Chi tiết tin tức

Điều cuối cùng

14:13:00 - 20/06/2023
(PGNĐ) -  Tôi, một cô sinh viên nghèo, ngoài việc học thì còn phải lo đi làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, đỡ đần cha mẹ. Công việc mà tôi cảm thấy phù hợp với mình nhất đó là gia sư.

Ảnh minh họa: Nhuận Thường

Nhà bạn nhỏ cấp một mà tôi dạy kèm nằm trong một con hẻm cạn. Mỗi lần đi vào đó tôi lại như bị hút vào ánh mắt của một cô gái.

Cô gái vẫn nằm đó, mỗi lần tôi qua, ở ngoài cửa, sát con đường hẻm. Cô nằm trong một khung lưới B40 chỉ rộng chừng hai mét vuông được quây như một bức tường từ dưới đất lên tận mái hiên. Một chiếc chiếu trải bên dưới, một tấm nệm mỏng trải bên trên. Cô nằm úp, cằm để lên hai tay khoanh xếp lên nhau, mắt hướng ra phía ngoài. Lúc thì nhìn chăm chú mấy người qua lại con hẻm, lúc lại ngắm con chó nhỏ ở bên hiên mà nói nói gì đó với nó. Nói chung tôi thấy chỗ cô ở giống cái chuồng hơn là cái phòng. Lần nào qua đó, tôi cũng cảm giác như cô ấy nhìn theo tôi mãi cho đến khi tôi đi hẳn vào nhà học trò của mình.

Thực tình tôi chẳng có ý tọc mạch chuyện của ai nhưng cái ánh mắt nhìn đó luôn luẩn quẩn trong tâm trí khiến tôi nhiều khi mất tập trung vào công việc. “Chu cha, mười tám tuổi rồi đó. Bị vậy đã mấy năm rồi em. Rõ khổ”. Cái cách nói lấp lửng đó của chị mẹ học sinh chẳng những không thỏa mãn được thắc mắc trong tôi mà càng khiến tôi tò mò thêm. Bao ý nghĩ suy đoán, bao giả thiết được đặt ra. Mười tám tuổi, cũng xấp xỉ tuổi của tôi. Nếu tôi bị nhốt như vậy thì sao nhỉ? Chắc chắn sẽ không chịu nổi mà phát điên mất. Tôi thoáng rùng mình và nghĩ thương cô gái kia. Sao khổ quá!

Có lần tôi ngang qua thấy cô ấy đang nằm đọc một cuốn sách. Lạ quá! Cô ấy có thể đọc sách sao?

Lần khác tôi ngang qua thấy cô ấy đang nằm hát một bài hát. Hay quá! Giọng cô ấy thật ngọt ngào!

Hôm ấy tôi ngang qua, nhìn vào tự nhiên thấy cô ấy cười với mình. Tôi cho xe chạy chậm lại, định dừng lại nói với cô ấy một đôi câu nhưng vừa nhìn thấy trong nhà có dáng người đi ra, tôi liền bỏ ý định đó. Tự nhiên thấy sợ. Có vẻ như người ta không muốn ai đến gần cô gái ấy. 

Tôi đang dạy thì giật bắn mình khi nghe nhắc đến tên mình. Tôi dỏng tai nghe:

- Không sao đâu, để cháu nói cho. Em ấy dễ chịu lắm. 

- Thật ngại quá. Tôi nghĩ mãi mới dám sang đây nói. Nếu không vì…

- Chú yên tâm mà. Hay là cháu gọi em ấy ra cho chú nói chuyện nhé. 

Chị Hương - mẹ của học sinh đi vào phòng học. Chị cười bảo:

- Hai cô trò hôm nay nghỉ sớm đi. Thu này, em ra ngoài có người cần gặp nhé.

Tôi vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, trong lòng bao hỗn độn suy đoán. Tôi có quen ai ở khu này đâu nhỉ. 

- Cha của bé nằm ngoài hiên trong hẻm đó.

Chết rồi, không biết tôi đã gây ra chuyện gì. Tôi lo lắng. Nhưng rõ ràng, tôi mới chỉ cười đáp lại cô gái ấy thôi mà, còn chưa kịp nói câu gì. 

Người đàn ông chừng ngoài năm mươi, vừa nhìn thấy tôi đã tươi cười niềm nở. Nhưng nhìn kỹ lại có vẻ như ngượng nghịu. Chị Hương chỉ bộ bàn ghế trong phòng khách mời tôi và ông ngồi xuống. Ông ngồi phía đối diện chúng tôi. Bằng một giọng buồn buồn, có lúc như nghẹn lại, ông kể cho chúng tôi (cũng có thể chỉ cho mình tôi, bởi chị Hương ở trong xóm này chắc đã biết) nghe câu chuyện về cô gái - đứa con duy nhất của ông.

Con bé bị bệnh xương thủy tinh. Từ nhỏ đã khó khăn trong việc đi lại. Vợ chồng tôi không dám sinh đứa thứ hai, sợ sẽ lại như nó. Nên tôi chỉ có mình nó. Trong khi bạn bè nô đùa chạy nhảy thì nó phải rón rén đi từng bước một. Vậy mà cũng bao lần phải vào viện vì gãy chân gãy tay. Ngày trước còn ngồi xe lăn được, giờ thì… 

Trước nhà tôi ngoài phố, tôi có mở một tiệm thuốc Đông y, tiệm nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Tất bật lắm. (Giọng ông đang vui chợt trùng xuống) Cũng bởi vậy mà con tôi mới ra nông nỗi này. Giờ ngay cả ngồi nó cũng không ngồi được nữa… Ngày đó, tôi bắt mạch, kê đơn, cả nhà lo phụ làm thuốc, bốc thuốc, tối ngày không hết việc. Bình thường con bé ngồi xe, quanh quẩn trong phòng thuốc. Hôm ấy nó kêu hơi mệt, muốn nằm nghỉ. Nào tôi có thời gian mà để ý gì đâu. Bế con vào phòng, đặt nằm ngay ngắn thì ra lo việc. Năm đó nó mười hai. Đến giờ đã là tám năm hai tháng mười bốn ngày rồi đó cháu. 

Người đàn ông ngừng một lúc rồi nói tiếp kiểu như tự trách.

Nếu như hôm đó thấy con kêu mệt tôi để ý hơn. Hoặc nếu hôm đó không đông khách khám bệnh thì có lẽ con tôi đã không đến nỗi này. Con tôi nằm từ trưa, mãi đến chiều tối, vãn khách, vợ tôi mới vào xem con thế nào thì đã thấy nó mệt xỉu đi rồi. Nó bị sốt cháu ạ. Sốt cao quá mà không ai biết. Đêm đó, nó hạ sốt. Rồi chẳng hiểu sao, cũng từ đó nó không thể ngồi được nữa. Chỉ cần cố gắng ngồi lên là đau buốt, có thể rạn xương bất cứ lúc nào. 

Cứ để con mãi trong phòng tính khí nó đâm ra trầm, cả ngày không cười không nói, có khi lại cáu kỉnh tự làm tổn thương mình. Mà mang ra ngoài phòng thuốc cũng không xong. Kiểu gì cũng không ổn. Cuối cùng tôi chọn bán nhà ngoài phố, mua vào trong hẻm này. Sạch sẽ, thoáng mát, nó muốn nằm như vậy để nhìn ngắm xung quanh, nhìn người qua lại. Bệnh của nó giờ chỉ còn tính ngày tính tháng, không dám tính năm. 

- Còn tiệm thuốc? Tôi buột miệng hỏi.

- Không còn nhà ngoài phố, tiệm thuốc cũng không mở được. Tôi dọn hết về đây. Đôi khi có bệnh nhân quen gọi thì tôi đi thôi, chứ không khám ở nhà. Mình bán nhà phố là để tìm chỗ yên bình, an toàn cho con mà. 

Người cha khốn khổ bỗng trầm ngâm hồi lâu. Tôi nhìn chị Hương. Chị hắng giọng, nhẹ gọi:

- Chú, chú Bảy.

- Ấy chết. Tôi mải nghĩ. Nhiều khi thấy mình làm cha thất bại cháu ạ. Mình đi chữa bệnh cho khắp mọi người mà tới con mình thì đành đứng nhìn nó đau đớn, đếm từng ngày nó còn được ở bên mình. Ấy, tôi lại dông dài quá rồi. Tôi gặp cháu là muốn nhờ cháu một việc. 

- Dạ?

Tôi ngạc nhiên nghĩ, mình thì giúp được gì chứ. Nhưng cũng chưa vội phản ứng, cứ để ông ấy nói xem là chuyện gì. 

- Chuyện là thế này cháu ạ. Từ ngày nhìn thấy cháu đi trong con hẻm này con gái chú nó vui hẳn. Nó trò chuyện nhiều hơn. Nó còn hát và muốn đọc sách. (Ông hạ giọng) Mặc dù nó không học được nhiều, mới hết lớp hai đã nghỉ nhưng vẫn đọc được. 

- Chú muốn em Thu kèm em ấy học hả?

Ông chú xua tay:

- Không, không phải. Giờ thì còn học hành gì nữa. Chuyện là chú thấy con bé có vẻ rất vui khi nhìn thấy cháu. Nên hôm qua có ướm hỏi. Nó bảo nó muốn nói chuyện với cháu. (Chú nhìn thẳng tôi) Thế này đi, chú nói vầy cháu xem có được không? Cháu đến dạy con cô Hương đây tuần ba buổi đúng không? Nhân tiện, khi dạy xong mỗi buổi cháu ghé qua trò chuyện với con gái chú nửa tiếng. Mỗi buổi nửa tiếng thôi cũng được. Giúp chú nhé. Còn tiền nong, chú trả như một cua cháu kèm con chị Hương được không?

- Cháu, chú…

Tôi còn đang bất ngờ vì lời đề nghị, chưa biết trả lời sao thì chú lại nói, giọng khẩn khoản. Chắc chú sợ tôi từ chối.

- Còn nếu không, mỗi buổi cháu giúp chú mười lăm phút thôi cũng được. Con bé chẳng còn bao thời gian nữa.

- Đằng nào cũng một công đi em ạ. Em nhận giúp chú ấy nhé. 

- Con bé nó biết chú sang nói chuyện với cháu, nó vui lắm. 

Tôi chẳng nghĩ được gì nhiều khi nhìn vẻ mặt nhăn nhó đến tội nghiệp của người cha. Vậy là tôi gật đầu. Tôi ngồi trong “phòng” cùng Thương, lúc nào đi ngủ, cha em sẽ kéo rèm lại, quây thành một vòng tròn, che kín. Còn bình thường cứ để như thế này cho em nhìn mọi thứ. Lần đầu tiên nói chuyện mà em đã tỏ ra thân thiết, em vui vẻ kể với tôi nhiều thứ. Nhưng khi nói về bệnh của mình, giọng em có vẻ chùng xuống:

- Trên trái đất này có ai bị như em không chị nhỉ. 

- Chị cũng không biết, nhưng có lẽ có. 

- Nhiều khi em không muốn sống như thế này, chỉ làm khổ cha mẹ em. Nhưng liệu khi em chết đi rồi, cha mẹ em có bớt đau khổ không? Mà em vẫn muốn nhìn ngắm cuộc sống chị ạ. Có lẽ thời gian của em không còn nhiều. Một lúc nào đó chân tay em sẽ vỡ vụn, và em sẽ chết.

- Sao em lại nói thế?

- Em nói thật đó chị. Em có cảm giác mọi thứ trong em đang nứt dần, nứt dần ra. Chị có tin có kiếp sau không?

- Chị không biết.

- Em tin là có. Kiếp sau, em sẽ vẫn chọn làm con của cha mẹ em. Kiếp sau em chắc chắn sẽ khỏe mạnh để cha mẹ em không còn gì phải lo lắng, mẹ em không phải len lén lau nước mắt bởi nhìn em đau đớn. 

Có lần em kể cho tôi ước mơ ngày nhỏ của mình. Em ước trở thành một bác sĩ, một nhà nghiên cứu y học. Em sẽ tìm ra thuốc chữa bệnh cho những người không may mắn bị bệnh như em. Nhưng ước mơ mãi chỉ là ước mơ. Em cười:

- Em không bao giờ có thể thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ. Nhưng em sẽ thực hiện theo cách khác chị ạ. Em sẽ đăng ký hiến xác cho y học khi em chết đi. 

- Còn cha mẹ em…

- Hôm em nói, mẹ em khóc nhiều lắm, cha em thì lặng đi không nói gì. Nhưng em biết, rồi cha mẹ sẽ đồng ý thôi. Em chết đi nhưng đôi mắt em vẫn có thể nhìn cuộc đời ở khắp nơi, trái tim em sẽ đập trong một lồng ngực khác, và còn nhiều thứ nữa phải không chị? Biết đâu, từ việc nghiên cứu thân thể em, người ta có thể tìm ra thuốc chữa bệnh xương thủy tinh thì sao. Chỉ cần nghĩ vậy thôi, em chưa bao giờ lại sẵn sàng cho cuộc ra đi hơn lúc này. Chị sẽ nhớ về em chứ?

Tôi gật đầu, giọt nước mắt lăn nhanh trên má.

- Chị khóc đấy à. Đừng khóc. 

Hôm tròn một tháng chuyện trò cùng em, cha em có đưa tôi một phong bì, nói là tiền công. Tôi vội vàng từ chối. Sao tôi có thể chứ. Tôi rụt rè hỏi chú:

- Cô chú có đồng ý cho em Thương hiến tạng không?

- Đó là điều cuối cùng chú và mẹ con bé có thể làm cho nó. 

Tôi ngoái lại vào chỗ Thương nằm, hình như em đã nghe thấy cuộc nói chuyện của tôi và cha em. Em cười thật tươi. Bàn tay nhẹ giơ lên vẫy vẫy:

- Hẹn gặp chị lần sau nhé.

 

Trương Thị Thúy

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin