Chi tiết tin tức

Làm sao học Phật để thành Phật? (P.3)

15:51:00 - 11/01/2014
(PGNĐ) -  Đọc hết các Kinh, mới thấy Phật Thích Ca đã tu hành từ vô lượng kiếp, rồi mới đắc đạo thành Phật. Nay với lòng từ bi, Ngài đã đem kinh nghiệm và hiểu biết chỉ cho tất cả chúng ta con đường ngắn nhất để tu hành và thành đạo
CHƯƠNG BA
HỌC PHẬT CÓ THÀNH PHẬT?
 
 
Học Phật là để thành Phật. Điều này chắc chắn như vậy, vì chính đức Phật đã xác quyết như vậy. Và Tổ thứ 28 Bồ đề Đạt ma khi Đông độ cũng khẳng định như vậy. Nhưng với điều kiện là người học phải có quyết tâm và đại nguyện cứu độ mình và cứu độ chúng sinh – dù người học là cư sĩ hay tu sĩ (Xem kinh Duy Ma). Quyết tâm và đại nguyện này gồm chung lại, thuật ngữ nhà Phật gọi là “phát Bồ đề tâm”. 
 
Bồ đề (từ chữ Ấn Bodhi) có nghĩa là sáng suốt. Phát Bồ đề tâm là quyết tâm trở nên sáng suốt (không còn bị những vọng tưởng “tham, sân, si, kiêu mạn” che lấp) như thế nào để có thể cứu độ mình và chúng sanh.
 
Người phát Bồ đề tâm phát đại nguyện cứu độ mình và cứu độ mọi người để xây dựng một xã hội tốt đẹp, tức là xây Tịnh độ cho nhân loại. Như vậy, phát Bồ đề tâm trong Phật giáo là một nhân sinh quan tích cực, một vũ trụ quan rất nhân bản; không phải những lời giải thích sai lệch của một số người khiến người nghe có cảm tưởng đạo Phật truyền dạy một thứ học thuyết bi quan, chán đời, ăn hại và vô tích sự.
 
Người biết cứu độ mình là người không tự hủy diệt mình. Về bản thân thì không ham mê rượu chè, cờ bạc, hút xách, nghiện ngập để mang những bệnh bất trị hoặc vào tù vì phạm luật lệ; luôn luôn là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình.  

Ngoài xã hội thì người đó không giết người, không trộm cướp, không tà dâm, không gian dối lừa gạt. Đó là những trọng Giới:  Sát, Đạo, Dâm, Vọng. Do vậy được mọi người thương yêu, kính nể; và nhờ đó mà xóm làng cũng yên vui. 

Người này khi ra tham gia chánh quyền thì hết sức làm tròn thiên chức của mình, không tham nhũng không hối lộ, cũng không hống hách hay bốc lột dân; mà chỉ lo cho đời sống dân chúng ấm no và nước nhà tiến bộ giàu mạnh. 
 
Như vậy, người học Phật còn gọi là người “tu”. Chữ Tu có nghĩa là sửa, ở đây là sửa mình – như trong chữ Tu Thân của Nho giáo. Nhưng chữ “Tu” trong Phật giáo cao minh hơn Nho giáo rất nhiều. 

Tu thân trong đạo Nho, như đã trình bày trên, chỉ là tu thân cho một thiểu số con nhà giàu, nhà quan, để tiếp tay cho vua chúa trong chế độ chính trị quân chủ phong kiến ăn trên ngồi trước và bốc lột người dân. Phụ nữ và dân nghèo thì không được đi học, không biết chữ, và là một loại nô dịch của chế độ suốt mấy ngàn năm.
 
Trong đạo Phật, lời Phật dạy dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giai cấp, giới tính. Đây là một cuộc thay đổi tư tưởng vĩ đại so với Bà la môn thịnh hành ở Ấn độ thời bấy giờ và Khổng Lão ở Trung quốc.  Thời Đức Phật không có chùa và không có thầy tu. Đức Phật chỉ có 4 chúng đệ tử tu học với ngài. 

Hai chúng xuất gia đi theo học Đạo với Phật - Tỳ kheo và Tỳ kheo ni - vừa học vừa hành tu sửa thân và tâm để làm người thừa kế truyền bá mối đạo. Còn hai chúng tại gia – cũng gồm cả nam lẫn nữ - vừa tu sửa thân tâm, vừa phải quán xuyến việc gia đình, và vừa chu toàn các vai trò cần thiết trong xã hội. 
 
Dần dà, chùa chiền được lập ra thành nơi dạy học chữ nghĩa, đạo lý và cũng là những trung tâm sinh hoạt văn hóa. Do đó, khi Đạo được phát triển và hoằng truyền thì gia đình và xã hội cũng phát triển theo, căn cứ trên lời dạy của đức Phật, khiến cho mọi người được ấm no và cuộc đời hạnh phúc hơn. (Tiếc thay, cho đến nay chỉ có người Nhật đã áp dụng được lời dạy này, và đã biến nước họ trở thành giàu mạnh nhất trong vùng). Rõ ràng là triết lý sống của Phật giáo rất tích cực, rất nhân bản và cao minh hơn bất cứ tư tưởng nào mà nhân loại đã sáng tạo được, tự ngàn xưa cho đến nay.  
 
Con người khi biết cứu độ mình thì cũng có lòng biết thương người khác. Thấy gia đình người khác đói rách, bệnh tật thì sinh lòng từ bi và ra tay cứu giúp. Vì vậy mà những người này đã xây dựng cảnh Cực lạc tại trần gian. Khi sống, thì với những nguyên nhân tốt đã tạo ra kết quả là một đời sống tốt, chắc chắn khi mãn phần họ sẽ về những cõi tốt – như cõi Trời hay cõi Phật.  Hoặc ít lắm, họ cũng sinh ra ở những quốc độ có nền văn minh tiến bộ hơn để hưởng phước báu và dể dàng tu tập hơn.
 
Càng mở lòng cứu giúp người nhiều chừng nào thì Phật tâm của người đó lớn chừng ấy; và thành tựu chúng sanh là trang nghiêm Phật độ, thành tựu Phật quốc, nên công đức thật vô lượng.  Như hiện tại trên thế giới, những người có lòng như Bill Gate, Warren Buffet và các tỉ phú khác đang lo cứu đói, cứu bệnh, cứu khổ người dân ở các nước nghèo đói bị bốc lột bởi chính nhà cầm quyền của họ - như ở Ấn độ và các nước thuộc châu Phi.
 
Càng trang nghiêm Phật độ, càng tạo được căn lành. Căn lành là kết quả của những cách ăn ở ngay thẳng theo Giới Luật và việc làm giúp ích người khác. Phật dạy: “Không làm các việc ác; Chỉ làm những việc lành; Giữ Tâm Ý trong sạch”, thì căn lành ngày càng lớn và phước báu phát sanh. 

Trong kinh, Phật cũng nhận xét: “Người hay làm lành như người từ chỗ sáng đi vào chỗ sáng, nên được an vui như ở cõi thanh tịnh đủ đầy phước báu.  

Còn người làm ác như từ chỗ tối đi vào chỗ tối, nên luôn ưu bi, khổ não như đang ở địa ngục, ngạ quỉ, hoặc súc sanh (kinh Vô Lượng Thọ - phẩm 35).
 
Nhưng đến bao giờ thì mới thành Phật​? 
 
Muốn thành Phật, hãy cứ theo gương Phật. Phật tu như thế nào, chúng ta hành theo thế ấy. Trong kinh Trường A Hàm, Phật Thích Ca đã mô tả sự thành đạo của vị Phật đầu tiên - Phật Tì Bà Thi, như sau: 
 
Trước tiên, nhờ huân tập căn lành đã đủ, Bồ tát Tì Bà Thi tu tập bằng cách quán chiếu Thập Nhị Nhân Duyên trong cả hai chiều thuận nghịch. Nghĩa là quán chiều thuận: Vô minh là duyên sinh ra Hành; Hành là duyên sinh Thức; Thức là duyên sinh Danh Sắc; Danh Sắc là duyên sinh Lục nhập; Lục nhập là duyên sinh Xúc; Xúc là duyên sinh thọ; Thọ là duyên sinh Ái, Ái là duyên sanh Thủ; Thủ là duyên sinh Hữu; do Hữu mà có Sinh; do Sinh mà có Tử và ưu bi khổ não. Rồi quán theo chiều nghịch, nghĩa là quán ngược lại, xem từ đâu mà có Tử (chết) và lo buồn khổ phiền rồi đi ngược trở lên đến gốc vốn là vì Vô minh (Không sáng suốt, u mê, ám chưóng).
 
Bồ tát Tì Bà Thi sau khi quán chiếu một thời gian thì ngộ ra rằng: Mọi sự khổ não trên đời là do gốc ở Vô Minh, như mây che mặt trời mặt trăng nên ngày đêm trở nên u tối. Chỉ cần vẹt đám mây mù che phủ thì ngày đêm được sáng soi trở lại.  

Cũng vậy, nếu diệt trừ được Vô Minh thì diệt được Hành sai lệch (sự suy nghĩ không đúng); Hành diệt thì Thức (hiểu biết sai) cũng bị diệt; Thức diệt thì Danh Sắc (hình danh, sắc tướng) cũng diệt; Danh Sắc diệt thì Lục nhập (6 cảnh của Mắt, tai, mủi, lưởi, thân, ý) cũng bị diệt; rồi tiếp theo là Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu đều bị diệt theo; và như vậy sẽ không có Sinh, thì cũng không có Tử, và không có ưu bi khổ não.
 
Sau khi quán chiếu thông suốt và thấy biết “như thật” thì Bồ tát đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức đắc Đạo thành Phật danh hiệu Tì Bà Thi. (Trường A Hàm – kinh Đại Bổn Duyên).
 
Sự chứng đắc của Phật Tì Bà Thi chứng tỏ hai điều “như thật”: 
 
1- Con người vốn có Phật tính là điều “như thật”, không thể nghi ngờ; chẳng qua vì bị Vô Minh vọng tưởng “tham, sân, si, kiêu mạn” che lấp.  Việc phá bỏ Vô Minh vọng tưởng này nhanh hay chậm, tùy theo Căn Lành và sự quyết tâm của con người mà thôi;
 
2- Có thể thành Phật một cách nhanh chóng cũng là “như thật”, không thể nghi ngờ. Thành Phật nhanh hay chậm là tùy người có biết tạo Căn lành và hạ quyết tâm đi theo con đường Phật đã dạy hay không mà thôi.
 
Phật Thích Ca thành Đạo có khác hơn. Sáu năm đầu theo học với các vị thầy Bà la môn, Thái tử Sĩ Đạt Ta không tìm thấy lẽ đạo. Thái tử nghĩ rằng đó là cách tu học sai.  Thái tử dứt khoác từ bỏ các vị thầy này, và ra tịnh tọa tại một gốc cây có bóng mát mà về sau được gọi là cây Bồ đề (Cây Giác ngộ).  Thái tử tịnh tọa và quán chiếu suốt 49 ngày đêm, đạt đến Giác Ngộ vì đã tìm thấy lẽ Đạo, được người đời bấy giờ tôn xưng là Phật. 
 
Đức Phật muốn truyền lại sự hiểu biết của mình cho người đời, để họ thoát ly cảnh khổ và có cuộc sống an vui. Nhưng vì chúng sanh mê mờ do chìm đắm trong Tập Nghiệp tham, sân, si, mạn, nghi, và hiểu biết lại nông cạn; Phật phải từ bi giảng giải bằng Pháp phương tiện – không phải Pháp chân thật - cho đệ tử và chúng sanh trong một thời gian dài hơn 40 năm. (Các tài liệu xưa đều ghi khác nhau; nơi thì chép Phật thuyết giảng 49 năm; nơi thì ghi 45 năm – đó chỉ là tiểu tiết của việc tam sao thất bổn).
 
Đến sau hơn 40 năm, khi Phật thấy các đệ tử và chúng sanh đã “thông minh” hơn, Ngài mới giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa - là Pháp chân thật - để giúp cho tất cà Khai - Thị - Ngộ - Nhập tri kiến của Ngài; nghĩa là để giúp cho tất cả người học Phật biết cách học, và thành Phật. Rõ ràng hơn, trong phần “Đại thừa Vô lượng nghĩa”, Phật đã giảng giải cho Bồ tát Đại Trang Nghiêm rằng: Chỉ có Một Pháp làm cho đắc đạo nhanh chóng – đó là Pháp môn Vô Lượng Nghĩa.
 
Trích nguyên văn Kinh: …“Bồ tát nào muốn tu học Pháp môn Vô Lượng Nghĩa, thì phải khéo quán sát hết thảy các pháp, từ trước đến nay, tánh tướng nó  vốn bản lai rổng lặng, không lớn không nhỏ, không sanh không diệt, không yên không động, không tiến không lui, ví như hư không.  Chỉ vì chúng sanh mê mờ, chấp lấy cái vọng tưởng giả dối mà cho là có cái nầy cái kia, là được là mất, khởi ra tâm niệm chẳng lành, tạo nên những điều ác nghiệp khiến luân hồi trong sáu cỏi, chịu mọi khổ độc trong vô lượng ức kiếp mà không tự biết để tìm lối ra. 
 
“Các Đại Bồ tát quán sát kỹ lưỡng như thế rồi sinh lòng lân mẩn, phát khởi đại từ bi, mong cứu vớt chúng sanh. Vì căn tánh của chúng sanh là ham muốn vô lượng, nên Pháp giảng cho chúng sanh cũng phải vô lượng nghĩa. Mà vô lượng nghĩa này chỉ do từ Một Nghĩa, Một Pháp mà ra.  Một Pháp này gọi là Vô Tướng. 

Và Vô Tướng mà Bất Tướng, thì mới gọi là Thực Tướng của vạn vật vậy. Đại Bồ Tát trụ vào tướng chân thật như thế rồi, thì lòng từ bi phát khởi rõ ràng chẳng rối loạn; đối với chúng sanh hay đem lòng chân thật mà cứu khổ và giảng pháp, khiến cho chúng sanh được giác ngộ. Nếu Đại Bồ Tát hay tu hành pháp môn Vô Lượng Nghĩa như thế, thì tất nhiên chóng được thành Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” (Diệu Pháp Liên Hoa kinh, phần mở đầu: Đại thừa Vô lượng nghĩa).
 
Như vậy, rõ ràng là Phật Tì Bà Thi thành đạo đã nhanh, mà Phật Thích Ca đắc đạo còn nhanh hơn.  
 
[Thật ra, đọc hết các Kinh, mới thấy Phật Thích Ca đã tu hành từ vô lượng kiếp, rồi mới đắc đạo thành Phật.  Nhưng nay với lòng từ bi, Ngài đã đem kinh nghiệm và hiểu biết chỉ cho tất cả chúng ta con đường ngắn nhất để tu hành và thành đạo.  

Tại sao chúng ta không nghe lời dạy của Ngài, mà lại đi theo lối tu xưa của những 3 A tăng kỳ kiếp mới chịu đắc Đạo? Chẳng lẽ chúng ta còn ham muốn xuống lên trong 3 cõi 6 đường này lắm hay sao?]
 
Còn nữa...
Tác giả Minh Tâm
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin