Chi tiết tin tức Tết 21:17:00 - 06/04/2016
(PGNĐ) - Xét về ý nghĩa, Tết mang nội hàm đa nghĩa. Nó không phản ánh nội dung cụ thể mà vươn tới tính chất bao quát, giàu giá trị biểu cảm.
Tôi từng tự hỏi mình rằng, sau này di trú sang thế giới bên kia, điều gì đáng nhớ nhất trên trần gian này? Câu trả lời đó là nhớ Tết. Tết thể hiện lý tưởng cuộc sống được đảm bảo bằng một niềm tin bất diệt cho mọi sự khởi đầu đều mang nội dung và ý nghĩa tốt đẹp. Tết linh thiêng tự bản thân, không cần ký thác cho số phận hay mặc nhiên cho định mệnh thường nhật. Tết hiển nhiên có tự bao đời, dù lịch sử đã trải qua nhiều đổi thay, niềm tin về Tết vẫn trường tồn, mãi mãi. Nhiều tập tục, nghi lễ bảo lưu từ bao đời chẳng hề ràng buộc Tết vào quy phạm tín ngưỡng hay đạo đức xã hội. Nó thể hiện tâm thức trân quý giây phút thiêng liêng khi đất trời giao hòa và con người viết lên ước nguyện của mình. Ngày xưa, cư dân Việt cổ còn dựng cây nêu trong những ngày Tết truyền thống. Cây nêu dù mang ý nghĩa biểu trưng của một sơ đồ vũ trụ thu nhỏ tọa lạc chốn nhân gian hay đơn giản phơi bày những gì người ta mong ước thì vượt lên trên hết, nó là đường kết nối giữa Trời – Đất và Người. Thông qua cây nêu, người dân gửi lời cầu mong lên trên trời cao, chuyển bức thông điệp chất đầy tâm tư của địa giới tới các vị thần. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi trong “Kho tàng truyện cổ tích việt Nam”, cây nêu còn gắn với sự tích: Ngày xưa có con quỷ chiếm toàn bộ đất nước, con người chỉ làm thuê và có nhiệm vụ nộp lúa thu hoạch cho nó. Quỷ càng ngày càng lộng hành, bóc lột tàn khốc, giành hết phần của con người. Cuối cùng con người phải cầu viện Đức Phật giúp đỡ. Sau khi thỏa thuận, Phật chỉ xin nó miếng đất rộng bằng bóng phủ của chiếc áo cà-sa. Quỷ đã đồng ý và Phật dùng phép thuật làm cho chiếc áo cà-sa che phủ kín hết toàn bộ đất đai. Quỷ mất đất phải chạy về phía biển. Câu truyện kết thúc đạt được một thỏa thuận đánh đuổi con quỷ ra khỏi cõi người bằng khế ước, từ đó năm mới đánh dấu sự khởi đầu cho một niềm vui an lành, tốt đẹp. Không gian ngày Tết sở dĩ mang tính thiêng liêng là vì có sự tham gia của thế giới hữu hình lẫn vô hình. Tất cả hòa trộn, hội tụ về cuộc sống quy chiếu qua một không gian thiêng. Nhất cử nhất động của mỗi người đều thẩm thấu bởi trục thiêng xác tín niềm tin mãnh liệt mang ý nghĩa mở màn cho một vở kịch kéo dài suốt năm. Tết trở thành thời khắc vàng, quy kết con người vào một định mệnh dài, ở đó, mọi sự khởi đầu. Xét về ý nghĩa, Tết mang nội hàm đa nghĩa. Nó không phản ánh nội dung cụ thể mà vươn tới tính chất bao quát, giàu giá trị biểu cảm. Ở tiếng Hán, Tết gọi là “xuân tiết” nhằm chỉ những ngày lễ truyền thống diễn ra vào dịp đầu năm. Trong quá trình du nhập văn hóa Việt, từ mang ý nghĩa minh xác là “xuân” mất đi để lại từ “tiết”, sau khi đọc chệch âm thành “Tết” đã biến đổi về chất thành một phạm trù rộng, có nội hàm đa nghĩa, thiên hướng biểu cảm. Từ đó, Tết đã làm một cuộc thay da đổi thịt để hòa nhập văn hóa xứ sở với tính chất vô thức tập thể. Ở đây, Tết không còn giới hạn chiều thời gian xác định, mà thiết lập nên không gian thiêng tương quan. Người ta dường như đã quên mất ý nghĩa nguyên khởi của Tết cùng với những thói quen thường nhật, quên đi ngày, tháng cụ thể mà chỉ sống với những biến thiên, co giãn mang tính ước lệ. Văn hóa Đông Á chia một giờ thành 120 phút theo 12 con giáp. Điều đó cho thấy biên độ bao dung của đơn vị thời gian này. Sau khi khoác lên thời gian những cái tên (Tí, Sửu, Dần, Mão…) huyền hoặc cổ tích, thời gian trở thành những thực thể sống động chi phối cuộc sống. Con người tự đưa mình vào cõi văn hóa mơ hồ ấy để suy tư, ứng xử cho phù hợp với không gian đất trời. Tết sản sinh trên cơ tầng của văn hóa hàm hồ đến mức có thể đẩy nội hàm ra xa vô tận với những khái niệm không cần dung chứa ý nghĩa cụ thể, chỉ cần cảm thụ một cách sâu sắc. Nó đi giữa đường biên mong manh của hàng loạt những quan niệm, tập tục không cần cắt nghĩa. Tất cả đều thông qua hành vi, quan niệm du di, “chín bỏ làm mười”, cởi mở, bao dung, rũ bỏ cái cũ, đón mừng cái mới với tâm thái an lành. Chúng ta có thể thấy rõ tư duy xê dịch của văn hóa Việt trong những ngày Tết. Đi kèm với Tết là hàng loạt tập quán, quan niệm hết sức mơ hồ, như ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết, sắm Tết, Tết mà… Nếu như Chơi Tết có thể liên hệ với tục Du xuân xưa kia, thì trên thực tế, Du xuân mang dáng dấp của một sinh hoạt văn hóa, khác Chơi Tết thể hiện tâm thức tận hưởng khoảng thời gian quý giá trong thực tại. Vượt lên trên hết, con người muốn trút lên Tết những gì mình ký thác về cuộc sống này, thay vì xác định tính chất của hiện tượng. Người Việt vốn có quan niệm phi định vị về thời gian, cho dù sống trong xã hội công nghiệp, tư duy về thời gian vẫn duy trì tính chất xê dịch. Tết ta tính bằng mùng, khác hoàn toàn khung thời gian định chế, minh xác, cụ thể như văn minh phương Tây. Ý nghĩa thời gian đó lồng ghép, đan cài vào quan niệm mù mờ để thay da, lột xác thành thứ Tết mang đậm màu sắc, phong vị của người phương Nam hiền hòa, bao dung, cởi mở và thấm đẫm tình người xứ sở. Trong ngôn ngữ thường nhật, người ta không dùng từ Tết về, mà luôn phải là Tết đến. Tết chẳng bao giờ lặp lại mình một cách nguyên dạng. Không giống như tâm thái đón cố nhân trở về từ đường xa vạn dặm mà Tết thả mình từ thiên giới xuống cõi nhân gian, dịch chuyển theo trục thời gian – không gian thiêng. Nơi sở trú của muôn loài không hân hoan đón Tết như thế giới loài người. Xét về mặt tâm thức, Tết chỉ thời khắc chia tay năm cũ và đón chào năm mới. Đi kèm với Tết là những giờ phút xao xuyến mong chờ, đan xen giữa quá khứ, tương lai và hiện tại. Người xưa còn có tục“Thủ tuế”diễn ra vào đêm Giao thừa, một thói quen thức thâu đêm để chờ giây phút chuyển giao giữa hai năm cũ và mới. Theo truyền thuyết, đêm cuối năm có con “Niên thú” ăn thịt người xuất hiện, mọi người phải quây quần bên nhau, thức thâu đêm bảo vệ sự yên bình của cuộc sống. Xuất phát từ thực tại, “Thủ tuế” cho thấy ý nghĩa quý báu những khoảnh khắc lặng lẽ, âm thầm trôi qua giữa năm cũ và mới. Đây là kết quả của tình người lưu luyến trước sự biến đổi về thời gian. Năm cũ qua đi và năm mới sắp đến. Người già tạm biệt tuổi cũ của mình, càng thêm trân quý thời gian ngắn ngủi trong đời, người trẻ mừng thêm một tuổi mới. Giữa thời khắc chuyển giao, tâm trạng bề bộn với bao niềm mong đợi và luyến tiếc trở thành cảm xúc phức hợp đưa đẩy con người xô giạt trong niềm khát khao, hy vọng… Phản chiếu qua những ngày con người bắt đầu sống bằng tâm thức lịch âm, xâu chuỗi hành vi ứng xử vào ước nguyện nội tại, giây phút sống trọn với Tết cho cảm giác tận hưởng từng phút giây trên thực tại. Sống trong chiều thời gian của Tết, con người trải lòng mình giữa thiêng liêng đất trời. Từ hoang liêu cổ tích, ký ức như những mảnh ghép rời rạc chất chồng, xếp lên nhau theo chiều dài năm tháng. Trạng thái đan cài giữa quá khứ – tương lai đa chiều đồng hiện trong giờ phút hiện tại đọng sâu trong tâm hồn mỗi người. Tết mang dư vị của niềm hoan lạc, bồng bềnh trôi qua chóng vánh. Trong chuỗi ngày dài bình thường, Tết như những khoảnh khắc phi thường của năm tháng vô tận. Kể từ ngày ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, tuổi của chúng ta so với tuổi trời, tuổi đất, tuổi trăng sao, tuổi gió hồn nhiên không tuổi vẫn mãi như đứa trẻ. Đất trời đổi đắp, muôn vật sinh sôi, hình ảnh thiên nhiên luôn đọng lại trong tâm trí con người như những tác phẩm không bao giờ lặp lại mình. Trong văn hóa, Tết chính là một tác phẩm luôn tự làm mới bằng sự chuyển dịch ý nghĩa và thời gian. Vượt lên trên những ngày bình yên, Tết tiềm ẩn những xao động trong lòng người. Ẩn chứa đằng sau sức mạnh của những phút giây xao xuyến có gió mát, trăng thanh, cỏ cây êm đềm… chúng ta mòn mỏi chờ quanh năm suốt tháng những giây hân hoan đón Tết. Trong niềm vui giao hòa, Tết thuộc thời khắc phi thường trong chuỗi ngày bình thường làm nên năm tháng cuộc đời. Nói về ý nghĩa, Tết có thể quy kết về một khái niệm có nội hàm bao dung, thu gom cả nghĩa đen lẫn bóng. Người ta có thể nhân danh Tết để làm những việc khác với thói quen thường ngày, tha thứ, bỏ qua, chấp nhận những lầm lỡ, hờn giận… Tết có đường biên bao quát, cởi mở, mênh mông, có khả năng dung chứa những sai lệch, khác biệt… Tết vừa là sinh nhật của trời, đất, vừa là sinh nhật của con người. Tết đi qua, tuổi người cũng trôi qua. Cho dù chúng ta không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng vẫn lớn lên theo Tết. Tết muôn tuổi và không tuổi nhờ đánh dấu bằng một niềm vui mang ý nghĩa khởi đầu. •■
LÊ TỪ TRÂN
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |