Chi tiết tin tức

Từ ngữ nhà Phật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

20:47:00 - 13/07/2022
(PGNĐ) -  Việc lựa chọn và sử dụng linh hoạt lớp từ ngữ có người gốc Phật giáo trong thơ chữ Hán nói riêng, các sáng tác nói chung của Nguyễn Du cho ta biết nhiều điều.

LƯƠNG DUYÊN GIỮA NHÀ THƠ VÀ ĐẠO PHẬT 

Đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Thi hào Nguyễn Du, đó là điều đã được nhiều người thừa nhận. Bởi đó, “viết về cụ Nguyễn Du mà chúng ta không nói đến Phật giáo thì đó là một thiếu sót quan trọng, vì phần lớn sự nghiệp văn thơ của cụ đều xuất phát từ điểm này để từ đó cụ gởi gắm tâm sự của cụ lại cho hậu thế” [1].

Chính Nguyễn Du cũng thừa nhận mối lương duyên giữa ông và Phật giáo. Lần tìm trong cách sáng tác của nhà thơ, ta sẽ gặp không ít lần Nguyễn Du cho biết mối quan hệ mật thiết của mình với Đạo Phật. Trong bài Tự thán 2, nhà thơ bày tỏ mong ước được xuống tóc vào rừng ẩn tu:

何能落髮歸林去

卧聽松風響半雲

Hà năng lạc phát quy lâm khứ,

Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.

(Ước sao có thể xuống tóc vào rừng đi tu – Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây) [2].

Trong bài Đề Nhị Thanh động, nhà thơ khẳng định sự gắn bó của bản thân đối với đạo Thiền:

此心常定不離禪

Thử tâm thường định bất ly Thiền.

(Lòng này thường định, chẳng rời đạo Thiền).

Đặc biệt, ở bài Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài làm khi Nguyễn Du đến trước di tích đài đá nơi Thái tử Lương Chiêu Minh chia kinh, tác giả tiết lộ:

我讀金剛千遍零

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh.

(Ta đọc kinh Kim Cương hơn nghìn lượt).

Tác phẩm của Nguyễn Du thấm đẫm tinh thần nhà Phật. Trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nhà thơ thường xuyên lựa chọn lớp từ ngữ có nguồn gốc Đạo Phật.

Tác phẩm của Nguyễn Du thấm đẫm tinh thần nhà Phật. Trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nhà thơ thường xuyên lựa chọn lớp từ ngữ có nguồn gốc Đạo Phật.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Du tìm đến Đạo Phật khi còn khá trẻ. “Thời gian mà Nguyễn Du bắt đầu có ý muốn xa lánh đời để xuống tóc ẩn tu là thời gian cuối những năm từ 1786-1795, lúc này cụ gần 30 tuổi và thời gian cụ sống không lìa thiền […] là vào những năm 1802-1804 tức là khoảng 36 hay 37 tuổi. Như vậy, việc chuyển hướng về với Đạo Phật là khá sớm và việc cụ tự nói lên sự tu tập đọc tụng kinh Kim Cương hàng nghìn lần không phải là những lời nói ngoa” [3].

Như vậy, từ một nhà Nho, Nguyễn Du sớm tìm đến Phật giáo và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Đạo Phật. Cùng với truyền thống văn hóa dân tộc, Phật giáo là suối nguồn tư tưởng làm nên thiên tài Nguyễn Du, như đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu: “Phải chăng nền tảng triết lý của Đạo Phật và văn hóa minh triết văn hiến ngàn đời của dân tộc, chân lý nhân quả, vô ngã, vô thường đã hòa quyện làm nên cốt cách nhân văn, uyên bác của ông” [4]. Tác phẩm của Nguyễn Du thấm đẫm tinh thần nhà Phật. Trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nhà thơ thường xuyên lựa chọn lớp từ ngữ có nguồn gốc Đạo Phật. Đây là phương diện cho thấy Phật giáo là một trong những nền tảng tư tưởng cơ bản, chi phối sâu sắc đến các sáng tác của Tố Như.

SỰ ĐA DẠNG CỦA LỚP TỪ NGỮ NHÀ PHẬT

Trong các sáng tác, Nguyễn Du thường xuyên sử dụng từ ngữ nhà Phật như những phương tiện nghệ thuật có chủ ý. Trong Truyện Kiều, lớp từ ngữ này xuất hiện khá nhiều lần, chẳng hạn: Đã mang lấy nghiệp vào thân; Kiếp xưa đã vụng đường tu/ Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi; Sư rằng: Song chẳng hề chi/ Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều; Rỉ rằng: Nhân quả dở dang…

Trong Văn tế thập loại chúng sinh, tác phẩm được nhiều người xem như bản kinh Phật của người Việt, lớp từ ngữ này được dùng với tần số rất cao, ví như: Thương thay thập loại chúng sinh; Tiết đầu thu lập đàn giải thoát/ Nước tịnh bình rưới hạt dương chi/ Muôn nhờ Đức Phật từ bi/ Giải oan cứu khổ độ về Tây phương; Hoặc là nương Thần từ, Phật tự; Nhờ Đức Phật siêu sinh Tịnh độ/ Chuyển Pháp luân Tam giới thập phương; Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng/ Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài…

42-1 (1)

Ngay cả trong Sinh tế Trường Lưu nhị nữ văn, tác phẩm mang tính chất trào lộng, Nguyễn Du cũng dùng nhiều từ, ngữ nhà Phật, như: Chùa Phổ Cứu trăng dìu gió dặt ngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm; Buông rèm sương nửa chái trăng soi, nắn quay sắt kéo dây nhân quả; Con Sãi chùa lại quét lá đa, thôi mặc kiếp nhà bay bất khả; Lên chùa Giằng toan tu với sư Viên, rũ sạch làu làu, mua chưa được mũ Ni áo vá…

Trong thơ chữ Hán, bên cạnh từ ngữ có nguồn gốc Nho, Lão, từ ngữ có nguồn gốc Đạo Phật cũng được dùng với số lượng tương đối lớn. Khảo sát 250 bài thơ trong ba tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, chúng tôi thống kê được hơn 53 lần Nguyễn Du dùng từ ngữ nhà Phật. Hơn nữa, lớp từ ngữ này khá đa dạng, được sử dụng một cách linh hoạt, mang lại nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo.

Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, lớp từ ngữ nhà Phật gồm các nhóm chính sau:

– Nhóm từ, ngữ chỉ danh xưng của chư Phật: Đại Sư, Phật, Vô lượng Phật, Thế Tôn, Kim thân, Quan Âm,…

– Nhóm từ, ngữ chỉ/ liên quan đến các địa danh Phật giáo: Linh Sơn, Hằng Hà sa số,…

– Nhóm từ, ngữ chỉ không gian thờ tự: Tự, sơn tự, cổ tự, Thiên Thai tự, Thương Sơn tự, huyền quan,…

– Nhóm từ, ngữ chỉ người tu hành: Tăng, sơn Tăng, Tăng đồ, Lão nạp, Chân thân (Nhục thân của người tu hành đắc đạo),…

– Nhóm từ, ngữ chỉ kinh sách, vật dụng nhà Phật: Kinh, Kim Cương, Pháp Hoa, chung (chuông), chung cổ (chuông trống), đàn hương,…

– Nhóm từ, ngữ chỉ hoạt động tu hành: Thường định, niệm, thuyết pháp, độ nhân, lạc phát (xuống tóc),…

– Nhóm từ, ngữ chỉ giáo lý nhà Phật: Không, sắc, tướng, chướng, sinh tiền chướng, nghiệp, tuệ nghiệp, duyên, sân, si, ngộ, niệm, giác, độ, tự độ, Bồ đề, thiền, vô ý, vô tận [5],…

Thơ chữ Hán Nguyễn Du không phải là thơ thiền. Tuy nhiên, nhà thơ lại dẫn dụng nhiều từ ngữ có nguồn gốc Phật giáo. Lớp từ ngữ này không chỉ được dùng trong nhiều bài, với số lượng tương đối lớn mà còn phong phú về nội dung, chủ đề. Vậy thì, với việc chủ động sử dụng lớp từ ngữ nhà Phật như những mã nghệ thuật đặc biệt, Nguyễn Du đã kiến tạo nên những giá trị thẩm mỹ nào cho các sáng tác chữ Hán của mình?

GIÁ TRỊ THẨM MỸ CỦA LỚP TỪ NGỮ NHÀ PHẬT

Trong quá trình lao động nghệ thuật, nhà văn có quyền lựa chọn từ ngữ là những chất liệu đặc thù để kiến tạo nên tác phẩm văn học. Nguyễn Du trong các sáng tác hoàn toàn tự do trong việc sử dụng chất liệu ngôn từ. Không khó để nhận ra, từ ngữ nhà Phật là một trong những khuynh hướng lựa chọn nổi bật trong các phẩm của ông, trong đó có thơ chữ Hán. Sử dụng lớp từ ngữ có nguồn gốc Đạo Phật trong thơ chữ Hán là một chủ ý nghệ thuật của Nguyễn Du. Chính dụng ý nghệ thuật này mang lại nhiều hiệu quả thẩm mỹ độc đáo.

43-1 (1)

Trước hết, từ ngữ nhà Phật được Nguyễn Du sử dụng như một phương tiện hữu hiệu để khái quát các triết lý Phật giáo hoặc thể hiện những suy nghiệm của bản thân về các triết lý ấy. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du thường dùng cách nói hình ảnh với các ngữ liệu quen thuộc để diễn đạt cho nhiều tư tưởng của Đạo Phật. Chẳng hạn, ông hay dùng các ngữ liệu phong trần, phù sinh, phù thế, phù vân để nói lên tư tưởng đời là bể khổ, cuộc sống vô thường. Hoặc như, câu chuyện cảm động về những người chạy giặc trong bài Trở binh hành, mẹ con người ăn xin trong Sở kiến hành, con ngựa già bị ruồng bỏ dưới bóng thành trong Thành hạ khí mã… là hình ảnh sống động cho tư tưởng “từ bi bác ái”. Tuy nhiên, không ít trường hợp, nhà thơ sử dụng trực tiếp các thuật ngữ của nhà Phật. Chẳng hạn, ở bài Đề Nhị Thanh động, ông sử dụng các thuật ngữ “không”, “tướng” để nói trực tiếp đến triết lý “sắc không” của Đạo Phật:

滿境皆空何有相

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng?

(Khắp cõi đều là “không”, sao còn có “tướng”?).

Ở bài Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài, một loạt từ ngữ nhà Phật được tác giả huy động sử dụng để thể hiện những chiêm nghiệm của mình về Đạo Phật nhân nghĩ về câu chuyện Thái tử Lương Chiêu Minh “trẻ tuổi mê đắm văn chương” (Thái tử niên thiếu nịch ư văn), nên mới gượng làm ra chuyện “chia kinh” rắc rối (Cưỡng tác giải sự đồ phân phân) [6]. Trong bài thơ này, một lần nữa Nguyễn Du sử dụng các từ không, sắc cũng như hai câu kệ của Lục tổ Huệ Năng [7] để suy nghiệm về triết lý “sắc không”, tâm cảnh “vạn vật giai không” sâu nhiệm của Đạo Phật:

佛本是空不著物

何有乎經安用分 […]

色空境界茫不悟 […]

明鏡亦非臺

菩提本無樹

Phật bản thị không bất trước vật,

Hà hữu hồ kinh an dụng phân? […]

Sắc không cảnh giới mang bất ngộ. […]

Minh Kính diệc phi đài,

Bồ đề bản vô thụ.

(Phật vốn là không, không dính gì đến mọi vật – Có dính dáng gì đến kinh mà phải chia? – Giữa “sắc” và “không” mờ mịt không nhận ra được – Cũng chẳng có đài “Minh Kính” – Vốn không có cây Bồ đề).

Cũng trong Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài, một loạt từ ngữ nhà Phật như Thế Tôn, Linh Sơn, thuyết pháp, độ nhân, Hằng Hà sa số, tự độ… được tác giả dẫn dụng để chiêm nghiệm về con đường tu tập, “độ” cho người và “độ” cho mình:

吾聞世尊在靈山

說法渡人如恆河沙數

人了此心人自渡

靈山只在汝心頭

Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,

Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số.

Nhân liễu thử tâm nhân tự độ,

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.

(Ta nghe nói Thế Tôn ở Linh Sơn – Thuyết pháp “độ” người, số người nhiều như cát sông Hằng – Con người ta biết tu tâm là tự “độ” lấy mình rồi – Linh Sơn chỉ ở trong lòng người).

Có thể thấy, trong những câu thơ trên, việc sử dụng từ ngữ nhà Phật là sự lựa chọn tối ưu. Nguyễn Du là người giỏi chữ Hán. Ông có thể chọn từ ngữ, thi liệu, cách diễn đạt khác. Tuy nhiên, nhà thơ chủ động dẫn dụng từ ngữ nhà Phật. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo tính khái quát, súc tích và chính xác của vấn đề mà còn để phù hợp với tâm thế của một người đang luận bàn về Phật pháp, thể hiện những chiêm nghiệm của bản thân về Đạo Phật nhân đứng trước một di tích gắn liền với câu chuyện chia kinh nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa.

Từ ngữ nhà Phật còn được tác giả Nguyễn Du sử dụng để chuyển tải các tư tưởng Phật giáo nhằm giải thích các hiện tượng trong cuộc đời. Chẳng hạn, trong bài Điệp tử trung thư, thương xót con bướm bạc mệnh chết trong sách, Nguyễn Du cho rằng đây không phải điều ngẫu nhiên. Nhà thơ mượn triết lý “Duyên khởi” thông qua một từ duyên để giải thích:

薄命有緣留簡籍

Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch.

(Mệnh bạc nhưng có duyên nên được lưu lại trong sách).

Nhà thơ cũng mượn từ nhà Phật để giải thích cho số phận khổ đau của con người, trong đó có những người ca nữ. Nếu như trong Truyện Kiều, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bất hạnh của Thúy Kiều, ông tìm về với cội nguồn của cả Nho lẫn Phật, thông qua lời của sư Tam Hợp: Có trời mà cũng có ta/ Tu là cõi phúc, tình là dây oan/ Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan/ Vô duyên là phận hồng nhan đã đành; thì ở bài Điếu La Thành ca giả, giải thích cho nỗi đau của người ca nữ đất La Thành (không có người xót thương cho phận bạc – Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh; chết rồi để lại tiếng gió trăng – Phong nguyệt không lưu tử hậu danh), nhà thơ hoàn toàn dựa trên triết lý “nhân quả” của nhà Phật. Một từ chướng cũng đủ nói lên điều này:

胭脂不洗生前障

Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng

([vì] không tẩy sạch nghiệp chướng phấn son lúc còn sống).

44-1 (1)

Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Du còn chủ động sử dụng nhiều từ ngữ nhà Phật trong những câu thơ thể hiện hình ảnh chùa, nhà Sư. Trong thơ chữ Hán của ông, chùa thường là là cổ tự, sơn tự; nhà Sư phần lớn là sơn Tăng, Lão nạp, Tăng lão. Không gian chùa trong thơ ông thường vọng tiếng chuông, trống (chung cổ). Từ ngữ nhà Phật được Nguyễn Du sử dụng hợp lý nhằm thể hiện thành công hình ảnh những ngôi chùa thanh u tĩnh lặng, những vị Sư an nhiên thoát trần. Tiêu biểu như trong bài Vọng Thiên Thai tự:

古寺秋埋黄葉裡

先朝僧老白雲中

Cổ tự thu mai hoàng diệp lý,

Tiên triều Tăng lão bạch vân trung.

(Mùa thu, chùa cổ như vùi trong lá vàng – Vị Sư già triều trước trong mây trắng).

Hoặc như hình ảnh ngôi chùa không rõ tên cùng hình ảnh vị sơn Tăng nằm ngủ trong mây thật thoát tục mà Nguyễn Du bắt gặp trên đường đi sứ qua vùng đất Thương Ngô (Trung Hoa) trong bài Thương Ngô trúc chi ca 4:

古寺無名難問訊

白雲深處卧山僧

Cổ tự vô danh nan vấn tấn,

Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng.

(Chùa cổ không có tên, khó hỏi thăm – Nơi mây trắng che dày, có nhà Sư nằm ngủ).

Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, hình ảnh chùa, nhà Sư thường hiện lên rất đẹp và đậm chất lý tưởng. Trên phương diện ngôn ngữ, lớp từ ngữ nhà Phật có vai trò nhất định trong việc kiến tạo nên những hình ảnh đẹp này.

Tóm lại, việc lựa chọn và sử dụng linh hoạt lớp từ ngữ có người gốc Phật giáo trong thơ chữ Hán nói riêng, các sáng tác nói chung của Nguyễn Du cho ta biết nhiều điều. Trên phương diện nghệ thuật, đây là những tín hiệu thẩm mỹ quan trọng giúp nhà thơ thể hiện các chủ đích nghệ thuật của mình. Trên phương diện tư tưởng, điều này cho thấy Đạo Phật có ảnh hưởng sâu đậm, là mạch nguồn tư tưởng quan trọng làm nên nhân cách, tấm lòng và tài năng của Đại Thi hào Nguyễn Du. Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với thiên tài Nguyễn Du không thể bỏ qua lớp từ ngữ này.

Chú thích:

[1] Đại Lãn, “Nguyễn Du & Phật giáo”, Tạp chí Sông Hương, số 297, 2013

[2] Hầu hết phần nguyên văn, dịch nghĩa thơ Nguyễn Du trong bài viết này được dẫn theo Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích, Nxb. Văn học, 2015. Một số câu do chúng tôi tự dịch nghĩa.

[3] Đại Lãn, “Nguyễn Du & Phật giáo”, tlđd, 2013.

[4] Trần Thúc Hoàng, “Đại Thi hào Nguyễn Du – Nhà tiên tri hay cư sĩ nhà Phật?”, 2020. Báo Phật giáo online, dẫn theo địa chỉ: https://phatgiaoonline.com/dai-thi-hao-nguyen-du-nha-tien-tri-hay-cu-si-nha-phat/

[5] Trong câu Đại sư vô ý diệc vô tận (bài Đề Nhị Thanh động), nghĩa là “Đức Phật vô ý mà cũng là vô tận”. “Vô ý” ở đây là “không có ý hão huyền lầm lạc” (hư vọng chi ý), một chủ đích của đạo Thiền. “Vô tận” là cách nói tắt của “vô tận tam sự”, nghĩa là “ba việc vô tận”, gồm: Bố thí, trì giới và bác văn. Xem thêm Nguyễn Du toàn tập, sđd, tr.236.

[6] Có thuyết cho rằng việc chia kinh ở đây là “đem những quyển kinh Phật chia cho tín đồ, chia cho nhân dân”. Nhưng theo Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán, “phân kinh là chấm câu (phân cú đậu).Vì kinh bằng chữ Hán, không có chấm câu; nay “phân cú đậu” cho dễ đọc”. Theo Nguyễn Du toàn tập, sđd, tr.668.

[7] Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng: 菩提本無樹/明鏡亦非臺/ 本来無一物/ 何處惹塵挨 Bồ đề bản vô thụ/ Minh kính diệc phi đài/ Bản lai vô nhất vật/ Hà xứ nhạ trần ai. Tạm dịch: Bồ đề vốn không phải là cây/ Gương sáng cũng không có đài/ Xưa nay vốn chẳng có vật nào cả/ Thì nơi nào bám bụi trần.

Tài liệu tham khảo:

[1] Thiều Chửu, Hán Việt Tự điển, Nxb. Thanh niên, 2011.

[2] Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015

[3] Trần Thúc Hoàng, “Đại Thi hào Nguyễn Du – Nhà tiên tri hay cư sĩ nhà Phật”, 2020. Báo Phật giáo online, dẫn theo địa chỉ: https://phatgiaoonline.com/dai-thi-hao-nguyen-du-nha-tien-tri-hay-cu-si-nha-phat/

[4] Đại Lãn, “Nguyễn Du & Phật giáo”, Tạp chí Sông Hương, số 297, 2013

[5] Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán (dịch nghĩa, chú thích), Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Nxb. Văn học, 2015

[6] Nguyễn Thị Nương, Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán, Nxb. Đại học Sư phạm, 2010.

[7] Phạm Tuấn Vũ, “Vầng trăng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 208, 2014.

[8] Lê Thu Yến, Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Thanh niên, 1999.

 

ThS. Phạm Tuấn Vũ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin