Ươm mầm ước vọng
15:23:00 - 09/07/2015
(PGNĐ) - “Hoa tâm hương ngát Sa-Bà,
Hoa tâm hiện bóng Di-Ðà nơi đây
Hoa tâm gạn hết vơi đầy,
Hoa tâm bừng sáng muôn loài chung vui
Hoa tâm dâng trọn cho người,
Cùng chung xây dựng cảnh đời như nhiên”…
Những vạt nắng cuối ngày đang rớt xuống mái chùa Lưu Ly cong cong dưới tán đa già trên con đê chạy dài tít tắp cuối làng Lý Nhân. Chị gió háo hức vờn quanh làm cành cây khẽ lay động như reo vui cùng thôn xóm mừng hạ tới. Phía chân trời xa xa, ông mặt trời lấp ló sau rặng tre ngà chiếu những tia nắng còn sót lại lên cánh đồng xanh non màu mạ mới. Đâu đó, làn khói bếp bảng lảng đang bay lên từ những nếp ngói đỏ tươi thấp thoáng ven sườn đê…Mấy chú trâu khoan khoái, nằm nhoài mình trên đám cỏ xanh non nhâm nhi cái hương vị mát ngọt của những lọn cỏ sữa đang thì con gái. Góc kia, lại mấy chú đang cặm cụi nhai những dây thài lài lấm tấm chùm nụ tím, chằng chịt bò trên đất. Thỉnh thoảng, chú trâu già nhất đàn lại ngoái đầu, ngọ ngoạy gọi những chú nghé con: “Nghé….ọ…..”, “Nghé….ọ….” đến chỗ bụi cỏ tốt để kiếm bữa no say cùng chú. Cái đuôi thì không ngừng phe phảy lên tấm lưng bóng nhẫy để xua đuổi những chú ve chỉ trực bám vào mình chú. Bức tranh quê thanh bình biết mấy!
Giữa cái yên bình, dân dã đến mộc mạc nơi làng quê Lý Nhân, văng vẳng tiếng chuông chùa đưa lại như thúc giục bước chân những người dân thôn quê lam lũ trở về nhà sau một ngày lao động cực nhọc để sum vầy, đoàn tụ bên bữa cơm đượm nghĩa tình đầm ấm….
“Ngân vào chiều xế nguội tanh
Nhắc nhau hâm nóng nghĩa tình thủy chung
Ngàn sau biến đổi không cùng
Biết ai bước tiếp, ai dừng chân đi?
Ngân lên xuyên bóng tối dầy
Nhắc nhau dìu dắt đan tay nhau về
Bóng Từ Bi mát chở che
Đường dài hun hút chẳng hề quạnh hiu...”
Khi tiếng chuông cuối cùng dứt hẳn, cũng là lúc trời nhá nhem tối. Trên những chiếc xe đạp cọt kẹt chở đầy bao mạ là tiếng cười khúc khích của các cô, các chị…Đang vào vụ, nhà nhà đều vất vả, tất bật lo cho đồng ruộng. Ước mong sao vụ tới sẽ lại là một mùa bội thu cho nhà nhà no ấm!
Ảnh mang tính chất minh họa
Nhẹ nhàng, ngọt ngào như tiếng mẹ ru con, những lời ca êm ái vang lên từ sân chùa Lưu Ly như hòa tan tất cả những vất vả, khó nhọc của họ chỉ còn lại niềm phấn khởi, mừng vui khi có Thầy:
“Từ lâu lắm con mong Thầy
Cùng tăng ni mau về đây
Đường thiên lý hôm nay Thầy
Cùng phật tử đến nơi này
Niềm hạnh phúc vui sum vầy’’
Dù bận bịu trăm công nghìn việc, vất vả, lam lũ bên ruộng đồng nhưng các bậc cha mẹ làng Lý Nhân vẫn không quên đưa con tới chùa để các con tham dự khóa tu mùa hè do Thầy tổ chức. Đúng 7h tối, các con đã tụ tập đông đảo trước sân chùa. Thầy đứng đó dưới hiên chùa đợi chờ bao ánh mắt thơ ngây tuổi học trò. Các con là những con ngoan, trò giỏi của ông bà, cha mẹ nay còn trở thành những con yêu của Thầy. Ấp ủ bấy lâu nay một tình thương yêu vô hạn không bờ bến, Thầy đêm ngày chăm lo cho đàn con thơ. Mong sao các con có được một mùa hè an lạc, có được một sân chơi bổ ích, tràn ngập niềm vui. Mong sao tuổi thơ của các con được tắm mát dưới ánh hào quang của mười phương Chư Phật. Dọc theo những ngõ nhỏ, từng tốp, từng tốp một các con nắm tay nhau, tung tăng ca hát:
“Nay hè sang, chim lo sau vườn
Ve hòa vang trên nhánh cây bên đường
Xin mẹ cha, em từ giã ngôi nhà mái trường
Em thật xinh trong áo lam dịu dàng
Trong bình minh em bước đi nhẹ nhàng
Môi cười tươi, đón hè tới, tình thương chứa chan”
Sân chùa chẳng mấy chốc đã chật kín người. Tiếng cười vui, nô đùa của các con làm không khí ấm hẳn lên. Những bậc cha mẹ cẩn thận chở con tới tận nơi trao cho Thầy. Thầy cười hiền từ đón các con, ôm các con vào lòng từ bàn tay cha mẹ. Cả ngày tất bật với công việc nhưng Thầy không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại Thầy vẫn bảo: “Thầy làm bằng tất cả tấm lòng của mình. Thầy rất thương tụi trẻ”. Nhân dân ở đây ai cũng quý kính Thầy, thương Thầy nhiều lắm. Họ vẫn tự hào nói với khách thập phương: “Làng con thật có phúc…Từ ngày Thầy về, chúng con được mở mang phật pháp. Bao năm nay chùa bỏ không, đời sống tinh thần của nhân dân vất vả lắm, con cháu hư hỏng nhiều…”. Chỉ cần chứng kiến khuôn mặt phấn khởi của một bà cụ với đôi mắt sáng xóa tan đi những vết nhăn trên da mặt và cái miệng bỏm bẻm miếng trầu cũng đủ cảm nhận được niềm vui mừng của dân làng nơi đây khi được sống trong tình thương bao la của Thầy!
Lặng lẽ với chiếc áo nâu sờn đôi vai, bao cực nhọc, vất vả Thầy đều cam chịu để có thể dành hết tình yêu thương cho mọi người. Thấy được nụ cười của các con thơ trong những giờ sinh hoạt chắc lòng Thầy mừng lắm. Hàng ngày, các con theo sau những chú trâu, chú bò ra bờ đê….Mặt mũi đứa nào cũng đen nhẻm vì cháy nắng. Tối đến các con lại được vui đùa cùng nhau dưới sân chùa. Bao ánh mắt thơ ngây của các con đang mong đợi ở nơi Thầy một niềm tin yêu vô bờ. Nếu không có Thầy, giờ này có lẽ các con đang sa vào những quán net chơi điện tử hay đi đánh nhau, ăn trộm, ăn cắp trái cây trong làng…để lúc về các con lại nhận được những trận đòn nhừ tử của cha, của mẹ.
Mưa! Mưa rả rích trên từng kẽ lá như những bản nhạc không lời nhưng sân chùa vẫn chật kín người. Buổi sinh hoạt của các con bắt đầu vào bằng những lời ca tiếng hát do các con thể hiện. Sau đó, các con ổn định vị trí và khởi động toàn thân cho thoải mái để bước vào khóa tụng kinh Vu Lan trong khoảng 30 phút. Tiếp theo, các con sẽ được nghe pháp hoặc đàm thoại trong vòng 2 giờ đồng hồ. Thầy lựa chọn những đề tài gần gũi và thân thuộc với các con như: “Ơn nghĩa sinh thành”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tâm thương yêu”…để giảng cho các con nghe, từ đó dạy cho con nếp sống đẹp mỗi ngày.
Giống như một đạo diễn xuất sắc, Thầy sắp xếp chương trình rất uyển chuyển. Thầy xen kẽ các trò chơi hoặc giao lưu văn nghệ trong lúc các con học để các con không cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi. Thầy kết hợp với các thầy cô giáo ở các trường Tiểu học, Trung học trong xã để cùng dạy dỗ các con. Sau những buổi học ngoại khoá như: “Tác hại của mạng xã hội đối với giới trẻ”, “Vấn đề bạo động giới tính trong học đường”…đã giúp các con học được những bài học từ thực tế cuộc sống. Đặc biệt, Thầy rèn cho các con thói quen tự tin trước đám đông với những câu hỏi gợi mở, dí dỏm, hài hước nắm bắt được tâm lý của tuổi mới lớn. Thầy dạy cho các con cả những điều giản dị nhất để các con hình thành được nhân cách của mình ngay từ tấm bé. Đó là các con biết nói lời “Cảm ơn” khi cần và “Xin lỗi” khi các con làm sai. Thầy gửi tất cả tình thương các con qua bài giảng. Các con đáp lại tình cảm của Thầy bằng những cánh tay hăng hái phát biểu hay những nụ cười hóm hỉnh, đáng yêu:
“Như làn gió dịu êm
nhẹ đong đưa cánh hoa mềm.
Như hạt mưa chiều về
cho hoa lại thêm tươi xanh.
Như giọt sương long lanh
êm đềm tỏa muôn sức sống.
Như hạt nắng ban mai
tô hồng thêm những cánh hoa.
Tình thầy thật bao la
cho con chắp cánh bay xa”
Khi giọng Thầy ấm áp vang lên là tất cả đạo tràng im phăng phắc. Một không khí trang nghiêm đến lạ thường! Bao nhiêu con mắt trẻ thơ hướng về phía Thầy. Thầy giản dị trong chiếc áo thụng vàng, bàng bạc nhuốm lớp bụi thời gian với nụ cười từ ái. Đôi mắt Thầy chứa chan niềm hy vọng và tin yêu dành cho các con. Có ai thấu được nỗi vất vả của Thầy khi một mình gánh vác Phật sự. Có được một buổi sinh hoạt thành công và hiệu quả, Thầy tự tay chuẩn bị từng chi tiết nhỏ: từ chiếc loa, chiếc mích, hay chỗ ngồi cho các con. Thầy đưa tay bật từng chiếc bóng đèn. Khi buổi học kết thúc mới là lúc Thầy dành thời gian cho mình.
Đón mùa Vu lan về, Thầy chuẩn bị chương trình cho các con tập duyệt. Lúc nào rảnh rỗi là các con lại rủ nhau tập kịch dưới tán đa già. Thầy dạy các con nhỏ tập hát, tập múa. Cảm niệm trước tình cảm của Thầy, nhiều phật tử đã công đức sức người, sức của cùng Thầy chăm lo cho các con được tu học đầy đủ. Công ơn của Thầy thật bao la tựa như lời bài hát:
“Ngàу ấу trong cuộc đời nàу khi con vấp ngã, thầу đến bên con nâng bàn tay con dậу, dìu dắt con đi trong tình thương phật pháρ. Ngọn gió nào thổi quɑ đêm nɑу, vầng trăng nào thao thức đêm thâu, rồi tháng năm nhạc nhòɑ phɑi dấu, bụi thời gian sỏi đá cũng rêu phong. Dòng suối nào thầу đã cho con, dòng sông nào dịu mát tim con, từng tháng năm êm đềm lặng lẽ, dáng mai gầу thầу chở che chúng con. Mưɑ nắng phai phôi, giông tố chơi vơi, những νết nhăn đã in hằn trên vầng trán.
Mẹ cha cho con xác thân nàу, rồi một ngàу kia vô thường tan hoại. Ƭhầу cho con đôi mắt trí tuệ, một khi mở ra, đường luân hồi con νĩnh νiễn thoát xa…”.
Đêm đã khuya, ánh trăng cao vời vợi như thao thức cùng Thầy niềm ước vọng : “Làm thế nào để nụ cười còn mãi trên đôi mắt trẻ thơ?!”....
Giữa muôn ngàn sắc hương dị biệt, tình thầy tựa như một đóa hoa tâm gửi trọn mãi nơi làng quê dân dã:
“Hoa tâm hương ngát Sa-Bà,
Hoa tâm hiện bóng Di-Ðà nơi đây
Hoa tâm gạn hết vơi đầy,
Hoa tâm bừng sáng muôn loài chung vui
Hoa tâm dâng trọn cho người,
Cùng chung xây dựng cảnh đời như nhiên”…
Tâm Hà
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|