhau cả nhà ăn để có lộc cậu (cô).

 5. Vào ngày giỗ của ông bà cha mẹ

Trong lúc cúng cơm mời thỉnh người thân đã khuất về thọ hưởng, dân gian ở miền Tây Nam Bộ cũng luôn nhớ đến vong linh những người quá cố không may thiếu người cúng giỗ đã trở thành những cô hồn đang vất vưởng làm kiếp ma đói. Vì thế, bên cạnh mâm cơm cúng ông bà, phần lớn các gia đình ở miền Tây Nam Bộ đều bày thêm một mâm cơm cúng cô hồn. Mâm cúng này cũng được dọn ra trước hàng ba, ngoài sân, bên hè chái, … Đồ cúng trong mâm cũng đơn giản hơn mâm cúng chính đặt trên bàn thờ tổ tiên hoặc trong gian nhà giữa. Trong mâm cúng cô hồn này thường có tô canh khổ qua dồn thịt, lòng heo, gà xào khóm, dĩa thịt kho và năm ba, chén cơm, …

 6. Và cuối cùng là nghi thức Beân Pchum bôn – Lễ đặt cơm vắt của người Khơ-me

Trong khuôn viên chùa Khơ-me nào cũng có nhiều ngọn tháp nhọn, cao dùng để đựng hài cốt của người quá cố. Mỗi năm từ 16 đến 30 tháng Asath (tháng Tám âm lịch), các Phật tử cùng nhau lên chùa làm lễ Pchum Ben để tạo phước cho linh hồn người quá cố. Theo ngôn ngữ Khơ-me, Pchum có nghĩa là một cuộc gặp gỡ và Ben là quả cầu làm bằng thứ gì đó như cơm hay thịt.

Các vị Achar phân công cho từng nhà thay phiên nhau đem gạo, thực phẩm, nhang đèn, tiền bạc,… về chùa để tổ chức nấu nướng và cúng lễ. Trong nhiều mâm cơm, có một mâm, cơm được vắt thành từng viên tròn bằng trái cam, người Khơ-me gọi là bay ben, là cơm vắt, là cơm dâng cho người đã khuất. Bay Ben được đặt trong mâm cùng với bánh trái, thức ăn, thức uống đem lên chùa cúng Tam bảo. Trong dịp lễ, các sư sãi tụng kinh nhằm cầu phước cho linh hồn những người quá cố. Sau đó đem cơm vắt ra ngoài cúng cho ma quỷ.

Tóm lại, bằng nhiều hình thức khác nhau trong tín ngưỡng dân gian của người đồng bằng sông nước Cửu Long, cô hồn vẫn tồn tại. Người ta sẵn lòng chia sẻ chén cơm, ly nước với mong muốn ở thế giới bên kia, cô hồn, những kẻ gặp bất hạnh lúc lâm chung, đỡ phần lạnh lẽo, đói khát. Nếu không có những sự bày vẽ mang tính phô trương và không bị tác động bởi những hành vi mê tín thái quá, tục cúng cô hồn của người miền Tây Nam Bộ vẫn mang tính nhân bản, thể hiện sự quan tâm của người hiện tiền đối với những người khuất mày khuất mặt.■ „

 

Bài & ảnh: MINH THƯƠNG

 

Chú thích:

  1. Ghi theo lời khấn của bà Lê Thị Hên, ấp Vĩnh Hòa, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
  1. Ghi theo lời khấn của ông Lê Phát Tài, ấp Ngan Kè, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.
  2. Trần Phỏng Diều, Lễ tống ôn – tống gió ở Nam Bộ, báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, 5 – 2010.
  1. Ghi theo lời khấn của bà Tám Mụ, xã Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 186

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin