Chi tiết tin tức

Miếng ngon cho con

16:44:00 - 23/08/2018
(PGNĐ) -  Các chùa bắt đầu tháng Bảy âm lịch bằng việc tụng kinh Vu Lan Báo Ân. Kinh này Phật kể về công lao của hai đứng sinh thành là Cha và Mẹ, đồng thời chỉ bày cách để cho chúng sanh từ vua quan cho đến dân chúng, tại gia hay xuất gia báo đáp công ơn của cha mẹ. 

1. Tôi hỏi, ba mạ quen nhau trong hoàn cảnh nào? Mạ nói, hồi đó ôn mệ gả chứ làm gì có chuyện quen nhau. Rồi mạ kể tiếp, lẽ ra hồi đó ôn mệ gả cho người khác chứ không phải là ba. Có mấy người làng bên sang hỏi mà ôn mệ không ưng. Ôn mệ sợ mạ khổ khi về làm dâu làng đó. Khổ này không phải là làm lụng nhiều, mà vì hàng ngày sẽ tiếp xúc với cá tôm, toàn là sinh mạng chúng sanh. Làng bên gần biển, đàn ông đi biển, đàn bà làm mắm. 

Mạ chỉ kể rằng ôn mệ sợ mạ phải ướp cá, ướp mắm, xay xát, chưng cất nước mắm. Ôn mệ sợ tội. Chữ tội với người Huế có thể là thương xót, cũng có thể là tội lỗi. Ở miền sông nước thì đánh bắt cá tôm là kế sinh nhai cũng như miền núi chặt cây đốn củi vậy. Mỗi nơi mỗi nghề, mỗi nghề lại một nghiệp. Điều đó không bàn cãi. Bởi đằng sau mỗi công việc là một câu chuyện với ngàn lẻ nguyên nhân. Ở đây tôi kể vì một chuyện khác.

 

vulantrongcon.jpg
Trong một buổi lễ Vu lan - Ảnh minh họa

2. Các chùa bắt đầu tháng Bảy âm lịch bằng việc tụng kinh Vu Lan Báo Ân. Kinh này Phật kể về công lao của hai đứng sinh thành là Cha và Mẹ, đồng thời chỉ bày cách để cho chúng sanh từ vua quan cho đến dân chúng, tại gia hay xuất gia báo đáp công ơn của cha mẹ. 

Tôi được tiếp xúc kinh Vu Lan từ hồi nhỏ nhỏ theo mạ đi chùa. Hồi đó cả đạo tràng tụng theo tiếng mõ còn tôi thì lật từng trang để đọc vì không tụng kịp. Tôi tập tụng kinh như đọc sách lớp 3 lớp 4, trang nào thấy hay thì đọc lui đọc tới vài lần. Có lẽ vì thế mà mười điều Phật dạy về ơn cha mẹ tôi thuộc từ sớm. 

Tôi hay nói chuyện với một vài người bạn, tôi tâm đắc nhất điều thứ 9 trong mười điều ấy. Điều thứ 9 Phật dạy trong kinh Vu Lan rằng: “Chín là ân vì con làm ác. Lao khổ đủ muôn bề, bữa ăn vẫn khó kiếm, vì muốn con no ấm, việc ác mẹ khó xa. Nuôi con khôn lớn, lo hôn nhân, lo cơm áo, sợ cơ hàn. Kho nấu các sinh vật cũng vì ngon miệng con”. Công ơn cha mẹ mỗi người cảm nhận một từng bậc nên không bút mực nào tả cho hết được. Tôi tâm đắc điều thứ 9 bởi có lẽ từ trong cái nghèo cái khó, ba mạ tôi đã vì anh em chúng tôi nhiều hơn.

3. Ở quê, vào mùa mưa, Ba thường hay đi rớ cá, đặt lưới để kiếm miếng ăn. Nước rút thì mạ đi nhủi, kiếm con mại con rô. Mà mạ đi nhủi về toàn mấy con bé tí tẹo, nên cứ cho vào nồi mà kho chung như nồi canh rau tập tàng. Trong nồi kho ấy, mấy chị em hay tranh nhau ăn con bọ mày, con này là giai đoạn thứ 2 (ấu trùng- hình dáng tựa con ve, sống dưới nước) trong vòng đời của con chuồn chuồn. 

Lần nọ, chị gái đi chơi về thấy nồi kho đầy ự để trong chạng tủ thế là bốc ăn. Ai dè nồi này mạ mới đi nhủi về, làm sạch và ướp gia vị mà chưa kho. Tối lại chị kể, cả nhà được trận cười bò. Đây vẫn là câu chuyện trong những bữa cơm mà chị ăn chung với gia đình mỗi lần từ Sài Gòn về. Mỗi lần về, chị cứ hối mạ nấu canh lươn, canh cá lóc, cá trê. Thế là mạ phải làm. Mấy loại cá này phải làm nhiều giai đoạn mới có thể nấu canh chua. Tôi chứng kiến mạ trở sống dao gõ vào đầu con cá lóc, sau đó mới cắt và moi ruột. Mà đâu phải gõ một cái là cá chết ngay được, phải làm ba bốn phát, con cá quằn quại trên thớt rồi mới chết. 

Còn con lươn thì phải thả nó vào trong tro bếp để khô chất nhờn rồi mới chà trong rổ cho sạch. Khi vừa chạm vào tro bếp, nó oằn mình cong rướn cựa quậy...  Hồi đó nhìn và chỉ nhìn, có khi còn thích thú vì sắp được ăn canh chua ngon ngọt. Không biết trong mạ nghĩ điều gì, mạ thương con cá hay thương con mình?

Cũng khá lâu lắm rồi, mạ không còn nấu canh chua kiểu đó cho mấy chị, có muốn ăn thì cứ ra chợ. Nếu ngày trước có tiền thì cũng chẳng phải tự tay làm kiểu đó. Nghèo quá, tất cả phải tự tay làm ra cho con miếng ăn ngon. Ba tôi cả đời không uống rượu bia lại càng không ăn mấy loại cá như cá lóc, cá trê, lươn... Nấu canh có ngon như thế nào thì ba cũng không ăn. Phải chăng vì loài đó ăn tạp nên ba không ăn hay vì một điều khác khi chứng kiến cảnh mạ làm.

4. Bất thần nhớ chuyện cái đùi gà. Mỗi lần làm gà nấu cháo thì hai cái đùi mạ dành cho hai đứa em tôi. Tôi chỉ được ăn cánh gà. Hồi đó mong sao mạ cho cái đùi để cắn một miếng thiệt to cho đã. Nuôi được đàn gà mấy tháng trời chỉ để đem bán chứ đâu dám ăn. Chỉ khi trong nhà có người đau ốm mới có thịt gà. 

Đợt vừa rồi nghe câu chuyện trùng hợp đến rùng mình. Chuyện là cậu anh lớn trong gia đình ba anh em nọ cũng mong điều như tôi mong. Mẹ cậu kể cậu đã nói với mẹ rằng, mẹ ơi mẹ, răng mẹ không kiếm con gà nào có ba chân mà làm thịt. Con nhà ai mà ngây ngô một cách thông minh đến thế kia chứ. Gà có ba chân, thể nào mình cũng có một cái đùi để gặm như hai đứa em.

5. Con thèm miếng ăn, ba mạ cứ cặm cụi làm dù công việc đó có như thế nào. Cắt, giết, mổ, đâm... ba mạ đều chấp nhận. Một miếng ăn chung mà tội lỗi là tội riêng của ba của mạ. Làng bên làm mắm để rồi một thế hệ khác sau 20 năm đều là những đứa con được học hành đàng hoàng, lại biết chia sẻ nhiều thứ với tha nhân.

Tra Am, Vu lan 2018
Phan Chi Nguyên

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin