Chi tiết tin tức Vài nét về hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay 20:59:00 - 10/06/2014
(PGNĐ) - Các Giáo hội tỉnh cần tổ chức tổng kết, đánh giá về công tác từ thiện xã hội của giáo hội trong vòng 10 năm trở lại đây, qua đó nêu lên những mặt làm được và những mặt chưa làm được.
Tóm tắt
Từ thiện là một hoạt động được các tôn giáo đề cao, đây là hoạt động không thể thiếu của mọi tôn giáo. Hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo rất đa dạng với nhiều loại hình và cấp độ khác nhau.
Thực tế là hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo ở góc độ nhất định đã góp phần chia sẻ gánh nặng giải quyết vấn đề xã hội với nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo hiện vẫn còn nhiều bất cập. Vậy làm thế nào để hoạt động này có thể phát huy hết những yếu tố tích cực của nó, đóng góp được nhiều hơn cho xã hội? Để làm được điều đó cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và cần có hành lang pháp lý phù hợp. I. Vài nét về hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay
Những năm gần đây, đời sống xã hội có nhiều chuyển biến nên các tôn giáo có nhiều thay đổi để phù hợp thực tiễn, bộc lộ rõ xu hướng thế tục hoá hướng vào phục vụ đời. Xu hướng thế tục hoá hay nhập thế đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ trong các tôn giáo tại Việt Nam mà trên khắp thế giới.
Ở Việt Nam xu thế này đã diễn ra từ lâu song chỉ bộc lộ rõ trong những năm gần đây đặc biệt là qua hoạt động từ thiện xã hội. Hiện các tôn giáo nói chung được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động thuận lợi. Nhiều chính sách ban hành nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Trong bối cảnh đó các hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức, cá nhân tôn giáo làm đời sống tôn giáo càng trở nên sôi động. Những năm qua, hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo được thực hiện chủ yếu theo hai hình thức: hoạt động thường xuyên và hoạt động không thường xuyên. 1.1 Các tổ chức từ thiện tôn giáo
1.1.1 Hệ thống khám chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám)
Phật giáo có hệ thống Tuệ Tĩnh Đường. Kế thừa và phát huy truyền thống của Đại lương y Thiền sư Tuệ Tĩnh, thực hiện chủ trương của Trung ương GHPG Việt Nam, hệ thống Tuệ Tĩnh Đường được thành lập khắp cả nước nhằm "phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật". Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại.
Theo số liệu của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN, nhiệm kỳ III của Giáo hội, toàn quốc có 25 Tuệ Tĩnh Đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả đã khám và phát thuốc trị giá trên 9 tỷ đồng. Nổi bật nhất là lớp học Y học cổ truyền của Thành hội Phật giáo Tp.Hà Nội, các Tuệ Tĩnh Đường chùa Pháp Hoa, tịnh xá Trung Tâm Tp.HCM, chùa Diệu Đế - Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Pháp Hoa - Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng… . nhiệm kỳ IV, toàn quốc có 126 Tuệ Tĩnh Đường, 115 phòng thuốc chẩn trị y học đã khám, chữa bệnh và phát thuốc với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng.
Nhiệm kỳ V, trên toàn quốc, số lượng Tuệ Tĩnh Đường và các phòng thuốc không thay đổi nhưng tổng trị giá khám, chữa bệnh và phát thuốc lên tới 35 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống Tuệ Tĩnh Đường tỉnh Đồng Nai đạt 11.921.956.000 đồng; Tp.HCM đạt trên 6 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế đạt 3.852.337.920 đồng. Phòng khám chữa bệnh đa phần là phòng khám đông y. Một số là phòng khám đông tây y kết hợp. Ban Từ thiện Xã hội T.Ư thuộc GHPGVN đã đào tạo 250 tăng ni có trình độ Sơ cấp y tế và 98 Lương y Tuệ Tĩnh đường để tăng cường hiệu quả hoạt động về y tế nhằm chia sẻ gánh nặng cho xã hội và nhân dân trên tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật.
Hoạt động y tế qua hệ thống các phòng thuốc nam phước thiện của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPGVN) là hoạt động quan trọng nhất và cũng là hoạt động từ thiện xã hội chủ yếu của tôn giáo này. Trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, hệ thống phòng thuốc nam phước thiện của TĐCSPGVN đã góp phần chia sẻ gánh nặng về khám chữa bệnh cho xã hội và Nhà nước. Các phòng thuốc nam phước thiện của TĐCSPHVN ngày càng được bà con tín nhiệm hơn.
Hoạt động thuốc nam của TĐCSPHVN bắt nguồn từ quan niệm: tu hành chân chính, muốn thành chánh quả phải có Phước túc – Huệ túc, phải tịnh đủ tam nghiệp, ý tu, ý hành thì ý tịnh; khẩu tu khẩu hành thì khẩu tịnh; thân tu thân hành thì thân tịnh. Con người có hai phần quan trọng như nhau là Tâm và Thân, cho nên đối với người bệnh, trước hết không phải đem Phật pháp đến với họ, mà phải đem đến cho họ những phương thuốc thần diệu của một nền y đạo thật sự để xoa bớt nỗi đau thể xác, loại trừ căn bệnh rồi dần dần hướng họ tu hành theo Phật pháp.
Với tôn chỉ Phước huệ song tu, người Tịnh độ “tu phước” chủ yếu là dùng y đạo (nam dược) để chữa bệnh cho người, là kết quả của điều lành, những việc phước thiện, giúp đỡ người đời bớt khổ thêm vui. như thế là thực hiện đúng hướng chủ nghĩa từ bi của đức Phật, mục đích là đưa con người trở về gốc lành của bản tánh, góp phần xương minh và phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam. Phương tiện tu phước chủ yếu là các phòng thuốc nam phước thiện bên cạnh nơi thờ tự và tu học.
Từ Cà Mau đến Nha Trang, hiện TĐCSPHVN có 206 hội quán và cũng là 206 phòng thuốc nam phước thiện. Để các phòng thuốc nam hoạt động hiệu quả và đạt chất lượng tốt, TĐCSPHVN luôn quan tâm tới việc đào tạo các y bác sĩ có trình độ. Giáo hội hiện có 3 trung tâm đào tạo nhân lực cho các phòng thuốc nam tại Tp.HCM, Long An và Cà Mau. Giáo hội luôn động viên các em y sĩ y sinh nên trau dồi thêm văn hóa, thi vào các trường trung cấp y dược các tỉnh để sau này có đủ điều kiện xin mở phòng thuốc cho giáo hội theo điều kiện của bộ, Sở Y tế. Theo báo cáo của Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam, hiện công giáo có 100 trạm xá, phòng phát thuốc, bệnh viện. 25 cơ sở cho người mắc bệnh phong.
1.1.2 Hệ thống nhà dưỡng lão
Chăm lo cho người già đặc biệt là những người già cô đơn không nơi nương tựa là một trong những hoạt động từ thiện xã hội quan trọng của các Giáo hội. Đây là một vấn đề nhức nhối trong các xã hội hiện đại khi tuổi thọ trung bình ngày càng được nâng cao. Nhiều nước trên thế giới, hệ thống nhà dưỡng lão của nhà nước và tư nhân rất phát triển đáp ứng nhu cầu thời đại.
Ở Việt Nam hệ thống các nhà dưỡng lão gần như không phát huy được vai trò của mình đáp ứng nhu cầu người già. Trước nhu cầu xã hội ngày một tăng cao, hệ thống nhà dưỡng lão của các tôn giáo đã kịp thời đáp ứng yêu cầu xã hội. Hệ thống này đã góp phần giảm bớt gánh nặng xã hội cho nhà nước. Về Phật giáo, hiện toàn quốc có trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già. Tại Tp.HCM có các nhà dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, Pháp Lâm, quận 8; Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp; Diệu Pháp, Q.Bình Thạnh; Hoằng Pháp huyện Hóc môn… nuôi dưỡng trên 500 cụ. Thừa Thiên - Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức (60 cụ); Diệu Viên (25 cụ)…
Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người cao tuổi cô đơn Bồ Đề tỉnh Bình Dương vừa thành lập và đang đi vào hoạt động. một số chùa tuy không thành lập nhà dưỡng lão nhưng vẫn đón nhận, chăm sóc các cụ già có nhu cầu nương thân cửa Phật như chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. Công giáo hiện có 149 nhà cho người khuyết tật, cô nhi, dưỡng lão. 1.1.3 Cơ sở dạy nghề:
Để có cuộc sống ổn định về vật chất, một số tôn giáo đã có chỉ đạo tổ chức các lớp đạo tào nghề.
Về Phật giáo, BTS tỉnh, thành hội đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em GĐPT, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. Hiện có khoảng 10 trường dạy nghề trên toàn quốc gồm các nghề may, điện gia dụng, tin học, sửa xe, cắt tóc… Tiêu biểu, cơ sở tại chùa Tây Linh, Huế do Ni sư Thích nữ như minh đảm trách và cơ sở tại chùa Long Thọ, Huế do Ni sư Thích nữ Minh Tánh đảm trách. Mỗi năm có hai khoá học, mỗi khoá học 6 tháng, mỗi khoá có từ 130 - 160 em. Tính từ ngày thành lập đến nay, hai cơ sở này đã có gần 1.000 em theo học với các nghề thêu, đan, may, vi tính văn phòng. Sau khi tốt nghiệp, tuỳ theo nghề các em được giới thiệu làm việc tại các công ty may ở Tp.HCM, dệt Thuỷ Dương, xí nghiệp thêu ở Huế hoặc nhận hàng làm gia công tại nhà.
Tại chùa Kỳ Quang II, Q.Gò Vấp, Tp.HCM, cơ sở từ thiện xã hội chùa Kỳ Quang có hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề. Theo báo cáo tổng kết năm 2008, ngày 27/6/2008, cơ sở đã tổ chức lễ tốt nghiệp khóa III (2006-2008) lớp dạy nghề massage - bấm huyệt theo kỹ thuật Nhật Bản cho các học viên khiếm thị.
Trong dịp hè, cơ sở kết hợp với Viện Y Dược học tổ chức lớp dạy massage bấm huyệt sơ cấp cho các em khiếm thị. Đây là khóa học thứ 6 mà cơ sở đã tổ chức cho các em. Số lượng học viên đăng ký tham gia học tập là 60 em, bao gồm các học viên tại cơ sở và một số học viên ở các tỉnh thành lân cận. Công giáo hiện có 39 trung tâm dạy nghề.
1.1.4 Các lớp mẫu giáo, lớp học tình thương: Lớp mẫu giáo tình thương góp phần chung tay giải quyết gánh nặng xã hội cho nhà nước trong việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Hiện các cơ sở của nhà nước đứng trước thực trạng chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. một bộ phận người nghèo, trẻ mồ côi nhờ những lớp học này được cắp sách đến trường. Đây cũng là một hình thức áp dụng giáo lý tôn giáo vào giải quyết vấn đề xã hội.
Về Phật giáo, thống kê chưa được chính xác nhưng tính đến năm 1997, cả nước có 196 lớp học tình thương, 116 cơ sở nuôi trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi và khuyết tật với trên 6000 em. Đến năm 2002, số lớp học tình thương đã tăng lên 1.500 lớp. cả nước hiện có trên 1.000 lớp học tình thương với trên 20 000 em. Tuy nhiên, lực lượng giáo viên chuyên môn do tăng, ni, phật tử đảm trách còn hạn chế. Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN đã tổ chức khóa bồi dưỡng nuôi dạy trẻ cho 92 tăng ni, phật tử học viên.
Trong tình hình đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, các gia đình nghèo có con em đến độ tuổi đến trường nhưng không đủ kinh phí cho các em theo học tại các trường công lập và tư thục thì các lớp học tình thương là sự lựa chọn phù hợp của các bậc phụ huynh. Chùa Kỳ Quang 2, Q.Gò Vấp, Tp.HCM là một địa chỉ nhiều năm nay tổ chức các lớp học tình thương cho các cháu. Trong năm 2008-2009 chùa tiếp tục duy trì hoạt động và mở được 06 lớp học cấp I với tổng số 119 học sinh.
Trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 212 lớp, gồm 6.107 cháu đang theo học với 336 giáo viên và 74 nhân viên đảm trách trong đó có 155 lớp gồm 4.422 cháu bán trú. Ở Tp.Huế có một số trường có cơ sở trường lớp khang trang, bề thế như trường mầm non Quảng Tế, trường mầm non Phước Vân, trường mầm non Hồng Đức, trường mầm non Diệu Đế, trường mầm non ngự bình, trường mầm non Phò Quang, trường mầm non Diệu nghiêm. Trong số này, có các trường được Phòng Giáo dục, UBND thành phố Huế khen thưởng “Trường tiên tiến“ như trường mầm non Quảng Tế, trường mầm non Phước Vân.
Công giáo có 1025 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương và 7 trường cấp I (giáo phận Long Xuyên) do các tu sĩ phụ trách. So với 2008, tăng thêm 164 cơ sở.
Đặc biệt ở giáo phận bùi chu có 150 trung tâm đào tạo Văn hóa, Thái Bình có 60, Ban Mê Thuột có 4, Hà Nội có 2, Bắc Ninh có 1, Hưng Hóa có 1, Đà Nẵng có 1, Tp.HCM có 1, Đà Lạt có 1, và Long Xuyên có 1. 1.1.5 Trung tâm tư vấn, nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS
Với tinh thần nhập thế, Phật giáo tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Góp phần cùng toàn nhân loại ngăn chặn bệnh dịch thế kỷ HIV/AIDS và xoa dịu nỗi đau của những người không may bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này, PGVN thành lập nhiều cơ sở nuôi người nhiễm HIV/AIDS cũng như thành lập các trung tâm tư vấn HIV/AIDS.
Tại Hà Nội, chùa Pháp Vân, Q.Hoàng Mai, chùa Bồ Đề, Q.Gia Lâm là những trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Trung tâm tư vấn HIV Hương Sen của ĐĐ.Thích Thanh Huân chùa Pháp Vân, Q.Hoàng Mai là một trong những trung tâm tư vấn và nuôi dưỡng người nhiễm HIV sớm nhất tại các chùa. Chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, do sư Thích Đàm Lan, hiện là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu nhỏ bị nhiễm HIV/AIDS.
Học viện PGVN tại Tp.Hồ Chí Minh là một trong những địa chỉ trung tâm tư vấn HIV/AIDS có nhiều nội dung hoạt động với hiệu quả cao. Đây là mô hình của một trung tâm tư vấn HIV/AIDS có nguồn tài trợ từ nước ngoài. Hoạt động chính của Trung tâm là tư vấn đối với người nhiễm HIV/AIDS và cộng đồng để giúp người bị nhiễm bệnh hiểu được căn bệnh của mình giúp họ hòa nhập cộng đồng. Về phía cộng đồng, hoạt động tư vấn truyền thông của Trung tâm nhằm chống lại sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV/AIDS của các thành viên trong cộng đồng.
1.2 Các hoạt động cứu trợ khác
Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, BTS các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và tăng ni phật tử các nước dưới sự chỉ đạo của Giáo hội đã nỗ lực vận động tài chính, vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ nuôi dưỡng bà mẹ Việt nam anh hùng, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, xây dựng đường xá, bắc cầu; hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa như mở trường học, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ các chiến sĩ biên phòng, hải đảo, thăm hỏi và động viên hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, ủng hộ quỹ bảo thọ, trợ cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Trung ương, “qua 27 năm, công tác từ thiện của Giáo hội đã thực hiện hơn 950 tỷ đồng, riêng năm 2006 xây 295 nhà đại đoàn kết, tặng 24.500kg gạo, mổ mắt 8.400 ca, xây 15 cầu, tặng 254 xe lăn, 57 xe lắc cho người tàn tật, đào 163 giếng nước… với tổng giá trị là 141 tỷ 640 triệu đồng.”
Công giáo, từ 10/2009 - 10/2010 đã thực hiện các hoạt động cứu trợ sau: Hoạt động được dành nhiều kinh phí nhất là hoạt động dành cho các nạn nhân thiên tai. Tổng số tiền 13.174.936.015đ. Hoạt động trợ giúp những người khuyết tật tổng số tiền: 319.960.018đ; hoạt động cho trương trình HIV/AIDS: 1.729.049.710đ; hoạt động giáo dục và đào tạo để trợ giúp cho các học sinh, sinh viên nghèo, các bà mẹ đơn thân và người nghèo trong trường hợp khẩn cấp: 3.927.217.792đ
II. Những vấn đề đặt ra và kiến nghị
Trên phương diện tôn giáo, các hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo phù hợp với giáo lý của tôn giáo. Với Phật giáo - đạo Phật là đạo của từ bi, luôn đem lại niềm vui và cứu vớt khổ đau cho chúng sanh, do đó tôn giáo luôn vận dụng Đạo pháp để phục vụ Dân tộc, phục vụ nhân sinh.
Trên tinh thần đó, xưa đến nay các tôn giáo đã tham gia vào các công tác từ thiện xã hội một cách thiết thực thể hiện tinh thần đạo pháp và dân tộc. Tuy nhiên xét ở một bình diện khác về mặt xã hội, các hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo có ảnh hưởng rất đáng kể trong đời sống xã hội, do đó các hoạt động đó không thể không bị điều chỉnh bởi pháp luật và sự quản lý của các ngành chức năng thực hiện chức năng quản lý nhà nước như Giáo dục, Y tế, Lao động Thương binh xã hội... ở đây, theo đánh giá của các ngành chức năng và dư luận xã hội, các hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo có nhiều mặt tích cực. Đối với y tế: hệ thống phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo như Tuệ Tĩnh Đường Phật giáo, phòng thuốc nam phước thiện của Tịnh Độ cư sĩ phật hội Viêt Nam, hệ thống các phòng khám chữa bệnh Kito giáo đã góp phần tăng cường lực lượng y tế địa phương để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân trên địa bàn; các cơ sở đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho y tế Nhà nước trong nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao, đặc biệt đối với những đối tượng dân nghèo, những trẻ em bị khuyết tật (bại não, bại liệt, chậm phát triển tinh thần) cần phục hồi chức năng và những người nhiễm HIV/AIDS cần chăm sóc tư vấn. Hàng năm bình quân các cơ sở đã khám được hàng chục ngàn người, phục hồi chức năng cho hàng chục trẻ bị khuyết tật...với chi phí cho điều trị miễn phí hàng trăm triệu đồng (kể cả nội viện và ngoại viện). Các hoạt động ngoại viện tại các vùng nghèo khó, vùng sâu, vùng xa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế để phát hiện sớm các bệnh tật, giảm dần sự quá tải trong các cơ sở y tế Nhà nước.
Qua các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, các cơ sở ngày càng tạo nên sự gắn bó giữa người thầy thuốc với cộng đồng, giữa đạo lý với đạo đời vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang tính xã hội hoá cao về công tác y tế thông qua sự huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh. Đối với giáo dục: Trong điều kiện hiện nay khi việc đầu tư kinh phí của Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị và trả lương cho đội ngũ giáo viên đối với ngành học mầm non còn hạn chế, việc thực hiện công tác xã hội hoá đối với ngành học mầm non trong đó có sự tham gia của các tôn giáo là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường lớp và bổ sung các trang thiết bị nhằm phục vụ tốt cho việc chăm sóc và giáo dục các cháu. Việc các tôn giáo mở các lớp mầm non đặc biệt là mở ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn đã góp phần giải quyết về số lượng các cháu được đến trường mầm non, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, tăng tỷ lệ cháu mầm non ra lớp.
Đối với các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở dạy nghề: tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các cháu được nuôi dưỡng tốt, nguồn kinh phí nuôi dưỡng các cháu của các cơ sở khá ổn định, mức nuôi dưỡng các cháu bằng hoặc cao hơn mức ở các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước, có cơ sở còn có khả năng tự mua, cấp bảo hiểm y tế cho các cháu đang đi học. nhìn chung, các cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo thành lập đều hoạt động khá tốt, các cháu được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh về vật chất cũng như tinh thần, có nhiều cháu đã trưởng thành trở thành công dân tốt, hoà nhập cộng đồng. các cơ sở dạy nghề (may dân dụng và công nghiệp, tin học, thêu ren...) do tôn giáo mở ra đã thu hút một số lượng đông đảo các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tham gia học.
Trong đó, có nhiều học viên sau khi học nghề xong đã trở thành những tay nghề xuất sắc, làm ra được những sản phẩm có giá trị. có thể nói các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở dạy nghề do tôn giáo mở đã góp phần cùng với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và đặc biệt góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước. Tóm lại, công tác từ thiện xã hội của các tôn giáo qua các mặt hoạt động như giáo dục, y tế, chăm sóc người già, trẻ em, mở trường dạy nghề, cứu tế an sinh đã có những tác dụng tích cực và hiệu quả rất lớn trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong góc độ quản lý nhà nước của các ngành chức năng, hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo vẫn còn những mặt tồn tại.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh: một số cơ sở trong quá trình hoạt động chưa thực hiện tốt các qui định chuyên môn trong công tác khống chế nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc an toàn và báo cáo hoạt động định kỳ; nguồn thuốc để phục vụ cấp phát thuốc điều trị miễn phí của các cơ sở phần lớn do các tổ chức nhân đạo nước ngoài và thân nhân ở trong nước gửi về từ nhiều nguồn gốc khác nhau, cho nên có một số thuốc không đảm bảo chất lượng thuốc (hạn dùng) và không đúng qui chế về dược; trong công tác khám chữa bệnh ngoại viện nhất là khi có các đoàn nhân đạo nước ngoài đến khám chữa bệnh ở các vùng sâu, vùng xa, các cơ sở chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành địa phương để thực hiện nhằm đảm bảo về mặt an ninh. Đối với các trường lớp mầm non: cơ sở vật chất của một số trường chưa đảm bảo đúng qui chế mà ngành qui định, một số trường nhận số lượng cháu quá qui định so với điều lệ trường mầm non; một số nơi, đội ngũ từ chủ trường, hiệu trưởng đến giáo viên chưa đạt yêu cầu theo qui chế. Đối với các cơ sở dạy nghề: còn phân tán, nhỏ bé về qui mô, nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chủ yếu là đào tạo các ngành nghề ngắn hạn, đào tạo các ngành nghề giản đơn; chất lượng giáo viên hạn chế về trình độ kĩ thuật nghiệp vụ và sư phạm. nhìn chung các cơ sở đào tạo nghề của tôn giáo chưa có khả năng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề để đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo mặc dù còn những tồn tại song những mặt mạnh đối với các tôn giáo trong công tác từ thiện xã hội cần phải đáng lưu ý và ghi nhận: đối với tôn giáo, với trí tuệ, đạo tâm và đạo lực vốn có của các chức sắc tôn giáo, họ làm việc bằng tinh thần tự nguyện, nhiệt tình mong muốn đem lại niềm vui cho đồng bào hay nói cách khác chức sắc tôn giáo luôn đồng nguyện phụng sự sát cánh cùng đời sống nhân dân bằng tất cả tâm và lực vốn có của mình.
Thứ hai các nhà chức sắc, nhà tu hành luôn nghiêm trì giới luật cũng như luôn tuân thủ pháp luật hiện hành của Nhà nước nên không có lòng tham cầu vụ lợi riêng tư, tất cả những gì quyên góp được từ các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm và từ trong nhân dân quay trở lại phục vụ nhân dân theo phương châm “xem như là cơ quan có chức năng trung chuyển, xin của người giàu có để chia sẻ với người nghèo khổ”. Thứ ba do tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân nên các hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo được người dân đồng tình ủng hộ và tiếp đón nhiệt tình. Với những thuận lợi có được của các tôn giáo, tin chắc rằng nếu có sự nhìn nhận đúng đắn từ phía chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội về các hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo, công tác từ thiện xã hội của tôn giáo sẽ được phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội. Để kết thúc bài tham luận này, chúng tôi xin nêu lên một số kiến nghị và đề xuất như sau:
1.Đối với Giáo hội:
Các Giáo hội tỉnh cần tổ chức tổng kết, đánh giá về công tác từ thiện xã hội của giáo hội trong vòng 10 năm trở lại đây, qua đó nêu lên những mặt làm được và những mặt chưa làm được. Theo đó, trong phương hướng hoạt động, Giáo hội cần xem xét và chấn chỉnh lại các mặt về công tác lãnh đạo - tổ chức thực hiện, nội dung hoạt động từ thiện xã hội, cụ thể:
- Việc tiếp nhận các nguồn tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức tài trợ không nên để bị phân tán mà cần tập trung về một đầu mối.
- Những chương trình từ thiện xã hội như cứu tế an sinh tuy là cần thiết nhưng không nên đầu tư quá nhiều kinh phí cho chương trình mà nên chăng cần có những dự án có tính khoa học hơn, tập trung hơn, mang tính dài hơi hơn như dự án giúp dân xây dựng cầu đường, giếng nước, trường trạm, nhà cửa cho người nghèo sẽ thiết thực và ý nghĩa lớn lao hơn, để lại được nhiều dấu ấn hơn.
- Đối với các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, đề nghị các cơ sở từ thiện xã hội của giáo hội thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của các ngành chức năng (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội…) để được hướng dẫn và giúp đỡ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội theo đúng qui định của pháp luật.
2. Đối với Nhà nước:
+ Tiếp tục nghiên cứu để có sự đổi mới hơn nữa các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo đặc biệt là chủ trưong xã hội hóa giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội.
Theo đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, cần cho phép các tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập bệnh viện, trạm xá, trường học, nhà nghỉ… + Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách về vấn đề từ thiện xã hội của các tôn giáo thành những văn bản qui phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo được hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực từ thiện xã hội.
+ Đối với chính quyền và các ban ngành chức năng ở địa phương:
- Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các cơ sở từ thiện xã hội của giáo hội nhân các ngày lễ lớn như Phật đản, Noel, Vu lan, Thành đạo và tết cổ truyền dân tộc.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương và trung ương cần mở chuyên mục, đưa tin về các hoạt động từ thiện xã hội, gương người tốt, việc tốt của các cá nhân, tổ chức tôn giáo.
- Chính quyền địa phương giúp đỡ và hướng dẫn cho các chức sắc, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện các chương trình cứu tế an sinh.
- Những nơi nào tôn giáo có nhu cầu giao đất để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác từ thiện xã hội, Nhà nước cần xem xét giao đất theo đúng trình tự và thủ tục qui định của pháp luật. Trong các yếu tố để xem xét, cần căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu của nhân dân trong các hoạt động giáo dục, y tế…
- Các ngành chức năng (Giáo dục, Y tế, Lao động Thương binh Xã hội) thường xuyên tăng cường công tác Quản lý Nhà nước đối với các hoạt động từ thiện xã hội nhất là ở tại các cơ sở từ thiện xã hội của tôn giáo.
Trong công tác quản lý cần có kế hoạch giúp đỡ và hướng dẫn các cơ sở này về các mặt: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, y bác sĩ; nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nguyễn Thị Minh Ngọc - Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3/2014
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |