Chi tiết tin tức Ngắm trăng 16:24:00 - 14/12/2016
(PGNĐ) - Ông với bà là hàng xóm, hai nhà chung nhau cái mảnh vườn phía trước. Bên này ông sèn sẹt tiếng ho, bên kia bà luống cuống sang hỏi có can chi không, thuốc để ở đâu. Bên kia bà trượt cái chân, bên này ông chạy qua đỡ dậy, bảo cẩn thận xương xẩu. Bên này vắng ông mới có một buổi, đến chiều ông về tới ngõ bà đã lập cập sang hỏi đi đâu suốt ngày. Ông cười nói tui với bà ngoài sáu mươi rồi, đi đâu được xa nữa mà phải lo, chỉ chờ đi theo ông bà là hết.
Minh họa: Nhuận Thường Vợ ông mất năm ngoái, ông được hai con gái thì đã lấy chồng ở tít tận Sài Gòn. Thỉnh thoảng chúng mới bay ngàn cây số về đây thăm ông, nhiều lắm mỗi năm một lần. Bà thì chồng hy sinh hồi chiến tranh. Bà để tiếng vợ liệt sĩ ở vậy nuôi cậu con trai. Giờ anh con trai cũng đã lấy vợ, sinh con ở trên thành phố. Cuối tuần có về, nhưng cũng dăm khi mười họa. Thành ra ông với bà giống nhau hoàn cảnh, có con cũng như không. Tuy chẳng dây mơ rễ má gì, chỉ là hàng xóm láng giềng mà ông bà quan tâm chăm sóc nhau cứ như thể… Mảnh vườn chung phía trước mường tượng giống cái sân bóng đá, ông một bên bà một bên, đi qua chạy về mệt nghỉ. Buổi tối ông hay kéo cái chõng tre tới chỗ vườn, bà xách ấm nước chè ra. Khi thì ngọn trầu miếng cau nhai bỏm bẻm. Lúc bịch kẹo gừng con gái ông gửi từ trỏng ra biếu mẹ. Có đêm chẳng trầu chẳng kẹo bà vặt mấy quả ổi sau nương nhà mang ra. Ông nói răng rụng hết rồi, ổi non ổi nẻ khới chi ra. Mấy hôm có trăng sáng, ông bà ngồi tới tận khuya nói chuyện. Chuyện xưa đi chăn trâu cắt cỏ, chuyện đi gò đi ghẹo thời còn trẻ trung, mới đó mà nhanh. Người làng đùa bảo ông với bà chuyển hẳn qua ở với nhau cho vui. Già rồi, sống một mình chi cho cực, có ông có bà lại chẳng hay hơn à. Bà hỏi ông nghe chuyện người ta đồn chưa, nghĩ răng? Ông nói nghĩ răng là răng, nhà ai nấy ở, còn con còn cháu nữa, thỉnh thoảng chúng nó về. Bà đừng có nghĩ bậy bạ như thế. Thôi uống nước đi, họ nói kệ họ. Bà thở hắt ra như trút được một gánh nặng, tui thì tui chẳng nghĩ chi hết, có ông ở bên cạnh như lâu nay là vui rồi. Đùng một cái anh con trai bà trên phố về. Bảo từ nay vợ con sẽ về đây ở với bà, cũng là để thằng cu được hưởng cái không khí trong lành hơn, trên phố ồn ào bụi bặm không tốt. Bà mừng quýnh, bảo được thế thì hay quá. Anh cũng tính mà về đây luôn, từ quê lên phố đi làm chẳng bao xa, ăn cơm cá chợ quê tươi rói, rau ráng trong vườn mình trồng cũng an toàn hơn. Anh con trai xây một cái quán cho vợ bán cà-phê nước giải khát. Quán xây nơi mảnh vườn phía trước nhà, chỗ ông với bà hay kê chõng ngồi ngắm trăng đêm. Bà chiếp miệng tiếc nhức răng cái chỗ ngồi ngắm trăng nay bị choán mất một phần. Nhưng biết làm sao được, trẻ cậy cha già cậy con, con nó xây để làm ăn buôn bán, can ngăn làm chi. Con gái ông từ Sài Gòn gọi điện ra bảo nghe nói nhà hàng xóm xây quán, ông coi người ta có lấn đất sang vườn nhà mình không nhé. Tấc đất tấc vàng, đất bây giờ là tài sản dễ phát, tụi con ở Sài Gòn mét nào tỷ nấy. Bà thì bà chẳng để ý chuyện đất đai, xưa nay cái mảnh vườn là chung của hai nhà. Lễ lượt cưới hỏi bên này bên kia cứ dựng rạp lên đó cho thoải mái. Đất bà trồng rau đất ông vãi cải thì cũng áng chừng lên luống mà làm, chẳng xích qua xích về xét nét nhau chi. Riêng ông biết ranh giới, chẳng cần giở sổ đỏ sổ hồng kéo dây đo thước. Cứ căn theo chỗ cái cây cau làm dấu lâu nay thì bên anh con trai bà có lấn sang, chừng ba mét ngang. Nhưng ở quê xưa nay chẳng ai đem sổ sách ra căn ke. Ông thấy cái quán thòi qua phần vườn nhà mình thật, mà nói ra thì ngại. Còn bà sống sờ sờ đó nữa, mở miệng chi ra. Với lại đất nhà ông rộng, có mất đi hai ba mét chả sao. Thà mất đất còn hơn mất lòng. Trước quán, anh con trai dựng trụ, treo một bóng đèn thắp sáng suốt đêm. Vừa để quảng cáo cho cái quán cà-phê giải khát của vợ, vừa để phòng chuyện mất cắp phá phách nửa đêm nửa hôm. Bóng đèn cao áp sáng quá, nó lấn lướt luôn cái màu trăng chín nhất phủ lên mảnh vườn những đêm rằm. Từ bữa đó ông và bà không còn ngồi ngắm trăng uống nước chè nữa. Bà bận chăm cháu cho con dâu bán quán. Thực ra anh con trai đưa vợ về quê chẳng phải vì việc buôn bán. Bấy lâu nghe người làng đồn chuyện ông bà hay qua lại, anh thấy lo lo. Đưa vợ về để “giữ” bà, giữ cái tiếng thơm vợ liệt sĩ cho mẹ, giữ cái lý lịch rất đẹp đã nâng đỡ anh trên đường thăng tiến. Thứ nữa, con đường làng này nằm trong diện quy hoạch, anh về xây cái quán lấn thêm ít mét đất bề ngang để mai mốt giải tỏa mặt bằng kiếm khoản bồi thường. Quán cà-phê giải khát bán được một năm ế ẩm buồn bạn. Người quê ăn chưa tới đâu dám nghĩ chi nhiều đến uống nước rong. Dự án mở rộng đường được tỉnh điều chỉnh qua hướng khác. Con đường chạy trước mặt nhà ông nhà bà vẫn chỉ là đường làng mà thôi. Anh bảo vợ đóng quán chuyển lại lên phố mà ở. Đóng quán đi rồi thì cái bóng đèn móc ở trước cũng gỡ ra, trả lại khu vườn ngập ánh trăng. Nhưng ông đã mất từ trước Tết. Bữa tiếng ho ông sèn sẹt lên cơn suyễn mà bà không nghe được vì tiếng nhạc ở quán to quá. Giờ còn lại bà với mảnh vườn thui thủi. Trăng sáng cũng chẳng còn ai ngắm nữa. Hoàng Công Danh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |