Chi tiết tin tức

Định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới

14:40:00 - 05/12/2022
(PGNĐ) -  Bài viết Định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới của Thượng toạ Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là bài tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) từ ngày 27-29/11/2022.

GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG GIAI ĐOẠN MỚI – HỘI NHẬP, TOÀN CẦU HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Giá trị văn hóa dân tộc là kết quả sáng tạo, tích lũy của một cộng đồng, một dân tộc, được phản ánh trong các di sản, tài sản văn hóa vật thể, phi vật thể, do cộng đồng lựa chọn, thừa nhận và khao khát hướng tới, thông qua sự trải nghiệm lịch sử. Giá trị văn hóa, xét dưới góc độ là sự kết tinh, chọn lọc của quá trình hình thành. Việc gìn giữ, kết thừa và phát huy văn hóa dân tộc đóng vai trò quan trọng, cốt lõi trong quá trình phát triển, bởi nó: 

Đảm bảo cho dân tộc tồn tại, đứng vững và phát triển qua các biến động của lịch sử 

Giá trị văn hóa truyền thống là cốt lõi của tài sản văn hóa, di sản văn hoá, bản sắc văn hóa dân tộc. Nó đã trở thành sức mạnh ngầm, sức mạnh mềm để duy trì, đứng vững và phát triển xã hội, dân tộc, đất nước. Văn hóa còn thì nước còn, văn hóa mất là mất nước.

Là cơ sở của sáng tạo giá trị mới, nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững

Giá trị văn hóa được đánh giá đúng mới có thể kế thừa những giá trị có sức sống, thúc đẩy sự phát triển, loại bỏ những giá trị văn hóa đã lỗi thời. Trên cơ sở những tiêu chuẩn giá trị mới, thực tiễn sáng tạo các giá trị mới, tiếp thu văn hóa thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

Là điều kiện để giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo sức mạnh nội sinh để hội nhập và phát triển bền vững

Hình ảnh ví von, dân tộc ta trường tồn nhờ “dây neo” văn hóa. Chữ “dây neo” mang hàm ý là giữ được sự vững vàng, giữ được cái gốc của văn hóa mà không bị lung lay, chao đảo trước “sóng to gió cả” của thời cuộc, nhất là trong những thời kỳ lịch sử Việt Nam phải chống chọi với hiểm họa xâm lăng, nô dịch lâu năm của kẻ thù. Văn hóa Việt trường tồn đến nay là nhờ Tổ tiên, ông cha ta đã biết giữ gìn, bảo vệ những gì thuộc về tinh hoa, tinh túy của dân tộc, đồng thời biết tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại. Nhưng bảo vệ không có nghĩa là “khư khư giữ bằng được” những cái đã có, mà phải biến những giá trị đó thành một trong những tài nguyên, một trong những lợi thế cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. Bởi, khác với tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, khai thác mãi sẽ đến lúc cạn kiệt, còn giá trị văn hóa thì càng khai thác lại càng phát triển, vì đó là một thứ tài nguyên tái tạo vô tận. Nhưng đó phải là sự khai thác linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn mới, có thể biến những giá trị văn hóa thành tài nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển.

VĂN HÓA PHẬT GIÁO – MỘT BỘ PHẬN QUAN TRỌNG CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM

Phật giáo được ra đời từ Ấn Độ, lan tỏa nhiều nơi trên thế giới. Khi du nhập vào mỗi quốc gia, dân tộc, với tính chất dung hòa, Phật giáo đã nhanh chóng thích ứng với tín ngưỡng, phong tục tập quán, điều kiện, môi trường sống bản địa để tạo nên những nét riêng của Phật giáo của mỗi quốc gia, dân tộc. 

Cách ngày nay khoảng 2.000 năm, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường bộ và thủy. Ngay từ khi du nhập, Phật giáo đã có một sự dung hợp kỳ diệu với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của từng vùng miền tạo nên sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc. Với triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc và tính chất từ bi, hỉ xả, bao dung, độ lượng, phù hợp với tâm tính người Việt Nam, Phật giáo đã được cư dân Việt tiếp thu một cách tự nhiên, để rồi cùng với thời gian. Phật giáo đã ăn sâu vào trong tâm thức, phát triển lan tỏa trong đời sống người Việt Nam và dần bản địa hóa trở thành tôn giáo dân tộc, bộ phận quan trọng, mạch ngầm văn hóa Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Sự hòa quyện của Phật giáo với văn hóa Việt Nam chặt chẽ tới mức chúng ta khó có thể nhận biết, tách bạch rõ ràng. Nhiều triết lý, phương châm sống trở thành bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc đều có cội nguồn từ Phật giáo và ngược lại nhiều giá trị văn hóa Phật giáo trên tất cả các khía cạnh đã được người Việt tiếp thu, phát triển thành những giá trị văn hóa dân tộc. 

VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM – THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY

Văn hóa Phật giáo là một bộ phận của văn hóa Việt Nam do người Việt Nam tiếp nhận, sáng tạo, phát triển và tồn tại, đồng hành cùng bao thế hệ người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, nó luôn song hành, hiện hữu trong đời sống con người, cộng đồng Phật tử. Đề cập đến văn hóa Phật giáo Việt Nam thì rất rộng và rất nhiều vấn đề tùy theo từng góc độ tiếp cận. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài tham luận, chúng tôi xin nêu một số khía cạnh tiêu biểu mà trong những nhiệm kỳ vừa qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương cũng đã đặt ra mục tiêu và từng bước thực hiện thành công định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam như sau:

Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam

Phật giáo sở dĩ có thể truyền vào Việt Nam và ăn sâu bám rễ trong đời sống tinh thần của người Việt, trước hết là nhờ ngôn ngữ tiếng Việt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, tiếng Việt trở thành công cụ giao tiếp chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là phương tiện phản ánh mọi hoạt động đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Việt, trong đó có tôn giáo. Đối với Phật giáo, tiếng Việt là “vỏ vật chất” của Phật giáo, chứa đựng những tư tưởng của Phật giáo và là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền bá đạo Phật. Nhờ đó, Phật giáo Việt Nam luôn được gìn giữ và phát triển trong lòng dân tộc. Đến với mỗi quốc gia, vùng miền, sự dung hòa với ngôn ngữ bản địa để tồn tại và phát triển là quy luật khách quan. 

Đạo Phật khởi nguồn từ Ấn Độ cách nay hơn 2.500 năm lịch sử với những tư tưởng và triết lý giáo dục đã được hàm chứa trọn vẹn trong ba tạng Kinh, Luật, Luận. Sau khoảng 400 năm, nội dung các tạng đó đã được biên tập bằng các ngôn ngữ Sanskrit và Pali bởi chư vị tiền bối Tổ sư. Khi Phật giáo dần được lan toả đến khắp các nước trên thế giới, đến mỗi nước, hệ thống kinh điển Phật giáo đều được biên dịch bằng ngôn ngữ bản địa để tụng niệm và truyền bá tinh thần, tư tưởng, lời dạy của Đức Phật đến với quần chúng. Với tác động của các yếu tố lịch sử và địa lý, Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ đến các nơi trên thế giới, qua hai con đường chủ yếu là Nam truyền và Bắc truyền trực tiếp với hai hệ thống ngôn ngữ lớn là Sanskrit và Pali và gián tiếp với Hán ngữ, Tạng ngữ… nhưng những tư tưởng căn cốt của Đức Phật không thay đổi, mà dung hoà với văn hoá bản địa tạo thành một nền ngôn ngữ đặc trưng với nhiều giá trị triết học, văn chương, nhân văn… Do những đặc thù về địa lý, ở mỗi thời kỳ và hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam tiếp nhận Phật giáo qua đường Nam truyền và Bắc truyền bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau: Ngôn ngữ ký tự như Sanskrit, Pali, Hán, Nôm, Chăm, Khmer… và ngôn ngữ nói như Việt, Chăm, Khmer… Tư tưởng của Đức Phật được thể hiện bằng ngôn ngữ nói, ký tự và siêu ngôn ngữ qua nhiều dạng thức: tranh tượng, kinh điển, công trình kiến trúc, bi ký, pháp khí, pháp bảo… Phật giáo Việt Nam đã vận dụng các ngôn ngữ như một phương tiện để cầu chân lý hợp với hoàn cảnh theo lời Đức Phật dạy chứ không lệ thuộc vào “văn tự”, nên những di sản ngôn ngữ của Phật giáo Việt Nam vô cùng đặc sắc mang tư tưởng của Đức Phật, tư duy và dấu ấn lịch sử của dân tộc và ngôn ngữ linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ lịch sử.

Khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam, dưới sự ảnh hưởng sâu đậm của hai nền văn hoá lớn Ấn Độ và Trung Hoa, nên hệ thống kinh điển Phật giáo Việt Nam cũng cơ bản ảnh hưởng của 2 dòng lớn: Phật giáo Nam truyền nằm trong tạng Pali và Phật giáo Bắc truyền nằm trong tạng Hán. Khoảng 100 năm gần đây, tạng Pali và tạng Hán dần được chư vị Tổ sư Việt Nam biên dịch sang chữ Quốc ngữ, thuận lợi cho các Tăng Ni và Phật tử tụng niệm và nghiên cứu.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được ra đời trên cơ sở thống nhất của chư Tăng Ni, Phật tử từ 9 hệ phái Phật giáo cả nước. Tuy nhiên, về hoạt động tụng niệm của mỗi miền, mỗi hệ phái đều có nghi thức riêng, dẫn đến sự bất cập khi chư Tăng Ni, Phật tử ở các vùng miền và hệ phái khác nhau cùng thực hiện một nghi thức chung, đặc biệt là quốc lễ và quốc tế lễ. Trước thực trạng hạn chế đó, đồng thời nhằm đảm bảo sự chính xác, chuẩn mực trong truyền bá tư tưởng, giáo lý Phật giáo, sự thống nhất, trang nghiêm của các nghi lễ Phật giáo, năm 2015, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thực hiện đề án “Định hướng đặc trưng văn hoá Phật giáo Việt Nam: pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc và di sản”. Sau 5 năm tích cực triển khai thực hiện, Ban Văn hoá Trung ương đã phối hợp với Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức nghiên cứu, toạ đàm, hội thảo và lấy ý kiến Tăng Ni các hệ phái Phật giáo, các chuyên gia, nhà khoa học… và thống nhất biên tập cuốn “Khoá tụng thống nhất” bằng ngôn ngữ Việt, gồm 6 bài kinh được chư tôn đức các hệ phái phiên dịch từ tạng Pali, tạng Hán và thành 7 nghi thức tụng niệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tụng chung trong các nghi thức quốc lễ và quốc tế lễ. Nội dung các kinh trong “Khóa tụng thống nhất” đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua và chuẩn y năm 2020, bao gồm:

1) Kinh Chuyển Pháp Luân (sử dụng trong các Nghi lễ chung của Giáo hội, Nghi lễ Quốc tế, lễ Phật Đản cho các hệ phái).

2) Kinh Vô ngã Tính (sử dụng trong Nghi lễ cầu Siêu (1) theo truyền thống Nam truyền và Khất sĩ)

3) Kinh A Di Đà (sử dụng trong Nghi lễ cầu siêu (2) theo truyền thống Bắc truyền).

4) Kinh Từ Bi (sử dụng trong Nghi lễ cầu an (1) theo truyền thống Nam truyền và Khất sĩ)

5) Kinh Dược sư (sử dụng trong Lễ cầu an (2) theo truyền thống Bắc truyền).

6) Kinh Vu Lan Báo Hiếu (sử dụng trong Lễ Vu Lan cho các hệ phái).

Pháp phục Phật giáo Việt Nam 

Pháp phục cũng gọi là đạo phục, sắc phục, y phục tức là y áo của Tăng Ni và Phật tử. Mặc y là trong bốn nhu yếu (tứ sự) căn bản của tăng sĩ Phật giáo, thể hiện đời sống giản dị, ít muốn, biết đủ, thanh tịnh, trang nghiêm, vốn là những phẩm chất hướng đến sự giải phóng các trói buộc. 

Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác với thường phục của người đời. 

Trong suốt chiều dài lịch sử, từ “Y Phước Điền” do Đức Phật chế định “tam y” (ba y) vẫn được thừa kế và mang một ý nghĩa, tinh thần xuyên suốt cho pháp phục Phật giáo nói chung và pháp phục Phật giáo Việt Nam nói riêng (ở cả hai dòng Phật giáo Nguyên thủy – Theravada và Phật giáo phát triển – Mahayana), với sự kế thừa những đặc điểm, tinh thần cơ bản của pháp phục Phật giáo là ba y, hoại sắc (y không phải là chính sắc) cũng gọi là y giải thoát.

Pháp phục của Tăng Ni và Phật tử đã được Đức Phật chế định từ 26 thế kỷ trước như: chư Tăng chư Ni thì mặc hoại sắc y, thiện nam tín nữ Phật tử thì mặc bạch y (đồ trắng). Trải qua không gian và thời gian dài cùng với những biến thiên lịch sử, pháp phục đã có nhiều thay đổi. Khi đến mỗi quốc gia, dân tộc, để phù hợp với môi trường sinh sống, điều kiện khí hậu, phong tục, tập quán, tín ngưỡng bản địa, những bộ pháp phục đã được linh hoạt cải biến. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tiểu vùng khí hậu, vùng miền và là ngã ba đường của sự trao đổi, giao lưu kinh tế, văn hóa, đã tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú và rất linh hoạt. Cùng với đó là tinh thần “tùy duyên bất biến, nhập thế độ sanh”, tinh thần nhập thế, pháp phục của Phật giáo Việt Nam cũng từ Luật của Phật và giáo huấn chư Tổ tạo ra nhưng mang những nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam và luôn được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với phong tục tập quán, thời tiết khí hậu… nhưng vẫn giữ gìn được những đặc trưng cơ bản của chiếc y thời Đức Phật còn tại thế, như chiếc y bao giờ cũng có các điều tướng, khi đắp vào thì để trần vai bên phải. Đặc biệt, trong Phật giáo Bắc tông, ngoài “tam y nhất bát” chân truyền, còn có: Tử kim sa y, Tăng bào, Tăng mão, phất trần, thảo hài,… của vua chúa ban tặng theo phẩm bậc của triều đình. Từ đó phát sinh nhiều loại pháp phục cho các thành phần Tăng Ni, từ đại chúng cho đến hàng giáo phẩm, lãnh đạo các sơn môn, tông phái và các tổ chức Giáo hội. Có thể nói, pháp phục của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói riêng, các quốc gia theo Phật giáo Bắc tông nói chung, rất phong phú đa dạng từ màu sắc, chất liệu cho đến hình thức kiểu dáng. Pháp phục của Phật giáo Việt Nam đã trở thành di sản sống của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, mang đầy đủ tính triết lý, tâm linh, lịch sử và thẩm mỹ.

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng thầy tu thì không thể thiếu chiếc áo. Thế nên, bất cứ tôn giáo hay đoàn thể nào cũng đều có sắc phục riêng. Sử dụng pháp phục đúng nơi, đúng lúc, đúng kiểu và chỉnh tề, chính là yếu tố quan trọng để trang nghiêm tự thân, trang nghiêm đạo tràng trong những giờ hành lễ cũng như lúc đi đường và lúc làm việc. Pháp phục là phương tiện độ sanh của Phật giáo với tinh thần nhập thế, đem đạo vào đời, đem ánh sáng Phật pháp đến cho nhân loại và chúng sinh, dìu dắt chúng sinh trên con đường giải thoát giác ngộ đồng thời góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trong lịch sử, đã bao lần Phật giáo được chấn hưng để góp phần đồng hành, phát triển nền văn hóa dân tộc. Ngay khi nhà nước phong kiến mới được thành lập như: nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, pháp phục của tu sĩ Phật giáo đã được chế định. Lần gần đây nhất, năm 1952, Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc đã ban hành quy chế về phẩm phục của chư Tăng Ni toàn quốc. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thống nhất, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương tại chương X Điều 48 đã quy định các hình thức: Lễ phục, Giáo phục, Thường phục, của tăng sĩ Phật giáo. Điều đó cho thấy ý nghĩa quan trọng của pháp phục, sắc phục tăng sĩ Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Tăng Ni, Phật tử mặc pháp phục một cách tự do về cả kiểu dáng, chất liệu, màu sắc nên trong các nghi lễ Phật giáo chưa tạo được tính thống nhất, trang nghiêm, đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam. Hơn nữa, hầu hết y phục của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam (Áo tràng, Áo La hán…) đều mô phỏng theo pháp phục Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia, Mianma… Vì vậy, trong các sự kiện quốc tế, chư Tăng Việt Nam dễ bị nhầm với tăng sĩ quốc gia đó; trong khi đó, tăng sĩ các quốc gia khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan…) lại không bị tình trạng tương tự.

Sau bao nhiêu thăng trầm, biến động của lịch sử, nước nhà đã thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất về mặt tổ chức, tư tưởng, hành động, hoạt động… trong cùng một Hiến chương, nội quy nên thống nhất về pháp phục, y phục mang đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam, để nhận diện được tu sĩ Việt Nam, chứ không thể là tu sĩ Việt Nam mặc pháp phục, y phục nước ngoài.

Trên cơ sở tìm hiểu, đánh giá cội nguồn, tinh thần, ý nghĩa, truyền thống của pháp phục Phật giáo Việt Nam cũng như thực trạng pháp phục Phật giáo Việt Nam hiện nay đã cho thấy, việc định hướng cho đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp thiết đồng thời đây là nỗi trăn trở của Giáo hội và cũng là mong mỏi của các Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Vì vậy, năm 2015, Ban Văn hóa Trung ương đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện 04 đề án, trong đó có Đề án Pháp phục Phật giáo Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc triển khai thực hiện đề án Pháp phục Phật giáo Việt Nam (thuộc đề án Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam), đồng thời dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn trên, đặc biệt là các triết lý, giáo lý, quy định và các ý nghĩa, biểu tượng Phật giáo, Ban Văn hóa Trung ương nghiên cứu, thiết kế pháp phục thống nhất cho Tăng Ni, Phật tử các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước sử dụng trong các nghi lễ chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là nghi lễ quốc gia, quốc tế. 

Sau gần 4 năm nghiên cứu, thực hiện, Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với các đơn vị đối tác tích cực tiếp thu ý kiến góp ý của Tăng Ni các hệ phái Phật giáo Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Phật tử, công chúng… để chỉnh sửa, bổ sung đồng thời triển khai thử nghiệm trong một số nghi lễ quốc gia, quốc tế quan trọng (Vesak 2019, Đại hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022) và nhận được sự đánh giá, đồng thuận cao. Đến nay, bộ pháp phục Phật giáo Việt Nam (thuộc đề án Pháp phục) sử dụng trong nghi lễ quốc gia, quốc tế mang đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành, đảm bảo đủ điều kiện ứng dụng vào thực tiễn và được GHPGVN phê duyệt, triển khai thực hiện (Quyết định số 140/QĐ.HĐTS ngày 20/07/2018; Quyết định số 347/QĐ-HĐTS ngày 25/12/2019 và Quyết định số 77/QĐ-HĐTS ngày 14/4/2021) và đăng ký bản quyền cho bộ pháp phục này.

Kiến trúc, Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam 

Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hình thành và phát triển cùng với sự du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Mặc dù có những ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng kiến trúc PGVN đã sớm định hình với những đặc trưng và sắc thái riêng. Những đặc điểm của kiến trúc PGVN xuất phát từ cách sử dụng vật liệu, kỹ thuật tạo dựng cũng như phong cách, ngôn ngữ diễn đạt, bắt nguồn từ những quan niệm, tư tưởng của người Việt Nam. Phật giáo du nhập vào Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, tạo nên văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó, kiến trúc PGVN, cũng mang đậm dấu ấn riêng của mình, vừa mang tinh thần Phật giáo vừa mang tinh thần dân tộc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, với các triều đại: Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn… kiến trúc Phật giáo Việt Nam phát triển trong sự thống nhất của nền kiến trúc truyền thống Việt Nam, đồng thời mỗi thời kỳ lại có đặc trưng, sắc thái riêng. Từ miền núi, trung du đến đồng bằng; từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng mang những nét riêng do sự chi phối của văn hóa vùng miền cũng như đời sống xã hội của những cộng đồng cư dân là chủ nhân của vùng, miền đó. Tất cả tạo nên một hệ thống các công trình và cảnh quan kiến trúc vừa đa dạng về quy mô, loại hình (gồm danh lam cổ tự và chùa làng), vừa phong phú về vật liệu sử dụng và kỹ thuật tạo dựng và mang đậm bản sắc của đời sống xã hội cũng như đời sống văn hóa, tinh thần, sinh hoạt tôn giáo của con người Việt Nam. Hệ thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam vì thế vừa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của Phật giáo dân tộc vừa tạo nên những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa sâu đậm. 

Với bề dày lịch sử gần 2.000 năm phát triển, Phật giáo Việt Nam cũng đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần đa dạng, phong phú và có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Từng không gian, bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự, linh vật… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Cùng với đó là những nghi lễ Phật giáo gắn bó, gần gũi với đời sống xã hội đều đã trở thành di sản văn hóa Phật giáo và có những đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.

Cùng triển khai với đề án Ngôn ngữ, Pháp phục nhưng đề án Kiến trúc, Di sản văn hóa Phật giáo đã được Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tập hợp của đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu nhiều lĩnh vực (lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản, bảo tàng, kiến trúc, mỹ thuật…), sự phối hợp của các đơn vị chuyên môn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiến hành khảo sát, tọa đàm di sản, kiến trúc Phật giáo Việt Nam tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, đợt 1 khảo sát tại khu vực Miền Trung, Tây Nguyên (ngày 21/4 – 2/5/2021) và khu vực Nam Bộ (ngày 15/9 – 25/9/2022) và bước đầu ghi nhận được những đặc trưng kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng miền, xu hướng lai căng văn hóa trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, những bất cập trong cải tạo, mở rộng công năng cũng như thực trạng bảo tồn, phát huy di sản tại các cơ sở tự viện. Đồng thời cũng xác định sự cấp thiết phải tiến hành xây dựng quy chuẩn về kiến trúc Phật giáo Việt Nam, cơ sở quan trọng định hướng cho cơ sở tự viện của các hệ phái Phật giáo Việt Nam kế thừa, sáng tạo trong việc cải tạo, trùng tu, xây dựng mới công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam đảm bảo thống nhất trong đa dạng, tính triết lý và tinh thần của Phật giáo và kế hoạch, phương án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đợt khảo sát, tọa đàm tại khu vực phía Bắc tiếp tục được tổ chức vào tháng 12/2022 và Hội thảo “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng” sẽ được tổ chức vào tháng 4/2023. Kết quả khảo sát, tọa đàm, hội thảo là những tư liệu, cơ sở khoa học quan trọng để đảm bảo cho việc xây dựng đề án kiến trúc, di sản đảm bảo khoa học, chất lượng, hiệu quả và khả thi trong ứng dụng thực tiễn.

Nghi lễ, sự kiện Phật giáo và các giá trị văn hóa phi vật thể

Ngôi chùa không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng. Vào các dịp lễ lớn của Phật giáo (Rằm tháng Tư, Rằm tháng Bảy), tại nhiều ngôi chùa còn tổ chức các nghi lễ, chương trình văn nghệ, các sự kiện lớn nhằm lan tỏa văn hóa Phật giáo. Đây là dịp để cộng đồng chia sẻ, giao lưu, giúp đỡ nhau, tăng cường gắn kết cộng đồng bền chặt hơn. Các nghi lễ nói chung, nghi lễ tụng niệm hàng ngày nói riêng cũng được thực hành cả ở tại gia trong những lễ cầu an, cầu siêu, cúng cô hồn, phục vụ nhu cầu tâm linh truyền thống của Phật tử nên nó cần được bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, các sự kiện văn hóa Phật giáo được triển khai dưới nhiều hình thức, quy mô khác nhau như: đàn lễ cầu nguyện hoà bình, triển lãm, các lễ hội…, trong đó có những sự kiện thu hút tới hàng triệu lượt người tham dự, tiêu biểu nhất là các sự kiện văn hóa diễn ra phục vụ Đại lễ Vesak 2019. Đây là cơ hội lớn để những giá trị văn hóa Phật giáo được lan tỏa rộng rãi bởi thông qua các sự kiện văn hoá Phật giáo phần nào khơi dậy sự quan tâm của quần chúng Phật tử và nhân dân về giá trị văn hoá vật thể cũng như văn hoá phi vật thể, tính chuẩn mực về truyền thống và đặc trưng văn hoá Phật giáo Việt Nam nhằm cổ vũ và đào luyện ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc trưng văn hoá Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu nét đẹp văn hoá của Phật giáo và dân tộc Việt Nam đến cộng đồng quốc tế và thông qua các sự kiện giao lưu văn hoá với Phật giáo các nước, tạo sự gần gũi thân thiện, giao lưu để học hỏi và hiểu nhau hơn. 

Cùng với các nghi lễ hoặc hoạt động mang tính chất lễ nghi thì văn hóa đi lễ chùa cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị văn hóa Phật giáo. Cộng đồng Phật tử cơ bản hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đến chùa, lễ Phật, tổ chức nghi lễ, lễ hội Phật giáo là góp phần xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao giá trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt, văn hóa đi lễ chùa có sự ảnh hưởng, đến lối sống của mỗi con người trong sinh hoạt, ứng xử, tạo nên nét đẹp văn hóa chung trong cộng đồng xã hội. 

Sự lan tỏa những giá trị văn hóa Phật giáo còn được thể hiện qua các hình thức nghệ thuật, tiêu biểu như: sáng tác, biểu diễn các ca khúc Phật giáo dưới nhiều hình thức, thể loại nghệ thuật: chèo, cải lương, quan họ, xẩm, ca trù, hát xoan… hay ca khúc mang âm hưởng vùng miền nhằm chuyển tải những tư tưởng Phật giáo thấm sâu trong đời sống văn hóa cộng đồng một cách tự nhiên, bền vững. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật, bước đầu dần khởi sắc, tạo hiệu ứng tích cực thông qua các nhạc phẩm và ca khúc Phật giáo giúp quần chúng hiểu sâu sắc hơn về tinh thần, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh của Phật giáo, để từ đó chuyển hoá nội tâm từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện, từ thiếu văn hoá trở thành người sống có văn hoá đạo đức chuẩn mực trong xã hội. 

Tinh thần nhập thế, vì đạo pháp, vì dân tộc của Phật giáo Việt Nam được thể hiện rõ qua hành trạng của những danh tăng hoằng dương Phật pháp, gây dựng cơ sở phát triển Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước. Các vị danh tăng đều đã trở thành tấm gương tiêu biểu trên con đường dấn thân vì Phật pháp, vì dân tộc cho các thế hệ Tăng Ni Phật giáo Việt Nam ngày nay học tập, noi theo. Bên cạnh đó là các hoạt động từ thiện, nhân đạo thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của văn hoá Phật giáo, tiêu biểu là các hoạt động: xây dựng lớp học tại các tỉnh miền núi xa xôi hẻo lánh, khó khăn để nâng cao dân trí, thích ứng được với môi trường mới, vươn lên thoát nghèo, xoá mù chữ; xây dựng nhà tình thương và đại đoàn kết tại Ấn Độ, Lào và Việt Nam cho các hộ dân nghèo, thể hiện tinh thần tương thân tương trợ, thương người như thể thương thân; quyên góp ủng hộ người dân bị bão lũ khu vực miền trung và thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương trong đại dịch COVID-19 thể hiện tình thương yêu đồng loại, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”…; hiến máu nhân đạo và cấp phát thuốc cho dân… 

Tất cả những hoạt động thể hiện nét đẹp văn hóa của Phật giáo đó được thường xuyên thực hiện, lan tỏa rộng rãi tới cồng đồng xã hội và mang lại hiệu ứng rất tích cực, hướng đến xây dựng một xã hội hòa bình, nhân ái, hữu nghị, trân trọng ý nghĩa nhân văn và hướng thiện cho cộng đồng nhân loại. 

Tuy nhiên, trước sự phát triển, hội nhập quốc tế, văn hóa Phật giáo Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp thu văn hóa nhân loại để phát triển nhưng cũng đứng trước thách thức du nhập, lai căng, nguy cơ tục hóa, mai một những giá trị thiêng liêng hoặc xa rời tư tưởng, triết lý, giá trị cốt lõi của Phật giáo. Vì vậy, việc định hướng, tìm ra những giải pháp thực hiện định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc và phù hợp thời đại mới là vô cùng cần thiết và cấp thiết hiện nay. Đây cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chú trọng, đặt ra để tập trung từng bước giải quyết trong các kỳ đại hội. 

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Định hướng

Trong giai đoạn hiện nay, với sự gia tăng không ngừng của các mối giao lưu quốc tế, đang đặt ra cho chúng ta vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Những khung cố kết dân tộc truyền thống như kinh tế, chính trị, thậm chí ngôn ngữ, đang có nguy cơ bị phá vỡ và vượt qua. Thực tế đó đã đưa văn hóa trở thành nhân tố hàng đầu trong sự hiện diện dân tộc. UNESCO đã báo động về tình trạng đồng phục văn hóa. Nó không chỉ đưa đến hậu quả về sự vong bản ở những nước chậm phát triển, mà còn làm nghèo đi di sản văn hóa của toàn nhân loại. Giá trị văn hóa là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo giá trị mới và giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: phát triển mà tách rời cội nguồn dân tộc nhất định sẽ dẫn đến nguy cơ tha hóa, bị biến thành cái bóng mờ của người khác. Vì vậy, giải quyết hài hòa, hiệu quả  giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc với tiếp thu là giải pháp cần được chú trọng.

Xét dưới góc độ văn hóa Phật giáo là bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, vấn đề phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam được định hướng như sau: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam gắn với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa; đảm bảo đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng và mang dấu ấn thời đại mới; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Trước hết, phải khẳng định rằng, đây là một mối liên hệ mang tính nguyên tắc của việc bảo tồn và phát huy; là điều kiện đủ cho sự phát triển/phát huy các giá trị văn hóa nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, nó đã trở thành điều kiện không thể thiếu, là tất yếu của sự phát triển.

Thứ nhất, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay phải trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị có ý nghĩa định hướng cho phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, phù hợp, đồng thời và song hành là loại bỏ những yếu tố phản văn hóa, không đúng, lệch chuẩn, không tạo nên giá trị văn hóa, thậm chí là làm giảm giá trị vốn có của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thứ hai, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam phải đồng thời với sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam phải tiến hành đồng thời với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Cùng với việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam là việc xây dựng những giá trị cốt lõi, định hướng của văn hóa PGVN phát triển, hiện đại. Trong quá trình tồn tại và phát triển, ở mỗi vùng miền đã tạo nên văn hóa Phật giáo Việt Nam phong phú, đa dạng. Đồng thời, tiếp tục tiếp thu những giá trị văn hóa nhân loại trong thời đại mới, đó là: tinh thần trách nhiệm; tinh thần hợp tác; bản lĩnh cá nhân, dám mạo hiểm; lòng tự trọng; lòng trung thành; tính trung thực, thẳng thắn; tính minh bạch; tính khoa học; tính chuyên nghiệp; tính nguyên tắc… Bởi thực tiễn bảo tồn giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam gắn với phát triển và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là yêu cầu khách quan hiện nay. 

Một số giải pháp, nhiệm vụ 

Trên cơ sở đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam và định hướng trên, xin nêu một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể sau: 

1) Tiếp tục tập trung nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) và tổng hợp sức mạnh đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của toàn Giáo hội và huy động tối đa các nguồn lực ngoài Giáo hội, đặc biệt là những chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, mạnh thường quân…các lĩnh vực liên quan tham gia thực hiện thành công đề án “Định hướng đặc trưng văn hoá Phật giáo Việt Nam: pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc và di sản” đã và đang triển khai, trong đó, Ban Văn hóa Trung ương chủ trì thực hiện. Theo đó, tập trung:

– Lan tỏa kết quả đề án Ngôn ngữ, Pháp phục: xây dựng kế hoạch cụ thể để có lộ trình, nội dung thực hiện cho phù hợp đảm bảo hiệu quả cao hơn. Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện các chương trình tập huấn, tọa đàm và các chương trình triển khai thử nghiệm/thí điểm để rút kinh nghiệm, hoàn thiện và nhân rộng.

– Hoàn thành đề án Kiến trúc: tập trung nghiên cứu, thu thập tư liệu, tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý liên quan để xây dựng bộ quy chuẩn về kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng và biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam. 

– Hoàn thành đề án di sản: tổng hợp tư liệu, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch/phương án cụ thể thực hiện bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong đó, tập trung:

+ Tập huấn, hướng dẫn Tăng Ni nhận diện, hiểu biết đúng đắn và từng bước triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo từ cơ sở tự viện địa phương của mình.

+ Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình quản lý di sản và các hình thức, cấp độ tôn vinh, ghi nhận những đóng góp Tăng Ni trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo trong phạm vi Giáo hội. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, di sản văn hóa dân tộc nói chung đảm bảo hiệu quả hơn.

2) Nghiên cứu, hình thành trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam để giới thiệu một cách hệ thống, toàn diện về Phật giáo Việt Nam với tư cách là một thành phần của văn hóa dân tộc, giúp cho Tăng Ni, Phật tử, công chúng trong và ngoài nước hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, vai trò của Phật giáo; những giá trị, ý nghĩa của những di sản Phật giáo đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, góp phần định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam, xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc cho sự hội nhập và phát triển đất nước một cách bền vững. 

3) Từng bước nghiên cứu, xây dựng những quy chuẩn cho từng lĩnh vực văn hóa Phật giáo (sự kiện, nghi lễ, sinh hoạt, tu tập, ứng xử, văn hóa đi lễ chùa, sáng tác nghệ thuật…) đảm bảo đúng với tư tưởng, triết lý Phật giáo và phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại để triển khai thực hiện thống nhất trong Tăng Ni toàn Giáo hội định hướng cho Phật tử, công chúng dần nhận biết đúng đắn và tự thực hiện phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa Phật giáo đó. Trong đó, tập trung tiếp tục khảo sát, thu thập tư liệu, nghiên cứu, toạ đàm, hội thảo để: 

– Xây dựng những quy chuẩn về hình thức, nội dung, cách thức tổ chức cho các sự kiện, lễ hội, sáng tác nghệ thuật, sinh hoạt văn hoá Phật giáo… đảm bảo tính trang trọng, trong sáng, chiều sâu tư tưởng, triết lý Phật giáo; đồng thời, tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức cho các thành viên của Ban Văn hóa Trung ương, Ban Văn hóa các tỉnh thành triển khai lan toả đến cộng đồng có hệ thống và hiệu quả, góp phần lan toả những giá trị văn hóa tốt đẹp của Phật giáo và dân tộc Việt Nam đến cộng đồng trong và ngoài nước. 

– Xây dựng các biểu tượng văn hóa Phật giáo Việt Nam, làm cơ sở cho các Tăng Ni, Phật tử nhận diện và hiểu đúng ý nghĩa, bản chất của các biểu tượng đó để ứng dụng đúng, phù hợp, đặc biệt là các làng nghề, tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất, cung cấp các sản phẩm có chứa đựng những biểu tượng, ý nghĩa văn hóa Phật giáo (vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc nội ngoại thất, tượng pháp, đồ thờ, pháp khí và các vật dụng sinh hoạt khác…) cho các cơ sở thờ tự Phật giáo đảm bảo đúng tư tưởng, tinh thần, triết lý Phật giáo. 

4) Hướng dẫn, tuyên truyền tới Tăng Ni, Phật tử, cộng đồng về những giá trị đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam và vai trò của những giá trị đó đối với đời sống cộng đồng cũng như trong phát triển Phật giáo Việt Nam, để họ nhận thức sâu sắc và có ý thức tự bảo tồn và phát huy những giá trị ấy trong cộng đồng. 

5) Tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam không chỉ qua các phương tiện truyền thông, ấn phẩm mà cần thông qua cuộc hành hương hoặc các tour du lịch văn hóa tâm linh; hướng dẫn Phật tử thành lập các cơ sở cung cấp văn hóa phẩm Phật giáo, các dịch vụ chứa đựng giá trị văn hóa ăn chay, văn hóa lễ chùa… để đảm bảo hài hòa lợi ích phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam với lợi ích cộng đồng, xã hội. Đặc biệt là khai thác giá trị văn hóa trong các tour du lịch sẽ mang lại một nguồn lực kinh tế đáng kể vì đó là linh hồn của nhiều tour du lịch nhân văn, là chất men say để thu hút các du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

6) Về tổ chức thực hiện: cần xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước, Giáo hội phù hợp với điều kiện thực tiễn từng giai đoạn, địa phương, cơ sở thờ tự đảm bảo đúng định hướng đặt ra. Trong quá trình triển khai, cần có sự nghiên cứu, thực hiện một cách bài bản, khoa học (khảo sát, nghiên cứu, thu thập tư liệu làm cứ liệu khoa học, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, trưng cầu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý Tăng Ni, hệ phái Phật giáo…) nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khả thi, tính ứng dụng cao trong thực tiễn và tạo nền tảng vững chắc cho văn hóa Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn mới. 

5. MỘT SỐ NGHỊ KIẾN, ĐỀ XUẤT

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Giáo hội, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ban, viện và các hệ phái Phật giáo của Giáo hội, sự tích cực, chủ động, tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện của Ban Văn hóa Trung ương, Đề án “Định hướng đặc trưng sắc phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” được triển khai, đạt kết quả bước đầu đó là các bài khóa tụng thống nhất (thuộc đề án ngôn ngữ) và mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam (thuộc đế án pháp phục) và đang triển khai đề án kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo cũng như các thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa Phật giáo. Đây là thành quả, trí tuệ, công sức, quyết tâm, ý chí thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của toàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, để thành quả đó được đi vào thực tiễn, thấm sâu, phát triển một cách bền vững, Ban Văn hóa Trung ương kiến nghị, đề xuất như sau: 

Đối với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

– Thể chế hóa và chỉ đạo sát sao việc ứng dụng, lan tỏa kết quả khoá tụng thống nhất và pháp phục đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt dưới nhiều hình thức và cấp độ, phạm vi khác nhau. Trước hết, phê chuẩn vào Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 và Nội quy/quy chế của các cấp Giáo hội để quản lý và thực hiện.

– Chỉ đạo các ban, viện Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ, tích cực với Ban Văn hóa Trung ương tiếp tục thực hiện, hoàn thành đề án kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn trong các hoạt động văn hóa Phật giáo theo định hướng đề ra.

Đối với các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố

– Ban Tăng sự Trung ương cập nhật mẫu pháp phục vào trong Nội quy Tăng sự để quản lý và kiểm soát;

– Ban Nghi lễ Trung ương áp dụng cuốn Khoá tụng thống nhất trong các nghi lễ chung của Giáo hội;

– Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, trên cơ sở những kết quả Giáo hội đã duyệt về lĩnh vực văn hoá Phật giáo Việt Nam, nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục/bộ môn học đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục – đào tạo thuộc quản lý của Giáo hội.

– Ban Kiểm soát, Ban Văn hoá Trung ương và Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành kiểm tra và nhắc nhở các Tăng Ni và Phật tử nghiêm túc thực hiện đúng mẫu pháp phục mà Giáo hội đã quy định;

– Các Ban Truyền thông, Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hoá Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử nhận thức đúng đắn, chủ động thực hiện;

– Ban Văn hoá Trung ương, phối hợp với các ban, ngành trong và ngoài Giáo hội tiếp tục thực hiện, hoàn thành đề án kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (quy chuẩn, bộ nhận diện/biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam và kế hoạch/phương án bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam); nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn trong các hoạt động văn hóa Phật giáo theo định hướng đề ra.

 

 

Chú thích:

* Thượng toạ Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin