Chi tiết tin tức Khát uống trà mai 07:32:00 - 09/05/2015
(PGNĐ) - Trà mai đượm vị thiền ghi dấu trong thơ văn xưa đã mấy thế kỷ làm đau đầu giới trà sĩ...
Trà mai đượm vị thiền ghi dấu trong thơ văn xưa đã mấy thế kỷ làm đau đầu giới trà sĩ. Hóa ra, đó là nước uống thông dụng của người Hương Sơn, một đặc sản của lễ hội chùa Hương. Cởi tục trà thường pha nước tuyết Cởi tục là cởi bỏ những ưu phiền thế tục, pha nước tuyết là nước trong nhất, nước băng, nước sương trong Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng Cuối thế kỷ XV, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) rũ áo từ quan ung dung tự tại hưởng nhàn Khát uống trà mai hương ngọt ngọt Mấy câu thơ ấy đã để lại một công án trà mà mãi đến cả bốn thế kỷ sau mới có người luận giải. Kiều Oánh Mậu (1854 – 1912), đỗ phó bảng năm 1880 thời vua Tự Đức triều Nguyễn, từng viết: “Thiền gia dụng mai bì tác trà, danh hồng mai” (người nhà chùa dùng vỏ cây mai chế biến thành trà gọi là hồng mai). Kể từ khi bén duyên với cửa Phật, cuối năm 1998, đến giờ, trong các buổi thiền trà ở chốn già lam nào tôi cũng mang chuyện trà mai ra bạch các thầy. Nhưng tịnh không ai nghe nói đến việc các thiền sư tự cổ chí kim đẽo vỏ cây mai làm trà cả. Đúng là vô duyên thì vật ngay trước mắt cũng chả nhìn ra. Thì đấy, tôi đi chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) đã 22 năm nay mà mãi đến hôm vừa rồi mới tình cờ biết người đất này gọi cây mơ bằng cả tên là mai nữa. Tối đó khi khách hành hương đã ra về hoặc đi nghỉ trọ cả, đất Phật trở lại vẻ yên bình như vốn có. Tôi đi tha thẩn từ cổng chùa Thiên Trù xuống bến Trò. Thấy một sạp bên tay phải ở cuối dốc bày dao cầu, thuyền tán và nhiều hộp đựng thuốc Nam; lại có những cục gỗ lũa được đục, khắc khéo léo và cả thư pháp phấp phới bay trên giấy hồng điều, tôi vui chân rẽ vào. Một anh thanh niên buông sách ra mời trà. Anh là Bùi Nam Hải, 38 tuổi, chủ sạp, người thôn Yến Vĩ. Từ ngày còn lẫm chẫm đã theo cha mẹ vào núi khai hoang, trồng trọt… cho nên rừng nào nhiều thú, thung nào có nhiều cây thuốc, mơ mọc ở núi đá nào thì quả sai, nhiều nước… anh thuộc như lòng bàn tay. Khi đã vui chuyện, tôi than phiền rằng đặc sản mơ chùa Hương ngày càng vắng bóng; mỗi mùa hội, người dân đều phải lấy mơ từ các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang về bán làm du khách phải ngơ ngẩn rừng chiều… giả hiệu. Anh bảo mơ trồng gần mười năm mới cho quả, không kinh tế nên bà con chẳng mặn mà. Rồi anh chép miệng: “Rồi mai này chả ai còn biết gì về thứ nước thanh mai đặc sản chùa Hương nữa!”… Càng già càng khô, càng quý, càng thơm Sáng sớm hôm sau, tôi vịn ngay vào hai tiếng thanh mai để leo những bậc đá gập ghềnh của chốn tùng lâm Hương Tích. Hỏi chuyện nước thanh mai, chị Bùi Thị Năm, 44 tuổi, bán hàng ở bụng Tiên Sơn, phăm phăm ra sau nhà mang lên một khúc gốc mơ cả trăm tuổi, già đanh, đã bị mối ăn hết lớp vỏ, còn trơ lõi. Chị lấy dao mác đẽo dăm mảnh như cái đóm, rửa sạch rồi cho vào niêu đất đun. Khoảng mười lăm phút sau, chị bê lên một đĩa củ mài luộc trắng tinh, bở tung, một bát chè sánh, trong và một bát nước màu hồng. Thảy đều bốc hương ngào ngạt. “Nước thanh mai uống thanh nhiệt giải độc, mát gan bổ thận, lại thơm tho. Chè củ mài ăn ngọt, mát. Đặc sản chùa Hương đấy”, chị vồn vã. Tôi đang ung dung ngồi nhâm nhi nước thanh mai thì một bà lão từ lán bên sang bắt chuyện. Bà là Trịnh Thị Thịnh, 80 tuổi, mẹ chị Năm, người thôn Yến Vĩ. Hai mươi tuổi bà lấy ông Bùi Văn Châu (mất từ ba năm nay, thọ 77 tuổi) rồi vợ chồng lên khu bụng Tiên Sơn khai khẩn đất đai trồng củ mài, rau sắng, mơ… và mở quán bán hàng ăn lộc Phật từ đó đến nay. Sáu người con của bà cũng vậy, ngày thường thì trồng trọt, chăn nuôi trên núi; ba tháng xuân hội thì tụ về dựng sạp bán những thứ cây nhà lá vườn kết hợp cho khách thuê chỗ nghỉ, gửi hành lý. Bà Thịnh bảo, từ xửa từ xưa, người dân Hương Sơn vẫn thường tìm trong những thung lũng trên núi đá đào lấy những gốc, rễ của cây mơ già tuổi từ dăm bảy chục năm đến cả trăm năm, chết, bị mối ăn hết phần vỏ, chỉ còn trơ lõi, về dựng, xếp quanh năm ở góc nhà. Ngày ngày, người ta lấy dao đẽo vài mảnh như cái đóm cho vào siêu đổ nước đun khoảng mười lăm phút là được một thứ nước từ hồng hồng đến đỏ như máu (tùy theo số lượng mảnh gỗ). Uống thơm, mát, vị thanh, ngọt hậu nên già trẻ lớn bé đều thích. Ông Lưu Văn Đen, 83 tuổi, người làng Hội Xá, thì bảo rằng người dân ở đây quanh năm uống nước thanh mai (còn gọi là nước lũa mai, nước lũa mơ, trà lão mai), nhất là vào tháng tư, tháng năm nóng nực thì uống càng mát, càng sảng khoái. Sáng sớm, các bà nội trợ khi thức dậy nấu cơm thì cũng đun một nồi nước thanh mai để cả nhà uống suốt ngày. Gốc mai già lấy trong thung giữa núi đá, càng già càng khô, càng quý, càng thơm. Hơn sáu năm trước, nhà văn Hoàng Đình Quang được bạn kỳ công mang khúc gỗ mơ già từ chùa Hương về thành phố Hồ Chí Minh chẻ dăm pha nước mời uống. Ông đã xúc động: “Nhìn bạn hiền ngồi chẻ từng thanh nhỏ khúc gỗ mơ già, một cách siêu chậm, tôi lại nghĩ đến cái thuở bé con, mới 13 – 14 tuổi đầu, ông bác tôi cũng ngồi chẻ nhỏ cái khúc củi ấy để pha vào cái ấm đá, rõ cẩn thận, rõ nhiệt thành… Đến lúc bác rót ra cái tách nhỏ xíu, thấy tôi cứ giương mắt nhìn, ông cũng rót cho tôi một tách mà bảo: ‘Uống đi!’. Tôi uống dè sẻn, rồi dại dột buông một câu: ‘Cháu chả thấy gì!’. Bác tôi lắc đầu: ‘Các anh thô thiển lắm!’. Tôi bị mắng nhưng tự dưng lại thấy mình lớn lên. Bây giờ ngồi nhìn ngọn lửa liu riu, nhìn mấy thanh gỗ già mà yểu điệu như cái tăm, tôi bồi hồi quá! Cây mơ (mà người xưa gọi là mai) mọc bạt ngàn trên đường lên Tuyết Sơn – Hương Tích cho hoa tuyệt sắc, cho dáng làm tứ thi, cho quả là đặc phẩm, khi già lão cho cái cốt cách làm một loại trà, ấy là trà lão mai!”. “Giờ thì tôi thấy rồi! Cái vị thanh thanh mơ hồ của lão mai khiến tôi thấy cái vị, cái hương của nàng thanh nữ với chiếc áo cánh lụa mỡ gà lướt qua. Chỉ lướt qua thôi! Ấy thế mà cũng khiến cho ta nhóng cổ ngó theo… Giữa một sáng Sài Gòn bất thần trở mát, uống trà lão mai, thấy được ruột gan của mình mà ngẫm ra muôn nhẽ”. Thi sĩ Nguyễn Bính khi xưa trảy hội chùa Hương, trên đường trở về thấy cô con gái hái mơ già trong ánh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |