Chi tiết tin tức

Góc an nhiên: Những ngày sau đó…

19:22:00 - 28/12/2021
(PGNĐ) -  Những ngày giãn cách, thỉnh thoảng tôi lại nằm nghe nhạc Trịnh Công Sơn, chìm trong những ca từ do chính ông hát: “Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm... Sài Gòn ra Trung Hà Nội vô Nam…”

Như mọi khi, mấy đứa trẻ thuộc thế hệ Z trong gia đình thường sẽ phản ứng ngay trước thể loại nhạc của mẹ. Đứa thì “mẹ nghe gì vậy mẹ”, đứa thì thẳng thừng “con nghe không nổi mẹ ơi”. Nhưng hôm đó chúng lặng im. Đứa bé nhất còn hỏi đó là ai, bài hát đó viết trong trường hợp nào, tại sao chiến tranh…

Có lẽ những ngày ấy, bọn trẻ cũng cảm nhận được không khí của một “cuộc chiến” đương đại, chỉ có khác là “kẻ địch” giờ đây lại không mặt mũi, không thể hình dung, chỉ sự mất mát, căng thẳng là rõ rệt hơn hết. Những ngày ấy, chúng tôi đã nói với nhau, ráng “sống mà nhớ lấy”. Ít ra chúng ta đã may mắn còn sống, chứng kiến và có thể kể lại một đoạn của thời khắc “đặc biệt” này trong lịch sử!

Chúng tôi đã hỏi nhau mình sẽ làm gì khi được ra ngoài, hít khí trời trở lại sau những ngày ở rịt trong nhà? Tôi nhớ mình suýt rớt nước mắt khi nghe cô gái ít vận động nhất nhà nói rằng: “Chắc con sẽ cắm đầu chạy một mạch, chạy đến khi nào kiệt sức mới thôi”. Mấy mẹ con chúng tôi ngồi với nhau, dệt chắc cũng đủ một tấm thảm ước mơ để có thể bay đi qua mùa… Covid. 

Và rồi “hòa bình lập lại”, thật lạ lùng, không ai trong chúng tôi muốn nhúc nhích! Thoạt đầu tôi nghĩ rằng có thể mình đã bị ì sau một thời gian nhốt mình trong tổ. Nhưng sau đó tôi nhận ra sự ù lì có thật, “rêu bám” cũng là thật. Nhưng thật hơn sự thật có lẽ là chúng tôi có thể đã bị một dạng sang chấn, tâm lý “hậu chiến”? 

Một kiểu bỗng dưng cười, bỗng dưng trào nước mắt. Cười thì cười không “nhặt được mồm” mà khóc cũng khóc vì những chuyện hết sức ất ơ, không liên quan. Đọc, xem, nghe về một điều thương tâm nào đó khóc đã đành. Có hôm nhìn cô bạn thân gọt mái đầu trọc lóc, nước mắt tự nhiên trào, đến mình cũng không ngờ được phản ứng của mình. Hoặc nhìn một cánh cò trắng chấp chới trong mưa chiều cũng trào nước mắt, nghĩ tưởng lung tung. 

Cô bạn một hôm hớt hải gọi: Có con chim én không hiểu sao tự nhiên bay vào nhà, có vẻ nó bị thương, giờ mình phải làm sao? Thế là đi tìm cách sơ cứu chim trời, ủ khăn, bỏ trong hộp giày, cho uống nước, thậm chí biết loài én không ăn gạo, phải chạy đi mua ít sâu bọ về cho “anh chàng”. Chăm được vài ngày, cuối cùng “anh ấy” cũng ra đi. Bạn chạy khắp nơi tìm một bờ lau hay một chỗ đất trống nào cho chim én. Tìm hoài không có đành “len lén” mang về chôn dưới gốc cây sứ dưới chung cư. 

Bạn nói, “bình thường chắc mình vất đi cho lẹ, nhưng không hiểu đợt này bị gì nữa mà nghe thương nó quá, thậm chí mang găng tay để chăm nó mà cũng tháo ra, dùng tay đút én ăn, cho én uống. Ngay cả khi tim én ngừng đập, không biết tụng chú Vãng sanh, đành nói một vài lời với én để kiếp sau em có thể sinh lên cõi người. Nhờ én, mà mình được nghe ké kinh Dược Sư, bài Nguyện vãng sanh về Tây phương Cực lạc của Đức A Di Đà nữa. Tiễn én xong mình cũng thấy mình kỳ, không giống mình gì cả”. 

Tôi đùa hay là sang chấn hậu Covid. Cả hai cười vang trong điện thoại. Bạn nói, “không chỉ chuyện chú chim đâu, hình như sau này, mình nói chuyện với ba má cũng nhẹ nhàng hơn. Ba má có vẻ vui”. Lời bạn làm tôi liên hệ bản thân. Ừ nhỉ, gần nhất có hai lần, một lần con gái nêm nồi súp quá mặn, lần khác thì nấu nồi xôi thành cháo, con la oai oái “mẹ ơi cứu con”. Bà mẹ nhào tới chữa lửa bằng cách thêm nước sôi rồi thêm bột vô, thấy nồi súp cũng không tệ. Nồi cháo xôi thì chắt nước để ráo bỏ tủ lạnh làm xôi chiên… Con nhỏ rón rén vừa ăn vừa hỏi: sao bữa nay mẹ hiền quá vậy, mẹ không la tiếng nào, chỉ lẳng lặng hành động. Hóa ra mình đã từng rất “phù thủy hắc ám” mà không hay. 

Ông chồng cũng “thừa nước đục thả câu”, thôi tranh thủ đất nước thanh bình, anh đi xuyên Việt một chuyến, kẻo nó dịch lại. Ông chồng nói khơi khơi ai dè bà vợ “từ bi bất ngờ” đồng ý. Nhờ sang chấn sau Covid, ông chồng có một chuyến đi xuyên Việt 3 tuần mà không phải kéo theo một “rơ-moóc” nào, lần đầu tiên sau 15 năm lấy vợ! “Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ”, như cụ Nguyễn Khuyến từng viết.

Tất nhiên, “sang chấn hậu chiến Covid” chỉ là một cách nói vui, một giả thuyết “cùn” của một kẻ ưa tưởng tượng nhưng cũng không hẳn là không có cơ sở. Trong khi chờ các nhà tâm lý nghiên cứu một cách nghiêm túc, tôi đã tranh thủ làm một cái phỏng vấn bỏ túi từ hội tám (thực ra hội cái tên dễ thương hơn: hoan hỷ ladies) của chúng tôi. 

Hóa ra “cái bịnh trở nên mau nước mắt” kia không chỉ riêng mình, có ít nhất 5 - 7 mẫu theo khảo sát trong hội cũng rơi vào tình trạng ấy. Có phải đây là lý do hết giãn cách cả tháng, hội vẫn chỉ hẹn thôi, mà lần nào cũng có lý do để trì níu… không gặp? Kẻ ưa tưởng tượng là tôi lại nghĩ loanh quanh, thấy chúng tôi vẫn là những con cua lột, vẫn đang yếu đuối mong manh. Có phải không riêng gì tôi, các bạn cũng không ai muốn “trình diễn” sự mong manh của chính mình chăng? Hay nói cho hay hơn rằng, hiện tượng “sang chấn” kia cũng có thể là một gương mặt khác của sự chuyển tâm? Rằng chúng tôi đã học được bài học nâng niu sự sống?

 

Trần Lê Sơn Ý

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin