Chi tiết tin tức

Đóng cửa thị tọa thiền

20:31:00 - 22/03/2015
(PGNĐ) -  Bảo Tích đang tung tăng theo ánh nắng chảy tràn thì nghe tiếng thầy nói khẽ vào tai chú: “Con đang làm gì đó?”. Như làn gió bất ngờ. Chú giật mình, biết rằng tối nay canh ba lên cốc Trà Thơm hầu thầy.
Hình như lần nào thất niệm chạy nhảy vu vơ hay làm bể chén bể nắp vung thì chú đều gặp thầy. Theo nếp của các sư anh đi trước, cứ mỗi lần có lỗi mà bị thầy bắt gặp hay không bắt gặp thì cũng tự biết là đúng canh ba đêm đó, đắp y lên cốc của thầy để được thầy giáo huấn. Sau đó lên chánh điện lạy Bụt, phát lộ lỗi lầm, cầu xin sám hối với một trăm lẻ tám lạy.
 
dong cua.jpg

Nhớ lần trước sư anh Bảo Hưng làm bể cái chung nước cúng Phật, quỳ tàn nửa cây hương mà thầy chỉ dạy sư anh độc nhất một câu: “nhất cử nhất động thị tọa thiền”. Bảo Hưng chưa hiểu rõ nhưng cũng không dám bạch hỏi lại thầy.

Bảo Tích và Bảo Hưng bằng tuổi nhau nhưng Bảo Tích gọi Bảo Hưng bằng sư huynh vì Bảo Hưng vào chùa cầu đạo trước Bảo Tích một ngày. Không hiểu vì túc duyên nào mà hai huynh đệ rất cảm mến nhau. Làm gì cũng rủ nhau làm chung dù hai huynh đệ làm hai tri khác nhau, ăn gì cũng chia hai, chuyện buồn vui gì cũng chia sẻ cho nhau. Khi thiền tập theo lời dạy của thầy, ai hiểu ra điều gì trước là y như cần phải nói cho người còn lại biết. Bàn tay của sư anhBảo Hưng có nhiều hoa tay, chú xin thầy chăm sóc phần hương đăng còn tay của Bảo Tích có nhiều vân tay hơn là hoa tay nên Bảo Tích hay cày cuốc chăm bẵm cho vườn rau, luống cà. Thấy hai sư em nhỏ nhất chùa thân thiết nhau, sư huynh Bảo Tạng cứ chọc: “Nhìn hai sư em cứ như ngài Mục Kiền Liên với ngài Xá Lợi Phất ấy”.

Bảo Hưng và Bảo Tích rất quý sư anh Bảo Tạng. Khi gặp đề bài khó giải, Bảo Hưng nhủ thầm “ước gì có sư anh Bảo Tạng ở đây nhỉ”. Sư anh Bảo Tạng là sư anh lớn sau sư anh Bảo Điển, Bảo Luật, Bảo Giác, Bảo Tuệ. Sau mười năm du học ở Ấn Độ về, sư anh Bảo Tạng xin thầy vừa tự học vừa nghiên cứu thêm và tùy duyên mà đi giảng dạy các nơi. Thi thoảng túi đãy thong dong, sư anh về thăm thầy, thăm chùa, thăm huynh đệ. Sư anh rất thương các sư em nhưng duyên của sư anh là đi đó đi đây. Mỗi lần về sư anh thường lân mẫn chơi với các sư em nhí. Thoạt nhìn chắc người ta không nghĩ sư anh là đệ tử lớn của thầy vì sư anh rất ư là khiêm cung, nhất là với các sư em nhỏ hơn mình thì sư anh càng khiêm hạ hơn nữa. Sư anh cũng hay đàm đạo với bốn sư anh lớn và luôn tham vấn thỉnh ý thầy về những gì còn nghi vấn.

Trở về liêu, Bảo Hưng nói với Bảo Tích: “Sư em ơi, sư anh đang có mối lo. Sư anh vò đầu bứt tóc mấy ngày rồi mà chưa hiểu được”.

Biết sư anh mình đang gặp khó, Bảo Tích hóm hỉnh, nhỏ nhẹ: “Ủa sư anh đâu có tóc đâu mà bứt. Sư anh nói thử xem em có thể giúp gì cho sư anh không”.

Bảo Hưng trầm ngâm: “Sư anh sơ ý làm bể cái chung nước cúng Phật. Thầy biết được, không rầy la chi mà chỉ nói với anh câu nhất cử nhất động thị tọa thiền. Sư anh suy nghĩ kỹ rồi mà không hiểu ẩn ý của thầy là gì nữa. Sư em nghĩ xem làm sao nhất cử nhất động mà thấy như tọa thiền được cơ chứ?”

Bảo Tích yên lặng lắng nghe Bảo Hưng và cũng bắt chước sư anh mình trầm ngâm một tí. Không lâu lắm Bảo Tích reo lên, ngọn bấc trong đĩa dầu như tung tăng theo tiếng reo của chú: “Sư em hiểu rồi, có thể chữ thị ở đây không phải là thấy mà thị nghĩa là là”. Bảo Hưng nói nhỏ: “Suỵt, giờ này chỉ tịnh rồi, mình nói chuyện be bé thôi kẻo động các sư anh khác. À mà nếu thị nghĩa là là thì làm sao nhất cử nhất động để thấy như tọa thiền được. Ngồi thiền thì cần ngồi yên từ thân thể cho đến tư duy lắng đọng. Nếu cử động thì làm sao gọi là ngồi thiền được”.

Bảo Tích nheo mắt: “Sư anh quên rồi sao, có lần thầy dạy mình kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ, đến phẩm thứ năm Tọa thiền. Thầy nhấn mạnh, Lục tổ dạy tọa thiền, không chấp vào hình thức, không dạy ngồi kiết-già hoặc bán-già. Thiền tức là ngoài lìa tướng. Định tức là trong chẳng loạn. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn. Ngoài nếu lìa tướng tâm tức chẳng loạn, bản tánh tự tịnh, tự định. Nếu biết ứng dụng thì trong mọi hoàn cảnh đều tu được. Nếu ngồi thiền mới tu thì đó là tiêu cực. Vừa tu vừa làm việc được mới đúng chỗ thiết yếu Lục tổ dạy, chớ không phải ngồi yên một chỗ. Hay như Tổ Bách Trượng từng dạy mình là “bất tác bất thực” đó. Cho nên tóm lại, sư em nghĩ là thầy vừa muốn dùng những gì thầy đã trao truyền để nhắc cho sư anh là khi cử động khi làm việc mình phải tỉnh sáng rõ ràng, ý thức sáu căn thì ngay lúc ấy cũng như tọa thiền”.

Bảo Hưng như còn chút âu lo: “Có chắc như vậy không em. Nếu hiểu chưa rốt ráo mà hành thì trong lễ sám hối trước ngày bố-tát tụng giới, sư anh làm sao thưa thỉnh với thầy đây”.

Bảo Tích chắc mẻm: “Sư em tin chắc là lý giải của sư em đúng 99,9%. Khi nào thầy trạch vấn sư anh về câu ấy thì sư anh cứ thưa như vậy thử xem”.

Bảo Hưng tự an ủi chính mình: “Lần này huynh phải tin lời Bảo Tích. Cầu mong Bụt Tổ phù hộ cho con”.

Thế là từ đó Bảo Hưng nhớ như nằm lòng câu dạy của thầy trong mỗi khi lau bàn Bụt, tắm Bụt, thay nước hoa, cắm hoa, chưng trái cây, thắp một cây nhang. Thường khi làm những công việc trị nhật này thì Bảo Hưng thường đọc thi kệ nhưng bây giờ có thêm công án khác để chuyên tâm vào. Đến một ngày nọ chú cảm thấy mình không còn nhớ tới thi kệ mà cũng không còn nhớ tới công án này nữa. Chú làm việc một cách rất tự tại như không có gì ràng buộc và mọi cử động thường thường trạm nhiên, nhịp nhàng. Khi làm, chú vẫn biết là mình đang làm. Trong mọi động tác, chú cẩn trọng như đứa bé thơ đang bước qua con đường nhỏ, như đang đi trên mặt đất hồng như môi son bé thơ. Song song đó là tâm an nhiên cùng với hơi thở lắng dịu, vào ra. Chú với việc làm như một.

Riêng Bảo Tích, chú yểm trợ cho sư anh mình bằng cách khi cuốc đất trồng rau, xách nước, gieo hạt, bắt sâu chú cũng chuyên tâm vào hơi thở và vào câu thiền ngữ. Bình thường chú cũng thực tập cày xới đất vườn như cày xới đất tâm, gieo hạt giống rau đậu như gieo hạt giống tâm hồn. Chú áp dụng lời kinh Tứ Niệm Xứ: “khi người nông dân đổ bao hạt giống ra, ông nhận diện đây là đậu ngự, đây là đậu xanh, đây là gạo lứt, đây là gạo hẻo-rằng”, chú biết rằng mình đang gieo trồng, tưới tẩm cho hạt giống nào trong mảnh đất tâm mình. Không chỉ có vậy, khi cuốc đất chú để ý tới hơi thở cho mỗi cử động, nhờ thế chú giữ được sức bền và sự tươi mát ngay khi làm việc.

Phải chăng nhờ quá trình thiền tập ngay trong khi làm việc mà rau đậu chú trồng ra rất tốt tươi, đầy đủ. Giờ đây chú cũng chuyên chú vào câu thiền ngữ như một tiểu công án, như một nỗi ám ảnh trong tâm. Song nỗi ám ảnh này không làm chú mệt mỏi mà chú cảm thấy đó là một thiện ám ảnh, chú tự đặt tên cho trạng thái tâm lý này bằng ba từ ngộ nghĩnh này, vì nhờ có nó mà chú cảm thấy gắn bó với tiểu công án này hơn. Và khi gắn bó, khi luôn chú tâm chánh niệm vào nghĩa cú thì dần dần tâm chú sáng ra.

Đến một ngày khi nhìn một trái đậu xanh đã già khô, bị một giọt nước từ vòi thùng tưới của chú rơi trúng thì nó tách ra, để lộ những hạt đậu xanh màu lá sen già. Chú thấy tâm mình nhẹ nhõm và thư thái vì đã hiểu rằng những việc mình làm hàng ngày khi đạt tới trạng thái an nhiên, mặc tĩnh thì nó như trở về cái gốc ban đầu của bản tâm vắng lặng.  Và bản tâm vắng lặng là một cái gì đó cũng rất ư bản chất, tự nhiên như hạt đậu khô đụng phải giọt nước, đúng thời khắc thì nó cũng bung ra. Và giản dị rằng mọi việc làm của mình sẽ trở nên tĩnh mặc khi tâm mình tịch tĩnh.

Hai huynh đệ chưa kịp chia sẻ điều thấy biết cho nhau thì tới ngày sư anh Bảo Hưng lên trình bày cái thấy của mình sau hai tuần vừa sám hối vừa trở về miên mật cho sự thực tập tỉnh giác.

Đúng canh ba, Bảo Hưng bước vào thất của thầy. Bảo Hưng nhẹ nhàng cẩn trọng. Không gian vắng lặng. Trước mặt là ngọn bạch lạp đang cháy, thầy ngồi đó tĩnh tại như chưa bao giờ từng vắng mặt trong cuộc đời này. Thầy nhẹ nhàng hỏi Bảo Hưng:“Quá trình sám hối và quán chiếu của con tới đâu rồi, con chia sẻ cho thầy biết”.

Chắp tay cung kính, quỳ trước thầy, Bảo Hưng thưa: “Bạch thầy, đây có thể là cái thấy còn cạn cợt của con, con không dám gọi là sở ngộ”.

Thầy vẫn điềm nhiên: “Thế nào gọi là sở ngộ?Con đang khiêm tốn hay đang không nhận diện đúng bản chất cái thấy của mình?”.

Bảo Hưng thưa: “Bạch thầy, cái thấy và sở ngộ là khác nhau khi trong tâm con còn đối đãi. Cũng vậy nếu con còn phân biệt giữa ngồi thiền là động hay tĩnh, còn thấy khi đi đứng nằm ngồi mà không chú tâm tỉnh thức. Trong mỗi hành động, không neo tâm mình lại như chiếc neo cắm chặt vào lòng sông, giữ thuyền khi cập bến thì cái tâm của con cũng không có mặt như chính chiếc thuyền kia bị chòng chành, chao đảo ngay khi gặp một làn gió thổi qua, dù trên sông không có sóng”.

Thầy vẫn điềm nhiên nghe Bảo Hưng thưa và không bình giảng, nhận xét gì thêm. Thầy tiếp lời: “Thầy nhớ có một lần thầy làm thị giả cho Sư ông, khi bước ra khỏi phòng của Sư ông, rõ ràng là mình đã đóng cửa rất nhẹ nhàng. Ấy vậy mà vừa ra khỏi cửa, chưa bước đi bước nào thì Sư ông gọi thầy lại và bảo thầy đóng cửa lại cho Sư ông coi. Sư ông dạy, là đệ tử chốn thiền môn thì điều đầu tiên không phải là học thiên kinh vạn quyển mà con cần học cách đóng và mở cửa như thế nào cho khéo, cho nhẹ nhàng, chánh niệm. Kể từ đó lời dạy của Sư ông như khắc sâu vào tâm khảm của thầy và thầy không một phút lơ là cho việc đóng mở cửa hay những hành động nào khác khi thầy còn thức”.

Lắng nghe từng lời thầy dạy, Bảo Hưng như thấy mình được trở về chùa Tổ, là chú điệu bé nhỏ đang làm thị giả cho Sư ông. Dù Bảo Hưng chưa đủ duyên sống ở tổ đình để được hầu cận Sư ông nhưng chú tiếp nhận năng lượng sống của Sư ông qua thân giáo của thầy. Cung cách, uy nghi tế hạnh của thầy là living dharma, là bài pháp sống động không lời, chỉ có thể tự mình nghe, tự mình thấy và tự mình sách tấn mình noi theo mà hành. Chú cũng sẽ học theo thầy nhất cử nhất động thị tọa thiền, như là đang đóng và mở cửa. Chú sẽ không làm bể cái chung hay bất cứ vật gì khác vì thất niệm.

Ngay giây phút này đây Bảo Hưng thấy mình tràn đầy hạnh phúc. Chú nhớ mãi câu chuyện thầy kể và tự hứa rằng ngày mai, sau giờ tụng giới, chú nói điều hạnh phúc này cho Bảo Tích nghe để huynh đệ cùng thực tập cho lợi lạc.

Hôm nay là ngày của Bảo Tích. Đúng canh hai, chú suy nghĩ: “Lần này, lên cốc Trà Thơm, trước câu hỏi con đang làm gì đó của thầy chắc mình sẽ thưa đóng cửa thị tọa thiền”.

Truyện ngắn Đông Nguyên

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin