Chi tiết tin tức

Thói quen của những con đường

19:52:00 - 24/09/2017
(PGNĐ) -  1. Cách đây 30 năm, nơi này còn là một nghĩa địa, là một ngọn đồi. Cuộc di dời tất cả những nghĩa địa nằm trong thành phố hoàn tất. Để tránh sự lo ngại của người dân cho rằng phải sống chung với người chết, chính quyền đã hốt đi một lớp đất khá sâu rồi mới bắt đầu xây trên nền đất cũ một chung cư 7 tầng. Giờ đây, khu vực này có cái tên rất gọn là lầu 7. Khu lầu 7 rất ít người tới mua nhà hoặc thuê phòng để ở, dù giá đưa ra khá rẻ so với nhiều chung cư khác. Lý do có thể giải thích là người ta bị ám ảnh là phải sống trên một nghĩa địa cũ, mà đã từng là nghĩa địa thì sẽ có hồn ma. 

 

con duong 1.jpg
Ảnh minh họa

Ở trên tầng 5 lại càng vắng vẻ người ở, còn rất nhiều phòng bỏ trống. Sau khi ly dị với vợ, bán căn nhà cũ chia làm mấy phần, ông Hưng chọn mua căn phòng nhỏ ở chung cư này để sống. Gần 30 năm sống có người đàn bà bên cạnh, giờ bước qua tuổi 50, nhẹ nhàng như con chim bay trong không gian của mình, ông Hưng có cảm giác như mình vừa trải qua một cuộc hồi sinh. Không hồi sinh sao được khi ông thoát ra khỏi cái tính nói dai, nói dài của bà Ngoạn, ông có thể thức dậy vào bất cứ lúc nào ông thích, ông có thể tự do ra quán nhậu với bạn bè mà không bị bà Ngoạn gọi điện chì chiết: “Ông già rồi mà như đứa con nít, giờ này còn la cà quán xá. Có về nhà ăn cơm không?”. Thế là phải bỏ cuộc vui nửa chừng, leo lên xe mà về, mặc kệ bạn bè bảo ông là người đàn ông sợ vợ thật.

Mà ông sợ bà Ngoạn thật. Cái sợ cứ thấm dần trong da thịt, trong tiềm thức của ông từ cái ngày ông bị tai nạn xe máy do đi ăn đám giỗ về, quá chén, lệch tay lái tự đâm xe vào một trụ đèn bên đường. Tai nạn làm cho chân trái ông bị gãy, sau khi điều trị xong thì ông trở thành tàn tật. Cũng từ ngày đó bà Ngoạn trở thành trụ cột, lo toàn bộ kinh tế gia đình.

Người đàn bà nắm quyền cai quản trong nhà đã thoát ra khỏi hình ảnh cô học trò lớp 12, áo dài trắng tinh khôi cùng hẹn hò với ông trong quán kem, chậm rãi múc từng muỗng kem đưa vào đôi môi đỏ xinh, trở thành một người đàn bà khó tính. Một gia đình muốn tồn tại không phải chỉ có những thành viên, mà là đủ mọi thứ phải chi tiêu từ cơm áo, mắm muối cho đến quan hệ tang gia, cưới xin, hiếu hỉ, giao tiếp bạn bè. Mọi thứ chi tiêu đó đều trút lên đôi vai của bà Ngoạn. Còn ông thì lại quá rảnh rang để thong dong đến nơi này nơi nọ. Ông bắt đầu làm thơ, và gia nhập vào hội thơ như niềm vui của mình, quên đi không khí ngột ngạt của gia đình.

Ông quyết định chia tay bà Ngoạn khi có bóng một người đàn bà khác xuất hiện. Đó là một cô gái mới vừa qua tuổi 30, bán cà-phê ở góc phố gần Hội Văn học nghệ thuật. Dẫu chỉ là quán cà-phê nhỏ nằm chen lẩn giữa hàng ngàn quán cà-phê cóc trong lòng thành phố. Nhưng quán cà-phê của Thúy rất có tính cách nghệ sĩ vì cô cũng làm thơ. Những người làm thơ mới có thể nghe người khác đọc thơ cho mình nghe. Bởi cuộc sống nhộn nhịp bây giờ, có nhiều người chỉ có mỗi việc mở màn hình tivi ra xem những phim truyện, chương trình ca nhạc. Họ không đọc báo để biết tin tức huống chi là đọc thơ và làm thơ. Ông yêu Thúy theo kiểu một người làm thơ.

Thúy có một đứa con gái nhỏ, kết quả của một cuộc tình rồ dại. Đó là mối tình diễn ra trong vòng một tháng ngắn ngủi với một anh chàng Việt kiều. Kết quả mối tình ấy để lại cho Thúy một đứa con gái, còn chàng Việt kiều rời khỏi nước và không hẹn ngày trở lại. Ông Hưng ghé chỗ Thúy khởi đầu chỉ là để uống cà-phê. Rồi cuộc sống luôn luôn có những bất ngờ không giải thích được, khi trong đám đông lô xô như những cây si chờ đợi nụ cười của cô bán cà-phê, ông Hưng đã trở thành thân thiết. Mỗi ngày dù bận rộn tới đâu, ông cũng dành chút thời giờ đến quán, để nhìn Thúy xinh tươi. Có Thúy, ông Hưng giống như một cây khô bắt đầu được bón phân, tưới nước.

Trong đời sống gia đình, khi có một nhân tố thứ ba xuất hiện thì có nhiều tình huống giải quyết. Thường thì người phụ nữ trong gia đình luôn cam chịu để giữ trọn vẹn hạnh phúc mà mình có dược, chỉ đợi một ngày người chồng chán chê người đàn bà đó mà trở về. Nhưng có người đàn bà dứt khoát tuyên bố chia tay, như bà Ngoạn chẳng hạn. Bà không đánh ghen ầm ĩ, cũng chẳng khóc lóc van xin. Bà cũng không làm một động tác gì để giữ chồng. Có thể trái tim của bà đã cạn những yêu thương, và có thể bà nghĩ rằng ông Hưng không thể tự sống một mình.

Nhưng khi ông Hưng dọn ra ở riêng trong căn phòng nhỏ ở tầng năm khu lầu 7 này thì chàng Việt kiều năm xưa của cô bán cà-phê tên Thúy xuất hiện. Tình cũ không rủ cũng tới, câu đó cổ nhân đã nói. Thúy rũ bỏ ông đi theo người tình cũ. Ông Hưng lại thành một người đàn ông độc thân.

2. Đôi khi người ta thèm một thứ gì đó nằm trong ký ức xa lắc. Ông Hưng cũng vậy. Ông bỗng nhàm chán sự tự do mà ông đang có mà ông gọi là tự do. Căn phòng ở tầng 5 của ông thường xuyên vắng cả bóng ông. Ông sợ trở về ở cái chốn riêng tư mà đằng đẵng một thời gian dài, đó là điều ông tìm cách để đạt được. Ông sợ phải tự mình mở cửa. Đôi khi say mèm vì quá chén với bạn bè ở một quán bia nào đó, ông loay hoay mãi không tra được chìa khóa vào ổ khóa. Trong cơn say, ông thèm được pha một ly nước chanh nóng với nhiều chanh và ít đường. Nhưng ai pha cho ông? Không có một ai ngoài ông trong cái chốn riêng tư mà ông chọn lựa. Thỉnh thoảng lại nhớ đến tô canh chua nấu với cá cơm hay cá lạt. Ông thích ăn món canh chua từ lâu rồi, ông quen cả cách nêm nếm gia vị cho tô canh của bà Ngoạn. Lạ cho ông, khi đã dứt khoát chia tay với người đàn bà ấy, lại nhớ về tô canh chua bốc khói. Khi bệnh, ông ước ao có một người đàn bà cạo gió hay nấu cho ông một nồi nước xông. Nhưng người đàn bà nào đây?

Ông có nhờ bên tư vấn tìm kiếm việc làm kiếm cho ông một người dọn nhà theo giờ. Theo quy định thì vào sáng thứ Bảy, chị Ấn tới giặt giũ, ủi đồ, lau nhà, xếp đặt lại mọi thứ bề bộn trong căn phòng của ông. Thỉnh thoảng chị giúp nấu cho ông bữa cơm. Người đàn bà 37 tuổi cần mẫn làm việc linh tinh cho các gia đình độc thân, chính xác là cho các người đàn ông độc thân, luôn dắt theo bên mình một đứa con trai khoảng 10 tuổi. Chị Ấn bảo: “Để cháu phụ với mẹ một số công việc”. Nhưng ông hiểu đó là cách bảo vệ an toàn của một người đàn bà. Bởi khi làm việc trong nhà của một người đàn ông neo đơn, có thể chị sẽ rơi vào tình huống phức tạp, nếu không có đứa con trai bên cạnh như một vật chắn cho mẹ. Thỉnh thoảng, ông nhờ chị cùng ngồi ăn chung với ông một bữa cơm, chị nhận lời. Bữa cơm có người so đũa, có người nói chuyện khiến cho ông ngon miệng hơn. Chị Ấn nói với ông: “Đàn ông chẳng bao giờ sống được một mình”. Câu nói của người đàn bà ít học ấy ngẫm lại như một triết lý.

Cái tuổi 50 của nhiều người có thể háo hức để tìm đến một cuộc tình mới, sau khi đã chia tay với vợ. Tuổi 50 không thể gọi là già, mái tóc của ông chỉ có dăm sợi bạc lả lơi làm duyên khiến cho ông trở nên có duyên. Trong đám đông của ông, hàng ngày có biết bao cô gái lượn lờ. Những quán xá bây giờ mở ra, có những phòng lạnh bí ẩn. Bước vào những căn phòng lạnh thơm mùi hương hoa ấy, ông sẽ trở thành thượng đế. Chỉ cần có tiền, bao quanh ông sẽ là những nõn nà. Ban đầu ông rộn ràng tận hưởng. Và sự tận hưởng ấy rơi vào khoảng không mênh mông, vì những nhan sắc ấy không thuộc về căn nhà của ông. Những nhan sắc ấy giống như những vật trang trí cho đẹp một khoảng thời gian lộng lẫy. Thỉnh thoảng, trong căn phòng lạnh với những cợt nhả ấy, ông đem bài thơ mới làm của mình đọc cho các cô gái nghe. Họ chẳng hiểu gì hết.

3. Ông Hưng bỗng giật mình khi phóng xe đi trên con phố như một thói quen trong buổi chiều nhạt nhòa ánh nắng. Ông đi theo quán tính theo con đường cũ, đó là con đường có ngôi nhà gần 30 năm ông ở đó, vui buồn ông ở đó, tình yêu ông ở đó. Thói quen đi và về trên một con đường thấm sâu vào ông, rất sâu đến độ không thể nào thay đổi được. Ông tưởng đã thay đổi mình, ông tưởng mình đã đi về con đường khác. Nhưng chiều nay, ông đã trở về con đường cũ, con đường rất cũ của cuộc đời ông.

Khuê Việt Trường

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin