Chi tiết tin tức

Bong bóng trên sông

22:20:00 - 11/10/2022
(PGNĐ) -  “Kem bao giấy đây… kem bao giấy đây…” Cứ đều đặn mỗi ngày, tiếng rao ấy lại cất lên trước nhà tôi vào ban trưa bỏng nắng.

Mặc cho những dòng xe đang lũ lượt ngược xuôi trên con đường cửa ngõ vào thành phố, mặc cho tiếng còi inh ỏi từ bến phà lúc nào cũng chật ních người đợi sang sông, tiếng rao nhỏ nhoi và khản đục ấy vẫn bền bỉ cất lên. Bền bỉ như chính người chủ nhân già nua của nó, ngày ngày vẫn miệt mài, cọc cạch đạp chiếc xe cũ kỹ trên những nẻo đường gian khó. 

Tiếng rao không chỉ cất lên vào buổi trưa trên con đường nơi tôi đang sống, mà còn cất lên vào buổi sáng, buổi chiểu, buổi tối, thậm chí là tận khuya ở biết bao ngả đường khác khắp thành phố nhỏ miệt sông này. Đối với nhiều người, thanh âm ấy đã trở thành quen.

Quen là vậy, nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng có một ngày mình có dịp nói chuyện với ông già bán kem ấy. Vậy mà hôm nay trong quán ăn này, tình cờ tôi lại ngồi bên cạnh ông. Trước mắt tôi, một cụ già có bộ quần áo lấm lem bởi gió bụi đường xa, làn da khô khốc và sậm đen màu nắng, duy chỉ có nụ cười trên gương mặt thì lúc nào cũng hiền từ như ông Bụt. Ông đang ngồi trước mắt tôi đây, rất thật!

Tôi chuyển nhà đến khu này đã khoảng hơn một tháng. Ngôi nhà vừa mua nằm ngay mặt tiền của con đường chính đi vào trung tâm thành phố, chếch góc không xa là bến phà qua sông Hậu. Trong khi đó, nơi ở cũ của gia đình tôi vốn thuộc vùng nông thôn, nhưng thực tế thì nông thôn chả ra nông thôn mà thành thị cũng chưa phải thành thị, cứ nửa phố nửa quê. 

Ấy vậy mà đã quen, bởi thế sau khi chuyển hẳn ra phố, tôi không tránh khỏi ít nhiều bỡ ngỡ. Mặc dầu trước đó, tôi đã từng làm việc ở thành phố này trong thời gian dài, hằng ngày đều mấy lượt đi về giữa cơ quan và nhà. Song, quen như một phần trong nếp sống là một lẽ, còn việc dọn đến ở hẳn nơi đây lại là một lẽ khác. 

Ngày trước ở nhà cũ, tôi chỉ tiếp xúc với nếp sống đô thị bộn bề vào ban ngày, ban đêm vẫn là không gian yên tĩnh của làng quê. Trái lại giờ đây, hầu như mọi lúc tôi đều bị cuốn vào guồng quay cực nhanh của thành phố trẻ, một khoảng lặng dành riêng cho tâm hồn sao khó quá chừng.

Từ những ngày đầu sinh sống tại nơi ở mới, hình ảnh ông già bán kem ấy đã thu hút sự chú ý của tôi, đến độ dần trở nên ám ảnh. Song, trước tiên là âm thanh. Cứ đều đều mỗi trưa, tiếng rao “kem bao giấy đây” lại vang dài giữa vô vàn thanh âm hỗn tạp trên lòng đường. Sau này tôi mới biết, tiếng rao vang lên mỗi trưa đã trở thành một chi tiết rất bình thường trong biết bao buổi trưa ngập nắng ở thành phố này, suốt mấy chục năm qua. Chẳng những vậy, có khi ông cụ đi bán đến tối, thậm chí miệt mài trên đường tận khuya nếu chưa bán hết.

Tôi tình cờ biết được điều đó trong một lần đi công tác xa, về đến bến phà đã gần mười giờ tối. Trong lúc ngồi chờ chiếc phà lướt qua dòng sông đêm thăm thẳm, tôi chợt bắt gặp hình ảnh quen thuộc mà mình từng gặp hàng ngày.

Ông ngồi ở một góc trên băng ghế dành cho hành khách, đầu và lưng tựa vào thân phà, ngủ gật gà. Trước mặt ông vẫn là chiếc xe đạp cũ kỹ có gắn kèm theo thùng kem nhỏ. Chợp mắt chốc lát, ông đã vội vàng đứng dậy và tiếp tục cất tiếng rao ám ảnh. Có lẽ ông cụ quá mệt mỏi sau cả ngày dài đạp xe đi bán, nhưng trong đầu vẫn tự nhắc nhở rằng công việc của một ngày bươn chải vẫn chưa hoàn tất, nên không ông dám nghỉ ngơi lâu hơn. 

Một vài người khách đến mua ủng hộ vì thương cho hoàn cảnh ông cụ. Khi họ đưa tiền, mắt ông đã mờ nên không nhìn rõ, ông phải hỏi khách đã đưa bao nhiêu để biết mà thối lại. Bàn tay gầy guộc của ông run run - loại bàn tay sinh ra không dành để cầm nắm hạnh phúc.

“Tui tên là Trần Văn Siêng”.

Đó là câu giới thiệu đầu tiên của ông. Nói xong, ông cười hề hề…

“Ông bà mình nói, cái tên gắn liền với số phận, cô tin hông? Nói giỡn thôi, tui không siêng cũng không được… bởi vì nghèo quá mà! Làm biếng thì lấy gì sống? Trời bắt mình siêng thì mình phải siêng thôi cô ơi!”. Ông cụ nói rồi lại cười.

Ông cụ khi nhớ khi quên, đôi tai cũng đã kém, nên câu chuyện giữa tôi và ông đôi khi đứt quãng giữa chừng. Tôi cố gắng thu lượm và ráp nối từng mảnh vỡ mà ông bày ra. Vậy đó, tôi đã mò mẫm trong dòng hồi ức của ông để xuôi xuôi về miệt Cái Răng, nơi ông từng sống với một gia đình nghèo khó.

*

Để tui kể cô nghe, ba má tui là dân Cái Răng à nghen! Cái Răng ở Cần Thơ đó, cô biết hông? Nói nào ngay, cũng hổng phải! Gốc gác dòng họ tui ở tuốt miệt Sóc Trăng, nghèo khổ quá nên ba má lên Cần Thơ kiếm việc làm, rồi sanh ra anh em tui. Thành thử ra, tui sống ở Cái Răng từ nhỏ tới lớn. Tui lấy vợ lúc gần ba mươi tuổi, từ đó bắt đầu đi bán kem tới bây giờ luôn, ngót nghét cỡ năm chục năm rồi chớ ít đâu.

Vợ tui hả? Trời ơi, bả mất lâu rồi cô ơi! Đâu cỡ hai chục năm trước lận, khi đó tui còn ở dưới Cái Răng mà. Người ta nói “sanh nghề tử nghiệp” quả không sai, cô há? Vợ chồng tui mần ăn trên sông nước, cuối cùng bả chết vì sông nước. 

Có gì lạ đâu cô? Bữa đó, hai vợ chồng ra tới Vàm Xáng mới ba giờ khuya, tự nhiên bão dữ quá, dưới sông thì nước chảy mạnh. Tui với bả ráng giữ cái xuồng, nhưng gió quật làm sao mà bả trợt té xuống nước. Giấc đó trời tối hù, đèn đuốc tắt hết, có thấy đường thấy sá gì đâu, bởi vậy bả té hồi nào không hay luôn, mà thí dụ bả có kêu cứu chắc tui cũng hổng nghe. Phải chi…

Biết lội chớ cô! Ngặt nỗi, bữa đó nước dữ quá, chắc sức bả chịu hổng nổi, mới bị cuốn đi. Người ta nói bả bị ma da kéo giò, chớ biết lội mà sao chết chìm được. Tui cũng hổng biết sao! Thôi thì… trời kêu ai nấy dạ!

Bả chết rồi, tui vừa buồn chán cuộc đời, vừa không còn người thân để về, nên bỏ xứ ra đi. Lang thang riết rồi dạt lên tới miệt núi nầy. Bây giờ tui sống một mình hà, mướn nhà trọ trên cầu Lò Heo đó, cô biết chỗ đó hông? Ừ đó, cứ chạy thẳng tới đường rẽ dưới chân cầu, rồi quẹo trái vô.

Tui có chiếc xe đạp cà tàng này nè, người ta xài cũ rồi cho lại tui, nhờ nó mà đi buôn bán kiếm sống qua ngày. Mỗi ngày tui lấy khoảng một trăm cây kem, đi bán từ sáng sớm tới khi nào hết thì về. Nhiều bữa đi tới chín mười giờ đêm nghen, vậy mà có khi cũng hổng hết… Đi tiếp chớ sao! 

Có hôm tui đi bán tới khuya, mệt thì kiếm ghế đá ngủ gục một lát, giựt mình thức dậy thì lủi thủi đạp xe đi tiếp. Nếu tính ra, đạp xe từ sáng tới tối chắc cỡ năm sáu chục cây số. Mình ráng đi vậy, chớ thiệt ra hông phải ngày nào cũng hết. Có khi chạy tới khuya, giở thùng kem ra thì kem tan thành nước hết rồi!

Lời lóm gì bao nhiêu cô ơi, cái nghề này mà! Mỗi ngày còn phải ăn uống, tới tháng phải trả tiền trọ, tiền điện, tiền nước, tiền thuốc men khi bịnh tật…

Vậy mà, tui cũng có tiền để dành nghen cô! Làm chi hả? Trời ơi, tui già rồi, sợ chết chóc gì nữa đâu. Để dành tiền là để về quê! Ừ, đúng là tui không còn ai thân thích ở dưới đó, nhưng nói nào ngay, hồi xưa tui có hai đứa con gái, mà bây giờ… hổng biết sống chết ra sao. 

Đứa lớn tên Trần Thị Kim Liên, đứa nhỏ tên Trần Thị Kim Thảo, hồi đó bả mê cải lương nên đặt tên tụi nhỏ theo mấy vai trong tuồng hát đó. Năm bảy mươi tám, tụi nó vượt biên, rồi mất tin luôn tới bây giờ. Hồi lúc đi, tụi nó còn nhỏ, mình gởi quá giang theo người ta thôi, chớ đâu có vàng vòng gì đem theo. Chắc tụi nó hông chết đâu, hén cô?

Tui đi bán vầy nè, rồi dò chừng hỏi thăm tụi nó hoài à, coi biết đâu có ai tình cờ gặp được. Vậy mà bốn chục năm rồi… Bây giờ tui dành dụm tiền, để về quê kiếm tụi nó. Hổng chừng tụi nó đã về quê rồi và đang kiếm tui. Thời gian của tui… hổng còn nữa cô ơi!

*

Ông già vừa nói vừa cười hề hà, cứ như chẳng có bao cô độc đang vây quanh. Vậy mà, cái cười nghe sao chua xót.

“Cô có biết vì sao quê tui kêu là Cái Răng hông? Để tui kể cô nghe…”

Vậy là ông kể. Tôi nghe như cảm nhận rằng như ông đang dẫn dắt mình vào thế giới tuổi thơ đầy huyền thoại. Ngày xưa, miệt Cần Thơ có một con cá sấu to lớn, hoành hành khắp xóm làng, làm hại nhiều người dân vô tội. Vì thế, dân chúng quyết tâm diệt trừ nó. 

Có một điều lạ, con sấu ấy lại mê coi hát bội. Mỗi khi chỗ nào có hát bội, nó lại trườn lên bờ nằm coi. Biết được đặc điểm ấy, dân làng mời một đoàn hát bội nổi tiếng đến hát trong mấy ngày liền, đồng thời lập kế hoạch vây bắt con cá sấu. Sau khi bắt được, mọi người giết con sấu để trả thù cho bao người thân đã chẳng may bị nó làm hại. Xác con sấu trôi đi khắp nơi, chỗ bộ da con sấu trôi đến trở thành địa danh Cái Da, chỗ đầu con sấu dạt vào bờ trở thành địa danh Đầu Sấu, chỗ răng con sấu rơi vãi trở thành địa danh Cái Răng.

Tôi thầm nghĩ về miệt Cái Răng. Nơi đó, mình đã từng đi qua biết bao lần, nằm cách nơi chúng tôi đang sống chưa đầy nửa ngày đi xe, nhưng đối với ông cụ lại là một chốn quá xa xôi mà ông luôn hướng về. Bỗng dưng ông cụ cất tiếng hò với giọng khàn đục yếu ớt:

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc cho tiền

Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”

Ông cụ lại cười hề hề thật tự nhiên, để lộ ra hàm răng chỉ còn lưa thưa vài chiếc.

Cuộc gặp gỡ bất chợt của tôi và ông tại quán ăn ven đường chỉ có vậy. Nhờ đó, tôi hiểu thêm nhiều điều về ông già bán kem mà mỗi ngày mình đều bắt gặp. Nhưng, biết để làm gì, tôi cũng chẳng rõ. Giữa biển người mênh mông, tôi và ông như những cánh bèo có duyên hạnh ngộ, vậy rồi mỗi người lại trôi nổi về một phương trời riêng. Có chăng, điều còn sót lại là chút đồng cảm về một thân phận, nhưng rồi cũng nhanh chóng quên đi. Bao con người đã từng bị thời gian lãng quên…

Ông già vừa rời khỏi quán chưa lâu, trời bắt đầu đổ mưa rả rích. Trên sông, những bong bóng nước nổi phập phồng - phập phồng như cuộc đời ông. “Kem bao giấy đây… kem bao giấy đây…” Tôi nghe rất rõ tiếng rao vẫn còn đọng lại đâu đây chút âm vang giữa lòng thành phố trẻ, như đã từng suốt mấy chục năm qua. 

Năm nay, ông già đã tám mươi.

 

Vĩnh Thông

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin