Chi tiết tin tức

Trở về với cội nguồn tâm linh

19:57:00 - 28/02/2019
(PGNĐ) -  Đạo Phật 2.000 năm ở Việt Nam và sự tiếp nối của người trẻ hôm nay ra sao, họ đã bồi đắp gốc rễ tâm linh như thế nào giữa cuộc sống gấp gáp, lao chen bên ngoài?

 

coinguon.jpeg
Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp - Ảnh: Làng Mai

“Con là sự tiếp nối của ba má”

1tt.jpg

Chị Võ Thị Thanh Thương

Bắt đầu tìm hiểu về đạo khi ba bị bệnh ung thư, chị Võ Thị Thanh Thương, Phó Giám đốc phụ trách khối nhà sách khu vực miền Nam - Thái Hà Books mong muốn tìm kiếm một cách nào đó để giúp ba. Theo đó, chị đã tới chùa tụng kinh mỗi khi đi làm về để hồi hướng đến người cha của mình.

Đến khi người cha nhập viện, chị xin nghỉ việc tại công ty xuất khẩu thủy sản để có thể chăm sóc cho ba, chị thấy công việc này không mang lại nhiều phước, và có một cái gì đó thôi thúc chị phải rời đi.

Chị kể ba và chị có một sự tương thông rất lớn. Trong những ngày ở bệnh viện chăm ba, nghe tiếng thở của ba trong đau đớn, chị thấy “như chính mình bị đau”, lúc đó chị mới ý thức về tình thương, chị thấy mình chưa biết cách thương.

Rồi khi ba mất, chị chìm trong đau khổ, hụt hẫng trong suy nghĩ, thấy cuộc sống không ý nghĩa, mọi người trong nhà rất lo. Khi đọc kinh Địa Tạng - nói về những gì làm được cho người chết, vậy là chị phóng sanh, ấn tống kinh sách, thiện nguyện, phát cơm từ thiện,… “Tôi thấy lúc đó mình cứ làm trong vô thức, tất cả vì thương mà làm cho ba”.

Rồi trong một lần tham gia khóa tu do công ty tổ chức, trong ý nghĩa hiện hữu là hiện hữu trong tương tức, chị đã bật khóc khi biết “ba không có mất đâu, ba ở trong từng tế bào của em, nếu em sống tốt thì ba sẽ hạnh phúc”.

Chị đăng ký tham gia khóa tu tại Làng Mai Thái, khóa tu giúp chị hiểu hơn tại sao con là sự tiếp nối của ba mẹ. Chị bắt đầu chăm sóc mình, tập ăn trong chánh niệm, tập ngồi yên và thấy mình có nhiều hạnh phúc. Chị ý thức, được trao truyền những hạt giống đẹp từ ba, sự hiếu thảo, dễ thương nên phải phát huy những hạt giống đó. Rồi nghĩ về tình thương, chị với mẹ không thuận ở nhiều quan điểm sống, biết không thể như thế được, chị chuyển đổi mình. 

Với chị, “công việc không chỉ là công việc, tôi thấy nó là trách nhiệm của mình, nó mang lại cho tôi năng lượng, càng làm càng muốn làm. Vì trong quá trình làm, tôi cũng đang tập chuyển hóa tập khí của mình”. 

Chị nói, từ công việc, chị may mắn có những vị thầy tâm linh chia sẻ lúc khó khăn, và chị trân quý những nhân duyên đó. Chị chia sẻ: “Tôi đang nuôi dưỡng để mình vững chãi hơn mỗi ngày, để có thể chia sẻ với gia đình... ‘Chúng ta biết rằng mỗi chúng ta ngoài gia đình huyết thống, phải có một gia đình tâm linh. Nhờ gia đình tâm linh, chúng ta được nuôi dưỡng trong đời sống tâm linh của mình. Ta biết làm thế nào để nhận diện, ôm ấp, trị liệu, chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của ta, ta mới có thể phục vụ được cho gia đình, quốc gia, xã hội một cách thành công, vững chãi, hữu hiệu’, như lời Sư ông Nhất Hạnh nhắc nhở”.

“Anh thương má lắm”

2tt1.jpg

Anh Trương Minh Nhi (phải)

Anh kể, trong đời chỉ có một lần làm má buồn, đó là ngày xưa đi học, rủ bạn bè đi chơi, má nói ăn cơm rồi hãy đi, nhưng anh nói lại hơi lớn tiếng “con đi xíu về con ăn, nói hoài vậy”. Khi nói câu đó, bao ánh mắt bạn bè nhìn anh, rồi anh nhìn má, thấy ánh mắt má buồn lắm, anh biết mình sai, nên tự hứa sẽ không bao giờ làm cho má buồn nữa. Đó là tâm tình của anh Trương Minh Nhi, Gia đình Phật tử Kỳ Quang (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Thương má, nên khi đi làm xa là tối anh về chơi với má. “Má vui là tôi vui rồi”, anh Nhi bày tỏ. 

Gia đình có truyền thống đạo Phật, nên từ nhỏ Nhi được các chị hướng dẫn đi sinh hoạt Gia đình Phật tử, từ những lần bỡ ngỡ không thích vì bị bắt đi, cho đến khi phấn đấu học để được phát nguyện, đi các trại huấn luyện từ đoàn sinh đến huynh trưởng, với anh, hiện tại Gia đình Phật tử luôn là ưu tiên hàng đầu vào chiều Chủ nhật.

Anh kể, mỗi anh chị lớn đều là những tấm gương mà anh noi theo học hỏi về sự nhiệt huyết, về tình thương, nên anh trân quý vô cùng mỗi chiều đi sinh hoạt. Với anh, khi mặc áo Gia đình Phật tử là thân giáo phải trang nghiêm, “vì mình là hình ảnh để các em mình noi theo”. Nên anh luôn cân nhắc, cố gắng trao truyền những hạt giống dễ thương nhất, mát mẻ, trong lành nhất đến đàn em. Còn những hạt giống chưa được dễ thương, biết mình vẫn có những gốc rễ đó nên anh ôm ấp, chuyển hóa trước khi trao truyền. 

Hiện anh đang làm chủ một quán cà-phê tại Gò Vấp, khi vắng khách, anh nghe thuyết pháp để có thêm kiến thức hướng dẫn cho các em.

Cách anh tu tập rất đơn giản, mỗi ngày khi thắp nhang, anh cầu bình an sức khỏe cho ba má, cho hai vợ chồng, và mọi người. Anh nói nếu mình làm điều gì đó cho mẹ mình vui thì mình đang ở cõi lành, còn làm chuyện xấu như là đang ở địa ngục, vậy đó. “Hãy sống thật với mọi người như sống thật với bản thân, để không mắc nợ, không làm cho ai buồn, không làm ai giận, vui sống mỗi ngày”. Với cái tâm ấy, anh bán không dối với mọi người. Sống thật, cảm thấy vui với việc mình làm “nên tôi nằm xuống là rất dễ ngủ”.  

Anh bảo mình may mắn, lúc khó khăn được sự động viên của vợ, cũng là huynh trưởng cùng đơn vị Gia đình Phật tử, vậy là anh sống mỗi ngày đều vui. “Tôi được may mắn có một gia đình huyết thống và tâm linh trao truyền văn hóa tâm linh đi thẳng vào trong từng tế bào của cơ thể nên mọi thứ với tôi trong con đường tâm linh đều rất tự nhiên như hơi thở”.

Hạnh phúc ngay bây giờ

3tt.jpg

Chị Nguyễn Thanh Thanh

Chị kể, sau hơn 10 năm thực tập Phật pháp, giờ chị mới thấy mình thật sự hạnh phúc, bởi chị nhận ra và tự sửa mình để làm cho mình ngày càng dễ thương hơn.

Kế toán trưởng, nhóm trưởng quản lý hệ thống sản xuất an toàn thực phẩm của Công ty sản xuất hạt điều Huỳnh Minh, chị Nguyễn Thanh Thanh luôn chịu áp lực từ nhiều phía và phải tiếp xúc với nhiều đối tượng là các đối tác, nhân viên, công nhân, và sếp.

Chị nói, trước đây chị rất áp đặt cho nhân viên, giao việc nhưng tới ngày họ vẫn chưa làm được, thì rất giận. Khi học Phật chị thấy, “đúng rồi ha, mỗi người có một vị trí, khả năng giới hạn, nếu họ biết làm hết thì vị trí của mình ở đâu”. Từ đó, chị chia sẻ, thông cảm và từ từ hướng dẫn nhân viên. “Tập nới cái tâm mình ra, thương yêu mọi người”. Khi chị thay đổi thì thấy các nhân viên làm việc hiệu quả hơn. 

Là người đứng giữa lãnh đạo và công nhân, chị luôn cố gắng giải thích, truyền đạt để hai bên hiểu nhau, hai bên được vui. Chị chia sẻ với “sếp”, công nhân đa số họ mong muốn lương được đảm bảo, nếu đáp ứng được yêu cầu trong khả năng của công ty, thì theo nhân quả - đó là tài sản mà không có tài sản nào quý giá hơn con người, dù có máy móc hiện đại thì cũng cần con người. Có nền tảng người lao động tốt thì bất cứ chuyện gì xảy ra - sẽ được con người tích cực đồng lòng hỗ trợ mình. Rồi chị cũng chia sẻ và nói khó khăn của công ty để công nhân hiểu mà có sự cảm thông.

“Khi biết đến Phật pháp, nhìn mọi việc như đang là, khi công việc đang rối thì đừng đưa mình vô đó mà hãy tách mình ra, đứng ngoài và nhìn sự vận hành, làm cho mọi thứ giản dị hiền hòa nhất”, chị Thanh bày tỏ. 

Học Phật là để giúp cho mình an lạc nên khi làm việc, chị làm hết lòng, khi ra khỏi công ty để công việc lại, không mang về nhà. Ở nhà là thời gian của gia đình, cho mẹ, và thời khóa riêng của chị. Chị cho biết phải mất tới… 10 năm học Phật mới làm được điều đó. 

“Chỉ trong giây phút hiện tại mới thật sự có sự sống. Mình phải thực tập làm thế nào để an trú được trong giây phút hiện tại, trở về giây phút hiện tại và an trú trong giây phút đó”, bài tập chị đưa ra cho chính mình và thực tập hàng ngày. 

Như Danh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin