Chi tiết tin tức

Tương thuận

16:01:00 - 15/06/2014
(PGNĐ) -  Chị họ tôi có nỗi lòng khó bề bộc bạch của một người vợ kế phải chịu đựng tính độc đoán của ông chồng, của một người mẹ kế phải nhẫn nhục chịu đựng sự ghét bỏ, khinh thị của hai đứa con chồng đã trên hai mươi tuổi, nhưng chị tràn ngập sự biết ơn và thương kính dè dặt đối với bà mẹ chồng đã trên 80 tuổi của mình.
 
dong doi.jpg
Hạnh phúc thay khi con người ta có thể trút bỏ mọi
định kiến nhỏ nhoi để cùng sống tương thuận với nhau giữa dòng đời - Ảnh minh họa

Chị là một người con gái lỡ thì, đã qua tuổi bốn mươi nên việc chịu làm vợ kế của ông Toàn, vốn nổi tiếng là một vị giám đốc ăn chơi sành sõi và có nhiều tai tiếng, được gia đình chị - cha chị và người em trai - chấp nhận như một việc không thể khước từ dù có muốn từ khước đi nữa. Bà mẹ chồng của chị nghe nói thời xuân sắc nổi tiếng là hoa khôi ở cố đô Huế, nhưng cũng là người rất mực nghiêm khắc theo lối gia giáo cổ xưa, dường như bất đắc dĩ mới thuận ý cho người con trai đi bước nữa. Bà đối xử với người con dâu mới với thái độ khá trung lập, gần mà không thân, xa mà không cách. Một phong cách ứng xử rất lạ, rất khó thích nghi để tìm mối tương thông ràng buộc đối với chị tôi, một người phụ nữ chơn chất.

Bà cụ tuổi đã cao nên suốt ngày chỉ đi đi lại lại một cách im lặng trong ngôi biệt thự to lớn, hoặc nằm trong phòng riêng hàng giờ. Cứ nửa tháng chị người làm lại đưa bà cụ đi chùa một lần. Bà ít nói chuyện gì với chị tôi, mà cả với chồng chị và hai đứa con của ông; bà chỉ nói qua loa vài tiếng chiếu lệ trong các bữa cơm. Trong gia đình ấy, bà cụ được tôn kính và nể phục bởi sự thâm trầm của bà. Hai đứa cháu trai và gái, đều học đại học, thuộc tuýp thanh niên model thời thượng, rõ ràng chưa có nhận thức sâu sắc về cuộc đời và con người để mà có thể đối xử thích đáng với người vợ kế của cha mình. Do đó chị tôi phải im lặng nín nhịn trước mọi lời nói trịch thượng và mọi hành vi hỗn hào của hai thanh niên cảm thấy rằng bị cha bỏ rơi, hay bị xúc phạm, tổn thương vì người đàn bà xa lạ này đã nghiễm nhiên bước vào gia đình chúng và mặc nhiên chiếm lấy chỗ trước kia của mẹ chúng. Nhưng có điều vì rất kính nể bà nội chúng, nên những gì xảy ra giữa chúng và chị tôi chỉ có thể xảy ra khi nào không có mặt bà cụ. Do thế chị tôi phải cam chịu sự khổ nhục ấy trong suốt một năm về với nhà chồng… cho đến khi…

Buổi chiều hôm ấy, như lệ thường, bà cụ đi dự lễ trên chùa cùng mấy bà bạn cao tuổi, và giữa buổi lễ, bà bị xâm xoàng chóng mặt, phải bảo chị người làm đưa về sớm. Bà lẳng lặng đi vào nhà đúng lúc trong nhà đang có cuộc khẩu chiến giữa hai đứa trẻ và chị tôi, hay đúng ra, chị tôi không nói tiếng nào mà chỉ ngồi im lặng trong một góc của phòng khách, và cuộc khẩu chiến chỉ là của hai người con chồng chị, xỉa xói mắng mỏ chị, nạt nộ chị, chỉ vì một nguyên cớ nhỏ là chị tôi đã vào dọn dẹp trong phòng cậu con trai, vốn lộn xộn bừa bãi. Việc làm có thiện ý của chị tôi lại bị coi là có ý đồ xâm phạm đến cuộc sống riêng tư của người khác. Cô con gái theo hùa với anh, bươi móc việc chị tôi đã… nghe lén mấy đĩa nhạc của cô ta.

Bà cụ đứng ngoài hàng hiên, ra hiệu không cho chị người làm nói gì để bà im lặng theo dõi cho hết câu chuyện lộn xộn trong nhà. Sau đó bà đi vào, khoát khoát tay đuổi hai đứa cháu ra khỏi phòng khách và gọi chị tôi đến, bảo chị kể hết mọi chuyện xảy ra kể từ khi chị bước chân vào ngôi nhà ấy. Bà từ tốn lắng nghe, hỏi han và sau cùng, khi chị đã khóc và trút thoát hết những khổ tâm dằn vặt bấy lâu nay của chị trước sự đối xử không ra gì của chồng và hai đứa con chồng, bà cụ nắm lấy hai bàn tay chị và nhẹ nhàng nói, “Mẹ xin lỗi con vì lâu nay mẹ đã không biết được những việc này”.

Tối hôm đó, khi chồng chị về, bà cụ bảo gọi điện thoại mời chú thím của chồng chị, ông anh và bà chị của chồng chị, cùng đến nhà dự một buổi họp mặt gia đình. Buổi họp diễn ra theo một nghi thức gia tộc rất trang trọng mà ở thời buổi hiện nay hầu như người ta hiếm còn được chứng kiến. Tại đó, bà cụ nghiêm khắc bảo chồng chị và hai đứa cháu tường thuật lại các cảm nghĩ và hành vi ứng xử của họ đối với chị trong một năm qua kể từ khi chị trở thành một thành viên trong gia đình. Bà bảo chị không phải nói gì hết. Bà đã nói một câu mà chị hãy còn nhớ rõ cả nguyên văn: “Gia đình như một con thuyền trôi đi trên dòng đời. Mọi người hãy tương thuận với nhau mà sống, mà chèo chống cho êm chèo mát mái, chứ không phải lấy chèo mà đánh vào nhau”.

Rồi bà cụ, với sự đồng thuận của những người lớn tuổi khác, chỉ vẽ ra những sai lầm và thành kiến của người con trai và hai đứa cháu nội, khuyên nhủ họ và yêu cầu lập lại sự thăng bằng, bình ổn cho tâm hồn, và hóa giải sự xung đột vô lý để biến nó thành sự hòa giải trong mối cảm thông và tương thuận. Có lẽ hãy còn những ấm ức bất phục ở đứa con trai và hai đứa cháu của bà, có thể những điều đó không được họ bày tỏ, biểu lộ ra, nhưng kể từ cuộc họp gia đình ấy, chị tôi đã không còn chịu đựng sự khổ nhục ê chề như trước, mặc dù hai người con chồng cũng không tỏ ra thân thiện hơn trước, hay có thái độ nể nang cởi mở, nhưng chí ít chúng cũng biết dè chừng và biết giữ gìn lời ăn tiếng nói cũng như thái độ cư xử. Còn ông chồng chị thì ngược lại, sau cuộc họp gia đình ấy, bỗng trở nên dịu dàng hơn, ngọt ngào hơn, bình đẳng hơn, và thương yêu thân mật hơn với chị. Dường như đó là điềm báo trước, hay là do linh tính của một người sắp đi ra khỏi cuộc đời, vì chỉ sau đó chưa đầy một tháng, chồng chị bị một cơn bạo bệnh bất ngờ và đột tử chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ.

Chị họ tôi, chưa có con, lại lặng lẽ xin quay trở về nhà để săn sóc phụng dưỡng cho cha chị đang lâm bệnh. Chị âm thầm quay trở về với những ngày tháng cô đơn như cũ. Nghe nói thỉnh thoảng chị lại quay về nhà chồng thắp cho chồng nén hương, và cứ nửa tháng lại đến đưa bà mẹ chồng đi lễ chùa. Kỳ lạ thay, hai đứa con của chồng chị, bây giờ bỗng nhiên xem chị như một người thân trong gia đình.

Chiều nay, trước khi viết những dòng này, tôi đi xuống phố và đã bắt gặp người con gái của chồng chị đang đi với chị vào trong một siêu thị. Hai người phụ nữ nắm tay nhau và nói chuyện gì đó với những nụ cười rạng rỡ.

Hạnh phúc thay khi con người ta có thể trút bỏ mọi định kiến nhỏ nhoi để cùng sống tương thuận với nhau giữa dòng đời.

Truyện ngắn của Vĩnh Hiền

Nguồn: Giác Ngộ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin