Chi tiết tin tức Ông lão nhà văn 20:32:00 - 15/11/2020
(PGNĐ) - Xóm Miễu là một xóm lao động nghèo chừng khoảng trăm nóc nhà lụp xụp. Xóm này người ta làm đủ thứ nghề, khu nhà bà Sáu thì làm nghề bán mì gõ, khu nhà ông Hai Quẹo thì làm nghề bốc vác, khu đầu xóm thì toàn gái bán bia ôm, khu nhà tôi thì có vài tay làm công chức quèn...
Nói chung khu nào cũng khá đông người ở, chỉ có khu Miễu Tà là duy nhất có một ngôi nhà cổ hình chữ nhất mái lợp ngói âm dương biệt lập, người ta gọi là phủ của ông lão nhà văn.
Thật ra ở xóm Miễu không ai biết ông lão nhà văn tên gì cả. Họ chỉ gọi ông là ông lão nhà văn từ bao lâu nay thế thôi. Ông lão sống một mình từ nào cho đến giờ. Nhà ông ở giữa một khu vườn toàn những cây cổ thụ, xung quanh ông trồng nhiều loại hoa cảnh. Những con chim chào mào được ông thuần dưỡng, ông làm những chiếc lồng to cho chúng sinh con đẻ cái trông rất tự nhiên. Phía trước sân có cái hồ, giữa hồ là hòn non bộ bằng đá Ngũ Hành Sơn trông rất sống động, ông nuôi trong hồ cơ man nào là cá tai tượng.
Bên trong ngôi nhà cổ của ông đồ đạc không có thứ gì là hiện đại. Sát vách có một cái bàn thờ, trên cái bàn thờ này ông thờ duy nhất một pho tượng Đức Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối. Giữa nhà là cái bàn viết cũ kỹ bằng gỗ mun đen bóng. Xung quanh bốn phía thì toàn sách và những lu hũ, bình lọ, tượng thần… bằng đủ thứ chất liệu. Còn phía sau phòng khách chỉ là một cái bếp và cái nhà kho nhỏ luôn luôn khóa kín cửa.
Trong Xóm Miễu, ông lão nhà văn không chơi thân với bất cứ một ai ngoại trừ tôi, nhưng cửa rào nhà ông luôn mở rộng quanh năm, ai đến hỏi ông điều gì, nhờ cậy ông bất cứ thứ gì cũng được. Chính vì vậy mà mọi người ở đây đều rất thương ông, bọn trẻ trong xóm đều kêu ông bằng ông nội.
Năm ấy là cái năm quỷ quái gì không biết, lớp hạn hán kéo dài, lớp heo gà trâu bò bị dịch bệnh lây lan, thóc cao gạo kém, nhà nhà khó khăn. Nhà nước cố gắng hỗ trợ một phần, nhưng tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống, nắng hạn lâu ngày vài giọt mưa thì thấm thía vào đâu. Nhà nào cũng như nhà nấy, nào ga điện, nào gạo thóc, nào mắm muối, nào thuốc men, rồi con cái đi học… trăm thứ tiền, ai nấy tóp teo như xác ve sầu.
Mùa tựu trường đến gần, mấy chị trong xóm chạy qua nhà ông lão nhà văn khóc lóc.
- Ông ơi, tiền đâu cho tụi nhỏ học bây giờ! Nào học phí, quần áo giày dép, tập sách… và bao thứ linh tinh nữa… tụi con kiệt quệ ông ơi!
- Khổ thì ai không khổ, nhưng học thì phải học. Dứt khoát không để tụi nhỏ bỏ học giữa chừng. Thôi tụi bây về đi, chiều mai ghé lại đây! - Ông lão trầm ngâm.
Cuộc điện thoại của ông vừa xong thì chừng ba tiếng đồng hồ sau, có chiếc xe bốn chỗ ghé nhà. Họ là một nam một nữ trông rất trí thức. Họ vào nhà trao đổi với ông hồi lâu, xong đưa cho ông ký vào một tờ giấy. Ông giao cho họ chừng hai ngàn tờ bản thảo, họ giao cho ông một xấp bạc… Thế là mùa thu ấy, đám con nít trong xóm đều vui vẻ đến trường.
Anh Tư ve chai người nồng nặc mùi rượu, bước xiêu bước vẹo vào ngõ nhà ông lão nhà văn.
- Ông ơi là ông ơi! Chắc con chết mất quá ông ơi!
Thấy Tư ve chai mềm ẻo, tưởng bị thần mồi quở hay ma men vật gì đó, ông lão kéo chiếc ghế tre dựa vào sát gốc cây cho Tư ve chai ngồi.
- Chú mày bị làm sao… có gì nói liền đi còn kịp!
Tư ve chai cà nhựa cà nhựa:
- Ông ơi con say con bậy quá trời, nhưng con nói thật con buồn khổ quá ông!
- Chuyện gì? Ông lão hỏi gặng.
Tư ve chai vừa sụt sịt vừa nói:
- Nay vựa ve chai đóng cửa. Nhà con tối như đêm ba mươi. Con năn nỉ họ mượn chút tiền để lo thuốc men cho con vợ của con mà họ không cho. Con không có cơm ăn thì con ăn cỏ, còn con vợ con không có thuốc là nó chết mất đó ông ơi!
Nghe Tư Ve chai nói vậy, ông lão như rụng xuống một nỗi buồn xa xăm nào đó. Nhưng ông cũng kịp trấn an con người bất hạnh:
- Thôi chú mày về nhà tắm rửa nghỉ ngơi cho khỏe đi rồi chiều ghé lại nhà tui, tui tính cho.
Chiều ấy, Tư ve chai tỉnh táo ghé qua nhà ông lão nhà văn. Ông mở cửa nhà kho phía sau, lấy tay rút tấm mền rồi đẩy ra một chiếc xe Honda 67 màu đen. Ông nói với Tư ve chai.
- Chú mày lấy chiếc xe này về mà chạy xe ôm tạm, ngày kiếm được vài chục cũng trang trải được mọi thứ!
Tư ve chai mừng đến nỗi trào cả nước mắt. Cổ họng y như có cục gì chặn lại, y muốn nói mà nói không ra lời. Ông lão vỗ nhẹ nhẹ lên chiếc yên xe và nói thêm:
- Tư à! Đây là chiếc xe kỷ niệm, tui đã không chạy từ rất lâu, nhưng tui vẫn lau chùi và kiểm tra nó thường xuyên, chú cứ yên tâm mà sử dụng. Nhưng khi nào không xài nữa thì đem cái xác nó về đây tui cất, chớ đừng bán đi tội nghiệp!
Kể từ ngày đó, Tư ve chai không còn là Tư ve chai nữa, mà là Tư xe ôm. Thực ra trong nhà ông lão bất cứ vật gì cũng gắn liền với những kỷ niệm của đời ông. Nhưng ông quan niệm tất cả chỉ là giả tạm, thân này còn chưa giữ mãi được thì giữ mãi được cái gì. Thế rồi từng món cổ vật, từng mớ sách, từng chồng bản thảo… của ông cứ vơi dần vơi dần cùng với cái xóm nghèo khổ này. Ông quý nhưng không hề tiếc chúng, nhưng khi Tư ve chai đẩy chiếc xe đi thì ông lại ngồi thẫn thờ hàng giờ trong nhà với dòng lệ già nua. Ông nhớ lại thời còn trai trẻ. Chiếc 67 này ngày ngày ông chở người vợ trẻ đi làm rồi rước về, chỉ một lần ông kẹt công chuyện ở nhà xuất bản không rước kịp để vợ đi bộ về. Không may chiếc xích-lô máy cán qua và lấy đi tính mạng của người ông yêu thương nhất. Ông đã sống trong đau khổ hàng mấy mươi năm. Ông không đi bước nữa, mà chiếc xe này ông cũng không dùng tới vì không muốn chở ai. Ông bỏ đất Sài Gòn lên vùng kinh tế mới, rồi ẩn cư với sách vở cỏ hoa cho tới tận bây giờ.
***
Tháng Ba trời nắng như đổ lửa, công ty tôi làm giải thể. Bước ra khỏi cổng rào không còn một đồng xu dính túi. Mà nói thẳng ra không phải ở tù là may lắm rồi. Cả đời chả biết nhám nhúa thứ gì nhưng vì thật quá, tin quá nên giờ mất việc lẫn trắng tay. Bà vợ và thằng con trai hiểu được tâm trạng của kẻ thất thời nên không dám nói gì, chỉ ai lo việc nấy, như những bóng ma chập chờn trong căn nhà vỏn vẹn 20 mét vuông. Ba ngày trôi qua, tôi rối trí và thẫn thờ như cái xác không hồn. Gạo hết, ga hết, tiền điện tới, thằng con chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12… Trăm dâu mà đổ lên đầu một con tằm thì sao chịu nổi. Trong đầu tôi cứ nghĩ tới tiền ngoài ra chẳng còn thứ gì khác. Chiều ấy tự nhiên tôi thấy Tư xe ôm chạy xẹt qua trước cửa, tôi chợt nhớ tới ông lão nhà văn. Tôi liền cầu may một chuyến.
Cái nhà của ông mới có thời gian tôi không ghé thôi mà đồ đạc gì bay gần hết cả. Tôi chưa kịp kêu thì ông lão từ sau bếp đi lên.
- Te tua rồi phải không? Thôi đến thắp cho Đức Phật cây nhang đi, biết đâu sẽ tìm ra sinh lộ!
Tôi vừa thắp nhang bái Phật vừa xong thì nghe cái phạch sau lưng. Quay lại thì thấy một cuộn dây chão to đùng.
- Trời ơi tôi sắp chết rồi mà ông còn đùa sao? Ông ném cho tôi sợi dây là kêu tôi thắt cổ chết cho xong đời chứ gì!
Ông lão cười khà khà và nói với tôi giọng vui vẻ:
- Chú mày chỉ được có cái nói điên nói khùng! Chú mày biết hai ngày nữa là ngày gì không?
Thấy tôi ngơ ngơ, ông lão nói tiếp:
- Hai ngày nữa là ngày cúng Miễu Tà. Tà của mình là Tà Srốk, có nghĩa là ông Tà cai quản tất cả các làng các xóm ở toàn bộ khu vực này. Lễ cúng Tà năm nay các xóm các làng lân cận tụ tập về đây cúng và múa hát ba ngày ba đêm. Chú mày đóng các cọc tre thành một hình chữ nhật cỡ nửa công đất khu sau miếu, rồi lấy sợi dây này rào xung quanh lại mà làm chỗ giữ xe. Một chiếc ra vô hai ngàn, mười chiếc có hai chục ngàn, trăm chiếc cho hai trăm ngàn… Chú mày cứ tính đi, xung quanh làng mình có bao nhiêu làng, bao nhiêu người, bao nhiêu xe, mà ba ngày vậy lượm được bao nhiêu tiền?
Tôi nghe đến đây mà như mở cờ trong bụng. Ôm đống dây chạy vội về nhà, huy động vợ con cùng làm. Qua mùa cúng Miễu Tà, nhà tôi kiếm được năm triệu bạc chứ không ít. Tôi giao số tiền cho vợ làm vốn buôn bán nhỏ kiếm cơm qua ngày, còn tôi đi tìm công việc khác… Lòng tôi như trút cả gánh đá ngàn cân… Ôi, cảm ơn cái sợi dây nghĩa tình của ông lão nhà văn.
Hoài Chi
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |