Chi tiết tin tức

Tỉnh mộng

15:16:00 - 01/07/2014
(PGNĐ) -  Đây xin kể một câu chuyện Tỉnh Mộng để cùng nhắc nhở tất cả chúng ta sống trong cuộc đời này đều giống như giấc mộng.

Ngày xưa, ở miền bắc Ấn Độ có một vị hoàng tử rất thông minh. Vừa lớn thì gặp được nhân duyên vua cha có thỉnh vị A-lahán vào nội cung thuyết pháp. Vị hoàng tử vừa nghe âm thanh của vị A-la-hán, tuy chưa từng gặp gỡ mà dường như đã quen nhau. Tình thầy trò từ trước đến nay đủ duyên gặp lại. Hoàng tử quyết chí xin vua cha được xuất gia theo thầy làm đệ tử tu hành. Vua và hoàng hậu là những vị mến mộ Phật pháp, nên chấp thuận cho hoàng tử theo vị A-la-hán tu học.

Sau thời gian thử thách, hoàng tử được xuất gia thành một vị tăng, rồi theo thầy đi du hóa sang nước láng giềng. Một buổi sáng, vị tăng trẻ này vào thành khất thực. Vì không quen đường nên đi lạc vào ngự uyển trong cung, là chỗ sinh hoạt của các cung nữ của nhà vua mà thầy không biết. Nhóm cung nữ thấy vị tăng trẻ dáng vẻ khả ái, nên mời ngồi lại và dâng các món ăn cúng dường. Vị tăng thọ nhận xong, đáp lễ bằng cách giảng dạy một ít câu kệ của Phật về cuộc đời vô thường, phải nên bớt ham vui theo ngũ dục thế gian. Các cung nữ này chú tâm nghe thích thú. Sự việc này đã được người hầu tâu lên vị chủ nhân cung ấy. Nhà vua đến thì thấy thầy đang ngồi giữa, chung quanh là các cung nữ, tức giận vua to tiếng bảo: “Tu sĩ lại quây quần bên đàn bà con gái là hư hỏng rồi, phải đánh 20 hèo cho tỉnh ngộ”. Lệnh vua truyền ra liền được thi hành, sau khi bị đánh đau đớn, vị tăng bị đuổi ra khỏi cổng thành. Thầy vừa đau vừa tức, lòng tự ái nổi lên, nghĩ mình là thái tử đâu phải tầm thường mà lại bị đánh thế này và thề sẽ trả thù. Thầy khởi ý định bỏ tu về lại quê hương, nối ngôi cha làm vua, rồi đem quân đánh nước này thành bình địa để trả thù. Nghĩ vậy, vị tăng liền trở về gặp thầy của mình trình bày lý do và cương quyết trả y xin thôi tu. Vị thầy đọc bài kệ cảnh tỉnh:

Vui mừng hay đau khổ,
Mất mát hay thành công,
Tủi nhục hay vinh quang,
Hãy nhận tất cả với lòng bình thản.
Không tham cầu cũng không ghét bỏ
Đó là con đường thoát,
Khỏi vương quốc của ảo giác.

(Trích Sư Tử Tuyết Bờm Xanh – Nguyễn Tường Bách)

Tức là không tham cầu thành công vinh quang, cũng không ghét bỏ sự mất mát tủi nhục. Tâm luôn bình thản, đó là con đường thoát khỏi vương quốc ảo giác, là những hư huyễn của thế gian. Cần hiểu rõ thế gian này là tương đối, không bao giờ có cái hoàn toàn như ý, có vui thì có khổ, có thành công cũng có mất mát, chớ không hoàn toàn một chiều.

Vị tăng trẻ này bây giờ nghe đạo lý hết nổi, cương quyết thưa: “Không được, con đã quyết rồi, con hứa hẹn quá nhiều rồi, kể từ nay không thể mềm dịu, từ bi được. Con phải cho lũ côn đồ trả giá sự kiêu mạn của chúng mới được”.

Cuối cùng vị thầy bảo: “Con đã quyết vậy thì thôi, nhưng bây giờ trời cũng tối rồi, thôi ở lại nghỉ một đêm sáng mai hãy đi”. Thầy lưu lại một đêm nữa.

Khi mệt mỏi vừa nằm nhắm mắt ngủ, vị thầy A-la-hán dùng năng lực trí tuệ cảnh tỉnh đệ tử bằng cách khiến vị tăng trẻ mộng thấy một giấc mơ: Thầy mơ thấy về đến quê hương, khi ấy phụ hoàng mất nên thầy lên ngôi làm vua. Thấy có cơ hội tốt, vị vua trẻ tập trung binh sĩ kéo quân qua đánh xứ láng giềng để trả mối hận bị làm nhục của 20 hèo. Khi giao chiến lúc đầu tưởng chừng như thắng trận, sắp dẹp tan nước ấy thành bình địa, nhưng không ngờ kết quả ngược lại, vị vua trẻ thua trận bị bắt, bị cầm tù, rồi đem ra xử trảm. Khi đưa ra pháp trường hành quyết, quần chúng nước ấy rất đông đang đứng hò reo chờ chém đầu ông vua trẻ. Ngay lúc ấy, vị vua trẻ thấy hình ảnh sư phụ hiền từ hiện ra trước mặt. Đang sợ hãi, anh chàng này vội vàng kêu cứu: “Bạch thầy! Xin thầy hãy tha tội cho con, thầy hãy cứu con”. Vừa lúc ấy, vị tăng tỉnh giấc mơ, thấy thầy mình đang ngồi bên cạnh an ủi: “Đừng sợ bất cứ hình ảnh gì hiện trong đời của con, tất cả chỉ là một giấc mơ, con vẫn còn nguyên vẹn cả”.

Vị tăng này ngay đó tỉnh ngộ, bao nhiêu nóng giận, hận thù liền đó tan biến giải tỏa hết. Thầy đảnh lễ sư phụ tạ ơn, tiếp tục khoác y tu hành. Về sau, vị tăng trẻ này tu hành chứng A-la-hán, là một trong 16 vị A-la-hán hoằng truyền chánh pháp của Đức Phật Thích Ca ở cõi này.

Quý vị thấy, chỉ một chút sân, chỉ có chút đó thôi mà đành bỏ tu. Một niệm tự ái khởi lên rất là nguy hiểm!

Sau khi nghe câu chuyện này rồi quán kỹ, nghiệm sâu sẽ đánh thức chúng ta rất nhiều trong cuộc đời giống như giấc mộng này. Đang ngồi mở mắt sờ sờ đây sao gọi là mộng được? Nếu nhớ kiểm lại từ khi sanh ra lớn lên, tạo tác bao nhiêu nghiệp tranh giành hơn thua, đến nay tuổi già sức yếu ngồi nhớ lại lúc vừa 10 – 20 tuổi giống như là giấc mộng chứ gì! Có ai kéo thời gian đó lại được không? Không bao giờ kéo lại được. Như trong giấc mộng thấy buồn vui, giận ghét đủ hết, tỉnh rồi bảo đem ra làm sao đem được! Chỉ còn là ký ức.

Nếu quán kỹ rồi, chúng ta sẽ không bị tất cả buồn vui của cảnh mộng này chi phối. “Nhớ rõ tất cả chỉ là giấc mơ qua, còn riêng con, con vẫn còn nguyên vẹn cả, không mất mát gì”, thấy được chỗ đó thì thấy được ý nghĩa giải thoát chân thật.

Chư Phật thường dạy trong dòng luân hồi sanh tử dài đằng đẵng này, có khi chúng ta cũng lên cõi trời, hoặc xuống địa ngục hay vào đường súc sanh, ngạ quỷ đường nào cũng đi đủ hết. Tuy đi đủ các đường nhưng các cảnh đều là mộng, chỉ riêng chính mình chân thật thì vẫn còn nguyên vẹn chưa từng có sanh diệt. Đó là chỗ khéo léo mà chư Phật, Tổ nhắc nhở đánh thức cho chúng sanh, chúng ta phải hằng nhớ để khai thác nhận ra và sống được.

Để sáng tỏ thêm, xin nhắc lại bài thơ “Mộng” của Hòa thượng Tôn sư. Đây là bài kệ rất ý nghĩa phát xuất từ cảm hứng của Ngài khi còn ngụ tại Thiền viện Chân Không:

Gá thân mộng, dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng.
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.

Chúng ta sanh ra, gá vào thân này giống như là thân mộng. Khi sanh ra đời tạm gá xác thân này để đi tiếp vào giấc mộng mới, đâu có cái gì là thân thiệt của mình. Chỉ tạm gá rồi buông giống như giấc mộng tuy có mơ thấy nhưng không thiệt. Như câu chuyện ngài Phá Táo Đọa khai thị cho vị thần táo gá vào mấy cục gạch, mấy viên ngói làm thân. Mình cũng vậy, gá vào mấy cục thịt, xương này làm mình, chớ có gì của mình, của ta đâu! Nhưng khi gá vào đó rồi thì lại đồng hóa mình với nó, nhận nó là mình. Đó là chỗ lầm mê. Hòa thượng muốn đánh thức cho mọi người tỉnh lại, thấu rõ được thân này chỉ là mộng.

“Dạo cảnh mộng”, khi gá thân này rồi sống được mấy mươi năm buồn vui, giận ghét, yêu thương v.v… Thăng trầm lên xe xuống ngựa đủ thứ hết. Vậy đó là cái gì? Đó là đi dạo một vòng qua cảnh mộng chớ không gì khác. Tất cả quý vị đang ngồi đây đã dạo bao nhiêu cảnh mộng rồi mà có chán chưa? Đôi khi buồn chán, nhưng cũng có khi chưa chán thiệt.

Có một bà cụ thường xuyên niệm Phật, tụng kinh cầu sanh về Cực Lạc Tây Phương rất chí thiết. Mỗi lần niệm Phật đều phát nguyện cầu là con lớn tuổi rồi, xin Đức Phật mau rước con về Tây Phương. Hôm đó, có chú tiểu tình cờ đi ngang qua nghe bà nguyện lớn như vậy, chú hơi nghịch nên tìm cách đùa bà già một phen. Mấy hôm sau, chú canh lúc bà cụ tới chùa lễ Phật, bèn núp kín phía sau tượng Phật. Bà cụ cũng như mọi ngày lễ Phật phát nguyện. Chú tiểu lên tiếng: “Được! Do tâm bà chí thành, hãy về chuẩn bị chiều này ta đến rước đi”. Vừa nghe xong, bà té xỉu ngay đó luôn!

Tưởng đâu bà già cả lớn tuổi, chí thành cầu nguyện Phật rước đi theo Phật cho mau, nhưng khi nghe mình được rước đi thì sợ chết té xỉu. Chúng ta cũng vậy, có những lúc buồn chán không thiết sống, nhưng khi nghe thầy bói nói mình sắp chết thì lại sợ. Đó là mê lầm. Học đạo cũng hiểu cuộc đời là mộng, nhưng nghe nói chết là sợ hãi, là thấy thật.

Khi dạo qua một vòng với nhiều giấc mộng dài, ngắn trong mấy mươi năm, cuối cùng thì “Mộng tan rồi” là tắt thở, là tan giấc mộng dài.

“Cười vỡ mộng”, chỗ này nhắc nhở người khéo tu, hiểu đạo khi thấy mộng tan rồi thì cười vỡ mộng. Người khi nằm ngủ mộng thấy cảnh buồn hoặc ghê sợ như bị cọp rượt hoặc mộng vui, đến khi tỉnh dậy biết là mộng thì mộng vui hay buồn đều là không thật nên tỉnh táo đi rửa mặt v.v… rồi công tác vui vẻ, không hề tiếc nuối.

Đối với người biết tu, đến giây phút sắp tắt thở là tan mộng, khi đó cười vì thấy đã tan một giấc mộng dài mà không khóc. Nhưng chúng ta thường thấy chết, biết chết là khóc, khóc vì quý tiếc thân này. Nên Lục Tổ Huệ Năng bảo trong chúng: “Tháng tám ta muốn lìa thế gian, các ông có gì nghi nên hỏi sớm, Ta giải quyết nghi hoặc, sạch hết mê lầm”. Khi đó, các vị hiện diện như Thiền sư Pháp Hải v.v… nghe Tổ nói đều rơi nước mắt khóc, chỉ có ngài Thần Hội thản nhiên, thần tình chẳng động không khóc.

Theo thế gian, có khi lại bị trách là ông không có tình thầy trò. Ngược lại, Lục Tổ bảo: “Tiểu sư Thần Hội được thiện ác bình đẳng, chê khen chẳng động, buồn vui cũng chẳng sanh; ngoài ra đều chẳng được. Vậy thì mấy năm ở trong núi trọn tu đạo gì vậy ? ”. Tổ còn quở mấy năm trong núi tu hành đạo gì mà đến giờ cũng còn buồn khóc như thế sao; chỉ có tiểu sư Thần Hội được bình thản.

Thế nên, chúng ta hiện còn đầy đủ sức khỏe, nghị lực mạnh, cũng nên biết chuẩn bị trước cho mình giây phút cuối. Bởi vì, ngày đó chắc chắn sẽ đến, không ai tránh khỏi, tất cả cũng đều phải đến chỗ tan mộng, tắt thở. Nếu như không chuẩn bị, khi đến rồi sẽ chới với sanh buồn khổ; còn có sự chuẩn bị trước thì tương đối có sức làm chủ chút ít, được tỉnh táo hơn.

Ở đây, Hòa Thượng muốn nhắc mọi người phải khéo tu, khi mộng đời tan rồi thì vui vẻ cười mộng tan, đừng nên buồn khóc. Ngược lại, còn thương tiếc thân mộng này, là thiếu công phu, thiếu đạo lực, là bị Lục Tổ quở mấy năm ở trong núi tu đạo gì ?

“Ghi lời mộng, nhắn khách mộng”. Hòa Thượng đã rõ được việc đó, nên Ngài ghi lại những lời này để nhắn nhủ những người còn đang trong mộng. Nhưng lời ghi này cũng là lời mộng. Lời trong mộng nhắc nhở người trong mộng khéo tỉnh lại. Bởi đây cũng là ngôn ngữ, nó không biết giác ngộ nên đừng vội bám vào những lời này mà cần nương nó để thức tỉnh biết rõ tất cả mọi người đều là người khách dạo trong cảnh mộng.

“Biết được mộng, tỉnh cơn mộng”. Quí vị nghe những lời nhắn nhủ này có tỉnh chưa? Đây là chỗ Hòa Thượng rất tâm đắc, khi đã biết được mộng rồi thì tỉnh dậy ngay, chớ không được tiếp tục mộng nữa. Có người mộng rồi tỉnh dậy lại không mở mắt, không chịu thức dậy rửa mặt, còn lăn qua lăn lại rồi tiếp tục mộng nữa. Đó là si mê, nên Hòa Thượng nhắc nhở là khi biết được mộng rồi nên tỉnh cơn mộng.

Chúng ta khi được nghe nhắc nhở, đánh thức liền biết là mộng tức có tỉnh. Nhưng tỉnh lúc này thôi, về nhà lại mộng tiếp tục. Đó là cái mê nhiều đời. Nên chư Phật, Tổ ra đời để đánh thức nhắc nhở chúng sanh tỉnh mộng, khéo biết sống trở lại với một niệm hiện tiền đang sáng ngời đây. Có bài kệ:

Quá khứ qua rồi đừng nắm bắt,
Vị lai chưa đến chớ tìm cầu,
Hiện tại vô thường thôi bám giữ,
Ngay đây một niệm sống làu làu.

“Quá khứ qua rồi đừng nắm bắt”. Quá khứ qua rồi muốn kéo lại cũng không kéo được. Có nhiều người thích sống với quá khứ, nhất là những người già thường ngồi nhớ lại thời trai trẻ oanh liệt của mình rồi nuối tiếc. Đó là sống với quá khứ.

“Vị lai chưa đến chớ tìm cầu”. Vị lai thì chưa đến, chớ vọng khởi tìm cầu nhọc nhằn.

“Hiện tại vô thường thôi bám giữ”. Hiện tại thì luôn trôi chảy và đổi thay không dừng. Vậy mà cứ muốn bám giữ cái vô thường đổi thay nên khổ. Chính pháp Tứ Đế, Đức Phật đã dạy trong bài pháp đầu tiên về Khổ đế: sanh, già, bệnh, chết là vô thường. Chính vì vô thường nên có già bệnh, không vô thường thì đâu có bệnh. Mình đang khỏe bỗng bệnh đến, hoặc mới trẻ đó rồi già đó, rồi chết đó, nên gọi là vô thường. Ngoài bốn cái khổ trên lại còn có thêm các thứ khổ như thương yêu xa lìa, oán ghét gặp gỡ, cầu không được toại ý v.v… cũng là vô thường. Người mình đang thương yêu mong muốn gần gũi, nhưng vô thường chợt đến phải chia tay thì buồn khổ. Còn người oán ghét không muốn gặp mặt, nhưng vô thường đưa đẩy lại gặp, mỗi lần gặp thì khổ. Những điều mong cầu muốn như ý nhưng vô thường đến, khiến sự sắp đặt của mình không được toại nguyện. Đó là lẽ thật của thế gian vô thường. Chúng ta hiểu được rồi thì tâm hồn cởi mở rất nhiều. Cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng là vô thường, là giấc mộng, thì trong đó có cái gì để chúng ta bám giữ ?

“Ngay đây một niệm sống làu làu”. Đây chính là chỗ mà bà già bán bánh muốn đánh thức ngài Đức Sơn, là giảng sư giảng kinh Kim Cang nổi tiếng. Sư không tin lý “kiến tánh thành Phật” của Thiền tông, vì y theo kinh điển dạy: “Người tu thành Phật phải trải qua ba vô số kiếp”, mà bây giờ nói kiến tánh thành Phật ngay hiện đời, thì làm sao tin được! Nên Sư quyết đi về phương Nam dẹp bọn ma đó. Sư quảy theo bộ Thanh Long Sớ Sao, là bộ sớ giải kinh Kim Cang. Trên đường Sư ghé vào quán bánh của một bà già, gọi bánh để điểm tâm.

Không ngờ bà già này từng tham thiền, thấy Sư quảy gánh nặng, bà hỏi: “Thầy đi đâu? Làm sự nghiệp gì ? ”. Sư đáp: “Giảng kinh Kim Cang, và đây là bộ Thanh Long Sớ Sao là bộ sớ giải của kinh Kim Cang rất nổi tiếng”. Bà già nói: “Già này có câu hỏi, Thượng tọa đáp được thì xin cúng bánh điểm tâm, còn đáp không được thì mời đi nơi khác”. Vì Sư giảng kinh Kim Cang nên bà cũng dẫn kinh Kim Cang để hỏi: “Trong kinh Kim Cang nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc (tâm quá khứ, hiện tại, vị lai không thể được, không thật có), vậy Thượng tọa điểm tâm nào ? ”.

Sư trả lời không được, đành quảy gói đi. Đã giảng kinh Kim Cang lại bị bà già hỏi trả lời không được, là do Sư chưa có sức sống thật sự nơi chính mình.

Bởi tâm ba thời là tâm sinh diệt, hư vọng mới có ba thời, là một dòng đổi thay vô thường sao lại mắc kẹt vào đó?

Trong khi cáiù đang đối diện hiện tiền với bà già, đang hỏi đáp rõ ràng sáng ngời đây lại bỏ qua ! Vừa nghe hỏi tới tâm ba thời, liền nghĩ đến tâm ba thời mà tìm theo đó nên bị bà già gạt, chạy theo tâm vọng tưởng sanh diệt, đàng ôm bụng đói ra đi !

Đúng theo người có kinh nghiệm rõ ràng, khi bà già bảo đem tâm nào điểm, thì bảo bà cắt bánh đi là xong, khỏi tìm tâm nào để điểm, vì còn lo tìm tâm điểm, nên bị bà gạt.

Đó là cách đánh thức để sống tỉnh mộng.

Sống với tâm ba thời là tâm mộng ngay đó sáng là tỉnh mộng.

Như Thiền sư Hoàng Bá gọi tướng quốc Bùi Hưu cũng cùng ý nghĩa đó. Bùi Hưu thấy hình vẽ cao tăng trên vách chùa, bèn hỏi: “Hình vẽ cao tăng ở đây, còn cao tăng ở đâu ? ”. Không ai trả lời được. Tướng quốc hỏi: “Trong đây có thiền giả nào không ? ”, trong chúng nói có một vị mới đến giống thiền giả. Lúc này, do chúng của ngài Hoàng Bá xảy ra việc không hay, nên Ngài giải tán chúng đi ẩn ở chùa này và không lộ tung tích. Chúng tăng thấy dáng Ngài biết là vị tu thiền, nên nói có vị giống thiền giả, Tướng quốc yêu cầu mời ra.

Theo yêu cầu, ngài Hoàng Bá ra gặp Tướng quốc. Vừa gặp, Tướng quốc nói: “Hưu này có câu hỏi, nhưng chư tăng ở đây tiếc lời không đáp. Xin thầy trả lời giùm”. Hoàng Bá nói: “Được, ông cứ hỏi”.

Bùi Hưu hỏi lại: “Hình cao tăng đây mà cao tăng đâu ? ”. Ngài gọi ngay tên ông: “Bùi Hưu ! ”. Ông liền: “Dạ ! ”. Hoàng Bá nói: “ Ở đâu ? ”, ông liền nhận ra cao tăng.

Nghe gọi liền biết dạ, chính đó là cao tăng sống, còn cao tăng kia là hình vẽ.

Thấy được như vậy là thấy được cao tăng sống, đó là ông tỉnh mộng. Còn theo cao tăng kia là theo mộng. Hiểu rồi thì phải tỉnh mộng, sống trở về cái “hiện tiền ngay đây”. Nhà thiền thường nhắc nhở người tu phải sống ngay hiện tại, không sống với cái tưởng tượng xa xôi. Hiện tại, quý vị ngồi đây là có đang ở ngay đây hay đang đi đâu? Có khi ngồi đây mà đang về nhà, hoặc đang ra ngoài xe v.v… Chúng ta thường sống trong mộng quên thực tại, ngay một việc nhỏ này, mà khéo nghe rồi quán kỹ sẽ thức tỉnh rất nhiều, không còn lưu luyến giấc mộng nào nữa.

Phải nhớ kỹ, cõi đời này là một giấc mộng, đó là lẽ thật chớ không phải triết lý xa xôi, khi tỉnh được giấc mộng này, thì cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng, thoải mái bớt lầm chấp hơn, sống gần gũi nhau hơn.

Nên nhớ rõ, tất cả buồn vui cũng là buồn vui trong mộng, hơn thua cũng vậy, là hơn thua trong mộng, tất cả chỉ là giấc mộng thôi. Nhưng sống giữa giấc mộng dài này lại có một việc rất quan trọng mà không ai ngờ tới, đó là câu của vị thầy A-la-hán nhắc nhở cho vị tăng sĩ trẻ kia: “Tất cả chỉ là giấc mộng, nhưng con vẫn còn nguyên vẹn cả”.

Mỗi người còn có “ một cái nguyên vẹn” cần phải nhớ phải khia thác cái nguyên vẹn đó.

Từ thuở ban đầu trước khi đi vào luân hồi cho tới ngày nay, nó vẫn còn nguyên vẹn như vậy không mất. Tại sao lại không nhớ để nhận ra mà sống ? Mong rằng mỗi người sống trở lại với cái nguyên vẹn như thuở ban đầu, mà sống lại với nó là sống ngay hiện tại ngay đây. Chúc tất cả lên đường thành công tốt đẹp !

 

TT. Thích Thông Phương

Thường Chiếu

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin