Chi tiết tin tức Ngày mai chị đi tù 20:40:00 - 29/04/2018
(PGNĐ) - Trong ánh đèn ngủ le lói, chị trân trân nhìn ra phía cửa sổ. Ngoài đường, trời tối đen như mực. Đêm đã khuya lắm rồi. Chỉ còn tiếng đồng hồ tích tắc kêu chậm rãi từng nhịp, từng nhịp một. Chị trở mình. Ôi, cái lưng của chị sao mà đau đến vậy! Nằm trong chăn ấm, đệm êm mà chị còn thấy đau nhừ như người bị đánh. Thế ngày mai nằm trên giường xi-măng thì không biết thế nào?
“Con sẽ nhờ người gửi thêm chăn vào cho mẹ. Mẹ trải xuống dưới mà nằm cho đỡ đau. Cẩn thận không mẹ lại cảm lạnh. Ở trong đó, mùa này lạnh lắm mẹ ạ”. Chị nhớ lại lời dặn dò của con gái lúc tối khi mẹ con nói chuyện qua điện thoại. Giọng nó nghẹn nghẹn, chắc nó đang khóc. Chị thấy tim mình nhói đau nhưng vẫn cười trấn an nó: “Con đừng lo cho mẹ. Mẹ tự biết cách giữ gìn sức khỏe của mình. Mẹ chỉ lo cho con ở nhà thôi”. Nói đến đây, đến lượt chị sụt sùi.
Đúng! Ngày mai chị phải đi tù, không còn cách nào cứu vớt được. Đời chị thế là không cay đắng nào không nếm trải. Ngày về nhà chồng, chị mừng rơi nước mắt. Chị vui vì cuối cùng chị cũng có một mái nhà để ở, một bờ vai để nương tựa sau những năm tháng tuổi thơ phải đi ở đợ, ở nhờ vì chị mồ côi cha mẹ khi mới lên mười tuổi. Nhưng rồi những năm tháng hạnh phúc sao ngắn ngủi đến thế khi chồng chị làm ăn thất bát, chán nản sinh ra rượu chè. Những lần anh uống rượu say là những trận đòn roi trút xuống người chị. Lúc đầu chỉ thi thoảng anh mới say. Sau thì số lần say tăng lên cấp số nhân. Chị từ một người khỏe mạnh, béo tốt mà gầy mòn, héo hắt. Có những lúc tưởng không thể gánh gượng được. Nhưng rồi thương con, chị âm thầm chịu đựng. Con bé tuy học kém nhưng rất ngoan và thương mẹ. Có hôm anh cầm cuốc đuổi đánh chị. Chị hoảng hốt bỏ chạy. Con bé vừa la, vừa khóc. Chị vấp ngã. Cán cuốc đập trúng đầu. Khi tỉnh dậy, chị thấy mình đang trong bệnh viện. Con bé cứ ôm lấy chị, vừa khóc, vừa mếu máo: “Mẹ đừng chết mẹ nhé. Mẹ đừng bỏ con”. Chị không còn thấy đau đớn nữa, ôm lấy con mà nước mắt cứ ứa ra. Cuộc sống đau khổ cứ bần hàn trôi qua. Một mình chị nai lưng ra làm nuôi con thơ và ông chồng nghiện rượu. Đi làm công ty cả ngày, tối về chị làm đủ việc. Từ nấu rượu, nuôi lợn đến may vá, vóc vỏ lạc thuê... việc gì chị cũng làm miễn có tiền nuôi con. Của nả lúc trước mà hai vợ chồng dành dụm lần lượt ra đi. Đến một ngày khi con bé được 13 tuổi thì chồng chị chết vì bệnh xơ gan. Bạn bè, làng xóm ai cũng bảo từ nay chị hết khổ rồi. Chị nghe mà thấy đau xót nhưng cũng phải thừa nhận họ nói đúng. Số phận của anh đã an bài còn hai mẹ con chị từ nay sẽ nương tựa vào nhau mà sống. Chị không phải chịu những trận đòn vô cớ của chồng, không phải trốn chui, trốn lủi mỗi lần chồng say rượu. Chỉ thương con bé sớm phải mồ côi cha nhưng may mắn nó còn có chị. Chị dồn hết tình thương cho con. Cả ngày đi làm, tối về hai mẹ con tíu tít đủ thứ chuyện. Khi nào trong mắt chị, con gái cũng bé bỏng, đáng yêu. Nghĩ con thiệt thòi nên chị rất nuông chiều nó. Chị chăm bẵm con từng ly, từng tí. Có điều ban ngày chị không được về nhà nên con bé đi học về ở nhà một mình, tự ăn trưa rồi học bài đến tối chị mới về. Vì nó là con gái lại chăm ngoan nên chị rất tin tưởng con. Cho đến một hôm, chị thấy con gái thật khác lạ. Vừa bưng mâm cơm lên là nôn thốc, nôn tháo. Chị lo lắng chở con đi khám thì hốt hoảng nghe bác sĩ nói nó đã có thai được 12 tuần. Chị thấy trời đất quay cuồng, đứng không vững. Về nhà gặng hỏi mãi con bé mới kể: Buổi trưa cậu bạn cùng lớp, nhà ở xa, bố mẹ cũng đi làm cả ngày nên thường đến nhà ăn cơm và rồi hai đứa đã làm chuyện người lớn. Nghe con nói, chị chỉ biết ôm con vào lòng và khóc. Thương con đến đứt từng khúc ruột. Cũng tại chị quá tin tưởng con mà không sát sao với nó. Trong lúc hai mẹ con đang không biết làm thế nào thì bố mẹ cậu bạn đến hỏi cưới. Nhà cậu ta cũng neo người nên nghe nói con chị có bầu họ liền đến ngay. “Thôi chị ạ. Con dại, cái mang. Chúng nó cũng chưa biết gì đâu. Nhưng mình là cha, là mẹ thì phải định hướng cho chúng. Đằng nào sự việc cũng rồi. Phá thai đi phải tội”. Chị còn biết làm gì được ngoài việc gật đầu đồng ý. Con gái về nhà chồng khi tuổi vừa 17. Hai vợ chồng con nít, nghỉ học, sinh con, cãi vã suốt ngày. Thằng chồng con nhà giàu, ham chơi điện tử. Cứ có tiền là ra quán điện tử chơi đến thâu đêm, suốt sáng. Con gái chị lại về khóc lóc, kể lể. Chị chỉ còn biết động viên con cố gắng chịu đựng, vài năm nữa chồng thêm vài tuổi nó sẽ chín chắn hơn. - Vậy thôi nhưng số con cũng còn may chán đấy con ạ - chị vỗ về con - Nó mải chơi nhưng có bao giờ đánh đập con đâu. Không như mẹ ngày trước, sợ bố mày như sợ cọp. Hơn nữa, bố mẹ chồng con là người tử tế. Con chịu khó chăm con. Khi nào rỗi thì xúm xít với ông bà mà lo việc nhà. Ngày nào chị cũng khuyên bảo, động viên con như thế. Chị mong thời gian trôi thật nhanh, hy vọng cùng với thời gian con rể trưởng thành để con gái chị đỡ khổ. Suy cho cùng chúng còn trẻ. Ông bà thông gia cũng chăm bẵm con chị như con gái nên chị cũng phần nào yên tâm. Chỉ tội con gái chị cũng còn trẻ người, non dạ. Thấy các bạn tuổi xuân phơi phới còn mình thì suốt ngày ôm con ở nhà chờ chồng đi đánh điện tử về nên sinh chán nản. Rõ tội. Chị thở dài. Con đi lấy chồng, chị ở nhà một mình cũng có người để ý, hỏi han. Nhưng vết thương lòng trong chị vẫn chưa nguôi ngoai nên chị chưa sẵn sàng đón nhận tình cảm mới. Khổ nỗi, mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng xương cốt của chị đau rệu rã. Ngày trước, chị ngồi cả ngày bên chiếc máy khâu cũng không thấy đau lưng, mỏi gối mà giờ ngồi một tí chị đã thấy không chịu đựng được. Công ty chị sản xuất theo dây chuyền. Sự chậm trễ của chị làm dây chuyền bị ách tắc. Phần vì nể, vì ngại lãnh đạo, đồng nghiệp, phần vì thấy sức khỏe không đảm bảo nên chị xin nghỉ việc ở nhà mở quán nước đầu đường túc tắc mỗi ngày kiếm dăm ba chục cũng đủ rau cháo. Quán nước của chị chủ yếu bán cho dân lái xe taxi ngồi chờ khách. Mấy người này hay chơi lô đề, cờ bạc. Chúng hay hỏi chị: “Sao chị không ghi thêm lô, đề. Nhàn hạ mà cũng kiếm được tiền”. Nghe thế, chị thấy cũng có lý, liền nảy sinh ý định ghi lô, đề cho bà Hoa hàng xóm để kiếm thêm vài đồng. Nghĩ là làm. Chị đến trình bày với bà Hoa, được bà ta đồng ý liền. Thế là ngoài bán nước, hàng ngày chị bán thêm lô, đề kiếm thêm dăm ba chục nữa cuộc sống cũng khấm khá hơn. Chị có đồng ra, đồng vào, phụ với thông gia mua sữa cho cháu. Chưa lúc nào chị thấy cuộc sống lại vui vẻ như bây giờ. Con gái chị dạo này cũng bớt kêu ca về chồng. Có lẽ nó chịu mãi cũng quen. Bà Hoa dặn chị phải cẩn thận. Ghi lô, đề phải kín đáo đừng để công an để ý. Chị cũng thấy lo nhưng nghĩ cái quán bé tí của mình ai thèm để ý nên cũng tặc lưỡi cho qua. Không ngờ hôm đó, khi chị vừa ghi xong năm con lô cho ông hàng xóm thì công an ập tới. Họ không mặc trang phục nên lúc đầu chị ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Đến khi họ rút thẻ công an ra thì chị hoảng hốt, khóc lóc, van xin nhưng không được. Chị và ông hàng xóm bị đưa về công an phường, bị thu giữ tiền, điện thoại, giấy tờ. Chị bị kết án về tội đánh bạc, bị xử phạt 40 tháng tù nhưng trong thời gian điều tra họ cho chị tại ngoại. Ngày mai, chị phải đi tù. Nước mắt chị ứa ra. Chị nhớ lại hôm chị bị đưa ra xét xử, tiếng cô kiểm sát viên lanh lảnh: “Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã xâm phạm đến trật tự công cộng, gây thiệt hại về kinh tế, tạo ra nguồn thu nhập không chính đáng cho một số người. Nhiều gia đình đã lụi bại về kinh tế, vợ chồng, con cái mâu thuẫn, nhiều hạnh phúc gia đình tan vỡ có nguyên nhân xuất phát từ cờ bạc. Ngoài ra, nạn cờ bạc còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại tội phạm khác. Vì vậy, cần phải xử lý bị cáo một mức án nghiêm minh. Cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian...”. Tai chị ù đi. Sao chị không nghĩ ra điều này? Chị chỉ nghĩ làm thế nào để kiếm ra tiền trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. Chị không nghĩ tới việc chị cũng đã từng là nạn nhân của một tệ nạn xã hội. Đời chị có lẽ không bao giờ quên được cảm giác đứng trước vành móng ngựa. Chị trở thành tội phạm, là người nguy hiểm cho xã hội. Chị nức nở. Chị phải trả giá cho hành động thiếu suy nghĩ của mình. Chị chẳng trách được ai, chỉ trách bản thân mình đã nông nổi. Rồi bạn bè, hàng xóm sẽ nghĩ chị như thế nào? Cả thông gia nữa?... Chị sợ những ánh mắt dè bỉu của mọi người. Tội nghiệp con gái chị! Nó đã có một người cha rượu chè bê tha, giờ nó lại có người mẹ bị tù tội. Tim chị đau nhói. Bao trăn trở làm chị không ngủ được. Tiếng cô kiểm sát viên lại vọng về bên tai chị: “Xét bị cáo lần đầu phạm tội, từ trước đến nay có nhân thân tốt. Sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo và rất ăn năn về hành vi phạm tội của mình. Đề nghị hội đồng xét xử khi nghị án, giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt để bị cáo sớm đoàn tụ gia đình, làm lại cuộc đời”. Làm lại cuộc đời? Phải rồi, chị mới hơn bốn mươi tuổi. Chị còn có con gái, còn có cháu ngoại. Cu Bi của chị ngoan lắm, dễ thương lắm! “Nhất định bà sẽ cải tạo tốt, sớm trở về với cháu”. Nghĩ tới đây, chị nhắm mắt lại cố tìm giấc ngủ. “Mình phải ngủ để giữ gìn sức khỏe. Mình sẽ cải tạo tốt. Mình sẽ sớm trở về. Mình sẽ...”. Gian nhà yên tĩnh. Tiếng đồng hồ vẫn tích tắc kêu. Tiếng thở của chị đều đều. Chị chìm trong giấc ngủ.
Trần Thị Hương Thảo
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |